Những năm gần đây, mạng xã hội (MXH) đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. MXH đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của MXH, song cũng phải nhận thấy, các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại tư tưởng, “diễn biến hòa bình” và các hoạt động phạm tội khác.
Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, MXH là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
Nhìn từ góc độ văn hóa- xã hội, MXH là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường internet. Chính vì thế, MXH có thể coi là một loại hình cộng đồng song mang tính chất ảo, trong đó bao gồm nhiều cộng đồng trực tuyến khác nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người. Một số cộng đồng như Facebook, Youtube, Zalo… thu hút một số lượng lớn người tham gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Ảnh minh họa Tại Việt Nam, các MXH bắt đầu du nhập từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog). Đến nay, có khoảng 270 MXH được cấp giấy phép hoạt động với khoảng 35 triệu người dùng, chiếm 37% dân số. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào MXH hơn 2 giờ. Đối tượng sử dụng mạng internet thường xuyên nhất là nhóm lứa tuổi từ 15-40 tuổi. Nhóm đối tượng này chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động. Nhìn chung, họ là những người trẻ, có điều kiện tiếp cận với máy tính và mạng internet, nhanh nhạy trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ cũng như những trào lưu mới trên thế giới.
Ngày nay, bất kỳ ai chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối internet đều có thể tham gia vào MXH. Với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích, nổi bật là: (1) MXH ngày càng góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ. Trong những năm qua, tình trạng quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hách dịch tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chính quyền, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng một chính quyền gần dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, vai trò của MXH đã và đang được các cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng một cách có hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Ví dụ như tháng 10/2015, Chính phủ đã lập 02 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế- xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, khuyến khích người dân đồng hành cùng chính phủ, góp phần thiết thực định hướng dư luận trên MXH.
(2)MXH góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người. MXH đang ngày càng trở thành nơi cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, người dùng sẽ luôn nhận được những thông tin cập nhật kịp thời về lĩnh vực, vấn đề mà mình quan tâm theo dõi. Qua đó giúp họ có thể nắm bắt được các xu thế của đời sống phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, trên MXH có nhiều trang dạy kỹ năng sống như ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể thao… giúp người dùng có những kỹ năng cơ bản cần thiết trong cuộc sống hiện đại mà không cần đến lớp hay đóng học phí.
(3)MXH góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng. Văn hóa MXH là một bộ phận của văn hóa cộng đồng và có ảnh hưởng ngày càng lớn đến văn hóa cộng đồng. Nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, MXH cho phép người dùng có thể kết nối, tương tác với bạn bè, gia đình, cộng đồng ngày một thuận tiện hơn. Người dùng có thể dễ dàng chia sẽ tình cảm, niềm vui, nổi buồn… với cộng đồng. Sự tham gia của cá nhân vào các công việc chung của cộng đồng cũng được thúc đẩy. Thực tế từ khi MXH phát triển, việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện sinh động hơn. Công tác xã hội như cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo… có nhiều khởi sắc. Nội lực của cộng đồng được phát huy hiệu quả hơn trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội. Các hình thức kinh doanh online trên MXH của cá nhân và doanh nghiệp ngày càng phát triển, mang tính chuyên nghiệp.
(4)MXH góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Việt Nam.Các MXH, nhất là MXH xuyên quốc gia như Facebook, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, thúc đẩy xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc ta với các dân tộc khác trên thế giới. Thông qua MXH, thế giới biết đến Việt Nam hơn như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý, năng động với một kho tàng các giá trị văn hóa phong phú, đầy bản sắc.
Bên cạnh mặt tích cực, MXH cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và an ninh trật tự, điển hình là:
(1)MXH đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại tư tưởng. Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã lập ra và sử dụng hàng ngàn trang MXH vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Chúng tập trung xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, nhiều trang MXH của bọn phản động trong- ngoài như “Dân làm báo”, “Quan làm báo”… thường xuyên đăng tải những bài viết với lời lẽ chống Đảng, chống chế độ một cách điên cuồng, mù quáng. Chúng tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách đó là sai lầm và đòi xóa bỏ. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của chính quyền các cấp, các vụ phức tạp như Đồng Tâm (Hà Nội), ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra ở các tỉnh miền Trung, việc thảo luận dự luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt… để kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.
(2)MXH làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước. Trong số 35 triệu người dân Việt Nam sử dụng MXH, có không ít người là cán bộ, đảng viên, làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật nhà nước. Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên MXH hoặc sử dụng MXH làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, trách nhiệm ý thức bảo mật chưa tốt, làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước. Lợi dụng các vụ lộ lọt bí mật nhà nước trên internet, nhiều đối tượng đã đăng tải lại các tài liệu mật trên MXH, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu chính quyền.
(3)MXH tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa. MXH phát triển làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi MXH phát triển thì dòng chảy của những cuộc bá quyền, xâm lăng văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn về cường độ, mở rộng về quy mô, tác động đến hầu hết các cá nhân, nhất là số người trẻ. Xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống, các giá trị phương Tây, như tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên MXH đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, giật gân câu “like” trên MXH ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận. Một số vụ việc trên MXH (như BOT giao thông) thu hút số lượng rất lớn người quan tâm, theo dõi, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử.
(4)MXH đang trở thành công cụ, môi trường “màu mỡ” để tội phạm lợi dụng hoạt động. Với đặc tính ảo, MXH thường xuyên được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng MXH làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác.
Từ những phân tích nêu trên, vấn đề đặt ra là đi đôi với việc phát triển MXH cần phải có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng để MXH thực sự có ích và mang lại hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ, tác động xấu từ MXH đến an ninh, trật tự. Để đảm bảo yêu cầu trên, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, Đảng, Nhà nước chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet nói chung, MXH nói riêng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi cung cấp và sử dụng MXH.
Hai là, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan trong việc xây dựng và triển khai Đề án huy động cán bộ, đảng viên tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên MXH. Cần xác định việc đấu tranh, phản bác là nhiệm vụ chính trị của mỗi đảng viên, huy động được sự tham gia đông đảo của toàn bộ hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, từng bước xây dựng được thế trận lòng dân trên không gian mạng nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Ba là, nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với MXH. Tập trung hoàn thiện, thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật an toàn thông tin mạng và Luật an ninh mạng vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5; xây dựng các giải pháp kỹ thuật mang tính chủ động, kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên cơ sở các dự báo khoa học về sự phát triển của MXH và phương châm khuyến khích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của MXH.
Bốn là, lực lượng Công an đẩy mạnh công tác đấu tranh với các đối tượng lợi dụng MXH xâm phạm an ninh trật tự; triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, quán triệt phương châm “an ninh chủ động”, kịp thời phát hiện, tấn công, vô hiệu hóa các trang MXH của các đối tượng có hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước. Tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng MXH để hoạt động. Chủ động trao đổi thông tin, phối hợp với các cơ quan tuyên giáo, ngoại giao, thông tin, truyền thông và các cơ quan khác trong việc thông tin tuyên truyền về các vụ việc vi phạm của các đối tượng để kịp thời định hướng dư luận, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tự do ngôn luận để can thiệp vào công việc nội bộ của ta.