ĐỀ 1:
...., ngày 1 tháng 11năm 2020
Trang Chi thân mến!
Nhận được lá thư nhỏ của mình, hẳn cậu phải ngạc nhiên lắm. Đã lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau mà. Nhân dịp 35 năm thành lập trường, lớp 9 B của chúng mình đã về thăm lại Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng thân yêu. Tiếc quá, vì bận mà cậu lại không về được. Ngày hôm ấy rất vui, có cảm giác như mình được trở lại những ngày thơ ấu. Mình muốn chia sẻ với cậu những cảm giác hạnh phúc, xúc động khi gặp lại bạn bè, thầy cô cũ.
Chúng ta chia tay trường cũng đã 20 năm. Hôm nhận được thông báo về việc họp lớp nhân ngày thành lập trường, mình rất vui. Sáng hôm đó, mình dậy thật sớm. Cảm giác nôn nao, hồi hộp, bâng khuâng. Dường như mình đang đợi cậu qua cùng đi học. Ngày ấy thật thú vị biết bao. Mình đến trường trên con đường cũ mà ngày xưa hai chúng mình thường đi. Con đường đã thay đổi nhiều, rộng lớn hơn, có vỉa hè, cây xanh, nhà mọc san sát. Đâu rồi cái con đường đất nhỏ bé, mỗi sáng râm ran tiếng chim hót trên cây? Con mương nhỏ chạy dọc theo cánh đồng thoang thoảng mùi lúa chín. Còn nhớ, có hôm cậu đèo mình đi học, trời mưa, đường trơn tuột, cậu chệnh choạng rồi lao xuống mương. Hai đứa lấm lem mà vẫn cười toe toét. Mình cố tìm mãi cái nơi chúng mình bị ngã nhưng chẳng thấy đâu. Mọi thứ đã bị xoá nhòa bởi thời gian, bởi sự xây dựng đổi mới quê hương.
Cánh cổng THCS Trường Nguyễn Huy Tưởng đã hiện ra trước mắt. Không còn là cánh cổng hình cuốn sách nhỏ như ngày xưa nữa, Chi ạ. Đó là cánh cổng tự động đóng, mở với hàng chữ điện tử: “Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng”. Bước vào trong trường, mình không thể tin nổi đây là ngôi trường chúng ta đã từng học. Nhà thể chất ngày xưa nhỏ xinh là thế mà bây giờ đầy đủ tiện nghi, bề thế như một nhà thi đấu nhỏ. Các dãy nhà ba tầng vẫn được xếp theo hình chữ U quen thuộc nhưng được sơn màu trắng, cửa kính sáng loáng. Vườn sinh địa giống như một công viên với thảm cỏ xanh mát rượi. Lễ đài thẳng ngay với cổng trường, rợp bóng cờ hoa. Các em học sinh ngồi xếp hàng ngay ngắn chờ đón buổi lễ trang trọng.
Mình đang thơ thẩn dưới sân trường thì nghe có tiếng gọi phía sau. Mình quay lại, thì ra là Cẩm Tú. Chi còn nhớ Tú không? Nhìn Tú khác quá. Ngày xưa nó lênh khênh, nghịch ngợm, ương bướng, thế mà giờ trông cao ráo, xinh xắn, dịu dàng. Hỏi ra mới biết nó làm người mẫu ảnh cho tạp chí nổi tiếng. Tú dẫn mình lên phòng hội đồng. Hầu như cả lớp mình có mặt. Nhìn ai cũng chững chạc. Lớn hết rồi mà. Chẳng còn đâu cái tuổi ngây thơ cùng nhau chơi bịt mắt bắt dê nữa. Mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Dù thời gian có làm mỗi khuôn mặt thay đổi nhưng mình vẫn nhận ra từng người. Cậu còn nhớ Tuấn Anh không? Nhờ cái mồm lẻo mép mà cậu ấy lấy được một cô vợ xinh đáo để. Tuấn Anh giờ mở một công ti thương mại. Nghe nói làm ăn phát đạt lắm. Còn Phương Thảo ngày xưa cứ mơ được làm ở Bộ Ngoại giao giờ đã là Vụ trưởng rồi đó. Chi còn nhớ Cao Cường và Mai Trang chứ? Hai bạn ngồi bàn trên, suốt ngày cứ như mặt trăng với mặt trời thế mà giờ đã nên duyên vợ chồng. Chúng có hai đứa con gái xinh ơi là xinh. Bọn mình ngồi bên nhau ôn lại bao kỉ niệm xưa cũ. Ngày trước bọn mình cứ mong mau lớn để không phải đi học, vậy mà giờ đây mình lại thấy tiếc nuối. Giá như chúng mình không phải lớn, cứ ở bên nhau như ngày xưa, không phải lo nghĩ gì cả.
Thầy cô của chúng mình cũng về thăm trường đấy. Thầy cô nào đầu cũng bạc trắng, vầng trán đã có thêm nhiều nếp nhăn. Cô Hương của chúng mình không thay đổi mấy. Giọng cô vẫn mềm mại, truyền cảm. Nhớ hồi học lớp 9, cô thường hay quở trách lớp khiến ai cũng tức. Giờ nghĩ lại thấy mình thật trẻ con. Mọi lời nói của cô đều có ích cho chung ta, đó là điều hay lẽ phải ta cần ghi nhớ suốt đời.
Tiếng trống vang lên. Mọi người xuống sân trường tập trung. Buổi lễ diễn ra thật nghiêm trang. Mỗi học sinh cũ đều thấy vinh dự, tự hào về trường của mình. Khi bài quốc ca, đội ca vang lên, chúng mình hát thật to, hát như chưa bao giờ được hát. Thầy Vương Anh Hạnh bước lên bục đọc diễn văn. Giờ thầy đã là hiệu trưởng rồi. Thầy nói về lịch sử của trường, truyền thống mà nhà trường đã đạt được trong những năm qua, đồng thời đón nhận bằng khen và Huân chương Lao động của Chính phủ.
Buổi lễ kết thúc, chúng mình cùng nhau đi tham quan các phòng học. Phòng nào cũng có hệ thống đèn, quạt hiện đại. Lại có cả tủ sách chuyên dụng cho các môn học, tranh ảnh minh hoạ, máy phóng, tivi,…
Thật vui, thật hạnh phúc vì được về thăm trường xưa. Nhưng giờ phút bên nhau thật ngắn ngủi. Rồi cũng đến lúc mọi người phải chia tay nhau, trở lại nhịp sống bận rộn hằng ngày. Quyến luyến không muốn chia tay, lớp 9B chúng mình hẹn nhau năm sau sẽ lại họp lớp. Mong rằng sẽ có cậu để 45 gương mặt thân yêu sẽ lại được cùng bên nhau, cùng hạnh phúc.
Thư đã dài rồi, mình phải dừng bút thôi. Chúc cậu khoẻ mạnh, gia đình đầm ấm, làm ăn phát đạt nhé. Mình rất nhớ cậu. Mong hai đứa mình sớm gặp lại nhau.
Bạn thân của Chi
ĐỀ 2 : Sau kì thi căng thẳng, lần đầu tiên trong hai tuần qua tôi đi ngủ sớm hơn mười giờ, vốn đã mệt, tôi ngủ ngay lập tức mà không trằn trọc như mọi khi, và giấc mơ cũng đến nhanh như giấc ngủ vậy. Trong mơ, tôi được gặp lại bà nội, người thân thiết mà tôi đã xa cách lâu ngày. Đây thực sự là một giấc mơ đẹp và gây xúc động cho tôi.
Bà nội tôi đã qua đời được ba năm, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chỉ muốn tin rằng bà chỉ là đã đi đâu đó xa lắm chứ không muốn tin rằng bà mãi mãi rời xa thế gian này. Người ta vẫn hay nói, nếu lòng luôn nghĩ về một người nào đó, trong mơ sẽ gặp được người ấy và sau ba năm, tôi đã có giấc mơ đẹp về bà. Trong mơ, tôi chỉ nhớ rằng mình xuất hiện trong ngôi nhà cũ của bà ở quê, có một mảnh vườn nhỏ bên cạnh bờ sông. Tôi cứ bất giác bước đi theo linh tính qua làn sương mờ đi tiếp vào vườn và như muốn tìm lại tuổi thơ khi tôi chơi đùa ở đây ngày còn bé nhỏ ngây thơ. Tôi cứ thế đi, đi mãi mà tưởng như mảnh vườn nhỏ bé không biết từ lúc nào biến thành mê cung rộng lớn mãi không thấy đường ra. Trong màn sương mù ảo ảnh, đôi chân tôi cứ cất bước và chợt sững lại khi thoáng thấy hình ảnh quen thuộc. Bên gốc cây dừa, hình dáng quen thân thương hiện ra khiến cho trái tim tôi vỡ òa vì vui sướng, đó là bà nội. Vẫn y như ngày nào, bà ngồi dưới gốc dừa khoan thai độ lượng như một bà tiên với giỏ len đan trên tay. Mái tóc bạc phơ của bà càng khiến cho tôi liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích mà trước kia bà hay kể. Như chừng thấy tôi, bà ngẩng lên, nở một nụ cười hiền từ như một vị thánh, bà dang hai tay ra như chờ đón tôi vào lòng. Trong lòng tôi bấy giờ chẳng còn điều gì ngoài khao khát được vỗ về chở che của một đứa cháu xa cách bà kính yêu của mình đã lâu. Tôi liền chạy nhanh tới ôm chầm lấy bà để bà che chở, vuốt ve với những dòng nước mắt hạnh phúc. Thấy tôi xúc động, bà vuốt mái tóc tôi:
- Cháu ngoan, đừng khóc, bà về rồi đây mà.
Nghe được những lời này, tôi lại càng khó kiềm chế trái tim xúc động của mình nhưng rồi cũng quệt nước mắt, ngẩng đầu nhìn bà và cười trong niềm hạnh phúc lấp lánh. Bà vẫn y như ngày còn ở với tôi, hay thích đan len bên gốc dừa và quàng chiếc khăn màu nâu sáng. Vậy là trong lòng bà, bà hỏi tôi về chuyện học tập, về cha, về mẹ, rồi bà lại dặn tôi phải học hành chăm chỉ, nghe lời bố mẹ, lớn lên nhất định phải thành người tốt, nhưng tôi chỉ trả lời qua loa rồi cứ thế cuộn mình trong vòng tay yêu thương của bà mà tận hưởng sự hạnh phúc. Bà ôm tôi thật chặt, âu yếm vuốt ve, hôn vào má, vào trán vào tóc tôi như những ngày tôi còn thơ dại. Chợt tôi nhớ đến những tháng ngày trước đây, bà hay kể chuyện cho tôi nghe và tôi muốn nghe lại giọng kể ấy:
- Bà ơi, bà kể chuyện cháu nghe, bà nhé.
Đáp lại tôi, bà nở một nụ cười đẹp như bà tiên rồi giọng bà vang lên trong không gian huyền bí của sương mờ và khói bay. Vẫn là giọng kể truyền cảm ngày nào, giống cái ngày còn bé, đã đưa tôi vào những giấc mơ đẹp nhất. Câu chuyện mà bà kể tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần nhưng đều không thấy chán, và đặc biệt ngay lúc này đây, tôi còn thấy cả sự thiêng liêng diệu kì trong từng nhịp ngắt của bà, bà ơi, ước gì cháu được mãi nghe bà kể những câu chuyện như vậy trước khi đi vào giấc ngủ!
Nhưng chưa kịp nghe hết câu chuyện, giọng kể của bà đã đưa tôi về với hiện tại, tôi choàng tỉnh do tiếng chuông đồng hồ báo thức và tôi nhận ra đó chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ đẹp tuyệt vời vì tôi được gặp bà nội.
Giấc mơ ấy tôi vẫn còn nhớ từng chi tiết nhỏ vì đó là giấc mơ xúc động nhất đời tôi. Giấc mơ làm tôi thêm nhớ bà nhưng cũng đem lại cho tôi động lực trong cuộc sống vì lời hứa với bà sẽ chăm ngoan học giỏi để trở thành người có ích. Và tôi mong mình có thể có thêm nhiều giấc mơ đẹp như vậy nữa!
ĐỀ 3:
Trong thế kỷ XIII, dân tộc Việt Nam đã lập nên những chiến công vĩ đại: ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược.
Lần thứ nhất xảy ra vào tháng Giêng năm 1258. Bấy giờ, vua chúa Mông Cổ đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm Trung Quốc. Bên cạnh những đạo quân ồ ạt đánh vào đất Tống, một đạo quân khoảng bốn vạn người, gồm kỵ binh Mông Cổ và binh lính người Thoán Vân Nam, do tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai) chỉ huy, từ Vân Nam đánh xuống Đại Việt. Vua Trần là Thái Tông đã đem quân lên chặn giặc ở Bình Lệ Nguyên, bên sông Cà Lồ. Nhưng sau đó, quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng trước thế mạnh ban đầu của giặc.
Quân ta rút lui, bỏ Thăng Long lại phía sau, nhưng Triều đình nhà Trần và quân dân vẫn không nao núng. Vua tôi nhà Trần đã bàn phương lược đánh giặc trên những con thuyền xuôi sông Hồng. Khi được Thái Tông hỏi ý kiến, Thái sư Trần Thủ Độ đã trả lời: ''Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo".
Giặc đóng ở Thăng Long, trong một tòa thành trống, đã khốn đốn vì thiếu lương thực. Chúng cố đánh ra xung quanh để cướp lương thực, nhưng ở đâu cũng gặp sức chống trả mãnh liệt của nhân dân. Vì vậy mà chỉ sau 9 ngày, chúng đã vô cùng hốt hoảng. Đó chính là thời cơ để quân ta phản công. Ngày 29-1-1258, Vua Trần Thái Tông đã đem binh thuyền ngược sông Hồng tiến về Thăng Long. Quân địch bị đánh bật khỏi Kinh thành, theo đường cũ, chạy về Vân Nam. Trên đường tháo chạy, chúng còn bị quân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi tập kích, đánh cho tan tác.
Sau lần thất bại đó, bọn vua chúa Mông Cổ vướng vào cuộc nội chiến (1259 -1264) và cuộc chiến tranh với Tống (1267-1279) nên chưa thể tiếp tục ngay cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mãi đến năm 1279, nhà Tống mất, toàn bộ đất Trung Quốc đã nằm dưới ách thống trị của nhà Nguyên, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt (Quibilai) mới chuẩn bị xâm lược nước ta bằng quân sự. Sau khi không thể khuất phục được Đại Việt bằng những sứ bộ ngoại giao, cuối năm 1284, đạo quân Nguyên Mông do Thoát Hoan (Toan), con trai Hốt Tất Liệt, và A Lý Hải Nha (Ariquaya) chỉ huy, đã lên đường, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai.
Lần này, ngoài cánh quân lớn của Thoát Hoan đánh vào mặt Lạng Sơn, Vua Nguyên còn sai Nạp Tốc Lạt Đinh (Nasirud Din) đem một cánh quân từ Vân Nam đánh vào mặt Tuyên Quang, và ra lệnh cho Toa Đô (Sogatu) đem đạo quân còn đóng ở Bắc Chămpa, đánh vào mặt Nam của Đại Việt.
Sau một vài trận đánh chặn giặc ở mặt Lạng Sơn và Tuyên Quang, trong tháng 2/1285, quân ta lại rút lui và lần nữa bỏ trống Thăng Long, kéo về mạn Thiên Trường và Trường Yên (Ninh Bình). Và để tránh cái thế bị kẹp vào giữa các gọng kìm của giặc, đại quân và Triều đình chờ cho cánh quân của ba Đô tiến đến Trường Yên (Ninh Bình) thì rút vào Thanh Hóa. Trong khi một bộ phận lớn quân chủ lực rút, thì khắp nơi, quân địa phương và dân binh các lộ, phối hợp với các cánh quân nhỏ của Triều đình để lại đã không ngừng tập kích, tấn công vào quân địch ở vùng bị chiếm đóng. Kế hoạch ''vườn không nhà trống" được toàn dân thực hiện. Giặc đóng quân phân tán, thiếu lương thực, có nguy cơ bị tiêu diệt. Mùa hè đến, lại giáng lên đầu chúng những tai họa mới. Sử Nguyên chép: "Bệnh dịch hoành hành... Nước lụt dâng to, ngập ướt doanh trại...". Thời cơ phản công của quân ta đã tới. Tháng 5/1285, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dẫn đại quân tiến ra Bắc. Kế hoạch diệt địch như sau: Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải và một số tướng lĩnh được giao nhiệm vụ diệt địch trên phòng tuyến sông Hồng, còn Hưng Đạo Vương, đem quân vòng qua vùng Hải Đông, tiến lên Vạn Kiếp, chặn đường tháo chạy của địch. Cục diện chiến tranh xảy ra đúng như dự liệu: cuối tháng 5-1285, Trần Quang Khải cùng với Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản đã đánh tan giặc ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, rồi tiến lên giải phóng Thăng Long. Thoát Hoan hoảng hốt, rút khỏi Thǎng Long, chạy về phía Vạn Kiếp. Đến đây, bọn giặc lọt vào trận địa mai phục của Trần Hưng Đạo, chúng bị thương vong rất nhiều. Đám tàn quân hoảng loạn cố mở đường máu tháo chạy. Nhưng đến biên giới Lạng Sơn, chúng lại bị quân ta chặn đánh. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng rồi bắt quân lính khiêng chạy về nước. Viên đại tướng Lý Hằng đi đoạn hậu, bị tên độc trúng đầu gối, về đến Tư Minh thì chết.
Trong khi cánh quân Thoát Hoan chạy về phía Lạng Sơn thì cánh quân Nạp Tốc Lạt Đinh tìm đường tẩu thoát về Vân Nam, cũng bị quân dân ta tập kích, đánh cho tơi bời. Không biết Thoát Hoan đã bỏ chạy, Toa Đô kéo ra Bắc, theo sông Hồng định về Thǎng Long, nhưng đến Tây Kết thì bị quân ta chặn đánh. Toa Đô bị chém. Thế là cuộc chiến tranh xâm lược của Nguyên Mông lần thứ hai hoàn toàn thất bại.
Ngay sau thất bại năm 1258, Hốt Tất Liệt đã ra lệnh chuẩn bị một cuộc chiến tranh xâm lược mới. Nhưng phải đến cuối năm 1287, các đạo quân viễn chinh mới có thể lên đường. Một đạo do Thoát Hoan và áo Lỗ Xích (Agurucxi) chỉ huy tiến vào Lạng Sơn. Một đạo khác, do ái Lỗ (Airuq) cầm đầu, từ Vân Nam đánh vào Tuyên Quang. Lần này, không còn cánh quân phía Nam, nhưng Vua Nguyên lại phái thêm một cánh thủy quân, sai ô Mã Nhi (Omar) chỉ huy, hộ tống đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ vào Đại Việt theo đường biển.
Tháng 12/1287, khi đoàn thuyền chiến của ô Mã Nhi tiến vào vùng biển An Bang (Quảng Ninh), Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đem thủy quân chặn đánh, nhưng không cản được giặc. ô Mã Nhi cho binh thuyền tiến thẳng vào cửa sông Bạch Đằng, không chú ý đến đoàn thuyền lương nặng nề chậm chạp ở sau. Mãi đến tháng 1/1288, đoàn thuyền lương của giặc mới tiến đến vùng đảo Vân Đồn. Trần Khánh Dư lại đem quân tập kích. Trương Văn Hổ chống đỡ không nổi, đổ cả lương thực xuống biển, trèo lên một chiếc thuyền nhỏ, trốn về Quỳnh Châu (Hải Nam). Bấy giờ, Thoát Hoan cũng đã tiến vào Lạng Sơn, hội quân với cánh quân thủy của ô Mã Nhi ở Vạn Kiếp. Thoát Hoan dừng lại ở đây gần một tháng, xây dựng Vạn Kiếp thành một căn cứ vững chắc, mãi đến cuối tháng 1/1288 mới chia quân tiến về Thăng Long.
Lần thứ ba, quân dân nhà Trần lại bỏ ngỏ Thăng Long. Quân Nguyên vào Thăng Long ngày 2/2/1288. Ngay sau đó, Thoát Hoan vội sai ô Mã Nhi đem chiến thuyền ra biển đón thuyền lương của Trương Văn Hổ. Nhưng thuyền còn đâu nữa. Không có lương thực, đạo quân Thoát Hoan đóng ở Thăng Long lâm vào tình thế khốn quẫn.Thoát Hoan phải ra lệnh rút quân về Vạn Kiếp. Trên đường rút về Vạn Kiếp, giặc bị quân ta chặn đánh ở cửa Ba Sông, vùng Phả Lại. Kéo về đóng ở Vạn Kiếp, đạo quân xâm lược vẫn bị quân ta tập kích ngày đêm. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn tướng Nguyên đã nói với Thoát Hoan: ''Ở Giao Chỉ, không có thành trì để giữ, không có lương thực đủ ăn, mà thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ lại không đến. Vả lại khí trời đã nóng nực, lương hết, quân mệt, không lấy gì để chống đỡ lâu được, làm hổ thẹn cho triều đình, nên bảo toàn quân mà về thì hơn". Trước tình hình đó, Thoát Hoan quyết định rút quân về nước theo hai đường: cánh quân bộ rút qua vùng Lạng Sơn, còn cánh quân thủy sẽ rút ra biển theo sông Bạch Đằng.
Kế hoạch rút lui của giặc không nằm ngoài dự liệu của Trần Hưng Đạo. Ông đã bố trí chặn giặc ở vùng biên giới và chuẩn bị cho một trận quyết chiến lớn trên sông Bạch Đằng. Từ tháng 3, quân sĩ và nhân dân đã đẵn gỗ lim, gỗ táu ở rừng về đẽo nhọn, đóng xuống lòng sông, làm thành những bãi cọc lớn. Thủy quân và bộ binh ta đã phục sẵn trong các nhánh sông và các khu rừng rậm ven sông Bạch Đằng, chờ ngày tiêu diệt địch.
Sáng ngày 9/4/1288, đoàn thuyền chiến của ô Mã Nhi tiến vào sông Bạch Đằng. Khi đoàn thuyền giặc lọt vào trận địa mai phục của ta thì từ các nhánh sông, các thuyền nhẹ của ta lao ra, đánh tạt vào sườn giặc, dồn chúng vào các bãi cọc. Giặc định áp thuyền sát bờ, đổ quân chiếm lấy núi cao để yểm hộ cho đoàn thuyền rút, nhưng bị bộ binh ta đánh hắt xuống. Một trận kịch chiến ác liệt đã xảy ra. Nước triều xuống gấp, thuyền giặc to nặng, lao nhanh theo dòng nước, vướng cọc, tan vỡ rất nhiều. Cho đến giờ dậu (5-7 giờ tối), toàn bộ đạo quân thủy của giặc bị tiêu diệt. Ô Mã Nhi bị bắt sống. Lần thứ ba trong lịch sử giữ nước của dân tộc, dòng Bạch Đằng lại ghi thêm một chiến công oanh liệt. Trong khi đó, đạo quân của Thoát Hoan cũng khốn đốn rút chạy ra biên giới. Sau khi bị phục kích ở cửa ải Nội Bàng, chúng bỏ con đường ra ải Khâu Cấp, vòng theo đường Đan Ba (Đình Lập), chạy tạt ra biên giới. Nhưng ở đây, chúng cũng bị quân ta chặn đánh, tướng giặc là A Bát Xích (Abaci) bị trúng tên. Mãi đến ngày 19/4/1288, đám tàn quân của Thoát Hoan mới về đến Tư Minh.
Chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt đã chôn vùi vĩnh viễn mộng xâm lược của Hốt Tất Liệt.
Xuân đã về. Tiết xuân bao trùm cả đất trời. Nắng xuân nhẹ dịu trải trên đất, vương lên cành cây kẽ lá, rồi lắc rắc trên tay và mặt người, có lẽ vì thế mà vào buổi chiều ba mươi Tết thế này, tại nghĩa trang, có thể là nơi cuối cùng còn lại lưu tiết lạnh của mùa đông, con người tự nhiên thấy ấm hẳn lên. Cũng có thể thứ mang lại cho người ta cái hơi ấm nóng ấy không phải là thứ gì khác mà chính là hai chữ sum họp. Và tôi cũng như vậy.
Nhắc tới chữ “sum họp”, chắc hẳn có hàng trăm, hàng vạn người nghĩ đến cảnh gặp gỡ đầy xúc động giữa mọi người sau thời gian dài xa cách. “Sum họp” của tôi cũng vậy. Nó chỉ đặc biệt ở mỗi chuyện là giữa người sống và người đã mất. Sẽ có những người cho là tôi bất thường khi dùng từ “sum họp" giữa hai người mà ta thường nói là ở hai thế giới khác nhau. Nhưng thực sự chỉ có những người ở đây, ngay lúc này mới có thể hiểu hết cảm giác hạnh phúc, xen lẫn trong đó là một chút xót xa, ngậm ngùi mà nếu không nén lại, người ta có thể bật khóc bất kì lúc nào. Đó chính là cảm giác được gặp lại người thân đã quá cố, cảm giác tưởng như gần ngay trước mắt nhưng thực chất lại rất xa, không thể nào kéo về được. Tất cả đều là những cảm giác lâng lâng trong người của những kẻ “tha hương” - như tôi đây. Khi mình gặp những người mà mãi sau chúng ta chẳng bao giờ gặp lại nữa. Chẳng bao giờ! Bây giờ là chiều ba mươi Tết và tôi đang thăm mộ ông ngoại.
Tôi - kẻ “tha hương cầu thực”, có thể lắm chứ - đang đi vào nghĩa trang mà nói thật tôi chưa bao giờ đặt chân tới và cùng không bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ tới đây. Dù điều đó chỉ là chuyện sớm muộn. Nói là xuân chứ tiết trời lúc ấy cũng “lạnh, rét buốt”. Không nhầm rồi, trời chỉ hơi lạnh thôi, chỉ có tim tôi mới rét buốt. Nhưng thực ra, trong nghĩa trang chẳng lạnh chút nào cả, theo đúng nghĩa. Có lẽ nhờ những làn khói bốc ra từ mấy bó nhang đang nghi ngút cháy hay vì những bãi đốt giấy tiền, vàng bạc, hay tại sự tấp nập, nhộn nhịp của con người. Người thì ra, người thì vào, kẻ đốt nhang, kẻ đốt giấy tiền, vàng bạc. Không khí tại nghĩa trang lúc này cũng thật ấm cúng. Tôi rảo bước nhẹ nhàng qua từng ngôi mộ, từng dòng hiện ra trước mắt, nào là người chết trẻ, kẻ sống thọ. Những ngôi mộ thì cũng chả cái nào giống cái nào. Cái thì khang trang, cái thì cũ kĩ, cái thì sạch sẽ nhưng cũng có những cái như đã bị bỏ hoang từ lâu. Lướt qua dãy mộ mà tưởng như có cả thước phim dài về những cảnh đời của những con người tôi chưa một lần quen biết chạy qua, cho tôi những suy nghĩ, cảm xúc lẫn lộn, khó tả. Bước qua một ngôi mộ còn mới, chắc là mới chôn cất. Xung quanh nấm đất nổi lên đó, phủ đầy những vòng hoa tưởng niệm “chia buồn cùng gia quyến”. Cắm lên đó là đầy nhang mới đốt, tỏa khói hương nghi ngút. Bên cạnh, một người phụ nữ đầu đội khăn tang, ngồi lặng thinh, cúi gằm mặt xuống, nấc lên từng tiếng nghe nghẹn ngào. Tự nhiên mắt tôi cay xè. Có lẽ là do khói. Nhưng có thể một lí do xa xôi nào đó, mà bản thân tôi cũng không hiểu được. Lòng tôi có một chút gì đó nặng trĩu, khó tả. Tôi bước nhanh qua, thật nhanh.
Theo sự chỉ dẫn, tôi đã tìm được đến mộ ông ngoại. Một ngôi mộ mới xây khá đẹp, xung quanh là những viên gạch men màu hồng đen, sáng loáng. Bên trong là chiếc lư bằng đá và tấm bia làm bằng đá mài in tên ông ngoại. Nhìn đến đó cổ tôi nghẹn đắng lại. Cả thân mình như cố dùng một sức mạnh vô hình, ghì lại một cái gì đó đang tuôn ra. Phía trên dòng chữ là một bức ảnh ông ngoại mà nếu tôi nhớ không nhầm chính là hình của ngoại chụp trong đám cưới của cậu tôi. Giờ nó đang được gắn trên mộ. Trong hình, ngoại đang cười. Đối với tôi, đó là một nụ cười dịu hiền và quý giá biết nhường nào bởi một điều sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy nụ cười ấy, nghe được tiếng cười ấy một lần nữa. Không bao giờ!
Đời là thế, con người luôn không biết quý những gì mình đang có, chỉ khi mất đi họ mới thấy hết giá trị của những điều đó. Câu đó thật quen. Có lẽ là tôi đã nghe, đã nghiền ngẫm, đã nếm trải không biết bao nhiêu lần rồi. Vậy mà giờ đây sự tiếc nuối đang ngập tràn trong tôi. Nếu như khi ấy tôi không quyết định đi học xa, có lẽ tôi đã được ở bên ngoại lâu hơn, ít ra thì cũng được ở
bên ngoại khi ngoại trút hơi thở cuối cùng. Để rồi giờ đây tôi mang trong lòng cảm giác một đứa cháu bất hiếu vì cái lợi danh mà ngay cả lần cuối cùng ở bên ông cũng sẵn sàng đánh đổi.
Thuở nhỏ, người thương tôi nhất nhà có lẽ là ông ngoại. Ông cho tôi ăn, chở tôi đi học, chơi với tôi những lúc ba mẹ đi vắng, mua cho tôi những hộp bút chì màu,... Ông là người chia sẻ, tâm sự với tôi khi tôi gặp những vướng mắc, khó khăn, ông luôn là người giúp đỡ tôi mỗi khi tôi gục ngã, cho tôi sức mạnh để vươn lên, để sống tốt đẹp hơn. Vậy mà, kể từ khi ông mất, đây là lần đầu tiên tôi đến thăm mộ ông. Mọi người thì cho đó là do hoàn cảnh đưa đẩy. Nhưng tự sâu trong đáy lòng của tôi, tôi chẳng muốn đổ lỗi cho hoàn cảnh của bản thân. Tại sao lại phải đổ lỗi cho hoàn cảnh chứ, trong khi mọi việc đều do mình lựa chọn và quyết định. Tại sao tôi lại lựa chọn đi học xa trong khi tôi hoàn toàn có thể ở lại một năm để ở bên ông những ngày cuối đời. Tất cả đều do bản thân tôi, một đứa cháu bất hiếu. Nào có khó khăn gì đâu để từ bỏ một năm học bên xứ người để đổi lấy những ngày quý giá bên ông. Vậy mà tôi đã không làm như vậy, để rồi giờ đây đứng trước ngôi mộ của người ông đã quá cố bao nhiêu hối hận, cảm giác tội lỗi vây kín trong tim tôi rồi bung ra quấn toàn thân tôi. Tôi đứng đó lặng đi thật lâu, thật lâu.
Nắng chiều đã tắt, người cũng dần thưa thớt. Bó nhang trên mộ ông đã cháy được phân nửa, tỏa làn khói nóng bay vút lên trời. Xa xa, những làn khói trắng tan lơ mơ vào không khí. Tự nhiên tôi nghiệm ra một điều “nhang là sự chuộc lỗi vô vọng của những người còn sống đối với người đã mất”. Chẳng biết nó đúng không, nhưng đối với tôi nó đang thực sự là như vậy. “Vô vọng”, đúng vậy, thật vô vọng ! Sẽ chẳng bao giờ làm được những điều đã qua. Tự nhiên tôi ước có được cỗ máy thời gian như trong những bộ phim viễn tưởng. Máy thời gian là tưởng tượng những ước mơ thời gian trở lại thì chẳng bao giờ là ảo ảnh cả. Đó là ước mơ không chỉ của riêng tôi mà là của rất nhiều người trên thế gian, những người đã từng lầm lỡ một điều gì đó trong quá khứ. Ngồi bên mộ ông, bất giác tôi cúi thấp người xuống ôm lấy ngôi mộ như ôm lấy người ông đã quá cố của mình. Hơi ấm phả ra từ đất hệt như hơi ấm trong lòng ông. Tôi ngồi như vậy rất lâu.
Đâu đó chợt cất lên tiếng hát:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để rồi đây tôi trở về là cát bụi.
Bài hát tôi đã nghe rất nhiều lần nhưng có lẽ lần này là lần hay nhất. Một giọng nói trong tôi cất lên: “Bây giờ thì con không muốn đi nữa đâu, ngoại ơi!”
ĐỀ 4: