NHỮNG THÁCH THỨC VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI KÌ MỚI
15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), bên cạnh những thành tựu lớn, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng còn không ít những hạn chế, khó khăn. Hiện nay, bối cảnh và tình hình thế giới cũng như trong nước đã có nhiều thay đổi, sự hội nhập mang tính toàn cầu và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đã và đang tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của văn hóa nước ta. Nhận diện những thách thức và xu thế phát triển của văn hóa Việt Nam sẽ giúp chúng ta định hình được hướng đi phù hợp trong thời kỳ mới.
Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng đã nhận định về bối cảnh phát triển của đất nước khi hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới, còn trong nước thì những thành tựu, kinh nghiệm của gần 30 năm đổi mới đất nước đã tạo ra thế và lực mới cùng sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước. Từ góc độ văn hóa, có thể thấy xuất hiện những thuận lợi, thời cơ, trong đó hòa bình, hợp tác, phát triển, toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hội nhập và phát triển văn hóa. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhờ công nghệ mà hiện đại hóa, có sức lan tỏa nhanh, mạnh, sâu trên phạm vi toàn cầu, không chỉ ở vùng thành thị mà còn tỏa về được vùng núi cao, nông thôn hẻo lánh. Giao thoa văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện để tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa nước ta ra thế giới. Trên đường đổi mới, các điều kiện kinh tế - xã hội phát triển tạo thuận lợi cho văn hóa phát triển. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân tiếp tục được nâng cao, tạo động lực cho phát triển văn hóa. Trình độ nhận thức, văn hóa của nhân dân ngày một cao hơn, giúp cho mặt bằng văn hóa được nâng lên, tạo điều kiện cho việc sáng tạo văn hóa có chất lượng hơn, phong phú, đa dạng hơn.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức không nhỏ. Với tiến trình toàn cầu hóa, nước ta sẽ chịu tác động tiêu cực trên mọi mặt mà các nước trên thế giới gặp phải. Văn hóa của các nước lớn, giàu có, nhất là Mỹ, lan tỏa rộng, tác động sâu đến đời sống văn hóa của nhân dân. Sự tiếp thụ thiếu chọn lọc văn hóa ngoại lai sẽ làm tha hóa văn hóa dân tộc. Tác động tiêu cực của kinh tế thị trường càng làm cho văn hóa biến dạng, nhiều mặt xuống cấp, kéo theo sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Lối sống vị kỷ, cá nhân, hành vi bạo lực càng chi phối xã hội. Nhu cầu giải trí qua các hoạt động văn hóa ngày càng tăng, xu hướng kiếm lợi nhuận qua các hoạt động văn hóa ngày càng phát triển, khiến cho văn hóa dần dần buông lơi vai trò giáo dục, định hướng thẩm mỹ. Quan hệ giữa văn hóa và chính trị có nguy cơ bị giãn cách ngày càng xa, do vậy tác động tích cực vốn có của văn hóa vào đời sống xã hội có nguy cơ bị xem nhẹ, giảm sút.
Nhìn chung, tình hình và xu hướng nêu trên sẽ tạo ra cả những thời cơ và thách thức đan xen đối với sự phát triển của đất nước trong những năm tới. Cũng vì vậy, trên bình diện văn hóa, sự phát triển mạnh lên, phong phú, đa dạng, hiện đại hơn là xu hướng tất yếu, trong đó đan xen mặt tích cực và mặt tiêu cực. Có thể xảy ra những khả năng trong xu thế vận động và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, nếu văn hóa được quan tâm thật sự và đầy đủ, có định hướng rõ ràng, được thể chế hóa bằng luật và các văn bản dưới luật, các chế độ chính sách phù hợp, với bộ máy quản lý có hiệu quả, thì văn hóa nước ta sẽ có bước phát triển mới, tác động tích cực đến đời sống xã hội, thật sự đóng vai trò nền tảng và động lực của xã hội và trên nền truyền thống, văn hóa được hiện đại hóa. Các chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ của văn hóa kết hợp hài hòa với chức năng giải trí, làm cho xã hội phấn khởi, lành mạnh lên. Các sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, có giá trị cao, được nhân dân đón nhận. Các hoạt động văn hóa ngày càng sôi nổi, vừa có chiều rộng, bề nổi, vừa có chiều sâu, tác động tích cực vào giáo dục lối sống, đạo đức, làm cho xã hội thái bình, thịnh vượng hơn lên.
Thứ hai, nếu sự quan tâm và sự định hướng văn hóa không được thể hiện rõ trên các văn bản luật, dưới luật, các chế độ chính sách; nếu công tác quản lý yếu kém, buông lỏng, thì khi đó sự phát triển lộn xộn, không định hướng của văn hóa sẽ trở thành yếu tố đảo ngược sự phát triển của xã hội, làm cho đạo đức, lối sống ngày càng suy thoái, biến chất, con người ngày càng mất đi nhân tính. Sự du nhập ồ ạt, thiếu chọn lọc văn hóa ngoại lai, sẽ là cơ hội tốt cho nhiều loại văn hóa đồi trụy, phản động, phi nhân tính tràn vào. Dần dần, ý thức về chủ quyền dân tộc bị xói mòn, lu mờ. Thay vào đó là lối sống hướng ngoại, xem nhẹ các giá trị truyền thống, xem nhẹ văn hóa dân tộc. Ngôn ngữ hiện đang bị xâm hại bởi lối du nhập vô nguyên tắc tiếng nước ngoài, sẽ tiếp tục bị tha hóa, trở nên lai căng, kệch cỡm. Tính giáo dục của văn hóa bị coi nhẹ, coi trọng quá mức tính giải trí, dần dần, văn hóa không còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, ngược lại cổ súy cho lối sống thác loạn, vô đạo đức, thiếu nhân tính. Văn hóa dân tộc bị lu mờ, pha tạp. Các giá trị truyền thống dần dần bị lãng quên. Hoạt động văn hóa sẽ sôi nổi hơn, phong phú hơn nhưng đó là sự phát triển xô bồ, không định hướng, khó tạo ra những giá trị văn hóa đích thực.
Thứ ba, đó là sự kết hợp giữa khả năng thứ nhất và khả năng thứ hai, tạo ra sự pha trộn văn hóa. Trong điều kiện đó, văn hóa sẽ phát triển theo nhiều chiều. Mặt tích cực được phát huy nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn và những người hoạt động văn hóa chân chính. Mặt tiêu cực cũng phát triển vì sự buông lỏng quản lý. Thực tế nhiều năm qua cho thấy đây là khả năng dễ xảy ra nhất.
Cùng với những khả năng, xu thế vận động phát triển của văn hóa, những lĩnh vực văn hóa thông tin cũng có khả năng phát triển mạnh. Truyền hình (trong đó có những chương trình trò chơi giải trí): Những tổ chức kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục mua các kênh truyền hình để kinh doanh trên lĩnh vực truyền thông. Mạng In-tơ-nét: bên cạnh các báo mạng chính thống là các mạng xã hội, trang cá nhân, tạo ra sự phong phú và đa tạp về thông tin - văn hóa. Nhiều tờ báo mạng giả danh trang thông tin xuất hiện. Nói cách khác, đó là các trang mạng được cấp giấy phép là trang thông tin nhưng hoạt động như báo chí chính thống. Các lễ hội quy mô lớn: trong đó những lễ hội có tính quốc gia do Nhà nước tổ chức sẽ ổn định và có bước phát triển, nhưng các lễ hội do các tổ chức xã hội thực hiện nhằm mục đích thu lợi nhuận hoặc giải trí cùng phát triển mạnh, trong đó có những lễ hội du nhập từ nước ngoài. Các di tích, danh lam thắng cảnh được khai thác tối đa nhằm phục vụ du lịch và các hoạt động mê tín vụ lợi. Chính vì vậy, di tích tiếp tục bị xâm hại, làm biến dạng và bị lợi dụng trở thành công cụ phục vụ những lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân.
Bên cạnh đó, những lĩnh vực văn hóa thông tin có khả năng bị hạn chế phát triển là: Xuất bản, in, phát hành, thư viện, báo in - nói chung là các loại hình phục vụ việc đọc trên giấy thông thường - ngày càng gặp khó khăn, sẽ phải giảm về số lượng. Các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, dân tộc khó có được chỗ đứng xứng đáng trong cuộc sống- từ cuộc sống thường ngày tới việc xuất hiện trên các chương trình truyền hình, các chương trình biểu diễn. Nhiều loại hình văn hóa truyền thống sẽ bị thui chột hoặc biến dạng.
Trong những năm tới, văn hóa Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thời cơ, thuận lợi, đồng thời cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn - hai mặt này đan xen, tác động qua lại và sẽ tùy thuộc vào hoạt động của con người mà tác động mạnh hay yếu theo chiều tích cực hay tiêu cực. Xu hướng phát triển văn hóa nói chung là đa dạng hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và ngày càng mang tính thực dụng. Tuy vậy, chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ vẫn có cơ hội được khẳng định, tạo nên những giá trị văn hóa mang tính nhân văn, cao quý. Sự vận động, phát triển của văn hóa không phải là sự vận động, phát triển mang tính bản năng mà chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đường lối, chủ trương, pháp luật, chính sách và sự quản lý của hệ thống thể chế của đất nước. Chính vì thế, cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước nhằm phát huy thuận lợi, thời cơ, hạn chế khó khăn, vượt qua thách thức để điều chỉnh xu thế vận động và phát triển của văn hóa theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.