Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nêu suy nghĩ của em về đức tính giản dị của Bác Hồ

5 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
575
3
2
Nguyễn Minh Thạch
24/06/2020 15:28:21
+5đ tặng

Đức tính giản dị là một đức tính vô cùng quý báu của dân tộc ta được truyền từ đời này sang đời khác, một trong những tấm gương vô cùng tiêu biểu không thể không kể đến đó là Bác Hồ, một con người vĩ đại cả về phẩm chất lẫn nhân cách sống. Đức tính quý báu đó được tác giả Phạm Văn Đồng trình bày lại vô cùng xuất sắc qua tác phẩm “Đức tính giản dị của Bác Hồ”.

Trong tác phẩm tác giả khẳng định một chân lí không thể thay đổi đó là sự vĩ đại của Bác trong các hoạt động chính trị cũng như những hoạt động thường ngày, Bác có thể làm những việc vô cùng lớn lao mà không phải ai cũng có thể thực hiện được nhưng trong cuộc sống hàng ngày Bác lại trở về với lối sống của một người lính, một con người hết sức bình thường. Qua những câu văn tiếp theo tác giả đã chứng minh được sự giản dị của Bác trên ba phương diện là cách ăn, cách ở, cách làm việc.

Về cách ăn uống hàng ngày của Bác là vô cùng giản dị, mang phong cách của người lao động bình thường, những món trong mâm cơm hàng ngày của Bác không phải là cao lương mĩ vị, không phải sơn hào hải vị, tất cả chỉ có vài ba món rất đơn giản, bởi Bác là một người hiểu người lao động, trân trọng những gì mà người lao động vất vả làm ra, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm nào, khi ăn xong cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn thừa lại luôn được Bác sắp xếp tươm tất. Tác giả có thể nêu lên những dẫn chứng cụ thể như vậy bởi ông đã từng làm việc bên cạnh Bác, đã từng sống cùng Bác trong suốt một thời gian dài, chính vì vậy mà những điều ông nêu ra thật tỉ mỉ và sắc nét.

Cách ở của Bác cũng rất giản dị, với tâm hồn lộng gió mà nhà Bác ở chỉ là nhà sàn, không chỉ có vậy, không gian mà Bác sống luôn mang một sắc thái của thiên nhiên, nơi Bác ở luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn do tự tay Bác chăm sóc, nuôi trồng. Qua đó cũng có thể thấy được Bác là một người say mê với công việc, Bác suốt ngày làm việc, dành toàn bộ thời gian của bản thân để dành cho việc làm, từ việc rất lớn là cứu nước, lo nghĩ cho dân tộc đến những việc nhỏ bé nhất như chăm lo cuộc sống xung quanh mình, viết thư cho các cháu thiếu nhi hay thăm khu tập thể của công nhân, đối với Bác những việc mà Bác có thể làm được thì không cần người giúp.

Tác giả cũng bình luận về đời sống của Hồ Chí Minh, cách sống của Bác không phải là sống khắc khổ theo lối tu hành, cũng không phải là sống thanh bạch theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. Đời sống giản dị của Bác là xuất phát từ chính sự hòa hợp tuyệt đẹp giữa cách hòa quyện bản thân với sự sôi nổi, phong phú của xã hội, bởi Bác đã dành phần lớn cuộc đời mình với những đấu tranh gian khổ ác liệt, cuộc sống khó khăn đã hình thành nên nhân cách con người Bác.

Qua tác phẩm tác giả vừa thể hiện về phẩm chất đáng quý của Bác vừa một lòng thể hiện sự kính mến và biết ơn đối với Bác, hơn thế nữa qua tác phẩm tác giả cũng muốn gửi gắm một bài học quý giá về đạo đức con người thông qua vị cha già vĩ đại của dân tộc ta

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
2
Nguyễn Minh Thạch
24/06/2020 15:28:47
+4đ tặng

Ngày 19/5/1970, Đảng và Chính phủ đã tổ chức trọng thể Lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đọc diễn văn với nhan đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh – tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”. Bài Đức tính giản dị của Bác Hồ trích từ bài diễn văn ấy.

Hai đoạn văn đầu, tác giả khẳng định “sự nhất quán” trong nhân cách vĩ đại của Bác Hồ: “đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn”. Tiếp theo, ông ca ngợi Bác Hồ suốt đời “vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng”. Người đã sống và chiến đấu vì một lý tưởng cao quý: “tất cả vì nước vì dân, vì sự nghiệp lớn”. Đạo đức của Người“trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp”. Phần đầu bài văn cho thấy một giọng văn sôi nổi lôi cuốn, trang trọng, lý lẽ đanh thép hùng hồn, ngôn từ chuẩn mực, đĩnh đạc, biểu cảm: “Điều rất quan trọng”, “đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất”, “vô cùng giản dị và khiêm tốn”, “rất lạ lùng, rất kì diệu”, “một cuộc đời sóng gió”, “vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý”, “tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp”.

Đoạn văn thứ ba, Phạm Văn Đồng đã chứng minh một cách sáng tỏ đời sống giản dị của Bác Hồ trên ba phương diện: cách ăn, cách ở, cách làm việc.

Cách ăn của Bác rất giản dị: “Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm; ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại được sắp xếp tươm tất”. Tác giả nêu lên bốn chi tiết rất cụ thể để chứng minh cách ăn giản dị của Bác. Phạm Văn Đồng đã từng sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức (1925), đã từng bí mật sang Vân Nam gặp Bác (1940). Và từ những ngày ở chiến khu đến Cách mạng tháng Tám và suốt trong những năm dài kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông đã từng sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ, nên mới có thể nói một cách tỉ mỉ, cụ thể về cách ăn của Bác như vậy. Đây là một câu văn bình luận rất hay, từ cách ăn, tác giả ca ngợi đạo đức của Bác: “Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ”.

Cách ở của Bác cũng rất giản dị. Tác giả lập luận tương phản giữa tâm hồn và cách ở của Bác; tâm hồn thì “lộng gió thời đại” mà nhà ở của Bác chỉ là nhà sàn “vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng”. Nơi ở “luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn” do tự tay Bác trồng và chăm bón. Tác giả đã bình và ca ngợi cách ở giản dị của Bác “thanh bạch và tao nhã biết bao”.

Cách làm việc của Bác càng giản dị: “Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: việc cứu nước, cứu dân đến việc rất nhỏ…”. Phong cách làm việc ấy của Bác thể hiện một tinh thần xả thân, bền bỉ, cần mẫn, chu đáo và rất giản dị. Tác giả nêu lên bốn việc rất nhỏ Bác thường làm để ca ngợi cách làm việc giản dị, chu đáo của Bác như: “trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn”. Là Chủ tịch nước nhưng Bác rất giản dị trong sinh hoạt: “Việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp”, số người giúp việc và phục vụ Hồ Chủ tịch có thể đếm trên đầu ngón tay, mỗi người được Bác đặt cho một cái tên mới “gộp lại là ý chí chiến đấu và chiến thắng: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi!”.

Đoạn văn thứ tư, Phạm Văn Đồng bình luận về đời sống của Hồ Chủ tịch. Cách sống giản dị của Bác không phải là “sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật”. Đời sống giản dị, thanh bạch của Bác Hồ là một sự hòa hợp tuyệt đẹp, bởi vì Người đã “sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc sống đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân”. Hòa hợp giữa “đời sống vật chất giản dị’ với “đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất". Hai mặt đối lập mà thống nhất ấy, “là nơi sống thực sự văn minh”, “một gương sáng” mà Bác Hồ đã nêu lên trong thế giới ngày nay. Qua đó, ta thấy cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ, lời bình luận rất sắc sảo.

Đoạn văn thứ 5, giải thích và bình luận về cách nói và cách viết giản dị của Bác Hồ. Người nói giản dị, viết giản dị vì Người “muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được”. Những chân lý lớn mà giản dị là khát vọng về độc lập, tự do, thống nhất, về ấm no hạnh phúc của nhân dân ta nên Bác đã nói lên một cách rất giản dị: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Những chân lý giản dị mà sâu sắc đó là “sức mạnh vô địch", là “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” khi nó đã thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người. Qua đó, tác giả đã chỉ cho chúng ta thấy tư tưởng của Hồ Chủ tịch rất sâu sắc, cách nói cách viết của Người lại rất giản dị, thấm thía.

Văn bản này là một bài văn nghị luận tổng hợp, tác giả đã kết hợp một cách chặt chẽ giữa ba thao tác giải thích, chứng minh, bình luận về “đức tính giản dị của Bác Hồ” trong đời sống sôi nổi, phong phú, và cách nói cách viết rất giản dị về những chân lý lớn, những tư tưởng vĩ đại.

Văn bản nghị luận này thể hiện một lối viết đặc sắc, mẫu mực. Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng cụ thể, chọn lọc, rất tiêu biểu, lời bình luận sâu sắc, đầy thuyết phục, cách sắp xếp, trình bày lí lẽ, dẫn chứng khúc chiết, sáng tỏ. Giọng văn sôi nổi, tâm huyết, trang trọng, tự hào.

Qua văn bản này, tác giả đã nâng cao lòng kính yêu và biết ơn Bác Hồ trong tâm hồn mỗi chúng ta. Hơn bao giờ hết, bài Đức tính giản dị của Bác Hồ là một bài học quý báu đối với tuổi thơ chúng ta cả về tư tưởng, cả về văn chương.

Qua văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ, em hiểu như thế nào về đức tính giản dị. Hãy trình bày suy nghĩ của mình về đức tính ấy?

3
2
Nguyễn Minh Thạch
24/06/2020 15:29:04
+3đ tặng

Làm người như thế nào, sống như thế nào là câu hỏi lớn day dứt bao nhiêu thế hệ xưa nay. Tại sao mọi người lại thường nhắc đến đức tính giản dị khi nhận xét, đánh giá một ai đó? Như vậy, chắc hẳn giản dị là một đức tính quan trọng của con người. Vậy giản dị là gì?

Giản dị là một đức tính về phong cách sống. Người ta thường nói: con người giản dị, tác phong giản dị, ăn mặc giản dị, lời văn giản dị… Đức tính giản dị đối lập với thói xa hoa, thói phô trương, kiểu cách, làm bộ làm tịch, bày vẽ ra nhiều thủ tục rắc rối, rườm rà. Giản dị là sống tự nhiên, tìm một con đường ngắn nhất để đến với mọi người, mọi việc.

Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương sáng lớn về đức tính giản dị. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Bình sinh Hồ Chủ tịch là một người rất giản dị. Hồi còn sống ở chiến khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống chung, ăn chung với cán bộ, bộ đội. Đến bữa cơm, Người lấy thìa chọn thức ăn cho mọi người. Giờ giải lao Người đánh bóng chuyền với mọi người, về ngôn ngữ, tuy Người rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và nhiều thứ tiếng khác, nhưng Người chủ trương nói tiếng Việt, không thích dùng từ nước ngoài khi không cần thiết, không ai hiểu. Bác Hồ rất ghét phô trương, xa hoa. Đến thăm nơi nào Người không muốn báo trước để người ta tổ chức đón rước mất công, mất việc. Trong Di chúc, Người không muốn sau khi mình mất nhân dân phải tổ chức phúng điếu linh đình.

Nhưng giản dị không phải là đơn giản, thô sơ. Thơ của Bác Hồ chẳng hạn, rất giản dị, nhưng không đơn giản chút nào. Ví như bài Đi đường, dễ hiểu, gợi cảm, không dùng điển cố nhưng lại rất sâu sắc. Giản dị tức là sống, suy nghĩ một cách chân thật, trung thực.

Không nên hiểu giản dị là không ăn mặc đẹp, không đi giày dép; nói năng cộc lốc, không thưa gửi, uống nước không đun sôi, ăn quả xanh. Có bạn hiểu giản dị là ăn nói tùy tiện, thậm chí nói tục ở trong lớp, trước mặt mọi người. Như thế không phải là giản dị, mà là thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng người khác. Một người học sinh giản dị, theo em, là người sống khiêm nhường, không khoe khoang, phô trương. Một học sinh giản dị là học sinh biết ăn mặc đẹp, lịch sự, sạch sẽ, nhưng không lố lăng. Đó là người hòa nhã, gần gũi với mọi người trong học tập và vui chơi. Đó là người hồn nhiên, học hết mình, không có thái độ giả tạo. Chẳng hạn như không hiểu mà không muốn hỏi bạn, sợ mang tiếng là dốt, hoặc khi biết mà bạn hỏi thì không bảo, giữ kẽ, giữ tủ. Che đậy mình hoặc khoe khoang mình tức là giả tạo, không giản dị.

Tóm lại, giản dị là một đức tính quý báu, đồng thời cũng là một phương hướng tu dưỡng, rèn luyện để làm người của chúng em. Đẹp bao khi mọi người sống với nhau giản dị, chân thật, ấm áp, đầy lòng tin cậy đối với nhau.

1
4
Hải D
24/06/2020 15:30:10
+2đ tặng
Bác Hồ là vĩ lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Ở con người Bác ta còn học tập được nhiều điều đặc biệt. Ôi! Một con người thanh cao và giản dị đến nhưỡng nào! Sự giản dị của Bác không chỉ thể hiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, không chỉ trong những năm tháng khó khăn mà ngay cả khi đã là một vị chủ tịch nước, trong bữa ăn của Bác cũng rất giản dị. Trong cách mặc của Bác cũng rất giản dị, phù hợp với hoàn cảnh, với con người Bác. Bộ quần áo ka-ki, bộ quần áo nâu, đôi dép cao su, chiếc đồng hồ Liên Xô…..là những đồ vật gắn liền với cuộc đời Bác. Dù là một vị chủ tịch nước nhưng Bác chỉ ở trong ngôi nhà sàn vài ba phòng đơn giản, có vườn cây, ao cá để Bác được lao động sau những giờ làm việc căng thẳng. Trong việc làm Bác cũng thể hiện sự giẳn dị của mình. Bác làm việc rất cần cù, cả đời Bác không ngày nào nghỉ ngơi, từ nhũng công việc hàng ngày đến việc cách mạng vì dân vì nước. Không những vậy trong quân hệ với mọi người Bác cũng rất giản dị. Từ việc đi thăm nhà tập thể công nhân, viết thư cho một đồng chí hay nói chuyện với các cháu miền Nam hoặc đi thăm và tặng quà cho các cụ già mỗi khi Tết đến. Dù là một vị chủ tịch nước nhưng ta không hề thấy Bác cao sang xa vời mà luôn gần gũi thân thiết. Trong lời nói và bài viết Bác cũng thể hiện sự giản dị của mình bởi Bác muốn mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo nên Bác đã nói rất giản dị về những điều lớn lao, chân chính Và rất nhiều những lời nói, bài văn, bài thơ rất giản dị của Bác mà chúng ta có thể biết, sự giản dị của Bác càng làm nổi bật đời sống nội tâm và tôn thêm vẻ đẹp con người Bác. Sự giản dị của Bác là tấm gương mà chúng ta phải học tập và noi theo.​
1
4
Hải D
24/06/2020 15:30:39
+1đ tặng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Bác không chỉ đáng yêu mà còn rất đáng kính bởi Bác là người mang đến tự do cho dân tộc. Ở con người Bác ta còn học tập được nhiều điều đặc biệt là lối sống giản dị. Bác mãi là tấm gương để chúng ta học tập noi theo.

Bác Hồ là người giản dị như thế nào chắc mỗi chúng ta đều biết. Trước hết Bác giản dị trong đời sống sinh hoạt. Không chỉ trong những năm tháng khó khăn mà ngay khi đã là một vị chủ tịch nước trong bữa ăn của Bác cũng rất giản dị: chỉ có vài ba món đơn gián, khi ăn Bác không để rơi vãi, ăn xong cái bát bao giờ cũng sạch sẽ. Trong cách mặc của Bác cũng rất giản dị, phù hợp với hoàn cảnh, với con người Bác. Bộ quần áo ka-ki, bộ quần áo nâu, đôi dép cao su, chiếc đồng hồ Liên Xô…..là những đồ vật giản dị gắn liền với cuộc đời Bác. Dù là một vị chủ tịch nước nhưng Bác không hề giống như những vị vua thời phong kiến, không có long bào, không có lầu son gác tía,… mà nơi ở của Bác là ngôi nhà sàn vài ba phòng đơn giản, có vườn cây, ao cá để Bác được lao động sau những giờ làm việc căng thẳng.

Trong việc làm Bác cũng thể hiện sự giẳn dị của mình. Việc gì làm được thì Bác không cần ai giúp đỡ nên số người giúp việc cũng ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bác làm việc rất cần cù, cả đời Bác không ngày nào nghỉ ngơi, từ nhũng công việc hàng ngày đến việc cách mạng vì dân vì nước.

Không những vậy trong quân hệ với mọi người Bác cũng rất giản dị. Từ việc đi thăm nhà tập thể công nhân, viết thư cho một đồng chí hay nói chuyện với các cháu miền Nam hoặc đi thăm và tặng quà cho các cụ già mỗi khi Tết đến. Trong lần về quê, khi mọi người kéo đến rất đông Bác đã cùng mọi người ngồi trước cửa nhà nói chuyện. Dù là một vị chủ tịch nước nhưng ta không hề thấy Bác cao sang xa vời mà luôn gần gũi thân thiết.

Trong lời nói và bài viết Bác cũng thể hiện sự giản dị của mình bởi Bác muốn mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo nên Bác đã nói rất giản dị về những điều lớn lao, chân chính như:"Không có gì quý hơn độc lập tự do" hay để kêu gọi tinh thần đoàn kết Bác đã nói’ Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết
Thành công thành công đại thành công"

Và rất nhiều những lời nói, bài văn, bài thơ rất giản dị của Bác mà chúng ta có thể biết, sự giản dị của Bác càng làm nổi bật đời sống nội tâm và tôn thêm vẻ đẹp con người Bác. Sự giản dị của Bác là tấm gương mà chúng ta phải học tập và noi theo.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×