Trong cuộc sống, con người rất cần những động lực tinh thần. Nhất là khi, sự sống của con người chỉ còn trong gang tấc thì niềm tin vào một điều kì diệu và phép nhiệm màu mãnh liệt hơn bao giờ hết. O Hen-ri đã kể cho ta nghe một câu chuyện kì lạ và kì diệu về sự chiến thắng tử thần bằng một niềm tin thơ ngây nhưng hết sức mãnh liệt của một cô gái nghèo khổ, yếu đuối. Tâm trạng của Giôn-xi khi Xiu vén bức màn lên và chiếc lá thường xuân xuất hiện trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri luôn làm hồi hộp trái tim biết bao người đọc về tâm trạng con người giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Giôn-xi là một trong hai nhân vật nữ của câu chuyện. Cô là một hoạ sĩ trẻ, sống nghèo khổ cùng một người bạn tên là Xiu. Giôn-xi xuất hiện trong truyện ngắn với một hoàn cảnh rất đáng thương : “Lúc ấy vào mùa đông, Giôn-xi bị bệnh sưng phổi. Bệnh tật và nghèo túng khiến cô tuyệt vọng không muốn sống nữa”. Mùa đông vẫn lặng lẽ trôi qua khu phố nghèo khổ của cô gái bệnh tật. Niềm tin và hi vọng của cô đều gửi cả vào cây thường xuân ngoài cửa sổ. Không phải ngẫu nhiên Giôn-xi lại chú ý tới cây thường xuân như thế. Có lẽ, trong những tháng ngày sống trong bệnh tật và nghèo khó, trong không gian của căn phòng nhỏ, Giôn-xi tìm được điểm đồng điệu giữa cô và cây thường xuân ấy. Mùa đông lạnh lẽo và khắc nghiệt làm cho cây thường xuân rụng dần lá. Cũng như Giôn-xi, bệnh tật và nghèo khổ đang từng ngày từng giờ lấy đi sự sống của cô. Ý nghĩ – chờ khi nào chiếc lá cuối cùng rụng nốt thì cô cũng buông xuôi, lìa đời… luôn thường trực trong tâm trí Giôn‘-xi như ám ảnh của định mệnh, o Hen-ri hiểu được hi vọng mong manh của nhân vật. Ông đã dựng lên một tình huống hết sức độc đáo. Một chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân bình dị có thể làm thay đổi tất cả chăng ?
Trong truyện ngắn, hai lần cô bạn gái tốt bụng Xiu đều làm theo lệnh của Giôn-xi kéo tấm màn lên để cô có thể nhìn thấy cây thường xuân ngoài cửa sổ. Đó là hai lần thử thách tâm trạng của Giôn-xi và của cô bạn gái. Tâm trạng của Giôn-xi thay đổi rõ rệt qua hai lần người bạn kéo tấm màn để cô đối diện với cây thường xuân.
Lần thứ nhất, Giôn-xi đề nghị bạn kéo tấm màn lên trong một tâm trạng hoàn toàn tuyệt vọng, chán chường. Cô “mở to cặp mắt, thẫn thờ nhìn tấm màn mành màu xanh đã kéo xuống” là ánh mắt của một tâm hồn không có sức sống, không còn hi vọng. Giọng thều thào của một con người quá mệt mỏi dường như chỉ chực tan biến của một linh hồn không còn đủ sức để bám trụ vào cõi đời này : “Kéo nó lên, em muốn nhìn”. Trong đó dường như còn ẩn chứa một nỗi sợ vô hình về sự mất mát, tàn phai. Tâm trạng đó mặc dù có hơi ngạc nhiên nhưng thực chất vẫn không thay đổi mặc dù sau tấm màn, chiếc lá thường xuân cuối cùng vẫn dũng cảm treo bám vào cành. “Em cứ tưởng nhất định trong đêm vừa qua nó đã rụng. Em nghe thấy gió thổi. Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết”. Thì ra cả đêm, Giôn-xi nằm nghe gió thổi với ý nghĩ chiếc lá kia không thể sống sót được. Chiếc lá thường xuân khi Xiu vén bức màn lẩn thứ nhất này không đủ mãnh lực để xua tan tâm trạng tuyệt vọng của Giôn-xi. Ám ảnh về cái chết mạnh hơn niềm tin về sự sống trong cô gái trẻ. Đến nỗi, lời động viên cũng chính là lời cầu xin của người bạn đáng thương : “Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn muốn nghĩ đến mình nữa”, Giôn-xi “không trả lời”. Trong tâm hồn yếu đuối ấy, ai cũng biết rằng, cô đã “chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình”. Sợi dây níu giữ cô với tình bạn, với cuộc sống này cứ lỏng dần. Tất cả nặng nề, choán lấy tâm trí Giôn-xi.
Đêm trôi qua, gió bấc lại ào ào với mưa đập mạnh vào cửa sổ và rơi lộp bộp xuống mái hiên thấp. Trời vừa hửng sáng thì Giôn-xi, “con người tàn nhẫn, lại ra lệnh kéo mành lên”. Giôn-xi tàn nhẫn và lạnh lùng với chính bản thân mình, với cuộc sống đang tắt dần trong cơ thể mình. Từ đó, cô không để ý, không quan tâm đến sự lo lắng, chăm sóc ân cần của cô bạn thân. Tàn nhẫn, thờ ơ, chán chường không phải là bản tính của cô mà do bệnh tật, do thiếu nghị lực gây nên. Ta có thể hiểu được tâm trạng lúc này của Giôn-xi mặc dù nhà văn không hể miêu tả. Chắc chắn rằng, Giôn-xi không còn hi vọng được nhìn thấy chiếc lá cuối cùng đó nữa. Cô đã sẵn sàng đón nhận cái chết đến với mình. Ra lệnh cho Xiu vén mành lên cũng chỉ là một cách chắc chắn cho những suy đoán của cô. Nhưng điều kì diệu đã đến. Một câu văn ngắn gọn, với ý nghĩa khẳng định chắc nịch được o Hen-ri đặt riêng một dòng : “Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó”. Câu văn như một linh nghiệm, một phép nhiệm màu có thể làm thay đổi tất cả, đưa con người từ cõi chết trở về. Chiếc lá thường xuân cuối cùng vẫn bám trụ trên cành khiến Giôn-xi “nằm nhìn chiếc lá hồi lâu”. Đó là sự ngạc nhiên, bất ngờ hết sức. Một niềm hạnh phúc không thể nói lên lời. Từ đó là liên tiếp sự thay đổi tâm trạng của cô. Ta nghe như nhựa sống đang cựa mình, linh hồn đang trở về trong những lời nói như một sự thức tỉnh bất ngờ : ““Em thật là một con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi”…, “Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội””. Lời tự trách mình của nhân vật dường như có một sự ân hận về những suy nghĩ bệnh tật của mình. Chiếc lá mong manh mà lầm lì chống chọi với gió bão, với thiên nhiên khắc nghiệt, bám lấy dây leo, bám lấy cuộc sống, nhất định không chịu nạng thật khác xa, thật trái ngược với ý định buông xuôi, chán sống, muốn chết yếu đuối của cô. Sự nhận thức này của Giôn-xi đã bắt đầu xua tan tâm trạng tuyệt vọng của chính mình. “Giờ thì chị có thể cho em xin tí cháo và chút sữa pha ít rượu vang đỏ và – khoan – đưa cho em chiếc gương tay trước đã, rồi xếp mấy chiếc gối lại quanh em, để em ngồi dậy xem chị nấu nướng”. Đây là một Giôn-xi hoàn toàn khác. Ta không còn nhận thấy dấu hiệu nào của sự mệt mỏi, chán chường. Một Giôn-xi đáng yêu và khao khát sống đã trở về. Trong lời nói đó, ta nhận ra cả niềm vui xen lẫn niềm hạnh phúc của một con người mà tàm hồn trước đó đã sẵn sàng lìa xa cuộc sống. Nhất là khi Giôn-xi bộc lộ ước muốn với Xiu : “Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ”, thì lúc này người đọc hoàn toàn tin rằng, Giôn-xi đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống, đã chiến thắng tử thần. Không những lúc này cô tha thiết được sống mà còn là sống có ý nghĩa, sống có hoài bão, khát vọng, sống có ích cho cuộc đời. Cô hoạ sĩ trẻ đã tìm lại được tinh thần và niềm tin yêu vào cuộc sống và hoàn toàn lấy lại được nhiệt tình tuổi trẻ của mình Chính Giôn-xi đã tự chữa bệnh cho mình nhờ chiếc lá, bằng chính sự thay đổi tinh thần, tâm trạng của mình.
Sáng tạo nên câu chuyện cảm động, đẩy tính nhân văn, o Hen-ri muốn con người đừng bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống. Người ta có thể tự chữa trị cho mình bằng, nghị lực, bằng tình yêu cuộc sống, bằng sự đấu tranh và chiến thắng bệnh tật,… Vẽ lên chiếc lá thường xuân kì diệu, tác giả muốn nhắn nhủ con người, nó sẽ là động lực tinh thần, một lực đẩy cần thiết và kịp thời. Còn nội lực phải từ chính con người mà nên.
Hình ảnh Giôn-xi và chiếc lá thường xuân trong truyện ngắn nổi tiếng Chiếc lá cuối cùng của nhà văn o Hen-ri sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí độc giả về một cô gái yếu đuối nhưng đã chiến thắng cái chết bằng chính niềm tin ngây thơ mà mãnh liệt của mình. Con người sẽ tồn tại mãi mãi trên mặt đất này khi nào họ còn nuôi niềm tin vào cuộc sống.