Trăng từ lâu đã là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca, là nguồn thi hứng dạt dào để người nghệ sĩ sáng tác lên những tác phẩm văn chương. Cũng lấy cảm hứng từ trăng, Nguyễn Duy đã mang đến cho người đọc bài học sâu sắc về lối sống ân tình thủy chung với quá khứ. Hai khổ thơ cuối bài thơ " Ánh trăng " sẽ giúp ta hiểu sâu sắc hơn về điều này. Sau khi kể lại câu chuyện về sự đổi thay về môi trường sống của người lính từ thời chiến tranh cho đến khi đất nước đã bình yên, nhà thơ đã tạo ra một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa người và trăng. Lúc này mặt người đối diện với mặt trăng, bao nhiêu cảm xúc ngày xưa ùa về với người lính như gặp lại một người bạn cũ một thời keo sơn. Và như có điều gì cay cay trong khóe mắt, người lính bồi hồi nhớ lại kí ức của thời chiến tranh năm xưa, một thời mà con người với thiên nhiên sống hòa hợp với nhau, vô lo, vô nghĩ. Âý vậy mà giờ đây, cuộc sống thay đổi, con người cũng hoàn toàn đổi thay. Người lính chẳng biết từ lúc nào đã quên lãng vầng trăng năm xưa, không hề mảy may nhớ đến. Giờ đây, khi đối diện với vầng trăng ấy, một vầng trăng tròn đầy nguyên vẹn không chút đổi thay người lính thật sự xúc động. Anh xúc động vì vầng trăng không hề than vãn, oán trách anh một lời. Nhưng chính cái im lặng ấy lại là cái im lặng đầy nghiêm khắc để người lính giật mình và thức tỉnh. Đó là sự thức tỉnh muộn màng nhưng đáng trân trọng để người lính hoàn thiện mình và sống tốt hơn. Qua đây, nhà thơ cũng muốn nhắc nhở chúng ta về lối sống ân tình thủy chung với quá khứ. Hãy trân trọng quá khứ vì từ quá khứ, người ta xây dựng tương lai.