Trong kho tàng văn học dân tộc Việt Nam, những bài ca dao, những câu chuyện do người lao động, do tập thể quần chúng nhân dân sáng tạo nên vô cùng đặc sắc và giàu giá trị. Có rất nhiều câu chuyện cổ tích như: Thánh Gióng, Tấm cám, Cây tre trăm đốt, Ai mua hành tôi?...và trong đó không thể không kể đến “Sọ Dừa”. “Sọ Dừa” là một câu chuyện cổ tích rất hay và giàu ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc.
Trước hết, truyện “Sọ Dừa” phản ánh số phận của người nông dân thấp cổ bé họng, đồng thời cả những con người dị dạng, không may mắn bị khiếm khuyết về vẻ bề ngoài trong xã hội phong kiến lạc hậu lỗi thời. Sọ Dừa vốn là một cậu bé được sinh ra bằng một cách rất khác thường, và vẻ bề ngoài của cậu ta cũng không giống người. Sinh ra, Sọ Dừa chỉ có mỗi đầu và mặt mũi, không hề có chân tay hay thân thể gì cả. Và gia đình cậu thì vô cùng nghèo khó, mồ côi cha và phải sống với mẹ. Mẹ cậu làm lụng quanh năm và luôn buồn rầu vì cậu không giống như bao đứa trẻ khác, có thể giúp đỡ, phụ trông, làm việc kiếm thêm thu nhập. Sọ Dừa còn bị người khác khinh thường, xa lánh. Được phép đi làm thuê, chăn bò cho nhà phú ông cũng bị hắt hỉu...Đó là số phận đau thương, bất công mà người nông dân xưa phải gánh chịu. Họ phải chịu một cuộc sống cực khổ, nghèo đói, bị người giàu coi thường, rẻ rúng; còn những người khiếm khuyết thì bị người khác chê bai, hắt hỉu.
Đâu chỉ là tiếng kêu đau thương cho những kiếp người bất hạnh, “Sọ Dừa” còn là một câu chuyện ca ngợi, đề cao và ủng hộ ước mơ, khát vọng chân thành, chính đáng của người nông dân xưa. Sọ Dừa tuy nghèo khó, nhưng với tình yêu mãnh liệt với con gái út nhà phú hộ, chàng quyết cưới bằng được cô. Vượt qua mọi thử thách, yêu cầu đòi hỏi của nhà phú hộ, Sọ Dừa đã cưới được cô út về làm vợ, hai người sống hạnh phúc bên nhau. Đó là biểu hiện cho những người nông dân dám vượt qua những lễ giáo phong kiến hà khắc, lạc hậu, lỗi thời như: môn đăng hậu đối mà tới với nhau bằng sự chân thành, nồng thắm và tình yêu cháy bỏng. Sau khi Sọ Dừa thành tài, trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, đỗ trạng nguyên, cùng người vợ yêu quý vượt qua mối nguy hiểm do hai cô chị bày ra và sống bên nhau trọn đời. Đây là một cái kết có hậu cho câu chuyện.
“Sọ Dừa” còn là tiếng chuông lên án tố cáo, phê phán gay gắt xã hội phong kiến với giai cấp thống trị hách dịch, tàn ác, nhiều mưu mô, thủ đoạn như: phú hộ, hai cô chị gái độc ác cuối cùng phải trả một cái giá xứng đáng.
Như vậy, truyện “Sọ Dừa” rất nhiều giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc vừa có giá trị nhân đạo vừa mang giá trị hiện thực gay gắt. Đây là một câu chuyện cổ tích hay và giàu ý nghĩa.