Sự kiện lập nước và định đô là những dấu mốc vô cùng quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta, đều được thư tịch cổ Việt Nam ghi lại.
Nhà nước và Kinh đô Văn Lang ở Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) hay Nhà nước Âu Lạc và Kinh đô Cổ Loa ở Đông Anh (Hà Nội) được Đại Việt sử lược ghi chép. Nước Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư ở Ninh Bình, được thể hiện trong Đại Việt Sử ký toàn thư - bản kỷ, quyển 1. Kinh đô Thăng Long thời Lý, Trần, Lê được Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “... Ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời...”(Ngô Sĩ Liên, 1967: 190).
Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm HùngVề tư liệu khảo cổ học, trong địa bàn của nước Văn Lang và Âu Lạc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện, nghiên cứu và xây dựng được phổ hệ các nền văn hóa Tiền Đông Sơn - Đông Sơn. Năm 208 TCN, nước Âu Lạc được thành lập trên cơ sở nối tiếp nước Văn Lang. Thành Cổ Loa, nước Âu Lạc không tồn tại được lâu dài, đến năm 179 TCN, khi cơ đồ Âu Lạc “đắm chìm biển sâu” thì Cổ Loa cũng mất vai trò lịch sử, nước ta bị phương Bắc đô hộ trên nghìn năm.
Trong 1.000 năm Bắc thuộc, hầu hết các vùng miền của lãnh thổ Âu Lạc cũ đều có những chuyển biến sâu sắc, trong đó khu vực nội thành Hà Nội trở thành trung tâm chính trị lớn nhất của các chính quyền đô hộ Tùy - Đường. Và, đây cũng là địa bàn tập hợp, quy tụ sức quật khởi của cả nước đấu tranh chống nô dịch, đồng hóa như các cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713 - 722), Phùng Hưng (791), Dương Thanh (819 - 820), các cuộc đấu tranh giành khôi phục quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương… và cuối cùng là cuộc trung hưng vĩ đại của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, năm 938.
Dưới triều nhà Đinh - Tiền Lê, đất nước ổn định, thanh bình, phát triển về mọi mặt ở Hoa Lư (Ninh Bình). Đến thời Lý, ngay sau khi lên ngôi vua được một năm, Lý Công Uẩn đã xuống Chiếu dời đô về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Trong những năm đầu của triều đại nhà Lý, việc xây dựng kinh thành mới dựa trên những thành tựu của thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê. Những dấu ấn mới của người Việt, của một quốc gia độc lập phải được xác lập và phải khác với một nghìn năm bị phương Bắc đô hộ. Lý Công Uẩn cùng triều đình và quân dân nước Việt thấu hiểu cần phải có một diện mạo mới cho kinh thành, một kinh thành của một dân tộc khát khao tự do, khát khao khẳng định mình với tư cách một quốc gia không chỉ độc lập về hành chính mà còn cả về tâm hồn, nghệ thuật.