Lại một câu nói nổi tiếng: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.”
Chuyện ngụ ngôn “Những người mù xem voi” đã minh họa một cách sinh động câu nói trên. Người sờ chân voi thì bảo voi giống hình cây cột nhà, người sờ tai voi thì bảo voi giống hình chiếc quạt …
Như thế, mặc dù chân voi, tai voi đều là “thật” cả, nhưng nó chỉ là “một phần” của “sự thật” do đó các đáp án: voi giống cây cột nhà, hoặc voi giống chiếc quạt … đều sai cả.
*
Chúng ta không mù. Chúng ta nhìn thấy con voi bằng xương bằng thịt. Nó đang đứng trước mặt. Nhưng liệu chúng ta có biết “con voi” thực tế là như thế nào không? Chẳng qua chúng ta cũng chỉ nhìn thấy cái lớp da, cái “ngoại hình” của nó mà thôi, còn bao nhiêu thứ quan trọng khác như tập tính bầy đàn, đời sống sinh lý, dinh dưỡng, các bộ máy bên trong như tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp… thì chúng ta mù tịt.
Vậy thì cái mà chúng ta tự hào là đã biết sự thật về con voi cũng chỉ hơn những người mù chút đỉnh, cũng chỉ là “trong thế giới người mù, kẻ chột làm vua” mà thôi.
*
“Một nửa sự thật không phải là sự thật”
Chưa thấy ai lên tiếng phản bác nó. Nhưng trong từng phút từng giây, trên khắp thế giới, câu nói ấy luôn luôn bị thực tế phản bác. Trong rất nhiều trường hợp “một nửa sự thật”, một phần trăm sự thật, thậm chí không có chút sự thật nào mà vẫn được cho là sự thật.
*
“Một nửa sự thật không phải là sự thật”
Nhưng hình như trên đời này SỰ THẬT LUÔN CHỈ CÓ MỘT NỬA.
Tôi chưa thấy có sự thật nào toàn vẹn. Sự thật của phe này luôn là sự giả của phe đối nghịch, điều tốt của người này lại là cái xấu đối với người kia. Chính quyền thì nói: ”Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân” nhưng nhân dân lại nói: “quốc hội chỉ là bù nhìn”. Nhà nước mô tả quan hệ Việt-Trung là “bốn tốt: láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” nhưng nhân dân lại nói: “Trung quốc xâm lược”.
*
“Sự thật” giống như nước: không thể nắm bắt nó được, nó chảy, nó trơn tuột, nó không có hình dạng nhất định. Nó là một con quái vật vừa vô hình vừa hữu hình, lúc ở bên trái, lúc bên phải, lúc sáng, lúc tối, khi có màu đỏ, khi có màu xanh, màu vàng, khi tròn, khi vuông, khi tuôn chảy, khi yên tĩnh, khi gầm thét, khi trầm lặng.
*
Đừng mong tìm ra sự thật nếu chúng ta không biết mình đang đứng ở đâu. Chỉ cần chọn sai góc nhìn bạn sẽ thấy sự thật thành sự sai lầm và ngược lại. Khi đã chọn đúng góc nhìn thì cho dù chúng ta có cầm trong tay một nửa sự thật thì nó vẫn là sự thật. Trong trường hợp ngược lại, cho dù chúng ta có cầm trong tay một trăm “sự thật” thì nó cũng chỉ là đồ giả mà thôi.