Văn LangVăn Lang (chữ Hán: 文郎) được coi là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Quốc gia này có kinh đô đặt ở Phong Châu nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Lãnh thổ bao gồm khu vực đồng bằng sông Hồng và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Quốc gia này tồn tại cho đến năm 258 TCN.
Âu LạcNăm 257 TCN, nước Âu Lạc (甌雒, 甌駱[4], 甌貉) được dựng lên, từ việc liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, dưới uy thế của Thục Phán – An Dương Vương. Âu Lạc có lãnh thổ bao gồm phần đất của Văn Lang trước đây cộng thêm vùng núi Đông Bắc Việt Nam và 1 phần Tây Nam Quảng Tây (Trung Quốc).
Khoảng cuối thế kỷ III TCN, đầu thế kỷ II TCN (năm 208 TCN hoặc 179 TCN[5]), Triệu Đà (Quận úy Nam Hải – nhà Tần) tung quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại, nhà nước Âu Lạc bị xóa sổ.
Lĩnh NamNăm 40, Hai Bà Trưng đã khởi nghĩa chống lại sự cai trị của nhà Hán. Sử cũ ghi chép hai bà đã lấy được 65 thành trì của nhà Hán tại các quận Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Hợp Phố, Nam Hải,... Hai bà xưng vương, với câu hịch nối lại nghiệp xưa vua Hùng, lập tên nước là Lĩnh Nam (嶺南), đóng đô tại Mê Linh, ngày nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội. Trưng Trắc được bầu làm vua (Đế) của Lĩnh Nam, Trưng Nhị được bầu làm vương của Giao Chỉ, 6 quận của Lĩnh Nam là: Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Tượng Quận, Nam Hải và Quế Lâm mỗi quận có 1 vương gia. Năm 43, khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị đàn áp, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc lần II.
Vạn XuânVạn Xuân (萬春) là quốc hiệu của Việt Nam trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi khỏi triều đình trung ương Trung Hoa của nhà Tiền Lý dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế. Quốc hiệu này tồn tại từ năm 544 đến năm 602 thì bị nhà Tùy tiêu diệt.
Đại Cồ ViệtĐại Cồ Việt (大瞿越) là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, do Đinh Tiên Hoàng thiết đặt năm 968. Quốc hiệu này tồn tại 87 năm cho đến năm 1054, đời vua Lý Thánh Tông thì đổi sang quốc hiệu khác.