Hiện nay, tình trạng tảo hôn ở vùng nông thôn miền núi, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống vẫn diễn ra phổ biến. Đã có rất nhiều đứa trẻ ở vùng cao chưa kịp lớn đã trở thành cha mẹ.
Theo số liệu của Vụ Gia đình, thuộc Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em cho biết, ở 15 tỉnh vùng núi trong cả nước có tỷ lệ kết hôn sớm khá cao. Như ở tỉnh Cao bằng là 5,72%, Hà giang 5,1%..., thậm chí có các xã ở Yên bái có tỷ lệ lên tới 21%.
Đánh giá về tình trạng tảo hôn ở các vùng cao hiện nay, ông Phạm Tuấn Mạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc nói với chúng tôi:
“Qua phân tích các số liệu điều tra của Tổng cục Dân số, các Bộ ngành và Tổng cục Thống kê cho thấy, địa bàn vùng núi phía bắc, đặc biệt là Tây bắc, Tây nguyên là những địa bàn có vấn đề tảo hôn với tỷ lệ cao.”
Tình trạng tảo hôn đối với các học sinh là trường hợp phổ biến ở vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Xuyến, trường Trung học cơ sở, xã Phong nậm, Trùng khánh, Cao bằng cho biết:
“Hàng năm, trường của chúng tôi vẫn xảy ra tình trạng các em học sinh nghỉ học để đi lấy chồng, cá biệt còn có học sinh lớp 6, mà độ tuổi các em chỉ khoảng 13 tuổi thôi. Nhưng đó là thực tế đã xảy ra với trường của chúng tôi. Ban giám hiệu chúng tôi cũng đã liên lạc với chính quyền địa phương, song vấn đề này họ cũng ít quan tâm.”
Kết hôn sớm là phong tục, nếu không cho con kết hôn sớm thì cha mẹ sẽ bị làng xóm chê cười, nói về lý do vì sao lại cho con tảo hôn khi còn ở tuổi học trò. Ông Vừ A Dìn, ở xã Sán Chải, Si Ma Cai, Lào Cai cho biết:
"Hàng năm, trường của chúng tôi vẫn xảy ra tình trạng các em học sinh nghỉ học để đi lấy chồng, cá biệt còn có học sinh lớp 6, mà độ tuổi các em chỉ khoảng 13 tuổi thôi"
“Chúng nó phải lấy nhau để xây dựng cuộc sống, theo phong tục ở nơi đây thì con gái đến 18 tuổi mà không có chồng thì họ bảo là bị ế rồi. Con trai 20 tuổi chưa vợ thì cũng thế.”
Theo báo Người Lao Động, ông Hồ Văn Liên, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, rất nhiều đứa trẻ ở huyện miền núi A Lưới vẫn kết hôn sau tuổi lên 10. Và hầu như năm nào ở xã này cũng có 10 cặp tảo hôn. Đây chỉ là số trường hợp mà xã nắm được, vì các cặp vợ chồng trẻ đều không đăng ký kết hôn.
Vợ chồng Rơ Châm Rơn và Rơ Châm Nuch. Ảnh: Đinh Yến/Gia Lai online Photo: RFA
Khi được hỏi nguyên nhân do đâu việc tảo hôn ở vùng cao là phổ biến?
Việc kết hôn ở vùng đồng bào dân tộc vẫn dựa trên phong tục tập quán cũ, do đồng bào dân tộc cũng có tâm lý muốn con cái có gia đình sớm để có người nối dõi và có thêm lao động, nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống khi bố mẹ về già. Ông Phạm Tuấn Mạnh khẳng định:
“Việc tảo hôn của động bào các dân tộc chịu sự chi phối rất nhiều của phong tục, tập quán. Chẳng hạn quan niệm có con sớm, có con trai sẽ tăng số người lao động hay kết hôn để lưu giữ tài sản của dòng tộc.”