Sự uyển chuyển, linh hoạt về giọng điệu trong lời văn trần thuật của ông đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến một cách thấu đáo ở nhiều bài viết. Đặc điểm này thể hiện rõ trong truyện ngắn Chí Phèo. Ở bài viết có nhan đềCấu trúc đối thoại trong truyện ngắn Chí Phèo, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử không những đề cập đến tính nhiều giọng điệu của tác phẩm mà còn chỉ ra cấu trúc đối thoại trong lời văn trần thuật. Tác giả cho rằng đối với Nam Cao, trong truyện ngắn Chí Phèo, nếu chỉ nói tới nhiều giọng điệu là chưa đủ, bởi tính nhiều giọng từ lâu đã có trong văn, thơ..., vấn đề là cấu trúc đối thoại chi phối tính nhiều giọng đó. Chính giọng điệu đặc biệt đó đã mang đến một khả năng lớn trong việc thể hiện những tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.
Khi nói tới thể loại truyện ngắn Nam Cao thì phải nói tới cách cấu tứ độc đáo của ông. Nam Cao là một trong số ít nhà văn có khả năng cấu tứ tác phẩm để tạo ra sự hứng thú, say mê đặc biệt đối với người tiếp nhận. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã đi sâu tìm hiểu vấn đề này và chỉ ra rằng, khi đọc Nam Cao, từ tiền văn khó có thể đoán ra hậu văn. Sẽ thật nhàm chán, nếu chỉ đọc một vài dòng đầu của một tác phẩm mà có thể biết được kết thúc của nó. Cách cấu tứ của Nam Cao luôn biến hóa bất ngờ, nhờ vậy khi đọc tác phẩm của ông, người đọc luôn luôn giữ được niềm hứng thú từ những dòng đầu cho đến những dòng cuối của truyện.
Bên cạnh đó, Nam Cao còn đóng góp vào sự trưởng thành của thể loại truyện ngắn ở năng lực phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, tài tình. Dường như ông có khả năng hóa thân vào mọi loại người trong xã hội, từ nông dân đến địa chủ, từ dân nghèo thành thị đến trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ. Khi xây dựng chân dung nhân vật, ông luôn chú ý tới dòng ý thức. Nhà văn có khả năng chỉ ra mọi biến thái nhỏ nhất, những xung đột, dằn vặt trước sự tác động của hiện thực xã hội đối với nhân vật. Người đọc đều có thể thấy, sự kiện trong truyện ngắn của Nam Cao rất ít. Cả thiên truyện Đời thừa chủ yếu xoay quanh những mâu thuẫn, biến động trong tâm trạng của nhân vật Hộ. Cái để viết thành truyện trong tác phẩm của Nam Cao cũng hết sức giản đơn. Hơn thế nữa, sự kiện trong tác phẩm của ông chủ yếu là những cái tủn mủn, vụn vặt đời thường: chuyện một con mèo mon men tới mâm cơm khiến hai vợ chồng nhà nọ phải chửi mắng nhau (Con mèo), chuyện một cậu học trò trọ học ở tỉnh về quê không đủ can đảm khi giết thịt một con chó (Cái chết của con Mực), chuyện các vị kỳ mục trong một ngày làng vào đám bị mất đôi móng giò (Đôi móng giò)... Vậy nhưng bằng ngòi bút phân tích tâm lý một cách sắc sảo, nhà văn đã thổi vào trong những cốt truyện đó một sức hấp dẫn diệu kỳ. Người tiếp nhận bị cuốn hút theo dòng tâm tư của nhân vật, cùng dằn vặt, suy tư với nhân vật. Điều gì đã mang đến linh hồn cho những chuyện có thể gọi là không đâu ấy? Đó chính là những trang văn thể hiện chân thực nhất, tinh tế nhất dòng ý thức của tâm trạng nhân vật. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy vai trò quan trọng về vốn sống của nhà văn Nam Cao.
Một thành công quan trọng khác khi nói về truyện ngắn Nam Cao đó là cách khai thác hiện thực xã hội của ông. Nhiều nhà văn hiện thực cùng xu hướng với Nam Cao chủ yếu tập trung đề cập đến những mâu thuẫn giai cấp trong xã hội như mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ... Nam Cao cũng có đề cập đến những mâu thuẫn này, song chủ yếu đi sâu vào những mâu thuẫn trong một con người, một tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, không phải vì thế mà giá trị hiện thực của tác phẩm bị giảm sút. Ngược lại, cách phản ánh hiện thực ấy đã khiến tư tưởng nghệ thuật của nhà văn sâu sắc hơn. Nam Cao có nhiều truyện ngắn viết về các nhân vật là các nhà văn như: Hộ (Đời thừa), Điền (Giăng sáng)... Viết về tầng lớp xã hội mà mình là một thành viên, Nam Cao không ngần ngại khi chỉ ra những nét được gọi là nhược điểm ở họ. Họ đều là những người rất nhạy cảm trước thay đổi tiêu cực của hiện thực, hoàn cảnh, nhưng hầu hết họ đều là những người còn nhiều yếu đuối, bạc nhược, không dám mạnh dạn cải thiện hoàn cảnh. Họ đành cam chịu, an phận với những gì mình có. Họ sợ thay đổi... Thành công này làm cho tác phẩm của Nam Cao có tính hiện thực sâu sắc. Hiện thực mà Nam Cao tái hiện trong tác phẩm là hiện thực ở bề sâu, ở tầng chìm. Hiện thực đó ẩn chứa nhiều tư tưởng nghệ thuật sâu sắc của Nam Cao trước thực trạng xã hội thực dân, phong kiến.
Qua hiện thực xã hội mà Nam Cao phản ánh, có thể nhận thấy nhà văn đã tạo dựng một hệ thống các chủ đề tư tưởng mang nhiều ý nghĩa khái quát lớn. Những chủ đề ấy hầu hết đều quy tụ ở một ý nghĩa phổ quát là sự ám ảnh về những vấn đề cấp thiết của hiện thực xã hội. Tính độc đáo qua các chủ đề trong tác phẩm của Nam Cao có thể được gọi một cách ngắn gọn là các “chủ đề Nam Cao” (Nguyễn Lương Ngọc). Đó là chủ đề về cái đói, cái ăn trong quan hệ với nhân cách của con người; chủ đề về sự tác động của định kiến xã hội đối với số phận của những con người nhỏ bé, tầm thường...
Xuất phát từ những nét khái quát trên về thi pháp thể loại truyện ngắn Nam Cao, chúng tôi muốn đề cập đến việc vận dụng những đặc điểm thi pháp ấy trong việc tiếp nhận một số tác phẩm của ông. Trước hết, bài viết muốn đề cập đến truyện ngắn Chí Phèo. Cho dù khi mới ra mắt bạn đọc với cái nhan đề Đôi lứa xứng đôi, nó hầu như không hề được bạn đọc chú ý, nhưng thời gian càng lùi xa, Chí Phèo càng trở thành một tác phẩm của Nam Cao được nhiều người biết đến hơn cả. Tên tác phẩm, tên nhân vật đã gắn với tên tuổi của nhà văn. Chí Phèo - nhân vật điển hình về số phận của con người trong xã hội cũ đã trở thành một hình tượng nghệ thuật thể hiện dáng dấp, số phận, nhân cách của biết bao người nhỏ bé, tầm thường trong xã hội cũ.
Để có thể tiếp nhận sâu sắc giá trị nghệ thuật của tác phẩm, cần căn cứ vào những luận điểm chung nhất về truyện ngắn Nam Cao, đặc biệt luận điểm về những “chủ đề Nam Cao” là một hướng mang đến những sự cắt nghĩa giá trị của tác phẩm một cách thuyết phục hơn.
Xin được nêu ra việc xem xét số phận nhân vật Chí Phèo từ hai khía cạnh cơ bản: quá trình bị tước đoạt quyền làm người và bi kịch bị từ chối nguyện vọng trở lại làm người lương thiện. Ai đã đẩy Chí Phèo vào con đường lưu manh hóa? Câu hỏi dường như đã được trả lời một cách rõ ràng, đó là Bá Kiến - một kẻ đại diện cho bộ mặt của giai cấp thống trị ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, một trong những nguyên nhân đáng kể khác cần nhắc tới đó là định kiến xã hội. Ngay từ khi còn là một anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành, đối với dân làng Vũ Đại, Chí Phèo cũng chỉ là “thằng không cha không mẹ”. Định kiến về nguồn gốc xuất thân của đa số dân làng Vũ Đại đã khiến họ có thái độ coi thường Chí. Chí chỉ là một thằng con hoang. Không có một tổ ấm gia đình, nên từ ngày người nuôi hắn chết đi, hắn trở thành một kẻ bơ vơ, đi ở cho hết nhà này đến nhà khác. Đó chính là một lý do dẫn hắn đến với gia đình nhà Bá Kiến làm canh điền, để rồi Chí Phèo phải từ bỏ cuộc đời lương thiện, bước vào con đường tù tội, du côn. Trước việc Bá Kiến bỏ tù một con người lương thiện như Chí, hầu như Nam Cao không đả động gì về phản ứng của dân làng Vũ Đại. Họ không dám lên tiếng vì sợ Bá Kiến. Nhưng có một nguyên nhân khác, đó là sự thờ ơ, một sự phó mặc cho sự hoành hành của cái ác. Cái gì khiến họ có một thái độ như vậy. Có thể đó là sự coi thường số phận của một con người vốn xuất thân hèn kém, vốn không cha không mẹ.
Nhưng điều đáng quan tâm hơn nữa về nhân vật Chí Phèo, là bi kịch bị khước từ quyền được làm người, nguyện vọng được trở lại làm người lương thiện. Những gì xảy ra với Chí từ khi hắn từ nhà tù trở về làng đã cho thấy, Chí gần như bị xã hội Vũ Đại tẩy chay, trừ một kẻ cũng thường say sưa như Chí là Tự Lãng và một người đàn bà xấu xí, xấu đến không thể xấu hơn là Thị Nở. Với những gì Chí đã gây ra từ khi trở thành kẻ lưu manh, người ta gọi Chí là con quỷ dữ. Sự ảnh hưởng của định kiến về quá khứ bất hảo đã khiến cộng đồng Vũ Đại không dung nạp hắn. Người ta không thừa nhận sự phục thiện. Họ thẳng thừng bác bỏ nguyện vọng tha thiết được quay trở về với cuộc sống lương thiện của Chí. Họ phũ phàng chặt phăng chiếc cầu nối giữa Chí Phèo và cuộc đời, đó là mối tình của Chí với Thị Nở. Sự đối xử đó của cộng đồng Vũ Đại đã nhanh chóng đẩy số phận Chí Phèo đi tới hồi kết.
Nhân vật Chí Phèo mang một khả năng khái quát lớn. Bằng một trái tim nhân hậu sâu sắc, một trí tuệ, một quan điểm sáng suốt, Nam Cao đã nhìn thấu tâm can của những số phận con người như Chí Phèo. Ông hiểu họ và gián tiếp cho rằng những con người ấy rất có thể sẽ trở lại làm người tốt nếu như được cộng đồng tha thứ. Những trang văn miêu tả tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở đặc biệt tinh tế, xúc động. Thị Nở bằng những hành động chăm sóc rất gần gũi, thân thương đã đánh thức con người lương thiện trong Chí Phèo. Hắn thiết tha muốn trở về với cuộc đời. Sự phục thiện ấy là hoàn toàn chân thành.
Một truyện ngắn đặc sắc khác của Nam Cao mà bài viết muốn đề cập, đó là Đời thừa. Từ trước đến nay, việc tiếp nhận truyện ngắn này chủ yếu đi vào khai thác bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ với những mâu thuẫn đang giằng xé, hành hạ tâm can của anh và việc chỉ ra sự khái quát của truyện ngắn Đời thừa trong việc thể hiện bi kịch “sống mòn”, “chết mòn” của những người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ. Khai thác tác phẩm như vậy là đúng, song mới chỉ nói được những nét cơ bản về tư tưởng của tác phẩm mà chưa có sự quan tâm một cách thỏa đáng tới việc phân tích, chỉ ra những đặc sắc về khả năng phân tích tâm lý tài tình, sắc sảo của Nam Cao trong khi xây dựng chân dung nhân vật. Mặt khác, chưa nói được một cách thỏa đáng về giá trị khái quát hiện thực của tác phẩm.
Đời thừa đã khẳng định khả năng phân tích tâm trạng nhân vật thành công của nhà văn Nam Cao. Qua thiên truyện này, Nam Cao đã sắc sảo đi vào thế giới nội tâm của nhân vật Hộ. Phần lớn những trang văn của tác phẩm chủ yếu thể hiện tâm lý, tâm trạng của nhân vật. Sự kiện trong tác phẩm hầu như không có gì đặc biệt. Cái đặc biệt của Đời thừa lại là những sự kiện của tâm hồn. Ông đã mổ xẻ, đi vào những cung bậc tâm trạng tinh tế của nhân vật. Chính vì vậy, người đọc có thể cảm nhận rất rõ từng sự chuyển biến trong tư tưởng của Hộ. Điều này đã tăng cường tính chân thực của đời sống xã hội mà Nam Cao phản ánh. Đây là điểm mạnh của ngòi bút hiện thực Nam Cao so với các nhà văn cùng xu hướng hiện thực phê phán nói riêng và các nhà văn cùng thời nói chung.
Về tính khái quát của tác phẩm, nếu mới chỉ dừng lại như cách khai thác truyền thống thì vẫn chưa thấy hết được tầm vóc nghệ thuật của tác phẩm, hay nói một cách khác là chưa tiếp cận đầy đủ vấn đề của hiện thực xã hội mà nhà văn đã đặt ra. Rõ ràng, giá trị khái quát của tác phẩm không chỉ bó hẹp ở việc thể hiện tình trạng “sống mòn”, “chết mòn” của người trí thức tiểu tư sản mà tình trạng ấy là hiện thực có tính bao trùm cho nhiều tầng lớp, nhiều giai cấp đang sống quằn quại dưới sự thống trị của chế độ thực dân, phong kiến.
Đời thừa, Chí Phèo và hầu hết tác phẩm Nam Cao trước Cách mạng tháng tám nói chung đều đặt ra một nhu cầu cấp thiết là cần phải thay đổi cái hiện thực xã hội đã trở nên quá ư tù túng, quá ư ngột ngạt. Hơn thế, tác phẩm của Nam Cao như một sự dự báo về một cuộc cách mạng đã đem lại một cuộc đời mới cho nhân dân ta.
Bàn về phương pháp tiếp nhận tác phẩm văn học, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần căn cứ vào đặc trưng thể loại. Điều đó thật đúng, nhưng mới chỉ là một cấp độ. Muốn có những nhận thức sâu sắc hơn, điều tất yếu là không thể bỏ qua những đặc điểm thi pháp thể loại của mỗi một nhà văn để tiếp nhận tác phẩm của họ. Bởi thế, qua bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn nữa đến việc cần dành một sự quan tâm thỏa đáng hơn nữa tới việc tìm hiểu nghiên cứu những đặc điểm thi pháp thể loại của mỗi nhà văn.