Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hà Nam lần thứ nhất
Chiều ngày 11 tháng 01 năm 1946 từ thành phố Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thị xã Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Vừa xuống xe Bác đi tắt vào nơi làm việc của Ủy ban hành chính tỉnh, nhà ăn tập thể và các công trình sinh hoạt công cộng, thăm nơi làm việc của cán bộ, công nhân viên. Lúc đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam, thị xã Phủ Lý cùng đông đảo nhân dân đã tập hợp trên khoảng đất rộng trước phòng thông tin để đón Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật nói chuyện với đồng bào, chiến sỹ, cán bộ. Hàng ngàn người chăm chú lắng nghe và đồng thanh hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác vui vẻ đáp lại: “Đồng bào Hà Nam muôn năm”.
Tại cuộc nói chuyện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giành được chính quyền đã khó nhưng giữ được chính quyền còn khó hơn, do vậy nhiệm vụ cấp bách của địa phương lúc này là giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng và xây dựng cuộc sống mới. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vừa đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đối phó và trấn áp bọn phản động địa phương, vừa thúc đẩy tăng gia sản xuất, chống đói, chống nạn mù chữ, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân”.
Địa điểm Bác về thăm lần đầu tiên ấy nay là khu vực công sở của UBND tỉnh Hà Nam và một phần khu dân cư gần bờ Đông sông Nhuệ thuộc Phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý.
Di tích, công trình lưu niệm lần thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc tại Hà Nam
Ngày 14/01/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và kiến trúc sư Trần Đăng Khoa đã về dự hội nghị sơ kết công tác chống hạn của tỉnh Hà Nam. Ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Phủ Lý có cụ Bùi Kỷ, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cụ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh; đồng chí Hoàng Phương, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong phái đoàn Chính phủ về vận động nhân dân chống hạn và các đồng chí cán bộ khu, tỉnh. Phái đoàn đã báo cáo với Bác về phong trào đào giếng, vét kênh của nhân dân Hà Nam và công tác của phái đoàn trong những ngày qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lời khen ngợi phái đoàn đã cố gắng đi khắp nơi cùng nhân dân chống hạn để kịp thời đưa nước về cấy chiêm. Hội nghị sơ kết chống hạn được tổ chức tại hội trường Ủy ban hành chính tỉnh Hà Nam. Trụ sở UBND tỉnh và hội trường đã bị hủy diệt hoàn toàn trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nay là khu vực trụ sở của Tỉnh ủy Hà Nam thuộc Phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý.
Gần 4.000 cán bộ từ xã đến tỉnh tập trung ở sân vận động (nay là vườn hoa Nam Cao, Phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý) rất phấn khởi đón Bác và nghe huấn thị. Bác khen ngợi cán bộ, nhân dân Hà Nam trước kia vừa sản xuất vừa chiến đấu anh dũng, mấy năm gần đây có nhiều thành tích chống hạn, sản xuất. Bác căn dặn mọi người phải quyết tâm chống hạn. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lá cờ “chống hạn khá nhất” cho huyện Bình Lục. Cờ này sẽ làm giải thưởng luân chuyển cho huyện nào có nhiều thành tích chống hạn nhất.
Kết thúc hội nghị sơ kết công tác chống hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu trung ương, tỉnh về thăm công trường đắp đập Cát Tường thuộc xã An Hòa (nay thuộc xã An Mỹ) huyện Bình Lục. Bác đến thăm từng nơi làm việc của các nhóm cán bộ, nhân dân. Trước đông đảo nhân dân, Bác khen ngợi tinh thần cố gắng, động viên mọi người gắng sức hoàn thành con đập. Bác nói:
- Tỉnh giao đắp đập trong 07 ngày, các cô, các chú phải cố gắng rút ngắn thời gian để sớm có nước cày cấy.
Mọi người đồng thanh hứa với Bác quyết tâm đắp đập thật nhanh để có nước cấy hết diện tích.
Trên đường về, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm trạm điều dưỡng thương binh ở bên trái và không xa quốc lộ 21B trên đất xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Người nhắc lại sự hi sinh cao cả của thương binh, khen ngợi anh em đã tham gia chống hạn và khuyên phải luôn nêu cao đoàn kết, giữ vững ý thức tổ chức và kỷ luật. Trước đó, vào tháng 6 năm 1957, Bác Hồ đã viết thư gửi trại thương binh.
Để kỷ niệm ngày Bác Hồ về động viên chống hạn, năm 1962 nhân dân địa phương đã trồng một cây đa ngay tại địa điểm Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và nhân dân đang đắp đập Cát Tường, đến nay cây đa tán đã sum suê tỏa bóng và được gọi là “cây đa Bác Hồ”.
Khu vực Bác Hồ thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân đắp đập Cát Tường đã được UBND tỉnh Hà Nam xếp hạng địa điểm di tích cấp tỉnh (Quyết định số 1838/QĐ-UBND ngày 31/12/2009). Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Nam đã lập dự án đầu tư xây dựng khu lưu niệm, tôn tạo cây đa trên khu vực diễn ra sự kiện lịch sử vào ngày 14/01/1958. Dự án gồm nhiều hạng mục công trình bên hữu ngạn của sông Sắt, thuộc địa phận thôn Cát Tường, xã An Mỹ, huyện Bình Lục; diện tích 6.960m2 chia làm 02 khu: Khu A diện tích 1.500 m2, khu B diện tích 5.460 m2 có mối liên quan mật thiết với nhau. Các công trình chủ yếu là: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sân hành lễ, nhà bia và bia ghi dấu sự kiện, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các phù điêu đồng khắc các câu nói nổi tiếng của Bác… Tháng 8/2012, các hạng mục công trình chủ yếu của khu lưu niệm về cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam tại thành phố Phủ Lý
Kỷ niệm 15 năm ngày tái lập tỉnh Hà Nam (01/01/1997 - 01/01/2012), tỉnh đã hoàn thành khu đền thờ tại phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý. Khu đền thờ gồm nhiều hạng mục công trình trên diện tích 18,7 ha. Đền thờ là công trình kiến trúc chủ đạo mang phong cách cổ truyền, ở vị trí trang trọng nhất đặt tượng và ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng Bác đúc bằng đồng ngồi trên ghế bành toát lên vẻ trang nghiêm nhưng gần gũi.
Đền thờ Bác Hồ tại xã Bình Nghĩa
Năm 2000, UBND xã Bình Nghĩa (Bình Lục) và nhân dân thôn Gòi đã khánh thành đền thờ Bác Hồ. Công trình kiến trúc gồm 03 gian mang phong cách cổ truyền dân tộc. Tượng Bác đúc bằng đồng với tư thế tượng bán thân cùng với nhang án và hình thức trang trí phù hợp mang ý nghĩa tâm linh.
Vườn cây ơn Bác
Ở vị trí địa lý trung tâm xã An Ninh, huyện Bình Lục, ngày 19/5/2000 kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khánh thành “Vườn cây ơn Bác”. Vườn cây do Hội Cựu chiến binh xã An Ninh chủ trì xây dựng trên cơ sở cải tạo khu đất nhiều thùng vũng. Trong vườn đã trồng trên 4.000 cây gồm nhiều loại: Cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây bóng mát. Tại đây vào dịp tết Nguyên đán hằng năm xã đều tổ chức phát động Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ.
Di tích Bác Hồ gửi thư khen ngợi họ Lại xã Phù Vân
Mùa xuân Canh Dần (1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho họ Lại xã Phù Vân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam khen ngợi dòng họ đã động viên nhiều con em tham gia quân đội: “Trong lúc nước nhà kháng chiến gay go, họ đã nghe tiếng gọi của Chính phủ hăng hái tòng quân, bảo vệ đất nước và góp phần chung sức kháng chiến mọi mặt với Chính phủ là biểu hiện tinh thần yêu nước rất cao. Tôi mong rằng: Các họ trong cả nước Việt Nam, họ nào cũng như họ Lại Phù Vân thì ta không cần phải đánh mà giặc cũng phải lui.
Vậy tôi thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khen ngợi và cảm ơn họ. Mong họ tin tưởng Chính phủ và đoàn kết xung quanh Chính phủ để cùng kháng chiến kiến quốc”.
Bức thư của Bác Hồ đã được khắc vào bia đá đặt ở vị trí trang trọng trong từ đường họ Lại, nay thuộc thôn 2, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định số 1370/QĐ-UBND ngày 19/11/2014 xếp hạng Di tích cấp tỉnh: Từ đường họ Lại - địa điểm Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi họ Lại trong phong trào tòng quân năm 1950, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, loại hình Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện.
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nam thật toàn diện và to lớn. Điều đó luôn được Đảng bộ, quân và dân Hà Nam ghi lòng tạc dạ mà các di tích, công trình lưu niệm, kỷ niệm về Người là một minh chứng./.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |
Thưởng th.11.2024 |
Bảng xếp hạng |