Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Chứng minh rằng lao động là chủ yếu và quan trọng nhất của con người

chứng minh rằng lao động là chủ yếu và quan trọng nhất của con người

1 trả lời
Hỏi chi tiết
170
1
1
con cá
19/04/2020 09:01:54

Cuộc sống con người mỗi ngày mỗi tiến triển, mỗi thăng hoa, và luôn có khuynh hướng vươn lên mãi. Sở dĩ con người tiến triển được là nhờ có lao động sáng tạo; vắng bóng lao động, cuộc sống sẽ buồn tẻ, ngưng đọng và mất đi ý nghĩa sống. Có người coi lao động như một thứ hình phạt, do vậy phải tìm mọi cách để được an nhàn; thực ra, lao động là ơn huệ, là quyền lợi, là cách thức thể hiện phẩm giá và sự sáng tạo của con người. Lao động là cách thức chúng ta đi vào hành trình khám phá, định hình, và sáng tạo thế giới mới, sáng tạo chính cuộc đời của mỗi chúng ta.


Ý NGHĨA CỦA LAO ĐỘNG

Sáng tạo, đó là tên gọi khác của lao động. Không có lao động, bạn không thể đạt đến mục đích. Bạn muốn xây một căn nhà, bạn muốn là một bác sĩ … tất cả đều là thành quả của lao động. Lao động kiến tạo thế giới này và làm cho nó sống động. Phần lớn thời gian con người trải qua trong cuộc đời mình đều là lao động. Từ tấm bé, bạn cắp sách đến trường, lớn lên bạn đảm trách những công việc của gia đình và xã hội … Tất cả đều là lao động. Lao động xây dựng chính cuộc đời của bạn và làm cho đời bạn có ý nghĩa. Bạn thử tưởng tượng :

Nếu thế giới không có lao động

Một thế giới không có lao động là một thế giới bất động, một thế giới chết. Ai trốn tránh lao động, chính là họ trốn tránh sự hiện hữu, bỏ rơi ý nghĩa cuộc sống của mình. Cuộc sống không có lao động cũng chẳng khác gì dòng sông bị chặn đứng trở thành ao tù hôi hám, ứ đọng, không sinh vật nào sống trong đó được và chính dòng sông ấy cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Bản nhạc cuộc đời có thể tấu lên được chăng nếu những nốt nhạc vẫn nằm yên bất động, cung đàn vẫn còn nằm trong quên lãng ? Bạn có trách nhiệm tấu lên khúc nhạc hoành tráng là chính cuộc đời của bạn; mỗi nốt nhạc là một lao tác, một chuỗi lao tác làm nên bản trường ca cuộc đời của bạn.

Vị trí của lao động

Vị trí của lao động trong cuộc sống là điều bạn không thể phủ nhận. Qua lao động, bạn khẳng định được vị trí của bạn. Người ta phân cấp xã hội cũng dựa vào vị thế lao động này. Tất cả mọi công việc lao động đều tốt, đều giá trị và cao quý, tất cả đều góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tròn đầy và thú vị hơn. Hẳn rằng cuộc đời ai cũng có mục đích, có khát vọng; lao động sẽ giúp chúng ta đong đầy khung trời khát vọng ấy.

Và chợt khi nào cảm thấy chán nản, thất vọng, buông xuôi, chúng ta hãy mau mắn bắt tay vào một công việc nào đó, công việc sẽ giải thoát chúng ta khỏi tình trạng bế tắc. Có lẽ lúc này bạn vẫn chưa yên tâm, nhiều vấn nạn vẫn còn lảng vảng trong đầu bạn ?


TẠI SAO PHẢI LAO ĐỘNG ?

Có lẽ bạn đã có câu trả lời cho vấn nạn này, chỉ xin đưa ra một vài gợi ý :

Lao động để kiếm tiền

Đó là mục đích gần và thiết thực nhất. Phần đông chúng ta dù muốn dù không cũng đang ngầm chấp nhận giải đáp này. Cuộc sống là cơm áo gạo tiền, thiếu một trong những điều này cuộc sống trở nên khô cằn, méo mó. Khi bạn chọn lựa một công việc, bạn cũng đã nhắm đến những lợi nhuận mình có thể thu được. Bao nhiêu người thất nghiệp, chỉ mong tìm một việc làm để có thể ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả; lao động để kiếm tiền, nhưng tiền không phải là mục đích, nó vẫn chỉ là phương tiện phục vụ cho đời sống con người mà thôi. Đừng bao giờ tôn đồng tiền lên làm ông chủ, tiền bạc sẽ đè bẹp cuộc đời bạn. Ngoài việc kiếm tiền, lao động còn là …

Để lấp đầy những khát vọng

Khát vọng của con người thì khôn cùng, biết bao người muốn lao vào công việc để lấp đầy những khát vọng đó. Có những khát vọng, tham vọng chính đáng, nhưng cũng không thiếu những tham vọng bất chính; nhưng dù là tham vọng nào chăng nữa, nếu không thông qua lao động, con người cũng không thể đạt tới được. 

Điều quan trọng là chúng ta phải có định hướng đúng đắn, hướng tham vọng vào việc kiến tạo sự  sống, tình yêu, sự công bằng và tình huynh đệ.

Lao động cũng còn là :

Để nâng cao sự hiểu biết về chính mình

Công việc là cách thức tốt để chúng ta nhận biết mình là ai, và cũng có thể trả lời được những câu hỏi như :

- Tôi đã thực sự có được những khả năng hay năng khiếu nào, hoặc những khả năng nào tôi có thể phát huy ?

- Những đặc điểm nào tôi được người khác ngưỡng mộ hay đề cao ?

- Những tình huống bất ngờ xảy ra, tôi sẽ ứng xử thế nào ? …

Công việc cho chúng ta những cơ hội để khám phá sức mạnh tiềm ẩn trong mình mà lúc bình thường chúng ta không hề biết. Ngoài ra lao động còn là :

Để tạo niềm vui, hứng thú

Có những người không phải lao động để kiếm tiền, để thỏa mãn những tham vọng, nhưng đơn giản lao động đối với họ là niềm vui, là lẽ sống, là cách thức tỏ bày chính mình với những mối tương quan với con người, với thiên nhiên và với thế giới. Lao động giúp bạn yêu đời hơn, thấy đời mình đẹp, đáng sống và hữu ích. Lao động còn là một thứ quyền, không ai có thể cướp đi quyền được lao động của bạn. Và dĩ nhiên, bạn cũng công nhận với tôi rằng, lao động là :

Để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Tất cả mọi công việc đều trực tiếp hay gián tiếp xây dựng thế giới này ngày một tốt đẹp hơn. Từ anh nông dân trên cánh đồng đến chị công nhân nơi xưởng thợ, từ phu quét đường, đến bác sỹ, kỹ sư …  tất cả đều đang góp phần kiến tạo thế giới này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận ra rằng có rất nhiều việc làm đang phá hủy thế giới. Điều này rất cần con người phải ý thức từng hành vi cử chỉ, từng việc làm nhỏ nhất của mình, tất cả đều gây âm hưởng và tác động đến người khác, đến thế giới. Chúng ta nên nhớ rằng mục đích của lao động là sáng tạo, là xây dựng chứ không phải là phá hủy. Và cuối cùng, có người xem lao động như  là cách thức đáp trả một lời mời gọi.

Để đáp trả lời mời gọi

Nhiều người xem lao động không đơn giản là công việc, nhưng coi đó như ơn gọi của mình. Một khi coi lao động như một ơn gọi, bạn sẽ có thái độ hoàn toàn khác với mọi công việc, bạn sẽ không bị cuốn hút bởi ma lực của đồng tiền, của tham vọng … Vì điều thiện ích, bạn làm để phục vụ, để xây dựng, để trao ban.

Chính nhờ sự trao ban này, bạn càng lớn lên trong nhân cách, trong sứ mạng của một người Kitô hữu. Sống là đón nhận đồng thời cũng là biết cho đi. Lao động là cách thức bạn sống và cho đi đích thực, là cách bạn đang đáp trả lời mời gọi yêu thương.


QUAN NIỆM CỦA KITÔ GIÁO VỀ LAO ĐỘNG

Chân giá trị của lao động

Lao động có giá trị rất lớn khi đáp ứng được những nhu cầu con người, khi mục đích của nó là đóng góp cho những công thiện, công ích và khi con người lao động được đối xử với lòng trân trọng. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói : “Nền tảng để xác định giá trị việc làm của con người không chủ yếu dựa trên loại công việc đó” (Thông điệp “Về việc lao động của con người”, số 6).

Lao động là tham dự vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa

Truyền thống Kitô giáo luôn quan tâm đến ý nghĩa và chân giá trị của lao động. Lao động là đề tài đầu tiên được đề cập trong Kinh Thánh. Trình thuật về sáng tạo được ghi lại trong sách Sáng Thế ngay ở chương đầu tiên, và đề cao vai trò cộng tác của con người :

“… Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ : Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất”  (St 1,28).

Như thế, ngay từ đầu, đã có lao động; con người đã được trực tiếp cộng tác vào công trình tạo thành của Thiên Chúa. Trình thuật sách Sáng Thế tiếp tục mặc khải cho chúng ta thấy sự khốn khổ của con người khi rơi vào thảm họa tội lỗi, công việc bá chủ cá biển chim trời của con người trở nên khó khăn hơn, họ phải lao động cực nhọc để kiếm của nuôi thân, để sống và tồn tại.

Thiên Chúa phán : “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có  bánh ăn, cho đến khi trở về đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra…” (St 3, 19). Từ đây con người dễ mang ác cảm về lao động, cho rằng lao động như một hình phạt; thực ra, từ nguyên thủy, bản chất của lao động, của sáng tạo là rất tốt đẹp. Và như vậy lao động là niềm vinh dự được cùng sáng tạo, cùng làm việc với Thiên Chúa. Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa có việc Người tạo dựng chúng ta, như vậy khi lao động, chúng ta cũng góp phần kiến tạo chính bản thân mình, giúp cho mình ngày càng thành toàn hơn. Không có công việc nào là xấu, là thấp hèn nếu mục đích của nó là kiến tạo cuộc sống, phục vụ cho ích chung, nâng cao phẩm giá con người. Một lần nữa nhắc lại tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II, giá trị của lao động không hệ tại ở việc làm, nhưng hệ tại ở chính chỗ con người làm công việc đó.

Đức Giêsu, con người của lao động

Lúc sinh thời, Đức Giêsu đã nói : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Cả cuộc đời của Đức Giêsu là hoạt động, từ những ngày thầm lặng nơi xưởng mộc Nadaret, đến những lúc bôn ba rao giảng Tin Mừng. Người trở nên gương mẫu cho cuộc đời cần lao. Đức Giêsu ý thức rất rõ sứ mạng cao cả của mình, Người làm việc không ngơi nghỉ : “Tôi còn phải rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa cho nhiều thành khác nữa, vì tôi được cử đến chính vì mục đích đó” (Lc 4, 43).

Các môn đệ của Đức Kitô cũng vậy, các ông luôn hăng hái nhiệt thành loan truyền Tin mừng Nước Thiên Chúa, và đỉnh cao của các ngài là hiến tế chính mạng sống vì Tin mừng, vì ơn cứu độ nhân sinh.

Giáo hội xác định giá trị của lao động

Xác định giá trị của lao động là một thành phần trong truyền thống Kitô giáo kể từ thánh Phêrô cho đến Đức Gioan Phaolô II. Trong thông điệp “Về việc lao động của con người”, Đức Thánh Cha dạy rằng qua công việc, con người trở nên người hơn. Người còn nói thêm, công việc có giá trị vì qua đó, chúng ta được tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Xác định giá trị việc làm của con người, Đức Thánh Cha nhắc đến văn kiện của Công đồng Vaticano II “Giáo hội trong thế giới ngày nay”. Trong văn kiện này, các Giám mục trên thế giới công bố rằng trách nhiệm của người Kitô hữu là xây dựng chứ không phải lẩn trốn hay bỏ mặc thế giới.

Theo quan niệm chung của Kitô giáo, lao động có khả năng kiến tạo thế giới và đem lại sự thịnh vượng cho đời sống con người. Nói tóm lại, lao động mang một ý nghĩa sâu sắc.

Việc làm và ý nghĩa

Hầu hết  mọi công việc đều có ý nghĩa và có khả năng diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta có trách nhiệm làm cho mọi công việc trở nên có ý nghĩa. Cũng một công việc, nhưng mỗi người mặc cho nó một ý nghĩa khác nhau. Một khách bộ hành dừng chân hỏi thăm ba người thợ đục đá : “Các anh đang làm gì vậy ?”

“Đập chút đá dăm ấy mà”, người thứ nhất trả lời.

Anh thứ hai bảo : “Kiếm gạo đấy bố ạ !”

Người thứ ba lại nói : “Xây nhà thờ chánh toà đấy.”

Thì ra cùng một công việc mà mỗi người làm với một mục đích khác nhau, và như vậy nó mang một ý nghĩa rất chủ quan, tương đối.

Công việc có thể có ý nghĩa đối với chúng ta theo hai cách : một là loại công việc, hai là cách thức làm việc.

Loại công việc

Phần lớn các công việc đều có ý nghĩa, mang lại lợi tức cho con người và xây dựng thế giới, ngay cả những công việc không trực tiếp phục vụ những nhu cầu cần thiết của con người. Không nhất thiết tất cả chúng ta phải là bác sĩ, kỹ sư, việc làm của chúng ta mới có ý nghĩa. Xét về ý nghĩa cao cả, công việc của người phu quét đường và ông bác sĩ đều cần thiết và cao trọng như nhau. Tuy nhiên cũng cần phân biệt :

- Công việc tích cực : Đó là những công việc kiến tạo sự sống, xây dựng cuộc đời, nâng cao phẩm giá con người, nói chung là công việc dẫn đến chân, thiện, mỹ.

- Công việc tiêu cực : Đó là những công việc phá hủy sự sống, hạ thấp phẩm giá con người. Ví dụ như công trình chế tạo vũ khí hạt nhân, những lò hơi ngạt, hay ngay cả những nhà máy sản xuất thuốc lá, bao nguy cơ về bệnh tật : ung thư, tim mạch, hô hấp … tiềm ẩn trong điếu thuốc lá này. Có những công việc không trực tiếp phá hủy sự sống, nhưng nó bào mòn dần, và làm cho con người không sống tròn đầy được.

- Công việc làm mất phẩm giá của chính người lao động : chẳng hạn việc làm phạm pháp như trộm cướp, giết người, mại dâm … những việc làm này trực tiếp phá hủy nhân cách và phẩm giá con người. Không thể sống đẹp, sống tròn đầy bằng những công việc như thế. Chúng ta bàn đến khía cạnh thứ hai là :

Cách thức làm việc

Có ba khía cạnh giúp chúng ta làm thế nào đạt được hiệu năng công việc đó là : quan tâm đến chất lượng, quan tâm đến người khác, và quan tâm đến những người cộng tác với chúng ta.

- Quan tâm đến chất lượng : Quan tâm đến chất lượng là yếu tố thiết yếu trong mọi công việc; đặc biệt trong lãnh vực sản xuất, kinh doanh, chất lượng phải là tiêu chuẩn hàng đầu. Nhiều công ty bị phá sản vì chất lượng kém. Trong thế giới vàng - thau lẫn lộn, thật - giả chẳng biết đâu mà phân biệt, thì chúng ta cần phải quan tâm đến yếu tố chất lượng nhiều hơn nữa.

- Quan tâm đến người khác : Công việc sẽ trở nên ý nghĩa hơn nữa nếu ta không tập trung vào mình nhưng quan tâm đến người khác, vì người khác. Yếu tố này người ta đã khai thác triệt để trong lãnh vực kinh doanh : “khách hàng là thượng đế”. Tuy nhiên vì do ma lực của đồng tiền, rất nhiều khi “thượng đế” bị lừa. Một khi biết quan tâm đến người khác, là bạn đang làm việc với động cơ tốt nhất.

- Quan tâm đến người cộng tác với chúng ta : Công việc phải làm nảy sinh tinh thần hiệp nhất, cộng tác làm việc với nhau và cùng hướng đến điều thiện ích. Chúng ta trưởng thành hơn trong đời sống tương quan xã hội, tương quan hiệp thông, khi chúng ta cộng tác làm việc đắc lực được với nhiều người. Chính lúc này cái tôi được bào mòn, gọt dũa tròn trịa hơn, có khả năng lắng nghe nhiều hơn, và như thế chúng ta đang tiến nhanh trên tiến trình thành nhân vậy.


CHỌN LỰA CÔNG VIỆC CHO CUỘC SỐNG

Có lẽ đây là điều bạn đang quan tâm, làm sao chọn cho mình một công việc phù hợp. Có người lao vào công việc chỉ vì kế sinh nhai; có người gắn bó với một công việc cả đời, và cha truyền con nối; có người xoay chuyển bách nghệ mà cũng chẳng thấy vinh thân. Thực ra, định hướng công việc ban đầu cho cả cuộc sống của mình là điều rất quan trọng. Đồng ý rằng chúng ta có thể thay đổi công việc, nhưng có lẽ điều ông bà ta dạy từ xưa vẫn còn rất đúng : “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Khuynh hướng xã hội ngày nay cũng vậy, người ta cần những chuyên viên hơn; cũng là bác sĩ, nhưng phải là bác sĩ chuyên khoa ! Chính vì vậy, bước đầu tiên, chúng ta cần :

Chọn lựa sự nghiệp

Một vài gợi ý dưới đây như những phiến đá nhỏ lót đường để chúng ta mạnh dạn bước vào cuộc sống.

Lượng định chính mình

Người ta thường bảo : “Liệu cơm gắp mắm”. Đây cũng là một điều rất thực tế. Ai mà chẳng có cao vọng, chẳng muốn mình thành đạt ở địa vị cao trong xã hội; thế nhưng nhiều người lại thiếu óc thực tế, không biết lượng định chính mình xem có đủ điều kiện để theo đuổi mục tiêu đó hay không. Nói vậy không có nghĩa là làm cho nản lòng chiến sĩ, nhưng để chúng ta nhìn thấy vấn đề thực tế rõ nét hơn. Một khi biết được chính mình, biết những sở trường, sở đoản, chúng ta sẽ có những chọn lựa phù hợp và đúng đắn.

Sự thích thú

Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng là công việc chọn lựa phải là công việc bạn thích thú. Ngạn ngữ Pháp có câu : “Vouloir c’est pouvoir” – “muốn là được”. Nhiều bậc cha mẹ ép buộc con cái theo ngành nghề mình thích, mà lại không quan tâm xem con cái có yêu thích nghề ấy không. Cuối cùng con cái rơi vào tình trạng căng thẳng, dồn nén, chỉ để vui lòng cha mẹ. Chính chúng ta phải khám phá thực sự mình thích điều gì, từ sự thích thú, bạn có thể tìm tòi, học hỏi và dễ thành công trong công việc mình chọn.

Tính cách riêng

Mỗi người có một tính cách khác nhau,
và mỗi tính cách phù hợp với một loại hình công việc. Làm sao để nhận rõ ra tính cách của mình ? Có bao giờ bạn cảm thấy mình chỉ thích thú làm việc với một loại đối tượng nào đó thôi không ? Có người thích thú làm việc với máy móc, có người say mê với những dữ kiện, số liệu. Nếu bạn thuộc vào típ người thứ nhất, bạn có thể chọn lựa cho mình những công việc như kỹ sư, tài xế …; nếu bạn thuộc típ người thứ hai, bạn có thể chọn ngành giáo dục, bác sĩ, hay thương mại;  còn bạn thuộc típ người thư ba, bạn thích hợp với công việc sổ sách kế toán, in ấn hoặc thống kê chẳng hạn. Thực ra, cũng khó xác định bạn hoàn toàn thuộc típ người nào, có thể bạn vừa thích cái này lại thích cái khác nữa. Điều quan trọng là công việc bạn chọn phù hợp với khả năng và sở thích của bạn, có thể tương đối thôi. Bạn hãy để hết tâm trí vào công việc đó, cơ hội thành công đang chờ đón bạn.

Năng khiếu

Năng khiếu cũng đóng một vị trí quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp. Nhiều người có năng khiếu bẩm sinh, đó là quà tặng quý giá của Thượng Đế. Đồng ý rằng thiên tài phần lớn do nỗ lực, nhưng năng khiếu là bước dậm nhảy ban đầu giúp bạn nhảy xa hơn, mạnh hơn.

Bạn không thích, lại cũng không có năng khiếu về âm nhạc, thì cho dù học mãi, bạn cũng chỉ trở thành “thợ nhạc” mà thôi.

Khi phát hiện mình có năng khiếu gì, bạn nên quan tâm đến điều ấy hơn và làm cho phát triển. Thiên tài chính là biết phát triển đúng mức những năng khiếu của mình.

Không rập khuôn

Bạn phải chọn công việc chính bạn muốn chứ không phải để người khác hay xã hội chọn dùm cho bạn. Sống rập khuôn là đánh mất chính mình, và làm thui chột những tài năng quý báu. Bạn phải là bạn chứ không phải là ai khác, mỗi người là một ngôi vị độc đáo và riêng biệt. Chọn lựa công việc cũng chính là cách thức thể hiện con người của bạn. Có thể cùng một công việc, nhưng mỗi người làm việc với một cách thức khác nhau, tâm tình khác nhau và tất nhiên hiệu quả cũng khác nhau. Trong cái khác biệt này, sự độc đáo của mỗi người được tỏ lộ.

Gặp gỡ những người có cùng mối quan tâm với bạn

Sự gặp gỡ trao đổi sẽ mở mang thêm tầm nhìn của bạn, là cơ hội để bạn trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Nên tâm niệm rằng, nơi bất cứ người nào cũng có điều gì đó hay chúng ta cần học hỏi. Trở về với định hướng ban đầu, một tâm hồn cởi mở, không tự mãn sẽ có khả năng dung nạp nhiều cái mới. Đặc biệt trong lãnh vực nghề nghiệp, kinh nghiệm giữ một vai trò quan trọng. Từ hiểu biết về lý thuyết đến kinh nghiệm thực tế còn là một chặng đường khá dài, bài học này không gì hơn là học hỏi người có kinh nghiệm đi trước chúng ta; và rồi chính bản thân, chúng ta phải rút tỉa được kinh nghiệm đó.

Thử nghiệm công việc

Làm sao để có thể biết được đâu là công việc hoàn toàn phù hợp với bạn ? Thiết nghĩ ngoài những việc gợi ý trên bạn đã làm, bạn cần phải dấn thân cụ thể; có trải nghiệm bạn mới có thể đánh giá được công việc một cách chính xác. Vào những dịp nghỉ hè, hay khoảng thời gian nào đó thuận tiện, bạn có thể bắt tay vào làm những công việc cụ thể, nhiều bài học rất bổ ích bạn học được mà không sách vở hay trường lớp nào cung cấp đủ.

Có rất nhiều lãnh vực để chọn lựa; và cũng lưu ý rằng có khi những việc thử nghiệm ban đầu lại có duyên gắn bó mãi và trở thành công việc bạn yêu thích. Một trong những cơ hội để thử nghiệm công việc là bạn tình nguyện dấn thân vào những công tác xã hội, nhận dạy lớp học tình thương, thăm viếng bệnh nhân trong bệnh viện …; những công việc tình nguyện này có sức mạnh rất lớn làm triển nở nhân cách và cũng giúp chúng ta định hướng công việc trong cuộc sống.

Phát triển những kỹ năng nghề nghiệp

Để trở thành một người thợ lành nghề, bạn rất cần để ý phát triển ít là hai kỹ năng này : kỹ năng chuyên môn liên quan đến công việc, và khả năng thích ứng.

Kỹ năng chuyên môn

Mỗi công việc đòi hỏi một kỹ năng riêng biệt; do vậy, rất cần kỹ năng chuyên môn. Đành rằng vị giáo sư và ông bác sĩ đều giỏi, đều miệt mài đèn sách sáu bảy năm trời, nhưng mỗi người lại ở mỗi lãnh vực, mỗi chuyên môn khác nhau; nên không thể bắt vị giáo sư đi khám bệnh còn ông bác sĩ lên lớp dạy học được. Bạn muốn là thợ lành nghề, thì không thể miễn chuẩn cho mình khả năng chuyên môn này. Tuy nhiên kỹ năng sau đây được đề cập lại như một điều nghịch lý đối với bạn :

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Giáo dục Công dân Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư