Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Dòng tâm trạng của Thúy Kiều qua đoạn trích trao duyên?

3 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
267
0
0
•Hanna•
29/05/2020 20:08:35

Mười năm lưu lạc của Thúy Kiều là một tấn bi kịch triền miên chất chứa bao nỗi đau đớn, thảm sầu. Mối tình đầu đẹp đẽ, trong sáng giữa nàng với Kim Trọng đã sớm bị sóng gió cuộc đời làm cho tan vỡ. Sau khi bán mình chuộc cha để báo đền chữ hiếu, Kiều đã âm thầm khóc thương cho lời nguyền vàng đá với chàng Kim. Nàng đành cậy Thúy Vân thay mình gắn bó với chàng. Trao duyên là nỗi đau đớn, nỗi đau đầu đời của người con gái tài sắc - Thúy Kiều.

Trong đêm gia biến: Một mình nàng ngọn đèn khuya, Áo dầm giọt lệ tóc se mái sầu. Nàng sống với tâm trạng đầy sóng gió và mặc cảm. Trước sự thực phũ phàng là ngày mai nàng sẽ thuộc về tay kẻ khác, Kiều cảm thấy như chính minh là thủ phạm gây ra nỗi bất hanh cho Kim Trọng. Nàng thương mình một nhưng thương người yêu mười nên cắn răng cam chịu số phận đen bạc của mình: Phận dầu, dầu vậy cùng dầu để nghĩ đến nỗi đau của Kim Trọng:

Công trình kẻ biết mấy mươi
Vì ta khăng khít cho người dở dang!
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa

Thúy Kiều mang nặng mặc cảm là người có lỗi. Nàng tự trách mình khăng khít, khiến cho người dở dang. Đúng ra là cả hai chủ động tìm đến nhau, yêu nhau và tự nguyện gắn bó với nhau. Kiều có mặc cảm đó là vì nàng luôn nghĩ đến người khác, ngay cả trong lúc đau thương tột bậc.

Một mình một bóng, đối diện với tâm trạng rối bời, tan nát, Kiều chỉ biết âm thầm khóc than cho gia cảnh, cho duyên phận. Đắn đo, suy tính trước sau, nàng thấy chỉ một cách có thể cứu vãn phần nào cho mối lương duyên của mình, đó là trao duyên cho em gái. Và Kiều đã trao duyên cho Thúy Vân khi cô em vô tư ấy vừa chợt tỉnh giấc xuân.

Thấy Kiều khóc lóc ủ ê, Thúy Vân gạn hỏi nguyên do và cũng lờ mờ đoán biết chị mình đang mắc mối tình chi đây. Kiều trao duyên cho em mà trong lòng băn khoăn, bối rối:

Rằng: lòng đương thổn thức đầy
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong
Hở môi ra cũng thẹn thùng
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai.

Nàng thẹn thùng khó nói vì còn vướng mối tơ duyên với chàng Kim - mối tình mà chỉ hai người biết với nhau. Ngỏ chuyện riêng tư với người khác, cho dù là em mình đi nữa cũng không phải là điều dễ dàng. Hơn nữa, đây không phải là tình yêu thoáng qua mà đã thề nguyền vàng đá, kết giải đồng tám; nó trở thành thiêng liêng, khó có thế đổi thay. Nay nhờ Vân thay thế mình, Kiều sợ chắc gì Vân đã nhận lời.

Kiều lâm vào tình thế khó xử; không nói không được mà nói ra thì e ngại. Bởi thế nên nàng đắn trước đo sau, băn khoăn, ngập ngừng mãi rồi mới thốt ra được một câu khiến người ngoài cuộc nghe cũng phải mủi lòng.

Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lèn cho chị lạy rồi sẽ thưa

Lời gì vậy? Đó là lời nhờ Vân thay chị nối tình với chàng Kim. Đề nghị ấy thật bất ngờ ngay cả đối với Thúy Kiều bởi trước đó nàng chưa hề nghĩ đến. Cả một đêm thức trắng, nàng đâu có nghĩ ra điều này. Nàng chỉ có đau khổ, giày vò. Nhưng từ lúc Thúy Vân thức giấc và tỏ ra thương chị, nàng như vụt thấy một làn chớp sáng: Đây rồi, cô em gái này có thế' giúp mình trả món nợ tình. Đề nghị ây cũng bất ngờ đối với Thúy Vân bởi nó quan trọng quá, nó ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Nhận lời lấy một người đâu có dễ dàng, đơn giản như nhận một món quà? Vậy dựa vào đâu mà Thúy Kiều dám đề ra ý kiến ấy và hầu như ép Thúy Vân phải nhận lời? Chỉ có cơ sở duy nhất đúng đắn là tình thương. Chị thương em. tin rằng em sẽ nghe lời. Chị cũng biết em thương chị, không nỡ trái ý chị. Còn em, tuy chẳng hiểu đầu đuôi ra sao nhưng lại thật tình thương chị riêng gánh chịu nỗi oan khố cúa cả gia đình, lại đang đau xót vì môi tơ duyên đứt đoạn nên dù chưa kịp nghe hết lời giãi bày, chắc cũng đã thấu hiểu lòng chị.

Người ta hỏi: Tại sao Thúy Kiều không dùng từ nhờ mà lại dùng từ cậy? Không dùng từ nhận mà lại dùng từ chịu? Chính vì giữa các từ ấy có một sự sai biệt khá tinh vi. Đặt nhờ vào chỗ cậy, không những thanh điệu câu thơ sẽ nhẹ đi, âm thanh không dọng ở chữ thư nhất của câu thơ nữa mà còn giảm đi cái quằn quại khó nói của Kiều, cái ý nghĩa hi vọng thiết tha của một lời trói trăng, ý nghĩa nương tựa, gửi gắm của một tâm lòng tuyệt vọng, ý nghĩa tin tưởng vào tình cảm ruột thịt. Giữa chiu và nhận thì dường như còn có vấn đề tự nguyện hay không tự nguyện nữa. Nhận lời có lẽ có nội dung tự nguyện: còn chịu lời thì hình như chỉ có một sự nài ép phải nhận vì không nhận không được. Trong tình thế của Thúy Vân lúc bấy giờ, chỉ có chịu lời chứ làm sao nhận lời được?

Câu thơ sáu chữ giản dị mà chứa đựng tất cả chiều sâu của một tình thế phức tạp. Điều đó càng làm cho nó có dáng dấp như một lời cầu nguyện.

Kiều yêu cầu Thúy Vân: Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa vì nàng coi sự chịu lời của Thúy Vân là một hành động hi sinh. Đối với cử chỉ hi sinh ấy thì chỉ có kính phục và biết ơn. Thúy Kiều lạy em là lạy sự hi sinh cao cả ấy.

Trong những giây phút đau đớn, tôi nghiệp này, Kiều vẫn quên mình để suy nghĩ đến người yêu. Nỗi buồn của nàng cần phải được san sẻ cho vơi bớt.

Sau cái phút ban đầu khó nói, giờ đây nàng bộc bạch với em gái về mối tình đẹp đẽ mà dang dở của mình:

Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Tâm sự về nỗi khó nghĩ, khó lựa chọn giữa tình và hiếu:
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Là người con có hiếu, Kiều đã bán mình để lấy ba trăm lạng cứu cha và em khỏi vòng tội tù oan nghiệt. Chữ hiếu nàng đã đáp đền, còn chữ tình vẫn canh cánh bên lòng như một món nợ nặng nề khó trả:

Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan

Ý nghĩa này cho thấy Thúy Kiều đau khổ biết chừng nào và cũng cao cà biết chừng nào! Nàng van lơn em gái hãy xót tinh máu mủ thay lời nước non mà bằng lòng kết duyên với chàng Kim. Nhắc tới chàng, Thúy Kiều càng sầu, càng tủi cho thân phận. Tưởng chừng như nỗi đau theo nước mắt tuôn rơi:

Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Tưởng tượng ra cái chết thê thảm cũng là biểu hiện của sự thương thân, nhưng Kiều tự an ủi rằng vong hồn mình nơi chín suối hãy còn thơm lây với cái đạo đức thơm tho của em. Kiều nói với em những lời gan ruột như thế, hỏi Thúy Vân sao nỡ chối từ?

Ngôn ngữ của Kiều ở đoạn này là ngôn ngữ của lí trí. Tuy Kiều là cô gái rất giàu tình cảm nhưng đối với chuyên trọng đại của cả một đời người này, nàng không thể dùng tình cảm của mình mà thuyết phục được em. Phải bình tĩnh mà dùng lí lẽ, phân tích thiệt hơn, phải trái để em hiểu mà bằng lòng giúp.

Trước lời nói có lí, có tình thiết tha của Thúy Kiều, Thúy Vân chỉ còn biết im lặng lắng nghe và như thế có nghĩa là nàng chấp nhận. Đến đây Thúy Kiều mới nhẹ lòng và nàng lấy kĩ vật tình yêu giữa mình với Kim Trọng ra trao cho em gái:

Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.

Nếu như ở đoạn trên, Kiều kể mối tình cho em nghe bằng giọng điệu cố lấy vẻ bình tĩnh thì đến lúc này, trao lại kỉ vật cho em, nàng cảm thấy đã mất hết nên không thể kìm nén được tình cảm của mình nữa, trái tim đa cảm bắt đầu lên tiếng. Nàng nói: Chiếc vành với bức tờ mây vẫn bằng tiết tấu của mấy câu thơ trên, nhưng đến câu: Duyên này thì giữ vật này của chung nghe như đã có tiếng nấc nghẹn ngào ở trong đó. Duyên này là duyên giữa Thúy Vân với Kim Trọng, phần nàng đã hết. Duyên chị đã trao lại cho em, nhưng kỉ vật này xin em hãy coi có một phần của chị, nó là của chung. Rò ràng lí trí buộc nàng phải dứt tình với chàng Kim nhưng tình cảm của nàng thì không thể.

Mối tình đầu thơm, tho, ngọt ngào nhường ấy, bỗng chốc bảo quên, quên làm sao được? Gửi lại trong chút kỉ vật này vậy. Giữa lúc tột đỉnh đau thương, Kiều vẫn cố tìm lấy một chút an ủi. Sau đó, Kiều để mặc cho tình cảm tuôn tràn. Nàng nói với em bằng tiếng nói khác của lòng mình. Ngôn ngữ nàng không còn cái. mạch lạc, khúc chiết của lí trí nữa mà thuần là của tình cảm, của cả ảo giác. Càng nói càng xót xa cho duyên phận bất hạnh của mình. Nàng nói rõ mình mệnh bạc, tình mình mất đi và bao nhiêu nỗi niềm ngày xưa nay chỉ còn có phím đàn với mảnh hương nguyền:

Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.

Động đến tương lai chác chắn mù mịt, nàng đâu còn giữ được sự yên ổn trong lòng phút giây trước đó. Như người lội nước hụt chân rớt xuống vực sâu, Kiều chới với không biết bám víu vào đâu. Kiều tưởng tượng đến lúc Vân và chàng Kim nên vợ nên chồng, đến cõi hư không mà nàng chỉ là một mảnh hồn oan vật vờ theo ngọn gió hiu hiu trên ngọn cỏ lá cây nhưng vẫn vướng chặt với tiếng tơ trên phím đàn và mùi hương của mảnh trầm ngày xưa và vẫn còn mang nặng lời thề, lời nguyền nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai cho người. Nàng đinh ninh mình sẽ là một hồn oan trong cõi chết và dặn em rưới cho giọt nước làm phép tẩy oan.

Có mâu thuẫn không?

Trên kia Thúy Kiều đã chẳng nói là nếu được Vân giúp cho thì dù thịt nát xương mòn nàng vẫn ngậm cười chín suối là gì? Nghĩa là trả được món nợ tình, nàng sẽ hết giày vò vì đã lo cho người yêu chu tất. Thế mà chỉ trong giây lát tưởng tượng, .nàng đã trở lại với bao nỗi xót xa còn nặng nề hơn trước. Chút yên lòng đã bay đâu mất!

Đúng là có mâu thuẫn nhưng không phải trước sau hoàn toàn chỉ có một vấn đề. Trước, nàng đau khổ vi người; nay lo cho người đã xong, nàng mới nghĩ đến mình và thấy mình mệnh bạc, thấy mình sẽ mất tất cả. Nàng không chỉ chới với trong tương lai mịt mù, oan nghiệt. Nàng không còn ở trạng thái tỉnh táo bình thường mà như nửa tỉnh nửa mê, nửa phần là người sống, nửa phần là hồn ma. Và tuy vẫn đối thoại với Vân nhưng lời nàng phảng phất như lời từ cõi bên kia vọng về.

Đoạn thơ cùng chợt đổi giọng. Hình ảnh âm điệu như chập chờn bay hết nét thật, có cái gì đó thật hư ảo: thời điểm không xác định (mai sau, bao giờ), không khí linh thiêng (đốt lò hương, so tơ phím của người xưa để lại) hình ảnh phất phơ, ma mị (ngọn cỏ lá cây, hiu hiu gió...) Tất cả đều nói lên rằng Kiều tiếp tục khổ đau và càng khổ đau gấp bội.

Theo đà nửa tỉnh nửa mê, đang nói chuyện với Vân, Kiều bỗng nói một mình, nói với mình về sự dở dang duyên phận. Đúng là cảnh trâm gãy bình tan, tơ duyên ngắn ngủi. Đúng là phận bạc như vôi và đành phải chấp nhận cảnh nước chảy hoa trôi lỡ làng mà trái tim như tan ra từng mảnh. Nàng đành chịu tội với chàng Kim, đành gửi chàng muôn nghìn cái lạy. Đau đớn quằn quại đến mức Kiều phải nấc lên:

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang
Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây

Tiếng nấc nghẹn ngào ấy khẳng định một lần nữa mặc cảm có tội của Kiều. Nghĩa là nàng phủ nhận tất cả những gì đã nói với Vân, những gì đã làm cho chàng Kim, phủ nhận nỗi yên tâm của mình trong khoảnh khắc trên kia .Nghĩa là nàng tuy có đau thêm cho mình nhưng vẫn một mực đau cho người, vì người. Nỗi đau không đơn giản mà tăng lên gấp bội. Nàng gọi tên chàng Kim như trong cơn mê sảng. Nỗi đau đã lên đến tột đỉnh, quá sức chịu đựng của thể xác:

Cạn lời hồn ngất máu say
Một hơi lặng ngắt, đôi tay giá đồng.

Đoạn thơ là một cơn khủng hoảng, một trận sóng gió tơi bời trong lòng con người tội nghiệp Thúy Kiều. Nàng đau khổ, quằn quại đâu phải vì bản thân mình? Tất cả trái tim yêu thương nàng dành cho người yêu. Tâm hồn vị tha ấy cao đẹp biết chừng nào! Thương người đằm thắm sâu xa, muốn cho người được hạnh phúc, còn mình thì chấp nhận thiệt thòi, cam chịu hi sinh, tấm lòng ấy đã gây xúc động mạnh trong lòng người đọc. Đó cũng là nét sáng ngời trong phẩm giá của Thúy Kiều.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Simple love
29/05/2020 20:09:33

Luận điểm 1: Tâm trạng Kiều khi mở lời trao duyên

Luận điểm 2: Tâm trạng Kiều khi trao kỉ vật và dặn dò em

Luận điểm 3: Tâm trạng của Kiều khi nghĩ về Kim Trọng.

0
0
Simple love
29/05/2020 20:10:17

a) Mở bài

- Giới thiệu sơ lược về tác giả, đoạn trích

+ Nguyễn Du là một ngôi sao sáng trên nền trời thơ ca Việt Nam, ông còn là bậc thầy trong cả việc miêu tả nội tâm nhân vật.

+ Đoạn trích Trao duyên là một trong những đoạn thơ có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

- Khái quát tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích: Đoạn trích là tiếng lòng đau xót và tê tái, tâm trạng giằng xé đầy đau khổ của Thúy Kiều khi phải chia lìa hạnh phúc của mình.

b) Thân bài

* Luận điểm 1: Tâm trạng Kiều khi mở lời trao duyên

"Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

...

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."

- Kiều nhờ cậy Vân, lời nhờ cậy có sắc thái khác thường (cậy, chịu lời, lạy, thưa).

-> Lời xưng hô của Kiều vừa như trông cậy, vừa như nài ép, phù hợp để nói về vấn đề tế nhị “tình chị duyên em”.

- Nhắc nhở mối tình của mình với chàng Kim:

+ “Giữa đường đứt gánh tương tư”

+ “Mối tơ thừa”

+ “Quạt ước, chén thề”

-> Mối tình nồng thắm nhưng mong manh, dang dở và đầy bất hạnh của Kim - Kiều.

- Kiều giãi bày lí do đi đến quyết định trao duyên cho Vân

+ Gia đình Kiều gặp biến cố lớn “sóng gió bất kì”. Kiều buộc phải chọn một trong hai con đường là “hiếu” và “tình” -> Kiều đành chọn hi sinh tình để giữ trọn hiếu.

=> Kiều đã gợi ra tình cảnh ngang trái, khó xử của mình để Vân thấu hiểu.

+ “Ngày xuân em hãy còn dài

-> Vân vẫn còn trẻ, còn cả tương lai phía trước.

+ “Xót tình máu mủ thay lời nước non

-> Kiều thuyết phục em bằng tình cảm ruột thịt.

+ “Thịt nát xương mòn”, “ Ngậm cười chín suối” : Kiều viện đến cả cái chết để thể hiện sự cảm kích thật sự của mình khi Vân nhận lời.

=> Kiều là người sắc sảo tinh tế, có đức hi sinh, một người con hiếu thảo, trọng tình nghĩa.

Luận điểm 2: Tâm trạng Kiều khi trao kỉ vật và dặn dò em

- "Chiếc vành, bức tờ mây"

-> Kỉ vật đơn sơ mà thiêng liêng, gợi quá khứ hạnh phúc.

- Từ “giữ - của chung - của tin

+ “Của chung” : của Kim, Kiều nay là cả của Vân nữa.

+ “Của tin” : những vật gắn bó gợi tình yêu thiêng liêng của Kim – Kiều (mảnh hương, tiếng đàn)

-> Thể hiện sự giằng xé trong tâm trạng Thúy Kiều. Kiều chỉ có thể gửi gắm mối duyên dang dở cho Vân chứ không thể trao hết tình yêu mặn nồng xưa kia giữa nàng và Kim Trọng.

- Kiều dự cảm về cái chết:

+ hiu hiu gió, hồn, nát thân bồ liễu, dạ đài, người thác oan

-> Dự cảm không lành về tương lai, sự tuyệt vọng tột cùng. Kiều tưởng tượng ra cảnh mình chết oan, chết hận. Hồn không sao siêu thoát được bởi trong lòng đang nặng lời thề ước với Kim Trọng.

=> Sự đau đớn, đầy tuyệt vọng, tấm lòng thủy chung một lòng hướng về Kim Trọng của Kiều.

- Thúy Kiều dặn dò Thúy Vân

+ “Đền nghì trúc mai”: Đền ơn đáp nghĩa.

+ “Rưới xin giọt nước”: Tẩy oan cho chị.

-> Nỗi bứt rứt, dằn vặt trong lòng Kiều, Kiều như càng nhớ, càng thương Kim Trọng hơn bao giờ hết.

=> Thúy Kiều trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé và chua chát.

Luận điểm 3: Tâm trạng của Kiều khi nghĩ về Kim Trọng

- Lời thơ chuyển từ đối thoại sang độc thoại

“trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi lỡ làng”

-> Nàng ý thức rõ về cái hiện hữu của mình, số phận đầy đau khổ, dở dang, bạc bẽo, lênh đênh trôi nổi.

- Hành động:

   + Nhận mình là "người phụ bạc"

   + Lạy: cái lạy tạ lỗi, vĩnh biệt khác với cái lạy nhờ cậy lúc đầu

   + Hai lần gọi tên Kim Trọng: tức tưởi, nghẹn ngào, đau đớn đến mê sảng.

-> Kiều quên đi nỗi đau của mình mà nghĩ nhiều đến người khác, đó chính là đức hy sinh cao quý.

=> Tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hướng về tình yêu của mình và Kim Trọng.

c) Kết bài

- Khái quát tâm trạng của Kiều trong đoạn trích.

- Cảm nhận của em.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×