Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi đất nước đang đắm chìm trong đêm dài nô lệ. Yêu nước, thương dân, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sức mạnh truyền thống yêu nước đã hun đúc quyết tâm cứu nước, cứu dân và thôi thúc Người bôn ba tìm đường giải phóng đất nước; cũng chính là cơ sở dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước trong thời đại mới: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”... Sau này, trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba"…Từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi từ biệt chúng ta trở về với thế giới người hiền, Người luôn khát khao và phấn đấu cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân chủ và giàu mạnh, nhân dân Việt Nam được ấm no, tự do và hạnh phúc. Cuộc đời cách mạng đầy gian truân song rất đỗi vinh quang của Người xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân và cũng vì nước vì dân mà tận tâm, tận lực phấn đấu.
Thấm nhuần sâu sắc rằng, lòng yêu nước là một giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, được sinh dưỡng bởi những cư dân một nước nông nghiệp luôn gắn bó, cố kết, đùm bọc, che chở và giúp đỡ lẫn nhau để chống lại thiên tai, địch họa và cả dịch bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1] và "chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước". Trong tất cả những con dân đất Việt đó, chỉ “trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước”[2]…
Vì thế, trên những chặng đường cách mạng, Người luôn khơi dậy và phát huy nguồn sức mạnh của lòng yêu nước đó để lãnh đạo nhân dân ta từng bước giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không phải ngẫu nhiên, vấn đề tập hợp lực lượng cách mạng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng lại được ghi rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v.) để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản c.m (Đảng Lập hiến,v.v.) thì phải đánh đổ”[3]; đồng thời, nhấn mạnh “trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chánh, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”[4]. Sau đó, vấn đề tập hợp lực lượng được thể hiện trong việc thành lập và phát huy vai trò của Mặt trận Việt Minh, nhằm đoàn kết mọi người dân Việt Nam yêu nước trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để cùng tranh đấu vì độc lập, tự do đã góp phần to lớn vào thành công của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ…
Tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh chính là yêu Tổ quốc và nhân dân, coi việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc, thực dân và ngoại bang, giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là lòng yêu nước chân chính, sâu sắc và triệt để. Vì thế, khi thấu hiểu rằng “tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”[5], Người đã khơi dậy lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam, coi đó là “chìa khóa vàng” để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức họ, lãnh đạo họ thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.