'Cảm giác an toàn giả tạo''
Đeo khẩu trang rõ ràng tạo cảm giác an toàn, nhưng mặt khác khiến người ta có thể sao lãng sự chú ý đến vấn đề quan trọng hơn, đó là xác định ''nguồn dịch bệnh'' và tìm cách cách ly nguồn dịch. Bác sĩ Phan Đình Hiệp cho biết:
''Có một điều người ta không biết rằng, khi đeo cái khẩu trang vào, thì nó tạo nên một cái cảm giác an toàn giả (2), tức là cảm giác mình an toàn, nhưng thực sự không an toàn. Trong khi chúng ta phải đấu tranh chuyện khác, chuyện công khai giảm nguồn dịch. Cần nhất là giảm nguồn dịch. Nguồn dịch từ đâu? Chắc chắn là từ bên Trung Quốc qua là cái chính ! Rồi chúng ta phải cách ly người bệnh. Chúng ta phải dặn là những người bệnh không đi ra chỗ công chúng đông người. Rồi chúng ta phải dặn người bệnh là không nên cố gắng đi làm, đi học… Tức là phải hiểu vấn đề bệnh, để có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng. Cái đó mới quan trọng. Còn nếu đeo cái khẩu trang như vậy, mà bên cạnh thằng bạn bị bệnh ngồi đó, thì tỉ lệ bảo vệ của cái khẩu trang không được bao nhiêu so với chúng ta dạy được ai đó có bệnh thì ở nhà, tự cách ly, để điều trị tốt. Lợi hại nằm ở điểm đó''.
Hoảng sợ do không có một chính sách quốc gia hiệu quả
''Trong không khí hoảng loạn như vậy, thì người ta nghĩ là ai cũng phải cho con khẩu trang để bảo vệ, ai cũng phải lo hết mức cho con mình. Thành ra gia đình nào cũng muốn em bé được đeo khẩu trang đi học. Nhưng mà để hỏi xem họ đeo có chuẩn xác cho con của họ không. Thực sự là đeo không chuẩn xác thì không bảo vệ được bao nhiêu. Đem đứa bé đi học với khẩu trang như vậy thì hệ thống không còn chuẩn. Mình nghĩ là cái đó phải chỉnh từ cái gốc của hệ thống y tế. Chứ không phải là đến lúc mà hoảng quá mỗi người đều tự lo cho mình mà không nghĩ đến cái giải pháp gọi là giải pháp chính sách - giải pháp của quốc gia. Giải pháp quốc gia không có nghĩa là bắt mọi người phải đeo hay bắt mọi người không đeo, mà là sự giáo dục y tế và sự phòng bệnh, định lượng bệnh như thế nào, dịch như thế nào. Nếu cái đó tốt thì sẽ không xẩy ra chuyện cả lớp phải mang khẩu trang''.
Hiện tại tình hình đang có nhiều chuyển biến. Tính đến đêm ngày 04/02, 60 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam (trên 63 tỉnh) đã cho học sinh nghỉ học để giảm nguy cơ lây nhiễm, đa số cho đến ngày 09/02. Tình trạng học sinh phải đến trường với khẩu trang đại trà như trước nhìn chung tạm thời không xảy ra. Tuy nhiên, câu hỏi về vai trò của chiếc khẩu trang trong chính sách phòng chống dịch lây nhiễm qua đường hô hấp của chính quyền Việt Nam tiếp tục còn đó.
Dịch do virus 2019-nCoV xuất phát từ Vũ Hán, cho dù tỉ lệ tử vong không cao so với nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, nhưng gây rất nhiều lo ngại từ phía quốc tế, một phần chủ yếu do tính chất không minh bạch của chính quyền Trung Quốc. Việt Nam, một mặt là nạn nhân của chính sách bất minh của Trung Quốc (chính sách bất minh này đã đặt Việt Nam vào tình trạng bị động rất lớn, khi số du khách có nguy cơ nhiễm virus tràn ngập nhiều khu vực tại Việt Nam), nhưng mặt khác, cách phản ứng thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả, chậm trễ và rất bị động của chính quyền Việt Nam trong vấn đề khách du lịch Trung Quốc, trong thời gian đầu, cũng gây không khí hoang mang khá phổ biến trong xã hội, cho dù về mặt chính thức, đến ngày 04/02/2020, trên cả nước chỉ có 10 trường hợp được coi là bị nhiễm virus nói trên (nhiều người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền Việt Nam bị Trung Quốc chi phối nên đã không thể nhanh chóng có được các biện pháp chủ động).