Thạch Lam nổi tiếng với lối viết truyện không cần cốt truyện, những truyện ngắn của ông dường như không theo một sự kiện nào cả mà cứ bình bình đạm đạm kể về cuộc sống sinh hoạt của những con người, những kiếp người với giọng văn tinh tế, giản dị và sâu sắc. Thạch Lam rất giỏi trong việc miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật, ông không tả một cái gì trực tiếp mà thường qua những chi tiết, những hành động và lời nói của nhân vật và phác họa nên một tâm hồn phong phú, độc đáo. Nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ là một điển hình của nghệ thuật ấy, từ những cảnh chiều tàn phố thị, những kiếp người tàn nơi tỉnh lẻ, bức tranh tâm hồn và tâm trạng của Liên đã được bộc lộ một cách tinh tế và sâu sắc.
Tâm trạng của Liên trước hết được bộ lộ thông qua sự tinh tế, nhạy cảm của cô trước biến chuyển của thiên nhiên lúc chiều tàn. Cái khung cảnh chiều nhá nhem tối, mọi thứ cứ mịt mù dường như thấm dần vào tâm hồn Liên, tựa như bóng tối ngoài kia đang ngập dần trong mắt cô và Liên "thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn". Một cô bé mới lớn có lẽ buồn vì nhiều thứ, trước hết là cảnh sắc dẫn tâm trạng, sự hiu quạnh, yên ả của làng quê khiến tâm hồn tươi trẻ của Liên cũng dường như chùng xuống. Ngày tàn, thế là lại qua một ngày ở nơi phố huyện nghèo khó, khi màn đêm buông xuống, nơi đây lại càng trở nên lặng lẽ và hiu hắt, với những thứ ánh sáng chập chờn, với những âm thanh rời rạc, thưa thớt. Liên cảm nhận được "một thứ mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương". Cái mùi âm ẩm ấy rõ ràng không phải là một mùi thơm tho, thoải mái mà là một thứ mùi hỗn độn, khó ngửi của rác rưởi, của hơi đất, thế nhưng đối với Liên thì nó lại rất đỗi thân thuộc, Liên thấy gắn bó, thấy yêu thương cái mùi ngai ngái ấy. Như vậy chính cái tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất phố huyện này một thời gian dài đã xua đi hết những cái mùi khó chịu và thay vào đó trong tâm hồn Liên thì đó lại chính là mùi của quên hương, ấm áp, thân thuộc vô cùng.
Ở Liên người ta còn nhận thấy được một tâm hồn với vẻ đẹp nhân hậu, thương yêu con người, tâm trạng của cô đối với từng nhân vật trong tác phẩm đã thể hiện rất rõ nét điều ấy. Với mấy đứa trẻ không quen biết đang lần mò, nhặt nhạnh rác rưởi "Liên động lòng thương, nhưng chị cũng không có tiền để cho chúng nó", từ câu văn ấy ta thấy được sự thương cảm với những đứa trẻ tội nghiệp, cái nghèo khổ đã hành hạ, khiến chúng phải vất vả lần mò trong cảnh chiều tàn, dẫu chúng chỉ mới bắt đầu cuộc đời thôi, nhưng đó cũng có thể là một trong những kiếp người tàn chôn vùi cuộc đời nơi phố huyện. Chị vừa thương lũ trẻ con, nhưng chính bản thân chị cũng bất lực, cũng buồn bã vì không thể giúp đỡ chúng, bởi chị cũng nghèo, chị cũng không có tiền để cho. Với mẹ con chị Tí, Liên vừa thể hiện tấm lòng yêu thương qua lời thăm hỏi, vừa bộc lộ tâm trạng xót xa, ái ngại khi kể về gia cảnh của hai mẹ con. Với bà cụ Thi, một người đàn bà già cả, hơi điên điên, ta lại thấy ở Liên sự thấu hiểu, thông cảm cho một kiếp người tàn tạ vì nghèo đói, dẫu rằng Liên có phần sợ cụ.
Liên dường như già dặn và sâu sắc hơn so với tuổi thật của mình, nhưng ở chị người ta vẫn thấy được những niềm vui thích trẻ con, cũng như An, Liên ưa thích được đi chơi như những đứa trẻ con khác, việc trông hàng quán khiến cô thấy chán nản. Nhưng ở khía cạnh khác Liên cũng lại thấy tự hào vì cảm thấy mình là người con gái lớn và đảm đang, có thể quán xuyến việc ở cửa hàng, cái xà tích và chiếc khóa rương tiền mà chị hằng yêu mến chính là minh chứng cho điều ấy.
Trong cái tối bao trùm phố huyện của trời đất, Liên ngồi đợi chuyến tàu khuya, dẫu đã quen lắm rồi cảnh tối tăm của phố huyện, nhưng trong lòng Liên vẫn mãi không quên về một thời ký ức tuyệt vời ở thủ đô. Ngoài những tháng ngày sống khá giả được đi chơi hồ Tây, được ăn những thứ quà vặt ngon lành thì trong trong ký ức của Liên rõ nét nhất là ánh đèn điện của Hà Nội "một vùng sáng rực và lấp lánh, Hà Nội nhiều đèn quá!", khác hẳn với những ánh đèn chập chờn leo lét nơi tỉnh lẻ. Chính vì vậy đối với Liên, một đoàn tàu sáng rực từ Hà Nội về giữa đêm khuya chính là sự sống là hy vọng là niềm vui, là động lực của cuộc sống bế tắc và chật hẹp này. Trong tâm hồn Liên luôn phảng phất một nỗi buồn không tên đó là "những cảm giác mơ hồ khó hiểu", trước khi đoàn tàu đến. Trông mong bao nhiêu thì khi đoàn tàu vụt qua cũng để lại trong lòng Liên nhiều cảm giác nuối tiếc và hụt hẫng, ánh mắt cô cứ cố dõi theo chuyến tàu đã khuất trong màn đêm mịt mờ như để cố níu giữ điều gì đó, có thể là một chút Hà Nội chăng? Liên luôn có một đôi mắt và một tâm hồn tinh tế, đoàn tàu chỉ lướt qua trong giây lát nhưng chỉ cũng nhận thấy những khác thường "chuyến tàu hôm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sang hơn", lời nhận xét ấy, đôi khi người ta cũng nhận ra chút gì đó gọi là hụt hẫng, buồn buồn trong lòng của cô gái. "Con tàu đã đem một chút thế giới khác đi qua" thế nhưng khi nó đi qua rồi, cũng chẳng để lại gì, ngoài để lại cho Liên một lòng hoài niệm về quá khứ tươi đẹp biết bao, để lại cho cô một nỗi buồn man mác, kéo Liên về với thực tại tối tăm và lẩn quẩn.
Và rốt cuộc, ánh sáng con tàu đã khơi gợi những hy vọng, những ước mơ, nhưng chúng sẽ mãi chẳng trở thành hiện thực nếu con người ta không có những hành động thực tế. Như vậy bức tranh tâm trạng của Liên ngoài việc bộc lộ nghệ thuật xây dựng nhân vật tinh tế và tài tình của Thạch Lam, nó còn khiến độc giả phải nhận ra một thông điệp thật ý nghĩa về cuộc sống mà Thạch Lam muốn truyền đạt trong tác phẩm Hai đứa trẻ.