Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nghị luận về Thế Lữ

2 trả lời
Hỏi chi tiết
202
2
0
Bao Minh
12/01/2020 09:39:30
Bài "Nhớ rừng" của Thế Lữ thực chất là một tuyên ngôn của chủ nghĩa lãng mạn, không chấp nhận cái tầm thường...

Sự đa tầng, đa nghĩa thường làm cho thơ giàu sức khái quát và cũng là thuộc tính tất yếu làm cho thơ có thể thành thi phẩm bất hủ. Sụ lay động và lấp lánh của thơ thường loé lên, toả sáng từ nhiều tầng cảm xúc. Phải chăng chính những cảm xúc hợp lý vẫn cứ mở rộng thơ ra về kích cỡ để tạo nên từng nét thơ, hoặc cả dung mạo một bài thơ bất tử? Đọc "Nhớ rừng" của Thế Lữ chừng như nhiều thế hệ đã nhận định như vậy...

Xưa nay, sự bí mật và kỳ vĩ của thơ ca thường khởi nguyên từ bút pháp rất dung dị mà đậm chất hàm súc. Chỉ một "lốt" hổ trong "Nhớ rừng", Thế lữ cũng đã tạo ra biết bao tầng nghĩa rất khác nhau, biến con hổ trong thơ hoá thân thành muôn hình vạn trạng của muôn điều suy tưởng từ những "gốc rễ" nhận thức rất riêng của từng người đọc.

Với Thơ Mới, Thế Lữ không luận chiến mà ông ung hoành dùng ngọn bút của chủ nghĩa lãng mạn để lột tả cái khí phách của vị chúa sơn lâm khi bị hãm mình trong "cũi sắt".

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.

Thơ cũ giam mình trong lốt hổ, nhà thơ tả hổ sa cơ bằng bút pháp và kích cỡ vung ngang, chém dọc rất tự nhiên, ngẫu hứng, sắc bén bằng tố chất mới lạ của Thơ Mới?

Nếu trước đó, nhà thơ miền Nam Đông Hồ đã ví thơ cũ như "Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi", cũ về màu sắc đặt định, cũ cả về kích thước của cảm xúc... thì giờ đây Thế Lữ không muốn chỉ ra hết tất thảy nhược điểm của thơ cũ. Trái lại, chừng như ông nhìn thấy hồn thơ cũ vẫn còn âm vang trong Thơ Mới, có điều nó được diễn đạt thoải mái hơn, tự do hơn. Con hổ bị giam nhưng vẫn cố ánh lên thứ khí phách phi thường bằng đặc chất của chủ nghĩa lãng mạn qua những ngôn từ cực mạnh của của "gió rừng", của "giọng nguồn hét núi", của những động từ dữ dội: "thét, dõng dạc, cuộn, quắc...":

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể muôn của loài
Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi.

"Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi" phải chăng là câu thơ làm cho mãnh lực phi thường của chúa sơn lâm trước muôn loài vụt tan biến... mọi oai linh? Bởi quyền uy đó chẳng có gì để đối chứng, để xác tín chăng? Cái siêu phàm chợt đồng nghĩa với nỗi cô đơn? Trong bài thơ "Hi Mã Lạp Sơn" Xuân Diệu chừng như cũng chỉ ra điều đó:

Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta
(.....)
Ta bỏ đời, mà đời cũng bỏ ta
Giữa vắng ngắt, giữa lạnh lùng thế tuyệt!

Phải chăng hình ảnh hổ bị giam là một ẩn dụ về sự độc đáo trong khuôn khổ của thơ cũ, cũng chính là một thứ độc đoán tự giam mình? Khuôn khổ thơ hay là chiếc "cũi sắt" giam hổ trong thơ:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

"Đâu... đâu... đâu...?" điệp động liên hồi về một quyền năng chỉ còn trong hoài niệm của hổ. Sự khuôn định, niêm luật khắt khe chưa hẳn là thế mạnh của thơ cũ, ngược lại nó gò bó thơ cũ. Nhưng tính súc tích, cô đọng về ngôn từ của thơ cũ vẫn có thể vận dụng để làm giàu đẹp cho Thơ Mới. Yêu tự do, muốn vượt mọi khuôn định, nhưng sự dài dòng, khuynh hướng viết "thoải mái", "tràng giang" nhất địng không thể là thế mạnh của Thơ Mới, mà nó đã vấp phải trong giai đoạn sơ khai.

Phải chăng ngoài sự thắng lợi của Thơ Mới, vị chủ tướng Thế Lữ vẫn còn rất trân trọng với thơ cũ về năng lực đậm đặc và súc tích của nó? Nếu như vậy, "Nhớ rừng" của Thế Lữ đã mở ra triển vọng cho Thơ Mới về cả hai cực: tiến tới sự phóng khoáng của ngày mai trong sự kế thừa, chắt lọc bao tinh túy của cái hôm qua?

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Bao Minh
12/01/2020 09:43:33
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Mặc dù sinh tại thủ đô, nhưng tuổi thơ của ông lại gắn bó với miền rừng núi Lạng Sơn. 11 tuổi ông về Hải Phòng học trung học. 23 tuổi thi vào trường mỹ thuật nhưng thôi học ngay trong năm đầu. Năm 1932, Thế Lữ bắt đầu tham gia nhóm Tự lực văn đoàn và là một trong những cây bút chủ lực của báo “Phong hóa” và báo “Ngày nay”.

Nhà thơ Thế Lữ và vợ. Ảnh: Tư liệu


Thế Lữ chỉ có hai tập thơ, được sáng tác trong vòng bảy năm, nhưng lại có ý nghĩa khai sinh một chặng phát triển mới cho thơ ca Việt Nam, đó là phong trào Thơ mới. Năm 30 tuổi, ông đã là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà văn với phong cách viết độc đáo.

Thơ Thế Lữ đã đột phá cái khuôn phép tù túng của tư tưởng phong kiến, giải phóng tâm tư của thế hệ mới, nói được bản lĩnh của con người đang dần tự khẳng định trước xã hội. Đặc biệt, ông đã góp phần đáng kể vào việc hiện đại hoá thơ ca Việt Nam, khẳng định giá trị biểu hiện sinh động, đa dạng của Thơ mới. Ông được giới văn học và độc giả suy tôn là “ông hoàng thơ ca” của cả một thời, thời kỳ đầu của Thơ mới (1932-1935).

Đánh giá sự nghiệp Thế Lữ, những người đồng thời với ông, như Vũ Ngọc Phan, đã ghi "... Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai thơ mới. Thơ ông không phải chỉ mới ở lời mà còn mới cả ở ý nữa”.

Còn trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, các nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân đã trân trọng đặt ông vào vị trí số một của phong trào Thơ Mới và lời nhận định: “Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”.

Bài thơ “ Cây đàn muôn điệu” của ông chính là bản tuyên ngôn của phong trào Thơ mới, mở đầu một thời kỳ lãng mạn trong thi ca Việt Nam:

“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp của muôn hình, muôn thể
Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn nghìn phiếm tôi ca…”

Nghệ thuật ngôn ngữ, âm điệu, hình ảnh…ở thơ Thế Lữ đã đạt tới độ tinh xảo đủ để chuyên chở cái cõi mộng của hồn ông. Hơn hai phần ba thế kỷ đi qua, nay đọc lại vẫn còn nguyên mới mẻ.

Hãy nghe ông tả âm thanh: “Êm như hơi gió thoảng cung tiên/Cao như thông vút, buồn như liễu/Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên” (Tiếng gọi bên sông) và lưu khoảnh khắc: “Mây hồng ngừng lại sau đèo/Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi”. (Tiếng sáo Thiên Thai)

Khai sáng Thơ mới, mở cho mình một “cõi thơ” riêng độc đáo, nhưng Thế Lữ không dừng ở đó. Ông tiếp tục chiêm nghiệm cái đẹp ở một góc khác là văn xuôi. Và ông lại là người mở đường. Ông là người mở đầu cho một số thể loại văn xuôi nghệ thuật như truyện trinh thám, truyện khoa học, truyện kinh dị đầy bí hiểm, ly kỳ, hồi hộp như: “Vàng và máu” (năm 1934), “Bên đường Thiên Lôi” (năm 1936), “Gói thuốc lá” (năm 1940), “Gió trăng ngàn” (năm 1941), “Trại Bồ Tùng Linh” (năm 1941)…

Nhưng cuối cùng, Thế Lữ ngộ ra rằng: thơ, truyện, báo chí... đối với ông là không đủ đầy để miêu tả một cái đẹp hữu hình. Thế Lữ đã đủ nhẹ lòng để rời bỏ Thơ (khi Thơ mới đã đi vào ngõ cụt), khi tiểu thuyết trinh thám và truyện ngắn đường rừng đã nhạt phai, cũ kỹ, và ngay cả các bài báo cũng trở nên chật hẹp, bức bối so với chí tang bồng văn nghệ của ông.

Vì thế, Thế Lữ đã bỏ hết lại sau lưng để đến với kịch nghệ, một cõi nghệ thuật mới mẻ, hữu hình. Thể loại kịch, do đó rất vừa vặn với niềm say mê khám phá cái mới lạ, thường xuyên cư ngụ và đốt cháy lòng ông. Hơn thế nữa, thể loại kịch còn vừa đủ để ông thâu góp cùng lúc vẻ đẹp tinh túy của tất cả những lĩnh vực văn chương mà ông từng trải.

Rốt cuộc, Thế Lữ đã làm kịch với con mắt và tấm lòng của nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà mỹ thuật. Lại vận vào người cái si mê của kẻ mở đường, Thế Lữ một lần nữa động lòng chinh phục, khẩn hoang cõi bờ mới mẻ mênh mang của cái đẹp.

Ông là một trong những người đầu tiên đưa kịch nói lên sân khấu ở Việt Nam và là người duy nhất đưa kịch nói từ trình độ nghiệp dư lên trình độ chuyên nghiệp. Ông cũng là nhà đạo diễn đầu tiên ở nước ta. Trong khi những người hoạt động kịch nói cùng thời chỉ thỉnh thoảng tổ chức biểu diễn kịch nói với lý do quyên góp tiền làm việc thiện thì ông lần lượt thành lập 3 ban kịch chuyên nghiệp sống được bằng tiền bán vé: Ban kịch Tinh Hoa (năm 1938), Ban kịch Thế Lữ (năm 1941) và Ban kịch Anh Vũ (năm 1943). Xét về phương diện này, Thế Lữ xứng đáng được gọi là người sáng lập ra nền kịch nói Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông hào hứng chào đón cách mạng. 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cùng đoàn kịch của mình lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Năm 1957, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam được thành lập và ông được bầu làm Chủ tịch. Ông giữ cương vị này liên tục đến năm 1977 và có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng sân khấu Việt Nam dân tộc, hiện đại.

Trong 50 năm gắn bó với sàn diễn sân khấu, Thế Lữ đã thủ vai trong hàng trăm vở kịch và ông đã dàn dựng được hàng chục vở kịch lớn, đóng góp không nhỏ cho nền sân khấu dân tộc.

Đúng như bài thơ “Cây đàn muôn điệu” của ông, bản thân cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Thế Lữ cũng đa dạng, phong phú trong nhiều lĩnh vực như “cây đàn muôn điệu” vậy. Cuộc đời ông đã rung lên những nốt đàn trước cái đẹp, đưa ông đến quan điểm duy mỹ, duy cảm, để mãi mãi là người tôn vinh cái đẹp, dù cuộc đời ông cũng trầm luân, cũng thân phận và bi kịch như mọi kiếp người.

Thế Lữ qua đời ngày 3 tháng 6 năm 1989, để lại lòng tiếc thương vô hạn đối với giới văn nghệ sĩ, giới trí thức và nhân dân.
Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương kháng chiến hạng hai... và danh hiệu cao quí Nghệ sĩ nhân dân.
 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 8 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư