Ở khía cạnh nào đó, câu nói trên biểu đạt khá rõ thông điệp cần làm trong những ngày đầu Việt Nam có những ca dương tính Covid- 19 trở lại. Trong ngày đầu, khi thông tin về ca nhiễm số 17 công bố, rất nhiều người ở Hà Nội đã hoang mang lao ra chợ từ sáng sớm. Họ xếp hàng, giành giật những thùng mì tôm, những cân thịt, rau củ để tích trữ trong nhà. Trớ trêu ở chỗ, ngay buổi chiều hôm đó, các quầy hàng ở siêu thị lại ngập đồ. Và, trong suốt ngày hôm sau nữa, các cửa hàng tạp hóa, siêu thị hay hàng thịt, rau củ đều ế ẩm. Vì người dân đang phải ăn nhiều kg thực phẩm đã trót mua để… tích trữ. Tâm trạng lo lắng của người dân khi thấy bệnh dịch kéo đến có thể thông cảm. Song, để sự lo lắng ấy biến thành hoang mang, thành hành động phi ra chợ lúc sáng sớm, xếp hàng dài, tụ tập đông người vô tình tạo điều kiện để virus có khả năng lây lan là đáng trách. Bên cạnh việc mua hàng tích trữ không cần thiết, việc di chuyển khỏi Hà Nội hoặc các vùng có bệnh nhân dương tính cũng rất nguy hại. Bởi, khi chính quyền đang nỗ lực khoanh vùng dịch bệnh, luồng cư dân di chuyển (nếu có) là trở lực rất lớn. Bởi nó tạo sai số thông tin. Và trong mấy ngày đầu khi dịch bệnh xuất hiện trở lại là khoảnh khắc vàng để dập dịch. Lúc này, thông tin là chìa khóa của mọi bài toán. Khi thông tin không chính xác, việc dập dịch khó khăn hơn rất nhiều. Thêm nữa, việc các gia đình dắt díu nhau từ vùng dịch về quê tạo áp lực tới các địa phương. Hay nói cách khác, con virus không chừa một ai cả. Và không ai trong chúng ta đoán chắc được mình không phải vật chủ chứa virus nếu chưa qua xét nghiệm. Nên, chúng ta hoàn toàn có thể “chở” virus từ nơi này tới nơi khác. Chưa cần bàn tới những giá trị đạo đức cơ bản trong việc lây lan dịch bệnh, thử hình dung “nơi khác” ở đây là đâu? Là quê mình, nơi có ông bà, bố mẹ, người thân họ hàng. Vẫn biết là biến cố làm ta trở nên rối ren hơn, nhưng làm người ai lại ích kỷ, nhỏ nhen đến thế!