Ma túy là một loại tệ nạn xã hội mà nạn nhân có thói quen sử dụng chất ma tuý dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào ma tuý khó có thể bỏ được. Nghiện ma tuý gây hậu quả và tác hại lớn cho bản thân người nghiện và cho xã hội. Hình thức sử dụng ma tuý chủ yếu là hút, hít, tiêm chích thuốc phiện, hêrôin. Hiện nay, hình thức sử dụng ma tuý tổng hợp, thuốc lắc đang có xu hướng phát triển mạnh. Nguyên nhân của tình trạng sử dụng ma túy rất đa dạng: do hậu quả của lối sống đua đòi, lười lao động, thích ăn chơi; do gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, bị lôi kéo, rủ rê, hoặc bị khống chế; do tính tò mò, muốn khám phá của lứa tuổi…
Ma túy sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đối với bản thân người sử dụng ma tuý gây tổn hại về sức khoẻ như hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị chết đột ngột. Không những thế, ma tuý còn gây tổn hại về thần kinh với cá nhân người sử dụng; Ma tuý còn gây tổn hại nghiêm trọng về mặt kinh tế của gia đình và bản thân. Sử dụng ma tuý tiêu tốn nhiều tiền bạc; Về nhân cách, sử dụng ma tuý làm cho người nghiện thay đổi trạng thái tâm lý, sa sút về tinh thần; Với xã hội, hàng năm, Nhà nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma tuý, công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý; Ma tuý là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm và là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác ....
Vì vậy, chúng ta cần phải kiên quyết bài trừ, đứng lên nói “không” với ma tuý nói riêng và nói “không” với các tệ nạn xã hội nói chung, từng bước kiềm chế, ngăn chặn không để tệ nạn ma tuý lây lan phát triển trong các trường học, trong học sinh và giáo viên. Có các hình thức xử lí nghiêm minh các đối tượng có liên quan đến ma tuý. Đối với nhà trường: Thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục trong Nhà trường về phòng chống tệ nạn xã hội; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh trong phòng chống ma túy; giáo dục lối sống lành mạnh, đấu tranh chống lối sống buông thả, đua đòi, học theo; Phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội; Nắm chắc tình hình học sinh có các biểu hiện bất thường để có biện pháp ngăn chặn kịp thời; Tổ chức cho học sinh ký cam kết nói “không” với ma túy; Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thu hút học sinh tham gia. Đối với học sinh: Cần phải tránh xa những cạm bẫy của thói hư tật xấu, không bị lôi kéo cám dỗ, nhận thức rõ hậu quả của tệ nạn ma túy, con đường dẫn đến tội phạm; Có trách nhiệm phát hiện các hành vi có liên quan đến tệ nạn xã hội và ma túy báo cáo kịp thời cho Nhà trường hoặc lực lượng Công an; Có thái độ học tập nghiêm túc, có lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường và địa phương; Nhận thức đầy đủ về những tác hại và những hậu quả do ma túy đem lại ....
Quan điểm về phòng chống tện nạn xã hội và ma túy là tập trung vào phòng ngừa, lồng ghép và kết hợp chặt chẽ công tác phòng chống tệ nạn xã hội với các chương trình phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội ở địa phương. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội là trách nhiệm của toàn xã hội, phải được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành, trong đó lấy phòng chống từ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học làm cơ sở đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa việc xử lý nghiêm khắc với việc cảm hoá, giáo dục, cải tạo đối với những đối tượng hoạt động tệ nạn xã hội.
Đắk Lắk hôm nay đang từng ngày đổi thay và phát triển, từng bước vươn mình trên con đường hội nhập và hướng đến các mục tiêu bền vững. Ngay từ bây giờ và ngay lúc này đây, hãy nói “Không” với ma túy và không để ma túy xâm nhập học đường.