- Học tập :
Kì thi học kỳ I sắp đến, em nhìn lại quá trình học tập của mình trong thời gian qua, em cảm thấy vui vì sự tiến bộ của mình.Trong suốt học kỳ vừa qua, em không nghỉ học buổi nào. Sáng, em học từ bảy giờ. Vào lớp em chăm chú nghe cô giảng bài và hăng hái giơ tay phát biểu xây dựng bài. Trong đợt thi đua hoa điểm mười chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam em được nhiều điểm mười nhất lớp và có tên trong bảng Danh Dự của trường. Hàng tuần, em còn được tuyên dương trước trường nữa đấy. Về nhà, em cố gắng học bài và làm hết bài cô giao. Tối, em soạn sách vở, chuẩn bị đồ dùng học tập cho ngày mai. Trong đợt ôn thi học kỳ I, em đã cố gắng học thuộc bài. Qua sự cố gắng xuyên suốt trong học kỳ I như vậy, em hy vọng em sẽ được học sinh giỏi.Em hứa sẽ phấn đấu hơn nữa trong học kỳ II.
- Trách nhiệm
Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người mà lực lượng chủ yếu là tuổi trẻ.Bởi đó là lực lượng nồng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho non sông Tổ quốc. Tuổi trẻ hôm nay là tôi, là bạn, là những anh chị đang có mặt trên giảng đường đại học, đang hoạt động bằng cả tâm huyết để cống hiến sức trẻ với những đam mê cùng lòng nhiệt tình bốc lửa. Tuổi trẻ tốt thì xã hội tốt, còn xã hội tốt sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trẻ phát triển toàn diện, sinh ra những người con có ích cho đất nước, đó là điều tất yếu, hiển nhiên mà ai cũng biết. Mỗi người chúng ta cũng đi qua thời tuổi trẻ- tuổi của sức mạnh phi thường, của cái tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn và sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Sức mạnh vô sông của tuổi trẻ “sông kia phải chuyển, núi kia phải dời”. Chúng ta chỉ có một lần trong đời là tuổi trẻ vì vậy cần phải nắm bắt, cần đóng góp sức lực cho đất nước. Việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của mọi người, mọi công dân chứ không phải của riêng ai. Nhưng với số lượng đông đảo hàng chục triệu người thì lẽ nào tuổi trẻ lại không thể xây dựng đất nước. Chẳng lẽ chúng ta để cho những cụ già đi khuân vác, lao động nặng, những phụ nữ phải ngày đêm làm việc trong các nhà xưởng đầy khói bụi, những trẻ em phải phụ giúp gia đình ngay còn nhỏ mà “quên” đi việc học hành, lúc đó chúng ta sẽ “làm” gì? Chẳng lẽ ngồi không như một “người bị liệt”. Vì vậy chúng ta phải cố gắng xây dựng đất nước như lời dặn của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Và thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xong pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời kì kháng chiến. Những người con đất nước như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Cách duy nhất là phải học chân chính, học bằng khả năng của mình. Bước vào thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì ai nắm được tri thức thì mới có thể xây dựng đất nước, lèo lái chiếc thuyền số phận của non sông Tổ quốc. Và nhiệm vụ của chúng ta phải học, học nữa, học mãi. Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thì tương lai dân tộc mới sáng lạn, lấp lánh hào quang. Tóm lại, tuổi trẻ là người sẽ quyết định tương lai đất nước sau này. Tuổi trẻ nước ta đầy rẫy nhân tài sẽ góp phần cho dáng hình sứ sở. Ngay từ hôm nay, tôi, bạn và tất cả mọi người phải cố gắng học tập để sau này có thể giúp nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng và phát triển nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
- Văn hóa ứng xử:
Trong khi có nhiều thanh niên tình nguyện tham gia vào các hoạt động mang ý nghĩa xã hội, giúp đỡ cộng đồng: vá xe lưu động miễn phí; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường..., góp phần giữ gìn và làm đẹp hơn những giá trị thiêng liêng vốn có của lễ hội; thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ những người trẻ đã tự làm xấu hình ảnh của mình khi có những hành vi phản cảm, thái quá. Việc thực hành tín ngưỡng ở các lễ hội, dù chỉ là tái hiện, mang tính trình diễn cũng không nên để dẫn đến ẩu đả hoặc gây mất mỹ quan lễ hội. Những ứng xử kém văn minh này đã góp phần làm méo mó những giá trị vốn có của lễ hội. Lâu nay, lễ hội dù được tổ chức ở bất cứ đâu với quy mô to hay nhỏ cũng vẫn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là nơi để công chúng trở về với cội nguồn dân tộc, nguyện cầu những tốt lành. Ðối với thanh niên nói riêng, lễ hội còn là nơi để tìm hiểu lịch sử dân tộc, tưởng nhớ công ơn tiên tổ và rộng hơn là mở ra không gian để giao lưu bạn bè, tham dự vào những trò chơi dân gian mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống. Song có một thực tế là dường như, không ít người trẻ đang đến với lễ hội bằng tâm thế của những kẻ "đi cho biết", nói như các cụ là "vui đâu chầu đấy" chứ không phải để thực hành tín ngưỡng hay giải tỏa tinh thần... Họ đổ xô đi lễ hội nhưng không phải ai cũng hiểu được thần tích, không gian văn hóa, đối tượng hành lễ hay giá trị riêng của lễ hội họ tham gia, thế nên dẫn tới những thái độ ứng xử lệch chuẩn, những hành vi kém văn minh làm suy giảm vẻ đẹp và giá trị của lễ hội. Nếu hiểu cướp hoa đăng hay cướp phết... chỉ là hoạt động hoạt náo, vui vẻ trong lễ hội, chứ đánh nhau để giành lộc, lộc cũng chẳng bao giờ đến tay thì chắc chắn đã không xảy ra những cảnh tượng náo loạn. Tương tự, nếu ai cũng hiểu, đi lễ chỉ để cầu bình an chứ không phải để mua chuộc thần linh, cầu danh, cầu lợi thì sẽ không diễn ra tình trạng rải tiền lẻ vô tội vạ, mê tín dị đoan giúp những kẻ chuyên trục lợi từ lễ hội có cơ kiếm chác. Hay nếu ai cũng hiểu đến với lễ hội là đến với không gian văn hóa linh thiêng, thì sẽ không có chuyện uốn éo đủ tư thế ở mọi lúc, mọi nơi để chụp ảnh "tự sướng", cũng không có chuyện nhiều người phải "nóng mắt" với cách ăn mặc hở hang, cũn cỡn của nhiều bạn trẻ...