Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích bài thơ ''Muốn làm thằng Cuội' của Tản Đà

Phân tích bài thơ'''Muốn làm thằng cuội' của Tản Đà

5 trả lời
Hỏi chi tiết
518
1
1
Bao Minh
30/12/2019 22:37:34

Tản Đà (1889-1939) tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu là một người đa tài ông làm thơ, làm văn và còn là một nhà viết kịch nổi tiếng của nước ta. Sở dĩ ông lấy bút danh là Tản Đà cũng là vì ông là một người yêu quê hương đất nước, ông muốn bút danh của mình gắn liền với quê hương, Tản Đà có nghĩa là sự gắn kết giữa núi Tản Viên và sông Đà của quê hương ông. Ông nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa sáng tạo trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ông viết những bài thơ lãng mạn với những ý tưởng rất ngông, đậm chất phóng khoáng, cá tính mạnh mẽ, ông cũng được đánh giá là người chuẩn bị cho sự nghiệp ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối liền giữa hai thời kì văn học cổ điển và hiện đại”. Thơ ông chủ yếu mang đậm màu sắc “ngông” tiêu biểu là bài thơ “Muốn làm thằng Cuội”.

Hai câu đầu là lời than buồn, than chán của một thi sĩ, một con người trần thế:

  • “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
  • Trần thế em nay chán nửa rồi”

Hai đại từ nhân xưng “chị” và “em” nghe thật duyên dáng. Nhân hóa vầng trăng, rồi nữ hóa trăng, gọi bằng cái tên Hằng, nhà thơ tạo ra mối quan hệ bất ngờ, chân thật mà dân dã. Nỗi niềm của nhà thơ bộc bạch trực tiếp bằng hai từ biểu cảm “buồn” và “chán”. Buồn trong đêm thu là tâm trạng quen thuộc của các văn nhân nghệ sĩ xưa nay. Bởi vì mùa thu về, dẫn theo hơi thu se lạnh, gợi cảm giác về sự tàn phai. Là một thi sĩ tài danh, nhạy cảm, hẳn Tản Đà đã thấm cái hồn của đất trời, cỏ cây tàn tạ và lây những dòng buồn của văn chương, của các thi sĩ. Đấy là nỗi buồn lãng mạn, nhè nhẹ bâng khuâng, như vô cớ mà có duyên. Còn tâm trạng “chán nửa rồi” thì không còn là lãng mạn vô cứ kiểu nghệ sĩ nữa. Đó là nỗi buồn thấm đẫm thế sự của một tâm hồn từng lo âu cho đất nước, cho dân trong cảnh lầm than. Cảnh đất trời thiên nhiên cộng với cảnh đời tối tăm đã xúi giục nhà thơ cất tiếng thở than, để tìm người chia sẻ. Có lẽ chưa tìm được ai có thể tâm sự cõi lòng ấy nên đằng ngửa mặt lên trời, than với mây trời, với trăng sao. Trong vòm trời mênh mông kia, có lẽ chỉ mặt trăng mới đáng làm tri kỉ. Bởi vì trăng sáng ngời, tròn trịa, phúc hậu, vô tư mà đầy gợi cảm. Hiện lên sau hai câu thơ cấu trúc kiểu lời gọi, tiếng than là một ước nguyện chân thành, tha thiết khiến người nghe, người được cậy nhờ không thể chối từ và người đọc thơ cũng không thể dừng lại.

Đến hai câu thơ thực, lời ước nguyện, cầu xin trở thành một giấc mơ độc đáo:

  • “Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
  • Cành đa xin chị nhắc lên chơi”

Mặc dù phạm phải quy luật bố cục và đối xứng đường thi nhưng đọc lên vẫn thấy ngôn ngữ trôi chảy, ý tứ khoáng đạt, hồn thơ phát triển tự nhiên, gắn bó hài hòa với hai câu đề. Hai câu thơ cất lên tiếng nói ước nguyện, những dự cảm thật độc đáo. Câu thơ thứ nhất mang ý thăm dò, không đợi trả lời mà mạnh dạn cầu xin ở câu thơ thứ hai. Những hình ảnh “cung quế”, “cành đa”, “ai ngồi đó” gợi biết bao truyện huyền thoại về “cung Quảng Hàn”, về sự tích “Chú Cuội cây đa”. Đó đâu phải là một nơi chốn của con người mà là địa chỉ siêu nhiên, những con người chỉ có trong tưởng tượng, trong giấc mơ. Phải chăng, cất lên tiếng thơ đó, thi sĩ Tản Đà đang ru hồn mình vào trong những giấc mơ. Sau đó là một cảnh tượng, một bức tranh kì thú:

  • “Có bầu, có bạn can chi tủi,
  • Cùng gió, cùng mây thế mới vui”

Nhà thơ đã đến đích, được gặp chị Hằng, chú Cuội, được kết bạn với gió mây. Hai cụm từ “can chi tủi” và “thế mới vui” thể hiện rõ tâm trạng thỏa thuê, quên hết nỗi buồn khổ ở trần gian để tìm nguồn vui nơi tiên giới. Âm điệu của ngôn từ như ngân lên, pha chút hóm hỉnh, cười đùa ngông nghênh mà rất tình tứ. Có thể nói, tâm hồn lãng mạn của thi nhân đã tìm được một địa chỉ lí tưởng để thoát li. Lên tới mặt trăng, ẩn mình trong mây bay, gió cuốn tức là Tản Đà đã hoàn toàn xa lánh được cuộc đời buồn chán, xa lánh “cõi trần nhem nhuốc”. Những ước nguyện của Tản Đà là những ước nguyện chân chính của một con người luôn gắn bó với cuộc đời, luôn mong muốn có được một cuộc sống hạnh phúc, nhiều niềm vui.

Dấu ấn thời đại và tầm xa của hồn thơ Tản Đà được đẩy lên một bậc, bất ngờ ở hai câu kết:

  • “Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
  • Tựa nhau trông xuống thế gian cười”.

Trung thu là đêm hạnh phúc của mỗi gia đình, gia đình xum họp ngoài trời cùng nhau ngắm trăng, trăng đêm trung thu là sáng nhất mọi người cùng nhau vui vẻ trò chuyện. Vậy mà nhà thơ lại khác, nhà thơ đang ngồi trên cung trăng, tựa lưng vào chị Hằng rồi cùng nhau trông xuống thế gian, ngắm nơi trần thế mọi người đang vui vẻ nhưng tại sao nhà thơ lại cười, là tại vì ông vui nên cười hay còn ngụ ý khác? Đúng vậy nhà thơ cười là đang cười chế diễu vì nhà thơ đang ở tầm cao nên có thể thấy hết mọi chuyện đáng cười, đang khinh ở trên đời, cũng có thể nhà thơ đang tự cười mình có cái ý tưởng ngông nghênh khác đời.

Qua bài thơ “Muốn làm thằng cuội” ta thấy rõ cái ngông của Tản Đà trong đó, và cũng thấy được nỗi chán ghét nơi trần thế của ông. Nhà thơ muốn bỏ nơi đó thật xa, ông muốn được lên ở cõi tiên, ông du dương trong giấc mơ, tưởng tượng của mình để được lên trời cao làm bạn với mây gió. Ta cũng thấy được sự cách tân Đường thi ở bài này, thi sĩ đã góp một phần quan trọng trong giai đoạn cách tân đổi mới thơ ca hiện đại Việt Nam.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
1
Đại
30/12/2019 22:38:57

Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu xuất hiện trên văn đàn Việt Nam những năm đầu thế kỷ với một cá tính độc đáo: một nhà thơ của sầu và mộng, ngông và đa tình. Bài thơ Muốn làm thằng Cuội đã thể hiện rất rõ cá tính ấy của ông.
Bài thơ Muốn làm thằng Cuội in trong tập Khối tình con (1916). Mặc dù tác phẩm được làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật song người đọc sẽ thấy ở đây, dưới cái hình thức còn là của thơ cổ ấy những dấu hiệu mới mẻ của cảm xúc. Tâm sự của nhà thơ ở một thời đại mới đã khiến cho cái hình thức thơ cũ có chiều hướng giảm nhẹ đi tính trang trọng, mực thước. Sự giản dị, trong sáng gần với khẩu ngữ tự nhiên làm nên nét duyên của bài thơ này.
Ngay từ nhan đề của bài thơ đã cho thấy một giọng điệu suồng sã, như là đã giải tỏa được một nhu cầu nói thật, thẳng thắn của nhà thơ và cũng lại cho thấy cái ngông nghênh, bất đắc chí: muốn ở đây như một nhu cầu bức xúc, chẳng cần giấu giếm, vòng vo. Nhưng muốn cái gì? Muốn làm cuội thì đích thực là muốn thoát lên trên rồi. ước vọng lên trên thơ mộng thế mà nói tựa như là muốn ăn, muốn uống, muốn ngủ... thật là thành thực!
Và, nếu muốn thoát tục, lên trên thì thiếu gì những hình mẫu tiên để ước sao cứ phải là thằng Cuội? Thằng chứ không phải chú - cũng là một kiểu nói ngông.
Thế thì chính là thi sĩ đa tình này muốn lên cung trăng rồi!
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần thế em nay chán nửa rồi!
Chị Hằng thì phải ở cung trăng chứ còn gì nữa! Thì ra thi sĩ của chúng ta muốn làm thàng Cuội để tâm sự cùng chị Hằng Nga xinh đẹp. Hai câu mở đầu bài thơ như một tiếng kêu than. Chẳng cần phải mượn cái khác để diễn tả nỗi buồn trong lòng mình, thi sĩ bộc bạch ngay nỗi lòng mình. Hai chữ buồn lắm thật chân thành. Thi sĩ chỉ lòng mình ra trong tiếng gọi tha thiết. Ta thường gặp trong thơ Tản Đà một vẻ buồn chán, cái buồn lan trùm tất cả. Vì buồn lắm như thế nên thi sĩ mới "muốn làm thằng Cuội . Nhưng không phải là cái buồn vô cớ, càng không phải kiếm cớ buồn đẽ được lên tiên. Cái buồn ở đây là cái buồn đời, buồn chán cuộc đời tối tăm, đen bạc, đảo điên. Không ít lần Tản Đà kêu chán đời: "Đời đáng trách biết thôi là đủ - Sự chán đời xin nhủ lại tri âm", "Gió gió mưa mưa đã chán phèo - Sự đời nghĩ đến lại buồn teo"... Sống trong bối cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến những năm đầu thế kỉ XX, chẳng phải chỉ riêng Tản Đà buồn chán. Không khí tù hãm, u uất của một dân tộc bị mất nước bao trùm hết thảy, đè nặng tâm trí con người, nhất lại là những con người nhạy cảm như thi nhân. Tâm trạng buồn chán là tâm trạng của thời đại. Có trăm ngàn vẻ buồn khác nhau song đều thấy điểm chung là sự bế tắc trước thực tại cuộc đời, từ đó mà sinh ra chán nản, bất mãn đối với thời cuộc.
Cái buồn của Tản Đà cũng bắt nguồn từ đấy. Và thế là thi sĩ tìm lối thoát bằng cách thoát li khỏi cuộc đời, sống trong một thế giới khác, thế giới mộng mơ, thần tiên. Thi nhân gọi trăng là chị, xưng với trăng là em thì vừa là muốn thân tình, gần gũi để giãi bày, vừa là chơi ngông. Bốn câu thơ tiếp càng thể hiện cái ngông của Tản Đà:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Ngông thực chất là một thái độ ứng xử đối với cuộc đời, một biểu hiện khác của sự chán ngán, bất mãn với thời cuộc. Phải là người yêu đời lắm, tha thiết với cuộc sống lắm thì mới tỏ ra buồn chán đến bất hòa trước cuộc đời đang rối ren, đen tối như thế. Câu 3 của bài thơ là lời ướm hỏi, rồi đến câu 4 là lời đề nghị. Nấu Cung quế chưa có ai thì chị cũng buồn, cũng cô đơn lắm nên hãy để em lên chơi cùng, em đỡ buồn mà chị cũng bớt cô đơn. Tính từ đây mà cũng ngang tàng đấy! Xin chị đừng từ chối nhé, bởi vì em có lí lẽ đây này:
Có bầu có bạn, cùng tri kỷ
Cùng gió cùng mây, thế mới vui.
Cái lí của thi nhân thật là thuyết phục. Song trong sự thuyết phục để thoát li, xa lánh trần thế ấy chúng ta thấy một thực trạng buồn vắng, cô đơn của tâm hồn thi sĩ. Vốn đa tình đa cảm nên thi nhân luôn luôn có khát vọng được người tri kỉ, mà cõi trần thì "Chung quanh những đá cùng cây; Biết người tri kỉ nơi đâu mà tìm". Cái vui của thi nhân là cái vui được tâm giao, tâm đồng. Gió, mây thơ mộng được không nếu chẳng có bầu có bạn". Khát vọng lên trên, lánh đời ở đây thực ra là một cách bộc lộ khao khát đồng cảm, tri âm trong cuộc đời của Tản Đà. Và cái cách ở đây là ngông. Chưa hết, thi nhân còn vẽ ra viễn cảnh:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười
Lãng mạn hết mức, tưởng tượng ra cảnh "tựa nhau" cùng chị Hằng thì quả là cái ngông đã đến đỉnh điểm. Tác giả hạ chữ cười ở cuối bài thật đắt. Cười ở đây chứng tỏ cái hả hê thỏa mãn khi trong ước vọng được thoát tục, rồi bỏ được trần ai mà lên tiên. Cười còn là thái độ mỉa mai, khinh khi cái cuộc đời đang đầy những sầu khổ, cô đơn dưới kia. Cười thách thức. Cười ngông.
Bài thơ tuân thủ khuôn mẫu của một bài thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển. Nhưng nguồn cảm xúc tự nhiên, không chừng bay bổng đã tự tìm đến những lời thơ tựa như lời nói hàng ngày: "buồn lắm chị Hằng ơi", "em nay chán nửa rồi", "đã ai ngồi đây chưa", "xin chị nhắc lên chơi", "thế mới vui", "tựa nhau trông xuống thế gian cười"; xưng hô khẩu ngữ (chị - em) tự nhiên, không đẽo gọt cầu kì và ngữ điệu biểu hiện đa dạng (ơi, rồi, đó chửa, xin, thế mới). Lên tiên, thoát tục là thi đề quen thuộc trong thơ cổ, ở đây cái không mới ấy đã được làm mới bằng giọng điệu, bằng lời thơ.
Cái ngông của Tản Đà trong bài thơ này là một hình thức ứng xử vốn nằm trong cốt cách của nhà nho tài tử trong thơ truyền thống. Song, như chúng ta đã thấy, cái ngông ấy lại là thái độ của Tản Đà đối với xã hội ta những năm đầu thế kỉ XX, bộc lộ một nguồn xúc cảm mới, đầy cá tính đa tình, phóng túng. Cái mơ mộng thành ra cái ngông thì quả là đậm chất riêng của Tản Đà.

1
2
Huyền Nga
30/12/2019 22:41:39

Tản Đà là tài năng văn học lớn của Việt Nam, ông là gạch nối giữa văn học trung đại và hiện đại. Muốn làm thằng cuội thể hiện tâm trạng chán nản, bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, muốn thoát li vào thế giới mộng tưởng của tác giả. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện những cách tân mới mẻ, táo bạo trong sáng tác của ông.
Nhan đề bài thơ vô cùng đặc sắc, tác giả sử dụng từ "muốn" thể hiện khát khao chuyển đổi không gian sống và muốn hóa thân thành người khác, cụ thể ở đây là thành chú Cuội. Ngay từ nhan đề đã cho thấy cái tôi ngông nghênh và đa tình của nhà thơ. Một ước muốn xa vời những hết sức thực tế vì tác giả muốn thoát khỏi thực tại tầm thường, thấp kém.
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Thực tại tầm thường, giả dối tác giả không biết tâm sự cùng ai đành tìm đến chị Hằng để giãi bày nỗi lòng của mình. Điều đó cho thấy sự cô đơn, lạc lõng của ông giữa cuộc đời. Đêm thu - thời điểm khơi gợi nỗi buồn trong những tâm hồn nhạy cảm - bởi vậy cõi lòng nhà thơ càng trở nên trống trải, cô đơn hơn. Không chỉ buồn, sầu, cô đơn Tản Đà còn gửi cả vào câu thơ sự chán chường với cuộc đời. Ở câu thơ tác giả đã thể hiện trực tiếp cái cô đơn của bản thân, điều này vốn rất ít khi được thể hiện trong văn học trung đại. Tản Đà đã phá vỡ quy tắc của thơ ca cổ điển, thể hiện trực tiếp tình cảm cá nhân, đây chính là điểm mới mẻ trong thơ ông.
Chính bởi cuộc sống tầm thường nên tác giả có ao ước được thoát li cuộc đời trần thế. Cách thoát li thực tế của Tản Đà hết sức đặc biệt: muốn lên cung trăng làm bạn với chị Hằng. Câu hỏi thăm dò dường như chỉ là cái cớ: Cung quế đã ai ngồi đó chửa?, không chần chờ, không đợi câu trả lời của chị Hằng, ông đã đề nghị: "Cành đa xin chị nhắc lên chơi". Cuộc đối thoại trong mộng tưởng của Tản Đà thật thơ mộng và tình tứ. Đồng thời thể hiện cái tôi ngông ngạo của ông.
Đẩy trí tưởng tượng của mình đi xa hơn một bước, tác giả tưởng tượng cảnh mình được ngồi ở cung quế trò chuyện vui đùa cùng chị Hằng. Nơi ấy tác giả thoát khỏi nỗi sầu, nỗi cô đơn vì đã có chị Hằng làm bạn: "Có bầu có bạn can chi tủi/ Cùng gió, cùng mây thế mới vui". Những hình ảnh gió mây làm cho tâm hồn tác giả càng thêm bay bổng, lãng mạn hơn. Cái ngông của Tản Đà được thể hiện trong nguyện ước được thả hồn cùng gió mây để ngao du trong trời đất.
Hai câu thơ cuối thể hiện nguyện ước được mãi mãi ở nơi cung quế của tác giả. Các chữ "cứ mỗi năm" diễn tả dòng thời gian lặp đi lặp lại thể hiện mơ ước không muốn rời xa nơi đây. Và ở cung quê ông cùng chị Hằng "Tựa nhau trông xuống thế gian cười", nụ cười của ông có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa: cười bởi không thể thỏa mãn được khát vọng thoát li, xa lánh cõi trần gian hay cười vì mỉa mai, khinh bỉ cõi đời xô bồ, đen tối, ngột ngạt. Dù hiểu theo cách nào thì đó cũng thể hiện nỗi sầu của kẻ chán ghét và muốn thoát li thực tại.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, tuân thủ quy tắc về niêm luật nhưng không công thức, gò bó. Ý thơ phóng khoáng, tự do, bay bổng, mang đậm dấu ấn cá nhân. Thủ pháp đối lập cũng được vận dụng tài tình.
Qua bài thơ, Tản Đà đã gửi gắm nỗi niềm tâm sự của một nguời bất hòa sâu sắc với thực tại xã hội lúc bấy giờ, mong muốn thoát li vào cõi mộng tưởng. Bài thơ hấp dẫn ở giọng thơ ngông ngạo, trí tưởng tượng phong phú, cảm xúc mãnh liệt, bay bổng lại cùng vô cùng thiết tha, sâu lắng.

0
1
Ann
31/12/2019 07:49:24

Sau hơn mười năm đầu thế kỉ XX bước vào thời kì hiện đại hoá với những áng văn chương yêu nước nổi tiếng của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu,... nền văn học nước ta bước vào giai đoạn chuyển biến cực kì sôi động. Từ những nãm 20 trở đi, trên văn đàn xuất hiện các nhà văn mạnh dạn đổi mới cả nội dung lẫn hình thức văn chương. Họ kết hợp những vẻ đẹp của truyền thống với yêu cầu cách tân của thời đại, sáng tác ra những tác phẩm thơ văn đặc sắc mang hơi thở của một lớp người giàu khát vọng, yêu nước, yêu đời, nhưng bế tắc,... Một trong những người mở đầu cho dòng văn chương này là thi sĩ Tản Đà. Tản Đà đã sáng tác nhiều tác phẩm mà chỉ đọc tên, chúng ta cũng thấy rõ tính độc đáo, đầy mộng mơ, lãng mạn : Khối tình con I, II, III, Giấc mộng lớn, Giấc mộng con,... Trong tập thơ Khối tình con có bài thơ Muốn làm thằng Cuội được nhiều người coi là độc dáo nhất. Quả đúng như vậy. Qua nhan đề tác phẩm và ít phút đọc - hiểu ban đầu, chúng ta đã cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Đây là một ước muốn khác đời, kì quặc, hay dãy là một giấc mơ kì thú, ngông nghênh, lãng mạn? Muốn làm thằng Cuội tức là muốn bay lên cung trăng, muốn thoát li cuộc đời trần giới để sống với trăng sao, tiên cảnh ư ? Tại sao nhà thơ lại có ước muốn ấy ? Ước muốn ấy có ý nghĩa gì ?... Biết bao câu hỏi thú vị hấp dẫn, lôi cuốn chúng ta.

Cũng là thơ thất ngôn bát cú theo luật thơ Đường, cũng viết bằng chữ Nôm, nhưng so với nhiều bài thơ Nôm thời kì vãn học trung đại và hai bài thơ ra đời trước đó ít năm của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, nhưng hồn thơ, giọng điệu và ngôn từ của Muốn làm thẳng Cuội có nhiều nét khác hẳn. Bài thơ mang giọng điệu nhẹ nhàng, thanh thoát pha chút tình tứ hóm hỉnh, có nét phóng túng, ngông nghênh của một hồn thơ lãng mạn, thoát li.

Hai câu thơ đầu (vào đề) là lời thở than buồn và chán của một thi sĩ, một con người trần thế :

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi,

Nét độc đáo dễ thấy là hai đại từ nhân xưng "chị" và "em" nghe thật duyên dáng. Nhân hoá vầng trăng, rồi nữ hoá trăng, gọi bằng cái tên Hằng (theo cách nói của nhiều thi sĩ xưa - Hằng Nga - ả Hằng), kèm theo đại từ "chị", xưng mình là "em", nhà thơ tạo ra một quan hệ bất ngờ, thân mật mà dân dã, đúng quan hệ để tâm sự sẻ chia nỗi niềm. Nỗi niềm của nhà thơ bộc bạch trực tiếp bằng hai từ biểu cảm buồn và chán. Buồn trong đêm thu là tâm trạng quen thuộc của các vãn nhân nghệ sĩ xưa nay. Bởi vì, mùa thu về, dẫn theo hơi thu se lạnh, gió thu nhè nhẹ hiu hiu, cây cỏ mùa thu héo úa, đợi ngày tàn lụi,... Biết bao thi sĩ dân tộc từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, từ Hồ Xuân Hương đến Bà Huyện Thanh Quan, rồi Nguyễn Khuyến, Tú Xương,... đã từng thấm nỗi buồn của mùa thu để rồi làm đầm ướt những dòng thơ. Là một thi sĩ tài danh, nhạy cảm, trước mùa thu, hẳn Tản Đà đã thấm cái hồn thu đất trời, cỏ cây tàn tạ và lây những dòng buồn của văn chương, của các thi sĩ. Đấy là nỗi buồn lãng mạn, nhè nhẹ, bâng khuâng, như vô cớ mà có duyên. Còn tâm trạng "chán nửa rồi" thì không còn là lãng mạn vô cớ kiểu nghệ sĩ nữa. Đó là nỗi buồn chán đẫm chất thế sự của một tâm hồn từng âu lo cho nước cho dân trong cảnh lầm than nô lệ. Đêm thu... buồn, cộng Trần thế... chán, cảnh đất trời thiên nhiên cộng với cảnh đời tối tăm đau khổ đã xui giục nhà thơ cất tiếng thở than, để tìm người chia sẻ. Có lẽ chưa tìm dược ai xứng với mình, nên dành ngẩng mặt than với mây trời, với trăng sao. Trong vòm trời đêm mênh mông kia, có lẽ chí mặt trăng dáng làm tri kỉ. Bởi vì trăng sáng ngời, tròn trịa, phúc hậu, vô tư, vô ngôn mà đầy gợi cảm. Dưới đôi mắt, đúng ra là qua trái tim nhạy cảm đa tình của mình, thi sĩ Tản Đà đã thấy ở vầng trăng hình ảnh một mĩ nhân có thể kết bạn tâm giao. Nhà thơ gọi trăng là "chị" - "chị Hằng", tôn xưng người đối thoại là "chị", nhận mình là "em" thật khéo, khéo trong ứng xử (nếu "chị Hằng" là có thật) và khéo trong dẫn dát ý thơ. Hiện lên sau hai câu thơ cấu trúc kiểu lời gọi, tiếng than là một ước nguyện chân thành, tha thiết khiến người nghe, người được cậy nhờ không thể chối từ và người đọc thơ cũng không thể dừng lại.

Đến bốn câu thực và luận, lời ước nguyện, cầu xin trở thành một giấc mơ độc đáo :

Cunq quế đã ai ngồi đó chửa ?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.

Nếu xét về luật bố cục và đối xứng Đường thi thì bốn câu trên đã phạm luật, không đúng nội dung của hai câu thực (tả thực) và hai câu luận (suy luận, mở rộng), từng cặp câu cũng chưa thật đối nhau trong ngôn từ và ý nghĩa. Song đọc lên, ta vẫn thấy ngôn ngữ trôi chảy, ý tứ khoáng đạt, hồn thơ phát triển tự nhiên, gắn bó hài hoà với hai câu mở đề, Đó là những dòng cách tân Đường luật để ý tình được tung phá, "cái tôi" thi sĩ được bay bổng, tự nhiên. Bốn câu thơ cất lên những tiếng nói ước nguyện, những dự cảm thật độc đáo. Câu thứ nhất thăm dò "Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?". Câu thứ hai, không đợi trả lời, liền đé đạt, cầu xin mạnh dạn "Cành đa xin chị nhắc lên chơi". Những hình ảnh "cung quế", "cành đa", "ai ngồi đó" gợi biết bao chuyện huyền thoại vể "cung Quáng Hàn" (mặt trăng), về "cây đa, chú Cuội" mà nhiều người Việt Nam đều biết. Đó đâu phải một nơi chốn của con người mà là những địa chỉ siêu nhiên, những con người siêu nhân chí có trong tưởng tượng, trong những giấc mơ. Phải chăng, khi cất lên những tiếng thơ đó, thi sĩ Tản Đà đang ru hồn mình vào trong một giấc mơ! Ta có cảm giác ông đang bé lại, nhỏ nhắn, tí hon như nhân vật chú Cuội ngày xưa bám vào "cành đa" bay lên, bay lcn, lên đến tận cung trăng, rồi từ từ hạ xuống, ngồi dưới gốc đa, bên cạnh chú Cuội. Sau đó là một cảnh tượng, một bức tranh kì thú :

Có bầu, có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.

Nhà thơ đã đến đích, được gặp chị Hằng, chú Cuội, được kết bạn với gió, mây. Hai cụm từ "can chi tủi" và "thế mới vui" thể hiện rõ tâm trạng thoả thuê, quên hết nỗi buồn khổ ở trần gian để tìm nguồn vui nơi tiên giới. Âm điệu của ngôn từ như ngân lên pha chút hóm hỉnh, cười dùa, ngông nghcnh mà rất tình tứ. Có thể nói, tâm hồn lãng mạn của thi nhân đã tìm được một địa chí lí tưởng dể thoát li. Lên tới mặt trăng, ẩn mình trong mây bay, gió cuốn tức là Tản Đà đã hoàn toàn xa lánh được cuộc đời "buồn chán", xa lánh "cõi trần nhem nhuốc". Nhưng ước nguyện của Tản Đà không chí hoàn toàn là trốn chạy, xa lánh. Đó chính là những giấc mơ, những khát vọng chân chính của một con người luôn gắn bó với cuộc dời, luôn mong muốn cuộc đời nói chung, đời mình nói riêng có niềm vui, có hạnh phúc, được gặp những bạn bè nhân hậu, chân tình. Nhà thơ từng than thở :

Chung quanh những đá cùng cây,
Biết người tri kỉ đâu đây mà tìm.

và đã từng ước mơ :

Kiếp sau xin chớ làm người,
Lùm đôi chim nhạn tung trời mà hay .

Với ước nguyện Muốn làm thằng Cuội, cái khát vọng chính đáng kia bắt gặp một giấc mộng của hồn thơ đa tinh, trở thành một cách nói có phđn ngông nghênh, ngạo đời, lãng mạn. Chán đời, buồn thu, giờ đây được sánh vai bầu bạn với người đẹp Hằng Nga, được vui chơi thoả thích với mây gió, còn gì thú hơn và làm sao còn cô đơn, sầu tủi được ! Cam hứng lãng mạn của Tản Đà mang đậm dấu ấn thời đại và đi xa hơn người xưa là ở chỗ đó. Dấu ấn thời đại và tầm xa trong hổn thơ Tản Đà được đẩy thêm một bộc, bất ngờ là ở hai câu kết bài thơ :

Rồi cứ mồi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Đêm trung thu, trăng sáng, người người ngẩng dầu chiêm ngưỡng trăng sao, báu trời, thì nhà thơ lại đang ngồi tít mãi trên cung trăng tựa vai người đẹp Hằng Nga nhìn xuống, ngắm nghía trần gian, rồi... cười. Vì sao nhà thơ cười ? Có thể vì đã đạt được ước mơ, khát vọng thoát li, xa lánh cõi đời trần tục, nên thoả mãn, cười vui. Cũng có thể vì được đứng ớ vị trí tầm cao, đứng trên mọi thói đời nhỏ bé, thấp hèn, nên nhà thơ nhìn rõ những điểu xấu xa, bẩn thỉu, đáng cười, đáng khinh của cõi trần chật hẹp nhỏ nhoi. Cũng có thể đầy là cái cười tự trào, tự giễu mình... chơi ngông, hơn đời, khác đời. Một chữ cười mà mở ra hai ba nghĩa, thật thú vị. Phải chăng hai câu thơ kết, nhất là từ cuối cùng của bài thơ ("cười") là đỉnh cao của hồn thơ lãng mạn, phong thái phóng khoáng, ngông nghênh mà rất duyên dáng, đa tình của Tản Đà.

Tóm lại, bài Muốn làm thằng Cuội là tâm sự của một con người bất hoà sâu sắc với xã hội tầm thường, xấu xa, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng, vui cùng mây gió. Đó là một giấc mơ kì thú, ngông nghênh, lãng mạn. Sức hấp dẫn của bài thơ chính là ở vẻ đẹp của giấc mơ ấy được thể hiện ở những từ ngữ, những hình ảnh đậm chất dân tộc, ở những tìm tòi đổi mới thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật của Tản Đà. Nhờ những đổi mới trong hồn thơ, tìm tòi trong nghệ thuật, thi sĩ Tản Đà đã góp phần mở ra một giai đoạn cách tân sôi động, hào hứng cho lịch sử thơ ca hiện đại Việt Nam, đúng như nhà nghiên cứu Hoài Thanh nhận xét : "Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một nỗi khát vọng thiết tha, nỗi khát vọng thoát li ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo... Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kì đương sắp sửa...".
 

1
0
SayHaiiamNea ((:
31/12/2019 08:42:03

Trên văn đàn Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỉ XX, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, làm kinh ngạc và xôn xao dư luận. Là người của hai thể kỉ (theo cách nói của Hoài Thanh), ở tiên sinh vừa có lớp dấu ấn của nhà nho thế hệ cuối, vừa thoát thai một con người tự do dân chủ thời hiện đại. Cái tư chất phóng túng và gia đình của nhà nho tài tử là mảnh đất thích hợp cho “cái tôi” cá nhân lãng mạn tự do nảy nở. “Cái tôi” đó ở Tản Đà, vừa bị trói buộc bởi chính những tư tưởng phong kiến của nhà thơ, vừa cảm thấy bế tắc trước thực trạng xã hội, luôn vùng vẫy tự giải thoát. Và trong thơ văn, nó đã bùng lên thành cảm hứng mãnh liệt muốn thoát li thực tại.
Muốn làm thằng Cuội là bài thơ nằm trong mạch cảm hứng thoát li đó của Tản Đà, cùng với những bài Trời nắng, Tống biệt, Hầu trời (thơ)... và những Giấc mộng lớn, Giấc mộng con (mà Xuân Diệu gọi là “du kí”)... Xuất hiện trong tập Khối tình con năm 1916, có thề nói Muốn làm thằng Cuội là bài mở đầu cho lối thơ phóng túng, đầy ý tưởng lãng mạn cua Tản Đà.
 
Chúng ta thử hình dung lại không khí văn đàn những năm 20 đầu thế kỉ này, khi những áng văn xuôi quốc ngữ còn chập chững, chưa xa lắm đối với văn biền ngẫu, khi những giọng thơ nghiêng trang, mực thức kiểu thơ Đường còn phổ biến và trên báo chí đầy rẫy các truyện cổ diễn Nôm, thì một giọng thơ phóng túng như Tản Đà không thể không khiến cho người đọc ngỡ ngàng:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi...
vẫn là lối thơ cũ: Thất ngôn bát cú Đường luật, thi liệu cổ: tràng, nhưng cách sử dụng câu chữ tài tình của thi nhân đã làm hồn thơ biến đổi, mới mẻ hẳn. Đối diện với mặt trăng - nguồn cảm hứng của muôn đời thi sĩ, có lẽ chỉ duy nhất Tản Đà là Muốn làm thằng Cuội! Cái ý tưởng vô cùng lãng mạn - bay lên cung trăng lại được diễn tả thành một ước muốn có phần ngộ nghĩnh: Muốn làm thằng Cuội. Cái khác đời, cái ngông của Tản Đà là ở đó. Phải chăng thi nhân quá ngán sự đời, muốn mượn danh thằng Cuội để tha hồ nói láo cho vui? Nhưng trong bài thơ, ý định bông lơn cứ hòa lẫn với tâm trạng chán chường thực tại, làm cho giọng thơ có một vẻ rất đặc biệt: buồn da diết mà cứ tưng tửng như không!
Hóa thân vào chủ thể trữ tình của bài thơ, thi nhân giãi bày nguyện vọng của mình:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Tự cô chí kim, có lẽ Tản Đà mới có giọng suồng sã, thân mật “chị chị em em" với Hằng Nga như vậy. Nhà thơ cố tình hiểu chệch ý nghĩa giống cái trong từ Chị Hằng mà dân gian thường gọi thành ý nghĩa ngôi thứ trong cách xưng hô, biến nàng trăng xa vời thành bà chị thân thiết của mình và lấy đó làm đối tượng để... tâm sự. Những lời nói cửa miệng: buồn lắm chị ơi! Em chán nửa rồi. Ai ngồi đó chửa? Chị nhắc lên chơi... đưa vào thơ một cách nhuần nhuyễn khiến những câu thơ Đường luật mất hẳn vẻ trang trọng, trở thành lời bộc lộ tâm tình hồn nhiên, dân dã. Thi nhân đã làm sống dậy những truyền thuyết thơ mộng trong dân gian về Hằng Nga - cung Quảng, chú cuội - cây đa... nhưng lại muốn xóa nhòa khoảng cách cõi tiên và cõi tục:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Chỉ một từ nhắc rất dân dã mà người thơ như trở thành bé bỏng, thành một chú Cuội không chỉ ngồi gốc cây đa mà còn muốn vắt vẻo cành đa để cận kề người đẹp cõi tiên. Đối với chàng thi sĩ đa tình, mộng và thực đã hòa làm một. Chàng có thể nỉ non với chị Hằng, than vãn về nỗi buồn trần thế, rủ rê người đẹp bầu bạn với mình để vui thú cùng mây gió.
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.
Hóa ra câu tuyên ngôn rất “vị nghệ thuật” của Xuân Diệu thời thơ mới: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây đã được Tán Đà thi sĩ thực hành từ 20 năm trước! Nhà thơ nói với chị Hằng, nói cùng ai đó, mà cũng dường như tự nói với mình: chán trần thế thì lên tiên, lên tiên làm bạn với tiên, vui như thế can chi tủi! Và như thế tăng sức thuyết phục, bài thơ chốt lại bằng một viễn cảnh vô cùng thú vị:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Thi nhân đang sống trong một ảo, sống hết mình nên cảnh mộng mà người vẽ ra cứ hồn hậu như đời thực. Ở đây, ta cảm giác có sự đảo lộn tình thế. Hình như không phải nhà thơ là người được chị Hằng thương xót cho lên thượng giới nữa, mà chính Hằng Nga đã bị chàng thi sĩ rất ngông này kéo tuột từ trên cung Quảng xuống với những thú vui trần thế: có bầu có bạn, tựa nhau... cười. Và người đọc cũng không thể không mỉm cười khi hình dung cảnh tượng: Cứ mỗi đêm rằm tháng tám, chờ lúc tất cả bàn dân thiên hạ ngẩng đầu ngắm trăng mà ao ước, chàng thi sĩ Tản Đà lại má sát má, vai kề vai với nàng trăng nheo mắt cả cười nhìn xuống cõi nhân gian bé tí.
Sau này, cảm hứng về chị Hằng, chú Cuội còn đẩy trí tưởng tượng của Tản Đà đi xa hơn nữa. Trong tập du kí Giấc mộng con, Tản Đà kể chuyện lên thượng giới gặp Đông Phương Sóc, được ông này cho biết về thân thế của mình như sau: Nguyên xưa ông ở trên này là một vị Khuê tinh, Thượng đế có lòng yêu lắm. Một khi ông dám làm thơ liệng sang cung Quảng Hàn, bị thằng Cuội bắt được đem trình Thượng đế. Ngài giận mới đày ông xuống hạ giới. Ông đã bị xuống hạ giới mà lại còn làm thơ, làm bài hát nói láo, như vẫn còn bờm xơm với Hằng Nga, làm cho Thượng đế càng giận, tăng thêm cái hạn đày ông hai mươi năm nữa...
 
Nói về Giấc mộng con để thấy rằng Muốn làm thằng Cuội chỉ là một bài thơ nhỏ mở đầu cho hàng loạt tác phẩm theo mạch cảm hứng thoát li thực tại của Tản Đà. Trong hoàn cảnh phức tạp của xã hội lúc bấy giờ, ý tưởng thoát lên tiên, trốn vào thơ hay vào mộng chưa phải sự bế tắc của xã hội. Muốn làm thằng Cuội là một phản ứng đáng được ghi nhận của Tản Đà. Hơn nữa, bài thơ hé mở cho ta thấy tâm hồn đa cảm, lãng mạn và ngòi bút phóng túng của nhà thơ. Cái tài của thi nhân ở chỗ dùng ngay những câu dung dị như lời nói cửa của thi nhân ở chỗ dùng ngay vào những ý tưởng độc đáo, biến chúng thành những câu đầy chất thơ. Có thể nói, tư tưởng mãnh liệt tự nó đã phá vỡ cái vỏ khuôn mẫu, trói buộc để tìm lấy cách thể hiện thích hợp. Muốn làm thằng Cuội nảy sinh từ trong quy luật đó. Ngay ở trong bài thơ nhỏ này của Tản Đà, ta có thể thấy mầm mống của sự đổi mới dòng “thơ cũ”, báo hiệu cho thời kì Thơ mới về sau mà Tản Đà được coi là người mở đường không ai thay thế nổi.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Ngữ văn Lớp 8 mới nhất
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 8 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư