Nguyễn Khuyến (1835 - 1909), cuộc đời ông nằm trong giai đoạn nước mất nhà tan. Một nhà nho vừa có tâm vừa có tài, ông càng thấm thía nỗi đau - buồn - nhục về hiện tình đất nước. Vì thế, chùm thơ về mùa thu (Thu Điếu, Thu Vịnh, Thu Ẩm) khởi phát từ cõi lòng u uẩn nhà thơ. Ông nhìn cảnh thu bằng tình với vận nước nổi trôi, lòng yêu thiên nhiên tạo vật. Cảnh thu là nguyên cớ để gởi gắm tâm trạng trĩu lòng với đất nước vì bất lực trước hiện tình đất nước: “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” hay chính là lửng lơ, lưng chừng trong tâm hồn, thái độ của nhà thơ: Theo Tây thì không theo nhưng trực tiếp phản kháng, cầm súng chống lại giặc Tây như bao sĩ phu khác thì không đủ sức… đành cáo quan về quê, mãi đến cuối đời cụ vẫn không thôi day dứt trối lại: “Đề vào mấy chữ trong bia / Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”. Nghe tiếng ngỗng trên bầu trời quê hương mình mà thảng thốt “Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”. Nỗi đau như cắt cứa vào trái tim người dân mất nước. Cảnh vẫn đó, nước còn đây nhưng đâu phải đất nước của mình nên buông lời tự vấn, đầy khắc khoải “nước nào?” Âm thanh hoảng loạn của tiếng vịt trời đồng vọng tiếng kêu xé lòng, ai oán của thân phận nô lệ.
Đặc biệt là hai câu kết ở mỗi bài thơ, thể hiện tận cùng tâm trạng, cõi lòng nhà thơ.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo? (Thu Điếu)
Chuyên câu cá kết thúc một cách hững hờ. Nào có đi câu cá để được cá đâu! Thiết gì chăm chú việc câu đâu! Ông miên man nghĩ suy, thả hồn theo vận nước mà buồn, sầu, cô đơn, trống vắng rồi bàng bạc vào trời mây non nước. Một tiếng “động” nhà thơ chợt tỉnh, ta nghe như tiếng thở dài ngao ngán.
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào (Thu Vịnh)
Cái “thẹn” đột ngột” lúc nhớ ra ông Đào Tiềm (365 - 427, từ quan về ở ẩn đời Tấn) làm nhà thơ mất thi hứng cất bút đề thơ. Tại sao? Nguyễn Khuyến cũng từ quan về ẩn nơi “vườn bùi chốn cũ”, sống thanh cao như Đào Tiềm cớ chi phải thẹn! Hay là cụ nghĩ mình còn vướng víu đến Hoàng Cao Khải (Đại thần, thân Pháp dưới triều vua Thành Thái) có lẽ thâm tâm tự thẹn với các sĩ phu chống Pháp bấy giờ “Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”. Tựu trung cái thẹn đó xuất phát từ tâm trong sáng, nhân cách thanh cao cũng là niềm u uẩn không thể giãi bày.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Độ dăm ba chén đã say nhè. (Thu Ẩm)
Cái “say nhè” không phải say vì rượu mà chính là “chếnh choáng”, chán chường mệt mỏi trong tâm tư thấm đẫm nỗi buồn đơn độc đầy ẩn khuất “mượn rượu tiêu sầu” không chia sẻ cùng ai được. Đúng là men say sự đắng chát cuộc đời, thế sự, nỗi niềm cô độc cả lời tự trách. Tất cả hòa vào đắng chát men rượu là vậy.
Ẩn sâu trong ba bức tranh thu làng quê Việt Nam là bức tranh tâm trạng Nguyễn Khuyến được dệt bởi TÂM - TÌNH đối với đất nước trong giai đoạn đau buồn lịch sử dân tộc.