Thứ nhất: Trang bị tri thức đầy đủ về phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên. Cần tập trung cho sinh viên nắm vững phương pháp luận được rút ra từ lý luận phép biện chứng duy vật: quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm phát triển, quan điểm thực tiễn; phương pháp luận được rút ra từ các cặp phạm trù, các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật… Trong quá trình giảng dạy cần so sánh, phân tích lý luận, nêu vấn đề cho sinh viên giải quyết, sau đó kết luận. Chẳng hạn: Vì sao sự phát triển diễn ra theo đường “xoáy ốc” mà không theo đường thẳng hoặc theo vòng tròn khép kín? Cần đưa ra những cứ liệu cả trong tự nhiên, xã hội và tư duy để chứng minh.
Thứ hai: Luyện tập cho sinh viên các phương pháp biện chứng thông qua thực tiễn cách mạng, trong cuộc sống đầy biến đổi không ngừng….
Ví dụ: Đảng ta đã vận dụng nguyên tắc khách quan trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam như thế nào?
Sinh viên có thể chỉ ra sự vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật như thế nào qua câu nói của Hồ Chí Minh: “… Nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ” [5, tr.479]; “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ” [6, tr.234]; hay tìm những câu thơ, tục ngữ, ca dao, danh ngôn phản ánh tư tưởng triết học duy vật biện chứng.
Cho một ví dụ trong thực tiễn để làm rõ sự vận động, phát triển của sự vật chịu tác động đồng thời cả ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật…
Thứ ba: Định hướng cho sinh viên có ý thức tự vận dụng phương pháp luận biện chứng trong quá trình học tập, trong cuộc sống bản thân. Muốn nâng cao năng lực tư duy sinh viên cần nắm vững, áp dụng triệt để phương pháp luận biện chứng duy vật trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn. Ví dụ: Vận dụng quan điểm toàn diện để phân tích một hiện tượng hóa học, vật lý…; Vận dụng quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể trong quá trình học tập của bản thân. Trong quy luật phủ định của phủ định có thể định hướng cho sinh viên vận dụng tính kế thừa của phủ định biện chứng trong cuộc sống, học tập của sinh viên; Hoặc bản thân sinh viên cần kế thừa như thế nào về truyền thống văn hóa dân tộc? Dựa vào phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả để rèn luyện đạo đức bản thân. Sinh viên phải nhận thức được bất cứ kết quả nào cũng có nguyên nhân của nó, từ đó sinh viên có ý thức làm việc thiện, tránh việc ác. Luyện tập cho sinh viên biết vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật vào trong thực tiễn, cuộc sống thông qua những vấn đề: Hãy vận dụng phương pháp luận rút ra từ mối liên hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Thứ tư: Thường xuyên kiểm tra, đánh giá phương pháp biện chứng cho sinh viên. Có thể kiểm tra bài tập về nhà thông qua thảo luận nhóm, kiểm tra kiến thức bằng câu hỏi ngắn, bài tập trắc nghiệm, hay giải thích một hiện tượng nào đó trong cuộc sống. Ví dụ: Giải thích có hiện tượng học giỏi mà thi rớt đại học trên cơ sở lý luận phép biện chứng duy vật? Hoặc, hãy dựa vào quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử – cụ thể để phân tích nguyên nhân thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tóm lại, để nâng cao năng lực tư duy của sinh viên thông qua rèn luyện phương pháp biện chứng duy vật, giảng viên cần xác định trọng tâm, nắm vững nội dung và phương pháp dạy học, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, thường xuyên kiểm tra sinh viên dưới nhiều hình thức, định hướng vận dụng trong cuộc sống bản thân. Rèn luyện phương pháp biện chứng duy vật cho sinh viên, sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng năng lực nhận thức biện chứng, nâng cao năng lực tư duy biện chứng và giải quyết tốt các vấn đề cuộc sống, học tập, làm việc một cách khoa học của họ sau này.
Xem thêm (+)