LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam

Thuyết minh về chiếc áo dài VN

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long
Cảm nhận về người lính trong bài Đồng Chí của Chính Hữu
Biểu cảm về mái trường
Kể về 1 người thân của em (ông bà, bố mẹ, anh chị,....)
Thuyết minh về kính đeo mắt.
phân tích hình ảnh so sánh trong tôi đi học
Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nghĩ của em về thân phận của người phụ nữ qua bài thơ "Bánh Trôi Nước" của Hồ Xuân Hương
 

Hãy kể về 1 lần em trót xem nhật ký của bạn

Vào vai nhân vật trữ tình kể lại bài thơ bếp lửa bằng văn xuôi
 Vào vai nhân vật trữ tình kể lại bài thơ ánh trăng bằng văn xuôi

 

9 trả lời
Hỏi chi tiết
574
0
0
Thảo
25/12/2019 20:04:26

Bài 1

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Phụ nữ Nhật tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại cho ta ấn tượng rất đặc biệt với bộ Sari. Còn phụ nữ Việt Nam, từ xưa đến nay vẫn mãi song hành với chiếc áo dài duyên dáng và thướt tha.

Cho đến nay, vẫn chưa biết được nguồn gốc chính xác của chiếc áo dài. Nhưng nối ngược dòng thời gian, tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài với hai tà áo thướt tha đã được tìm thấy ở các hình khắc mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm.

Áo dài có rất nhiều loại. Nhưng sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giai lãnh: Cũng giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Vì sau này, phụ nữ phải làm việc đồng áng hay buôn bán nên áo giai lãnh được thu gọn lại thành áo tứ thân: Gồm bốn vạt nửa trước phải, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái. Nhưng với những người phụ nữ tỉnh thành nhàn hạ, muốn có một kiểu áo dài được cách tân thế nào đó để giảm chế nét dân dã lao động và tăng dáng dấp sang trọng, khuê các. Thế là áo tứ thân được biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải nay lại được thu bé trở lại thành vạt con; thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước trở thành áo ngũ thân.

Ngoài ra còn áo dài Le Mor của một họa sĩ vào đầu thập niên 1930, áo dài Lê Phổ của họa sĩ Lê Phổ được thiết kế vào năm 1934, áo dài với tay giác lăng vào thập niên 1960, áo dài miniraglan danh cho các nữ sinh...

Khác với Kimono của Nhật Bản hay Hanbok của Hàn Quốc, chiếc áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại vừa hiện đại, có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi: Dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà... Việc mặc loại trang phục này không hề rườm rà hay cầu kì, những thứ mặc kèm đơn giản: Mặc với một quần lụa hay vải mềm, dưới chân đi hài guốc, hay giày đều được; nếu cần trang trọng (như trang phục cô dâu) thì thêm áo dài và chiếc khăn đóng truyền thống đội đầu, hay một chiếc miền Tây tùy thích. Đây chính là điểm đặc biệt của thứ trang phục truyền thống này.

Áo dài có thể nhiều màu nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là chiếc áo dài trắng thể hiện sự thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Trong trường học, không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng mỗi sáng, từng nhóm nữ sinh trong bộ áo dài, thướt tha, xõa tóc dài chạy xe đạp đến trường. Cũng nơi đó, những cô giáo, những người mẹ thứ hai của các học sinh nhẹ nhàng đón rón những đứa con của mình trước giờ vào học trong chiếc áo dài mới thực sự toát lên vẻ đằm thắm, và thương yêu. Trong những dịp lễ Tết, chiếc áo dài lại thêm một lần nữa thấp thoáng trên các ngã tư đường phố, cùng hoa va cảnh sắc của trời mới đất mới, khoe sắc ngày Tết. Áo dài giữa phố đông chật chội người và xe, ồn ào náo động, làm dịu lại cảnh sắc và làm mát lại những hồn người, làm cho ai đó phải quay lại ngắm nhìn dù chỉ một lần, dịu đi cái khó chịu và u uất vốn có trong bản tính mỗi con người bận rộn.

Chiếc áo dài hình như có cách riêng để tôn lên nét đẹp của mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật rộng trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ đến trên vòng eo khiến cho người mặc có cảm giác thoải mái, lại tạo dáng thướt tha tôn lên vẻ nữ tính, vừa kín kẽ vì toàn thân được bao bọc bằng vài lụa mềm lại cũng vừa khiêu gợi vì nó làm lộ ra sống eo. Chính vì thế, chiếc áo dài mang tính cá nhân hóa rất cao, mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người và chỉ dành cho người ấy, không thể là một công nghệ "sản xuất đại trà" cho chiếc áo dài. Người đi may được lấy số đo rất kĩ, khi may xong phải thử và chỉnh sửa lại thêm vài lần nữa thì mới hoàn thiện được.

Thực vậy, trong các hội nghị quốc tế, ở hội thảo khoa học nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nữ học giả Mỹ đã vận một chiếc áo dài, và mở đầu bài phát biểu của mình bằng một câu tiếng Việt: "Xin chào các bạn", cả hội trường Ba Đình trang trọng khi đó bỗng tràn ngập một không khí thân thương trìu mến. Trong hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 ở Việt Nam, áo dài đã được vinh dự là trang phục chính cho các vị lãnh đạo nguyên thủ quốc gia của các nước mặc trong buổi lễ bế mạc kết thúc hội nghị. Áo dài, như vậy có thể là đại sứ tinh thần của văn hóa Việt, mang nước Việt Nam cùng hòa chung vào dòng kinh tế năng động và nhiệt huyết trên thương trường thế giới, là một nét riêng của người phụ nữ Việt nói riêng và cả dân tộc Việt nói chung.

Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mĩ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn hy sinh, đứng phía sau để cổ động tinh thần cho nước nhà, cùng nhau hòa nhịp và phát triển. Trải qua từng thời kì, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quà trình lịch sử Việt Nam, tà áo dài Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi sẽ là tâm hồn Việt, văn hóa Việt, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến.

Kín đáo, duyên dáng và gợi cảm là một trong những yếu tố đưa áo dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái áo nữa - chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Thảo
25/12/2019 20:05:15

Truyện Lặng lẽ Sa Pa được Nguyễn Thành Long sáng tác năm 1970. Tác phẩm xây dựng từ một tình huống thật đơn giản. Với câu chuyện bàng bạc chất thơ, Tác giả đã đưa người đọc đến với Sa Pa thơ mộng để cảm nhận về những con người lặng lẽ làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Nhân vật chính trong truyện là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Suy nghĩ và việc làm của anh thể hiện một vẻ đẹp tâm hồn, một tính cách của thế hệ thanh niên. Có thể nói chất thơ của truyện không chỉ ở những hình ảnh đẹp của thiên nhiên mà còn toát lên từ vẻ đẹp tâm hồn nhân vật chính trong truyện - Anh thanh niên.

Nhân vật chính của truyện - anh thanh niên - chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh mà tác giả tập trung thể hiện. Sức thu hút của anh chính là ở thái độ và những suy nghĩ về cuộc sống và công việc của một người sốngvà làm việc một mình giữa lặng lẽ của thiên nhiên. Tác giả khắc hoạ nổi bật hình ảnh anh thanh niên ở một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt: Một mình trên đỉnh Yên Sơn, quanh năm suốt tháng giữa cái lặng lẽ mênh mông của cỏ cây, mây núi. Công việc của anh thật gian khổ, thật vất vả. Anh "Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất". Anh phải dậy vào lúc 1 giờ đêm, khi bên ngoài rét đến nỗi lúc vào lại không ngủ được". Anh kể "Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: Nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung" Lời kể ấy chứng tỏ anh đã nếm trải gian khổ để mà hoàn thành công việc. Nhưng cái khó khăn, thách thức lớn nhât đối với anh chính là sự cô đơn thường trực, lúc nào cũng "thèm người".

Đặt nhân vật vào hoàn cảnh thơ mộng mà gian khổ, lãng mạn mà đầy thử thách. Vậy điều gì giúp anh thanh niên vượt qua hoàn cảnh gian khổ, thử thách ấy?

Trước hết, đó chính là sức mạnh của ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công việc. Công việc "Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất". Công việc gian khổ ấy được anh lặng lẽ hoàn thành. Anh hiểu được nhiệm vụ của anh là "Phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Được biết từ việc báo tin về một đám mây khô của anh mà bộ đội ta bắn rơi máy bay địch trên cầu Hàm Rồng, anh " thấy thật hạnh phúc. ". Tinh thần trách nhiệm đã là động lực chính để anh một mình sống, làm việc tận tụy, để anh hiểu được hạnh phúc là làm việc, là cống hiến.

Tác giả để anh thanh niên nói lên những suy nghĩ từ tiếng lòng tha thiết. Đó là những suy nghĩ sâu sắc, nghiêm túc về nghề nghiệp và về công việc. Với công việc, anh nghĩ ". . . Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được"Đó là tình yêu nghề, sự gắn bó với nghề nghiệp. Phải chăng khi ta yêu thích công việc của mình, thì công việc đem lại cho ta niềm vui, khi đó ta không còn cảm thấy đơn độc. Anh càng hiểu "Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy nhưng cắt bỏ nó đi cháu buồn đến chết mất" Rõ ràng, với anh nghề nghiệp như là lẽ sống. Phải chăng lòng yêu nghề tha thiết ấy, sự gắn bó với nghề nghiệp bằng một tình yêu sâu sắc. Tình yêu nghề đã làm anh không thấy cô đơn dù một mình anh giữa Sa Pa quanh năm với cây cỏ và mây mù.

Không chỉ suy nghĩ sâu sắc về công việc, về nghề nghiệp, anh thanh niên còn có những suy nghĩ về cuộc sống thật sâu sắc, thật trách nhiệm. Anh đã suy nghĩ " người thì ai mà chả "thèm" hở bác? Mình sinh ra là gì. . . mình vì ai mà làm việc?" Đó, rõ ràng, là những trăn trở của anh với cuộc sống. Anh hiểu rằng là con người ai cũng phải làm việc vì sự sống của bản thân và sự sống của cộng đồng. Thật đáng quý là anh đã tách mình ra khỏi những suy nghĩ tầm thường, cách sống tầm thường "Cháu bỗng tự hỏi: cái nhớ xe nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì xoàng". Có thể nói những suy nghĩ nghiêm túc của anh thanh niên đã bộc lộ tâm hồn trong sáng, cách sống đẹp, một thái độ trách nhiệm với cuộc sống.

Anh đã chiến thắng nỗi cô đơn, sự vắng vẻ, chiến thắng hoàn cảnh bằng một cách sống thật nghiêm túc mà cũng thật lãng mạn. ở một mình nhưng ngôi nhà của anh vẫn rất ngăn nắp, gọn gàng. Đó là ngôi nhà ba gian với cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một bàn học một giá sách. Anh nuôi gà, trứng ăn không xuể, anh trồng hoa. Trong vườn rất nhiều hoa: Hoa dơn, hoa thược dược vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong. Anh tìm thấy niềm vui từ những trang sách. Tóm lại, trong ngôi nhà ngăn nắp, vườn hoa, chuồng gà, giá sách. . . Những điều đó phản ánh một tâm hồn đẹp, lãng mạn. Tất cả điều đó là do anh tạo ra để chiến thắng sự cô đơn giữa Sa Pa lạnh lẽo và mây mù.

Không chỉ vượt khó để hoàn thành công việc bằng một tình yêu nghề, một ý thức trách nhiệm, anh thanh niện còn luôn quan tâm, tận tuỵ với mọi người. Anh gửi bác lại xe một gói tam thất về cho bác gái đang ốm nặng, chuẩn bị ly trà nóng cho khách đường xa, một làn trứng cho người hoạ sĩ già, tặng hoa cho cô kĩ sư trong lần gặp cũng như khi chia tay. Những cử chỉ quan tâm đó thật tự nhiên, chân thành và chu đáo. Nó thể hiện sự trân trọng yêu thương và quan tâm đến mọi người. Khi người hoạ sĩ kí hoạ về anh, anh đã giới thiệu về một kĩ sư rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào để tạo giống su hào to hơn, ngọt hơn cho nhân dân miền Bắc; một đồng chí suốt ngày chờ sét, mười một năm không một ngày xa cơ quan. . . để lập bản đồ sét cho nước ta; anh giới thiệu về người bạn trên đỉnh Pan Xi phăng xa xôi kia. . . Anh đã quan tâm đến những con người thầm lặng đang miệt mài lao động sáng tạo để phục vụ nhân dân. Anh am hiểu, ngưởng mộ, ngợi ca từng công việc, từng con người, tôn vinh sự lao động của mọi người. Ta thấy anh hiện lên bằng một đức tính khiêm nhường, một sự quý trọng lao động sáng tạo, quên mình vì hạnh phúc của nhân dân.

Đọc truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, ta như đồng cảm với tâm trạng của người hoạ sĩ khi nghĩ về anh. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm ông khó nhọc quá. Đúng là anh đáng yêu thật. Đáng yêu ở tâm hồn, ở cách sống, ở sự tha thiết với nghệ nghiệp để cống hiến. Vẻ đẹp đáng yêu ở anh thanh niên cũng là vẻ đẹp của con người mới đang hăng hái xây dựng đất nước. Vẻ đẹp mà người hoạ sĩ ví von "Thanh niên bây giờ lạ thật ! các anh chị cứ như con bướm" phải chăng đó là vẻ đẹp hồn nhiên muôn màu, có sức hấp dẫn của vẻ đẹp đa dạng và bất ngờ của thế hệ trẻ. Phải chăng từ cách sống, từ tâm hồn của anh thanh niên trong tác phẩm làm người hoạ sĩ cũng như mọi người đọc càng thêm cảm nhận mới mẻ, thêm tin yêu, thêm hy vọng vào thế hệ thanh niên trong công cuộc xây dựng đất nước. Nguyễn Thành Long đã xây dựng một cốt truyện giản dị nhưng gợi nhiều suy nghĩ sâu xa về cách sống. Nhân vật anh thanh niên đã gợi trong lòng ta những cảm xúc đầy tin tưởng, yêu mến, trân trọng về những con người lặng lẽ suy nghĩ, cống hiến xây dựng cuộc sống tươi đẹp của chúng ta.

Nếu như truyện Lặng lẽ sa pa đã ca ngợi những con người lặng lẽ làm việc và cống hiến cho Tổ quốc, thì nhân vật anh thanh niên là tiêu biểu, là trung tâm. Anh thanh niên cũng như bao người khác với công việc lặng lẽ của mình đã làm nền tảng của cuộc sống. Chính anh cũng như bao nhiêu người lao động bên ngoài cuộc sống vượt khó khăn, say mê cống hiến là những người làm nên vẻ đẹp muôn màu của cuộc đời mới. Công việc của anh, thái độ sống của anh, suy nghĩ, tâm hồn anh góp một phần làm nên chất thơ trong trẻo của tác phẩm. Và nên chăng gọi anh là anh hùng thầm lặng với chiến công thầm lặng mà người đọc cảm nhận đầy trân trọng!

0
0
Thảo
25/12/2019 20:12:56

Người lính nông dân đã đi vào thơ ca bằng những hình ảnh chân thật và đẹp trong “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Cá nước” của Tố Hữu... nhưng tiêu biểu hơn cả là bài “Đồng chí” của Chính Hữu. Bài thơ được sáng tác vào năm 1948 là năm cuộc kháng chiến hết sức gay go, quyết liệt. Trong bài thơ này, tác giả đã tập trung thể hiện mối tình keo sơn gắn bó, ngợi ca tình đồng chí giữa những người lính trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Cảm nhận đầu tiên của chúng ta khi đọc bài thơ là hình ảnh người lính hiện lên rất thực, thực như trong cuộc sống còn nhiều vất vả lo toan của họ. Ngỡ như từ cuộc đời thực họ bước thẳng vào trang thơ, trong cái môi trường quen thuộc bình dị thường thấy ở làng quê ta còn đói nghèo lam lũ:

                      “Quê hương anh nước mặn đồng chua,

                        Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.

Quê hương xa cách nhau, mỗi người mỗi nơi. Người quê ở miền biển “nước mặn đồng chua”, người ở vùng đồi núi “đất cày lên sỏi đá”. Song dù xa cách nhau, dù khác nhau, nhưng đều là quê hương của lam lũ, vất vả, đói nghèo. Chữ nghĩa bình thường mà như đang cựa quậy khi cuộc sống thực đã ùa vào câu thơ đem đến những cảm nhận sâu sắc về quê hương người lính.

Tuy ở những phương trời khác nhau, “chẳng hẹn quen nhau”, nhưng cùng sống và chiến đấu với nhau trong một đội ngũ, những người lính đã tự nguyện gắn bó với nhau:

                      “Súng bên súng đầu sát bên đầu

                       Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

Cái rét ở rừng Việt Bắc đã nhiều lần vào trong thơ bộ đội chống Pháp vì đó là một thực tế ai cũng nếm trải trong những năm chinh chiến ấy. Có điều lạ là câu thơ nói đến cái rét gợi cho người đọc một cảm giác ấm cúng của tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Câu thơ của Chính Hữu đã diễn tả tình đồng chí thật cụ thể và cô đọng, sự gắn bó giữa những người đồng chí cùng chung nhau chiến đấu “súng bên súng”, cùng chung một lí tưởng “đầu sát bên đầu”. Sự gắn bó mỗi lúc lại càng thêm sâu sắc: Là súng bên súng đến đầu bên đầu, rồi thân thiết hơn nữa là đắp chung chăn, thành tri kỉ.

Đoạn thơ đầu của bài thơ kết thúc bằng hai chữ “Đồng chí” làm sáng tỏ thêm nội dung, ý nghĩa của cả đoạn thơ. Nó giải thích vì sao người lính từ bốn phương trời xa lạ, không hẹn gặp nhau mà bỗng trở thành thân thiết hơn máu thịt. Đó là sự gắn bó giữa những người anh cùng chung một lí tưởng chiến đấu, là sự gắn bó kì diệu, thiêng liêng và mới mẻ của tình đồng chí.

Những người lính, những đồng chí ấy ra đi chiến đấu với tinh thần tự nguyện:

                         Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

                        Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

                        Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Họ vốn gắn bó sâu nặng với ruộng nương, với căn nhà thân thiết, nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ tất cả để ra đi. Nhà thơ đã dùng những hình anh quen thuộc và tiêu biểu của mọi làng quê Việt Nam như biểu tượng của quê hương những người lính nông dân. Giếng nước, gốc đa không chỉ là cảnh vật mà còn là làng quê, là dân làng. Cảnh vật ở đây được nhân cách hoá, như có tâm hồn hướng theo người lính.

Tác giả tả rất thực về cuộc sống của người lính. Nhà thơ không che giấu mà như còn muốn nhấn mạnh để rồi khắc hoạ rõ nét hơn cuộc sống gian lao thiếu thốn của họ. Và phải là người trong cuộc thì mới vẽ lên bức tranh hiện thực sống động về người lính với một sự đồng cảm sâu sắc như vậy:

                        Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh.

                       Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

                       Áo anh rách vai

                       Quần tôi có vài mảnh vá

                       Miệng cười buốt giá

                       Chân không giày

                      Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Thơ ca kháng chiến khi nói tới gian khổ của người lính thường nói rất nhiều tới cái lạnh, cái rét. Đoạn thơ thứ hai này kết thúc bằng câu “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Một sự cảm thông, chia sẻ vừa chân thành, vừa tha thiết làm sao. Người ta bảo bàn tay biết nói là thế. Hình ảnh kết thúc đoạn thứ hai này cắt nghĩa vì sao người lính có thế vượt qua mọi thiếu thốn, gian khổ, xa quê hương, quần áo rách vá, chân không giày, mùa đông lạnh giá với những cơn sốt rét “run người”... Hơi ấm của tình đồng chí truyền cho nhau đã giúp người lính thắng được tất cả. Hình ảnh kết thúc bài thơ chỉ có ba dòng:

                         Đêm nay rừng hoang sương muối

                        Đứng cạnh bên nhau chở giặc tới

                       Đầu súng trăng treo

Sau những câu thơ tự do đang trải dài “Đêm nay rừng hoang sương muối”... câu kết thúc thu vào trong bốn chữ làm nhịp thơ đột ngột thay đổi, dồn nén, chắc gọn, gây sự chú ý cho người đọc. Hình ảnh kết thúc bài thơ đầy thơ mộng, cái thơ mộng của gian khố, hiểm nguy: một cánh rừng, một màn sương, một vầng trăng với hai ngọn súng, hai con người chờ giặc. “Đầu súng trăng treo” cùng là một câu thơ dồn nén và có sức tạo hình, nó đẹp như một biểu tượng chiến đấu của những người lính giàu phẩm chất tâm hồn. Đó cũng là vẻ đẹp trữ tình mới của thơ ca kháng chiến, kết hợp được súng và trăng mà không khiên cưỡng.

Toàn bài “Đồng chí” từ chi tiết cuộc sống đến cảm giác của tác giả đều rất thật, không một chút tô vẽ đắp điểm, không bình luận, thuyết minh. Bài thơ thiên về khai thác đời sống nội tâm, tình cảm người lính, vẻ đẹp của “Đồng chí” là vẻ đẹp của đời sống tâm hồn người lính mà nơi phát ra vầng ánh sáng lung linh nhất là mối tình đồng đội, đồng chí hoà quyện vào tình giai cấp. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” ở cuối bài nâng vẻ đẹp người lính lên đến đỉnh cao khái quát trong đó có sự hài hoà giữa hiện thực và lãng mạn đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.



 
0
0
Thảo
25/12/2019 20:13:22

Thời thơ ấu, ta được ở bên mẹ, được mẹ yêu thương và che chở. Khi lớn hơn một chút thì mái trường chính là ngôi nhà thứ hai bao bọc chúng ta suốt những năm tháng học trò.

Em hiện là học sinh lớp 7, trường em học ở cách nhà không xa. Em từng nghe mẹ kể, ngôi trường ấy mẹ cũng đã từng học khi xưa và ngôi trường em có từ rất lâu rồi. Dù bây giờ, trường được tu sửa lại rất nhiều nhưng nó vẫn ẩn chứa một sự cổ kính và trang nghiêm. Trường em rất rộng, khi đi từ cổng màu ghi nhạt vào sẽ thấy bác bằng lăng tím đứng đó như người bảo vệ lặng lẽ. Cứ đến mùa hoa nở, bằng lăng rụng tím một góc cổng trường trông rất thơ mộng. Lớp em nằm ngay giữa, đối diện với cổng trường. Tuy mới học ở đây 2 năm thôi nhưng mọi thứ dường như trở nên rất thân thuộc, em đã quen với màu tường vàng , bảng đen, và những cây bàng được trồng quanh sân trường. Dường như tất cả đều lưu giữ bao hoài niệm, kí ức của thế hệ học sinh đã từng học ở nơi đây. Cây bàng luôn trầm ổn, bình lặng như thế, cây cao, tán rộng, thu đến cây khoác màu áo đỏ tía, vài chiếc lá lìa cành chậm rãi đáp xuống như vừa chút đi một dấu ấn thời gian, đánh dấu sự chuyển mùa. Các bạn học sinh trường em ai cũng thích cây bàng, tuy nó không tươi mới như cây xoan, không mộng mơ như bằng lăng tím, không rực rỡ như cây phượng vỹ nhưng cây bàng lại mang màu sắc của thời gian, của tháng năm học trò.

Sau những ngày tháng bỡ ngỡ, em đã quen dần với không gian trường học, ngày ngày đi đến trường trên con đường quen thuộc với hàng phượng vỹ xanh ngát và mấy cây vú sữa ven đường, cùng các bạn khoác tay nhau ríu rít truyện trò là những lúc vui vẻ nhất, tiếng cười vang khắp không gian. Mái trường là nơi em gắn bó, học những điều hay lẽ phải, rèn luyện bản thân. Rồi sau những giờ học mệt mỏi, tiếng trống vang lên là lúc em được vui chơi cùng các bạn, nào là ô ăn quan, nào là nhảy dây, đá cầu,.. Hàng ngày chăm chú nghe thầy cô giảng những bài toán khó, những bài văn hay, từ đó bồi đắp tích lũy tri thức, biến lời cô, lời thầy thành hành trang của chính mình. Nơi đây như mái nhà thứ hai, chất chứa bao cảm xúc buồn vui tuổi học trò, em đã từng cười, từng khóc, từng hân hoan cùng các bạn trong những khoảnh khắc đáng nhớ. Nó giống như một thước phim tuyệt đẹp, tua lại mới cảm nhận được chúng ta đang trưởng thành từ những cảm xúc , những điều giản dị nhất mà không gian trong thước phim chính là mái trường thân yêu. Nơi đây, em quen được nhiều bạn tốt, cùng nhau làm những điều mình thích, cùng nhau vượt qua các kì thi tuy mệt nhoài mà vẫn cảm thấy thật mãn nguyện.

Trường em đẹp nhất có lẽ khi hè sang, những cây bàng xanh ngát, cây phượng vỹ đỏ rực một góc trời như đốm lửa thắp sáng tâm hồn cô học trò nhỏ. Đừng từ khoảng sân trường, nhìn bầu trời trong xanh và đẹp đến lạ kì với những đám mây trắng bồng bềnh trôi. Đám mây trắng như đi từ hiện tại vào những trang thơ em đã từng được học, vỗ về tâm hồn, khơi gợi trong em bao xúc cảm êm đềm. Và thế là hè đã về, học sinh chuẩn bị được nghỉ hè sau khi kì thi kết thúc, tiếng trống trường vang lên từng hồi như lưu luyến "tùng, tùng, tùng". Em nghe tiếng trống, nghe tiếng ve sầu kêu trên những cành phượng vỹ, vừa buồn vừa vui, buồn vì phải xa các bạn, xa mái trường, vui vì em sắp có một kì nghỉ hè thú vị. Có lẽ đó là cảm xúc mà ai ai cũng đã từng có trong cuộc đời học sinh, trong những năm tháng học trò. Dường như, sau này khi ta lớn lên và trưởng thành, mỗi khi nghe tiếng trống vang lên, tim ta lại đập rộn ràng.

Mái trường thân yêu đi vào trong tâm thức của mỗi người học sinh một cách dịu dàng, dịu dàng đến nỗi làm ta lưu luyến mãi không thôi.

0
0
Thảo
25/12/2019 20:14:09

Em rất yêu mẹ, không chỉ vì mẹ là người đã sinh ra và vất vả nuôi nấng em, mà còn vì mẹ đã kể cho em biết bao kỷ niệm êm đẹp. Từ khi em còn bé chưa đi học, tối nào em cũng nằm nghe mẹ kể chuyện đời xưa. Giọng mẹ nhỏ, đều đều, thủ thỉ bên tai em bao điều thật kỳ lạ, cho đến khi cho em vào giấc ngủ say.

Mẹ em dáng người gầy, nhưng khỏe khoắn. Trên vầng trán mẹ bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn vì bao đêm dài lo lắng cho em. Khi em còn học mẫu giáo, hôm ấy lớp vừa tan học thì trời cũng bắt đầu đổ mưa to. Em đứng trước hiên lớp, nhìn những giọt mưa làm sủi bong bóng đầy sân trường, lòng buồn rầu vì nghĩ không biết đến bao giờ cơn mưa mới ngớt. Trái với chờ đợi của em, cơn mưa càng mỗi lúc một to. Những cây lá trên sân đẫm nước.

 

Bỗng em nhìn thấy ở chỗ rẽ từ đầu đường vào trường một người khoác áo mưa đi tới. Người ấy bước đi từng bước ngắn, chậm rãi, nước trên đường ngập lên tận mắt cá. Mưa tầm tã trải như suối trên chiếc áo vải nhựa. Gió thổi chênh chết khiến người ấy đi xiêu xiêu như ngã về một phía. Cái dáng người gầy ấy, không thể là ai khác ngoài mẹ em.

Khi mẹ em bước vào dưới mái hiên, nước từ người mẹ chảy xuống thềm thành một vũng lớn. Mẹ nói:

- Mẹ mang áo mưa cho con đây. Thôi mẹ con mình về.

Lúc ấy em thương mẹ quá. Hai mẹ con lội lép nhép trong mưa. Em chỉ lo mẹ ngã nhưng mẹ thì lại như muốn đưa vai cho em tựa. Khi về đến nhà mẹ khuấy cho em ly sữa nóng uống cho đỡ lạnh. Lúc đó mẹ hỏi:

- Ở trường trời mưa con có lạnh và sợ không?

Em nói:

- Rất sợ vì những tiếng rầm lớn của bầu trời đang mưa, nhưng mẹ đã đến và đưa con về nhà.

Ngày em vào lớp một, mẹ chuẩn bị quần áo mới, cặp sách mới, mọi thứ đâu đó đã sẵn sàng, khiến em cảm nhận được sự quan trọng của ngày khai trường. Mẹ tin là em sẽ không bỡ ngỡ trong ngày đầu năm học. Mẹ tin đứa con của mẹ lớn rồi. Mẹ tin vào sự chuẩn bị rất chu đáo của em trước ngày khai trường.

Mẹ kể ngày mẹ còn nhỏ, ngày khai trường chính là ngày đầu tiên học trò lớp một đến trường gặp thầy cô mới, bạn bè mới cho nên ấn tượng của mẹ về buổi khai trường đầu năm ấy rất sâu đậm. Mẹ còn nhớ sự nôn nao, hồi hộp khi cùng bà ngoại đi tới gần ngôi trường.

 

Ngày khai trường vào lớp một của em, mẹ đưa em tới trường, cầm tay em dắt qua cánh cổng, rồi bảo em:

"Con hãy mạnh dạn lên, ngôi trường này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra".

Mẹ cũng thường giúp đỡ những người láng giềng trong ngày đám giỗ, đám cưới. Mẹ đến làm tiếp mọi người nấu nướng hay pha trà đem bánh tiếp khách.

Thật hạnh phúc được có mẹ và được sống bên mẹ. Ước gì em mãi mãi được ở bên cạnh mẹ như thế trong tình thương yêu của mẹ.

0
0
Thảo
25/12/2019 20:14:42

Nếu nói rằng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mỗi chúng ta thì ắt rằng những cặp kính chính là những người giúp việc tận tâm, những người bảo vệ vững chắc, những vật trang trí duyên dáng cho khung cửa mộng mơ ấy.

Quả không quá khi nói như vậy về cặp kính đeo mắt bởi kính, có rất nhiều loại và rất nhiều tác dụng, phù hợp với hầu hết nhu cầu của mọi người. Với những người bị bệnh về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị kính giúp họ khắc phục được điểm hạn chế của bản thân. Người cận thị có thể nhìn được những vật ở xa, người viễn thị thì nhờ kính mà nhìn được những vật ở gần... Đối với người làm những công việc đặc thù như bơi, trượt tuyết, đi xe máy tốc độ cao,... kính lại giúp mắt họ tránh khỏi nước, tuyết, gió, bụi,... Những người không bị bệnh về mắt, không có những hoạt động trên, khi ra đường cũng nên mang theo một cặp kính: để tránh nắng chói và gió bụi. Thậm chí, có những người sử dụng kính như một vật trang trí đơn thuần. Giá trị thẩm mĩ của kính có được bởi sự đa dạng của kiểu dáng và màu sắc.

Dù chủng loại phong phú như vậy nhưng về cơ bản, cấu tạo của các cặp kính rất giống nhau. Một chiếc kính đeo mắt gồm có hai bộ phận: Tròng kính và gọng kính. Gọng kính làm khung cho kính và là bộ phận nâng đỡ tròng kính. Gọng kính cũng gồm hai phần được nối với nhau bởi một khớp sắt nhỏ. Phần sau giúp gá kính vào vành tai. Phần trước đỡ lấy tròng kính và giúp tròng kính nằm vững trước mắt. Gọng kính có thể được làm bằng kim loại nhưng phổ biến nhất vẫn là gọng nhựa bền, nhẹ. Bộ phận quan trọng nhất của kính – tròng kính – thì không thể thay đổi cấu tạo gốc và có một tiêu chuẩn quốc tế riêng. Hình dáng tròng kính rất phong phú, nó phụ thuộc vào hình dáng gọng kính: tròn, vuông, chữ nhật... Tròng kính có thể làm bằng nhựa chống trầy hay thủy tinh nhưng đều cần tuân theo quy tắc chống tia uv và tia cực tím (hai loại tia được phát ra bởi mặt trời, rất có hại cho mắt). Ngoài ra, một chiếc kính đeo mắt còn có một số bộ phận phụ như ốc, vít... Chúng có kích thước rất nhỏ nhưng lại khá quan trọng, dùng để giữ các bộ phận của chiếc kính.

Bên cạnh loại kính gọng còn có loại kính áp tròng. Đó là một loại kính đặc biệt, nhỏ, mỏng, được đặt sát vào tròng mắt. Riêng với loại kính này phải có sự hướng dẫn sử dụng tỉ mỉ của bác sĩ chuyên ngành.

Việc sử dụng kính tác động rất lớn đến sức khoẻ của mắt bởi vậy cần sử dụng kính đúng cách. Để lựa chọn 1 chiếc kính phù hợp với đôi mắt, cần phải theo tư vấn của bác sĩ. Không nên đeo loại kính có độ làm sần vì loại kính này được lắp hàng loạt theo những số đo nhất định nên chưa chắc đã phù hợp với từng người. Mỗi loại kính cũng cần có cách bảo quản riêng để tăng tuổi thọ cho kính. Khi lấy và đeo kính cần dùng cả hai tay, sau khi dùng xong cần lau chùi cẩn thận và bỏ vào hộp đậy kín. Kính dùng lâu cần lau chùi bằng dung dịch chuyên dụng. Đối với loại kính tiếp xúc trực tiếp với mắt như kính áp tròng, cần phải nhỏ mắt từ sáu lần đến tám lần trong vòng từ mười đến mười hai tiếng để bảo vệ mắt. Kính áp tròng đưa thẳng vào mắt nên phải luôn luôn ngâm trong dung dịch, nếu không sẽ rất dễ bám bụi gây đau mắt, nhiễm trùng các vết xước... Trong quá trình học tập, làm việc, đeo kính phù hợp sẽ giúp chúng ta tránh khỏi nhức mỏi mắt, đau đầu, mỏi gáy, mỏi cổ...

Đeo một chiếc kính trên mắt hẳn ai cũng tò mò muốn biết sự ra đời của kính? Đó là cả một câu chuyện dài. Vào năm 1266 ông Rodger Becon người Italia đã bắt đầu biết dùng chiếc kính lúp để có thể nhìn rõ hơn các chữ cái trên trang sách. Năm 1352, trên một bức chân dung người ta nhìn thấy một vị hồng y giáo chủ đeo một đôi kính có hai mắt kính được buộc vào một cái gọng. Như vậy chúng ta chỉ có thể biết được rằng đôi kính được làm ra trong khoảng thời gian giữa năm 1266 và 1352. Sự ra đời của những cuốn sách in trở thành động lực của việc nghiên cứu, sản xuất kính. Vào thế kỷ XV những căp kính chủ yếu được sản xuất tại miền bắc nước Ý và miền nam nước Đức – là những nơi tập trung nhiều người thợ giỏi. Năm 1629 vua Charles I của nước Anh đã ký sắc lệnh thành lập hiệp hội của các thợ làm kính mắt. Đến năm 1784, ông Bedzamin Franklin người Đức đã sáng tạo ra những đôi kính có hai tiêu điểm.

Chiếc mắt kính đeo mắt là một vật dụng quen thuộc với đời sống hằng ngày. Nếu biết cách sử dụng và bảo quản tốt, kính sẽ phát huy tối đa công dụng của mình. Hãy cùng tìm hiểu về kính để có thể biến "lăng kính" của "cửa sổ tâm hồn" trở nên phong phú và hoàn thiện hơn.

0
0
Thảo
25/12/2019 20:15:16
Qua bài thơ " Bánh trôi nước " của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến hiện lên rất rõ ràng. Hai câu đầu nói về sự xinh đẹp của họ. " Trắng " của làn da, " tròn " là vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu. Vẻ đẹp nội tâm được bộc lộ rõ trong cụm từ " tấm lòng son " , sự trong trắng, tròn trịa trong cách ứng xử, tấm lòng thủy chung son sắt. Thành ngữ " Ba chìm bảy nổi " được tác giả biến đổi thảnh " Bảy nổi ba chìm " , từ đó ta thấy thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến chìm nổi bấp bênh, lênh đênh không tự quyết định được số phận của mình. Cuộc sống của họ sướng hay khổ đều phải phụ thuộc vào người khác và sự may rủi. Câu cuối là lời khẳng định dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ tấm lòng thủy chung son sắt cùng với những phẩm chất tốt đẹp của mình. Qua bài thơ, Hồ Xuân Hương đã gián tiếp lên án xã hội phong kiến.
0
0
Thảo
25/12/2019 20:15:48

Tôi và Hoa là đôi bạn rất thân từ nhỏ đến lớn, từ đó đến giờ, tình cảm của chúng tôi vẫn rất gắn bó nhưng trước đây, đã có một lần tình bạn của chúng tôi suýt nữa đã không giữ được bởi sự sai lầm đáng trách của tôi. Đó là do có một lần tôi đã trót xem nhật kí của Hoa.

Chuyện xảy ra đã hơn một năm nhưng đến giờ tôi vẫn coi đó là một bài học và không bao giờ muốn tái phạm. Hôm ấy, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, tôi sang nhà Hoa chơi và cùng làm bài tập về nhà. Thấy tôi đến, Hoa mời tôi lên phòng mình chơi và xuống nhà lấy nước và hoa quả, trong lúc đợi Hoa, tôi nhìn thấy trên bàn có một quyển sổ màu xanh da trời trông rất đẹp, phồng lên vì có một cái bút nằm bên trong, tôi đoán là Hoa đang viết dở thì tôi đến. Vốn tính tò mò, tôi cầm cuốn sổ lên và thử mở ra xem, lúc đầu tôi chỉ nghĩ có lẽ là sổ tay ghi công thức toán hoặc là đoạn văn hay, ai ngờ đọc những dòng đầu, tôi nhận ra đó là sổ nhật kí. Tôi toan đặt xuống vì biết nhật kí là đồ vật mang tính chất cá nhân, không nên xem khi chưa được chủ nhân cho phép. Nhưng rồi tôi nghĩ, Hoa và tôi chơi với nhau từ bé, trước nay chưa từng giấu nhau điều gì, trong cuốn nhật kí này chắc cũng chả có điều gì quá bí mật đến mức tôi không thể xem. Hoa không có ở đây, xem một chút cũng có sao đâu, với lại nếu ở đây, chắc Hoa cũng sẽ không từ chối nếu tôi muốn xem nhật kí của bạn. Vậy là lưỡng lự một chút, tôi cầm cuốn nhật kí lên và mở ra đọc, vừa đọc, tôi vừa không tránh khỏi bật cười thành tiếng. Ôi, cô nàng của tôi đa sầu đa cảm quá chừng, chỉ một cơn gió cũng khiến cho Hoa phải dài dòng suy nghĩ mộng mơ thế này ư? Khi đọc tôi thấy ngày nào cô bạn cũng ghi nhật kí, có ghi cả ngày tháng rõ ràng, ngày nào cũng chỉ là những cảm xúc trước những điều vụn vặt, cô bạn thấy ông hàng xóm đánh con chó nhỏ cũng thương mà không sao làm gì được, thấy trời mưa cũng buồn vì màu trời không tươi,… Càng đọc tôi lại càng không nhịn được cười bởi sự “lãng mạng” của cô bạn mình, thế mà bấy lâu nay tôi biết gì về điều đó đâu. Chợt, tôi nghe ngoài cửa có tiếng Hoa làm tôi giặt mình:

- Lan, cậu làm gì vậy, sao cậu lại đọc nhật kí của tớ.

Tôi lúc túng hồi lâu nhưng rồi cũng cười khì:

- Có gì đâu, tớ thấy nó trên bàn, tớ đọc thử coi, mà bây giờ tớ mới biết cậu lại “nhạy cảm” như vậy đấy!

Tôi nói bằng giọng điệu châm chọc mà không để ý đến mặt Hoa đã đỏ bừng vì giận dữ. Hoa chạy nhanh lại, giật phắt cuốn sổ trong tay tôi:

- Lan kì quá vậy, Lan đã đọc trộm nhật kí của tớ rồi mà còn cười tớ, tớ thất vọng về Lan quá, Lan về đi, tớ không muốn chơi với Lan nữa.

Cánh cửa đóng sầm lại trước mặt tôi cùng tiếng thút thít của Lan sau đó. Tôi từ ngỡ ngàng chuyển sang tức giận. Tôi hậm hực ra về, tôi không cho rằng mình sai, dù sao trong cuốn sổ ấy cũng có điều gì quan trọng đâu ngoài mấy cái cảm xúc vớ vẩn nghe mà sến súa của Hoa, cớ sao không cho tôi xem, cớ sao lại tức giận khi tôi cười, ai đọc được những dòng như vậy thì cũng sẽ cười cho mà xem. Vậy là những ngày sau đó, phải đến cả tuần, tôi và Hoa không nói với nhau lời nào, Hoa vẫn giận, còn tôi thì không thấy mình sai. Tôi đem chuyện kể cho mẹ nghe, mẹ dịu dàng bảo:

- Con xem nhật kí của bạn, vậy là sai rồi, cho dù là bạn thân, cũng cần có sự riêng tư, nếu đổi ngược lại con là Hoa và Lan xem nhật kí của con như vậy, con có giận không? Hơn nữa, con nói là bạn bè không nên giấu nhau điều gì nhưng nếu là một người bạn thực sự, con sẽ không cười vào những dòng cảm xúc ấy của Hoa, đó là những cảm xúc chân thực và riêng tư, con đã xúc phạm vào nó, và con là người có lỗi.

Tôi nghe mẹ nói mà tự trách mình quá chừng, đúng vậy, sao tôi lại cười Hoa cớ chứ, đáng ra tôi phải hiểu nhất bạn của mình chứ, có lẽ Hoa sẽ không giận nếu tôi không tỏ ra thiếu tôn trọng với những cảm xúc của bạn như vậy. Tôi tệ quá, tôi quyết định ngay hôm sau sẽ xin lỗi Hoa. Hoa đã không giận lâu như tôi tưởng, bạn trả lời tôi bằng một nụ cười dịu dàng rạng rỡ, thì ra chỉ cần một lời xin lỗi của tôi ngay lúc đó là đã đủ để Hoa tha thứ cho tôi, nhưng tôi đã để bạn chờ lâu hơn bình thường. Kể từ đó, tình bạn chúng tôi không những trở lại như cũ mà còn thân thiết hơn xưa, chúng tôi kể cho nhau nghe mọi thứ nhưng cũng tôn trọng quyền riêng tư của nhau.

Lần trót xem nhật kí ấy đã để lại cho tôi một bài học quý giá về sự tôn trọng quyền riêng tư của người khác và phép màu kì diệu của lời xin lỗi đặc biệt là tình ban của chúng tôi như trải qua lần đó càng thắm thiết, sâu sắc hơn.

0
0
Thảo
25/12/2019 20:16:19

Đôi mắt càng già càng thấm thía yêu thương
Da dẻ dù khô đi tấm lòng không hẹp lại
Giàu kiên nhẫn bà còn hi vọng mãi
Chỉ mỗi ngày rắn lại ít lời thêm”

Đó là những vần thơ mà tôi muốn tặng cho người bà kính yêu của mình. Tôi đang là sinh viên ngành Luật ở nước Nga. Bây giờ đã là tháng 9, trời bắt đầu trở lạnh  làm tôi nhớ những kí ức về bà, bếp lửa mà ngày xưa tôi cùng bà nhóm bếp, cũng là một phần đã tạo nên tuổi thơ của tôi.

Tuổi thơ của tôi được sống bên bà, lúc đó nhóm lửa cùng bà vô cùng cực khổ và nhọc nhằn. Lên năm bốn tuổi , tôi đã quen với mùi khói. Tôi vẫn nhớ lúc ấy vào năm 1945, nạn đói xảy ra khủng khiếp đối với gia đình tôi cũng như bao gia đình ở Việt Nam. Cái cảnh mọi người làm việc kiếm miếng ăn thấy mà đau lòng. Số người chết vì đói cũng ngày càng tăng. Ba tôi đi đánh xe ngựa cực khổ con ngựa cũng gầy gò mà cái đói vẫn bám riết không tha, người dân cực khổ vô cùng.

Rồi vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xảy ra, ba và mẹ tôi tham gia công tác kháng chiến nên tôi ở cùng bà. Tám năm tôi cùng bà nhóm lửa, hẳn là tuổi thơ tôi đã gắn liền với bếp lửa đó. Cái mùi bếp lửa cay cay, khiến mỗi lần tôi nhóm lửa nước mắt, nước mũi đều chảy .  Bà đã thay ba mẹ tôi nuôi dạy tôi nên người. Bà dạy tôi làm việc nhà, dạy tôi học, chăm sóc tôi với tình yêu thương vô vàn như một người mẹ .

Mỗi buổi sáng, bà đều làm đồ ăn để tôi dậy ăn. Bà làm việc này tới việc khác không nghỉ ngơi mà cũng không  than phiền hay trách móc gì cả. Cuộc đời bà đã đi qua bao nhiêu sóng gió nắng mưa, đã chịu nhiều cực khổ nên tôi không muốn phiền lòng bà nữa. Tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương và bảo bọc của bà. Đôi lúc những khi rãnh rỗi bà còn thường kể chuyên tôi nghe rồi nhắn nhủ với tôi rằng: “ Con phải ráng học để xây dựng đất nước , nếu không thì đất nước mình chỉ mãi nghèo khổ thôi”.

Có những khi trời mưa làm cho củi ướt, lúc đó nhóm bếp khổ vô cùng. Mỗi khi tu hú kêu trên những cánh đồng, bà thường kể cho tôi nghe những chuyện ở Huế. Bà kể giọng rất truyền cảm , từng chữ từng lời nói của bà đều khác sâu trong lòng tôi. Tiếng tu hú kêu làm tôi và bà đều nhớ ba mẹ tôi ở chiến khu da diết. Càng lớn tôi càng cảm thấy thương bà, càng không muốn xa quê hương để bà khó nhọc.

Năm đó là nạn giặc tàn phá xóm làng, thiêu rụi nhà cửa, tài sản. Hàng xóm và bà cháu tôi đều chịu nhiều khổ cực, mất mát và đau thương. Cái hình ảnh đó đã ám ảnh hết một phần của tuổi thơ tôi  . Sau những ngày rời khỏi quê nhà, thì hàng xóm và bà cháu tôi trở về lậm lụi. Tôi đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh nhỏ để sống qua ngày. Tôi thấy bây giờ cuộc sống cực khổ nên nói với bà: “Bà ơi hay là cháu viết thư cho ba mẹ nhé , để ba mẹ trở về để phụ bà”. Nhưng bà không chịu và nói nhỏ nhẹ với tôi rằng: “Ba mẹ ở chiến khu còn rất nhiều việc, nên mày có viết thư chớ kể này kể nọ , cứ bảo là gia đình vẫn bình yên là được rồi.

Tôi hiểu lòng bà nên chỉ vâng lời thôi ,và tôi càng thấy thương bà hơn, một mình bà gánh vác hết mọi công việc còn lo cho con ở chiến khu, tôi cảm thấy bà như một vị anh hùng giàu tình yêu thương và đức hi sinh. Nên mọi việc gì trong nhà tôi có thể làm được thì tôi liền giúp bà như: cho gà ăn, lấy củi, hái rau ,… dù những công việc đó nhỏ nhưng cũng giúp bà đỡ được phần nào. Những ngày mà bà làm việc nặng, tới tối tay chân bà mỏi thì đôi đấm bóp cho bà, cho bà dễ chịu.

Ngày qua ngày tôi cùng bà nhóm bếp lửa. Một ngọn lửa chứa niềm tin và hình ảnh của bà . Mấy chục năm rồi mà bà vẫn thức khuya dậy sớm trải qua mưa nắng cuộc đời, tảo tần chăm sóc tôi. Công việc của bà giản dị nhưng tôi vẫn biết ơn vô cùng như: bà nấu khoai, bà san sẻ tình làng nghĩa xóm. Bếp lửa đã cùng bà trải qua nắng mưa trong cuộc đời bà. Ôi bếp lửa giản dị nhưng riêng tôi cảm thấy đó là điều kì lạ thiêng liêng cao đẹp.

Bếp lửa còn là tình bà nồng ấm, bếp lửa gắn với những gian khổ, gian lao đời bà. Ngày ngày bà nhóm bếp lên, cũng giống như bà nhóm niềm vui niềm yêu thương giành cho tôi và mọi người . Bà không những là người nhóm lửa, mà còn là người truyền lửa truyền niềm tin cho mọi người .

Giờ đây tôi đã trưởng thành sống với những nơi có bếp gas, bếp điện. “Có ngọn khói trăm tàu, có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả “luôn hiện hữu trong tâm trí tôi với câu hỏi: “Mai này bà nhóm lửa lên chưa”. Ôi bếp lửa tình bà sao ấm áp đến như vậy ! Bếp lửa đã nuôi lớn tôi, giúp tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Bây giờ tôi chỉ muốn về với bên bà, được bà kể chuyện, được bà chăm sóc yêu thương. Mỗi con người ai cũng đều có cội nguồn để trưởng thành. Vì thế mà tôi sẽ không bao giờ quên được cái hình ảnh người bà và bếp lửa đã nuôi dạy tôi trưởng thành như ngày hôm nay.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư