Các thầy đồ, thư sinh ngày xưa thích dùng bút lông, mực tàu. Đầu thế kỉ XX, các thầy thông, thầy kí trong công sở của Pháp mới có cà vạt, giấy da, bút máy giắt túi áo, phì phèo thuốc lá, “Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” (Thơ Tú Xương). Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ai có xe đạp Phượng Hoàng để đi, có đài bán dẫn để nghe tin tức, ca nhạc, có bút máy Kim Tinh để xài, thế là sang, là oách. Gần đây, lại thấy một số ông bà Việt Kiều về thăm quê mặc váy, áo màu tha thướt, xức nước hoa thơm “điếc” mũi, tay xách túi ngoại, cổ và tai lấp lánh ngọc vàng, viết bằng bút máy ngoại trăm đô, nghìn đô ai nhìn thấy cũng phải “lóa mắt”.
Cây bút máy dùng để học tập, để ghi chép, viết lách rất thông dụng, tiện lợi. Nhưng có lúc, có thời, có người, cây bút máy còn là thứ để “khoe”, để tỏ rõ sự sang trọng, hơn người!
Cây bút máy có các bộ phận sau: thân bút, nắp bút, ngòi bút, lưỡi gà, ống đựng mực (ruột bút). Thân bút, nắp bút thường bằng nhựa, có in rõ nhãn hiệu. Cặp bút được đính vào nắp bút, thường bằng kim loại màu vàng vừa để trang trí vừa để cặp vào túi áo cho tiện lợi. Ngòi bút máy hình lưỡi giáo nổi bật dòng chữ nhãn hiệu rất xinh, bằng thứ kim loại màu hoặc bạc, đầu mũi bút là “hạt gạo” trong, bé tí. Ngòi bút máy đính vào lưỡi gà ở cổ bút đều bằng nhựa cứng, màu đen. Ống đựng mực của bút máy có thể bằng cao su hoặc bằng nhựa.
Cây bút máy dài độ 15 cm, to bằng ngón tay út, bằng nhựa màu, cứng, có dáng hình khá đẹp. Mực bút máy (màu xanh, màu đen, màu tím) là thứ mực chuyên dụng; không thể dùng lẫn lộn vì dễ làm tắc nghẽn mực viết. Thỉnh thoảng phải lau chùi ngòi, phải “tắm rửa” bút máy thì bút máy mới hữu dụng, tiện lợi.
Có thể nói, cây bút máy là người bạn thân thiết, quý mến của mỗi chúng ta thời cặp sách. Bút mực tím, bút hoa sim của nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà được học sinh ưa dùng, có tác dụng lớn trong việc luyện chữ, thi Vở sạch chữ đẹp của học sinh Tiểu học hiện nay.