- Ý nghĩa: Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Đã có thời một chiếc chiêng giá trị bằng hai con voi hoặc 20 con trâu.
- Hiện nay, tại hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đều có những đội cồng chiêng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng, trong dịp hội hè. Vào ngày lễ tết, hình ảnh quen thuộc ''bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng'' lại xuất hiện trên khắp các buôn làng. Các nghệ nhân dân gian diễn tấu cồng chiêng kết hợp với nhau rất hài hòa, tạo nên những bản nhạc với các tiết tấu, hòa thanh rất phong phú, mang sắc thái riêng với muôn vàn cung bậc. Mỗi dân tộc đều có những bản nhạc cồng chiêng riêng để diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, khát vọng của con người... Người Giarai có các bài chiêng Juan, Trum vang... Người Bana có các bài chiêng: Xa Trăng, Sakapo, Atâu, Tơrơi... Âm thanh của cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của buôn làng. Đây là sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất ở nhiều dân tộc Tây Nguyên.