Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, là một nhà chính trị, quân sự tài ba, người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Song hành với sự nghiệp cách mạng lắm vẻ vang chính là một sự nghiệp văn chương đồ sộ và phong phú. Văn chương của Người không phải viết để cho vui, viết chỉ chú mục đích giải khuây mà thực tế rằng, viết văn cũng là một hoạt động cách mạng có chiều sâu. Nguyễn Ái Quốc đã dùng chính thứ văn chương uyển chuyển, linh hoạt của mình làm vũ khí chống lại thực dân Pháp và chính quyền phong kiến bù nhìn mục nát, chịu sự chi phối nhục nhã của đế quốc những năm cuối triều Nguyễn. Trong đó Vi hành là một trong những tác phẩm văn học châm biếm đặc sắc nhất của Người với hình tượng nhân vật vua Khải Định được xây dựng bằng nghệ thuật trào phúng tinh vi và đặc sắc.
"Vi hành" là một nhan đề khá lý thú, hẳn rằng các độc giả cũng ít nhiều xem những bộ cổ trang Trung Quốc, khi mà nhà vua có một lúc nào đó rỗi việc, chán ngán cuộc sống cung cấm với đống tấu chương chồng chất, cùng những lời can gián khô khan của đám đại thần và sự phiền phức của các bà hậu, bà phi. Thì ông ta, lại nảy ra cái ý cải trang thành một phú hào, một thương gia đi vi hành khắp nhân gian, xem rằng đời sống nhân dân dưới sự cai trị của mình liệu có đủ sung túc ấm no, và thi thoảng sẽ can dự vào một số bất công trong xã hội chẳng hạn. Đó là một việc làm thật sáng suốt và đẹp đẽ của đấng minh quân. Trong phim ảnh là vậy nhưng với truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc, cái sự "vi hành" của Khải Định lại thật hài hước và buồn cười, đó thực sự là một nhan đề châm biếm. Một ông vua bù nhìn, nhu nhược cũng "vi hành", tuy nhiên ông ta nào có vi hành ở An Nam để biết được cái khổ, cái bần cùng của dân tộc mình, ông ta "vi hành" tận nước Pháp xa xôi, trong sự dè bỉu, khinh thường của cư dân nước họ, và qua ấy cốt chỉ để làm tay sai cho thực dân Pháp. Dẫu nhục nhã, nhưng cũng còn được ăn sung mặc sướng. Đó chính là cái "vi hành" của vua An Nam thời ấy, nghĩ nhan đề thật vừa khiến người ta tò mò bởi tưởng đọc được câu chuyện lý thú về những sự kiện vi hành của đấng minh quân, cuối cùng mới vỡ lẽ và bật cười vì sự thâm sâu tác giả.
Hình tượng nhân vật Khải Định được dựng lên thông qua hai góc nhìn, một là góc nhìn của một cặp đôi trẻ người Pháp trên chuyến tàu điện ngầm, và một là góc nhìn của chính bản thân tác giả, một công dân An Nam, tức là nhân vật "tôi". Nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật này chúng ta cũng gặp qua trong tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc, trở thành một điểm nhấn nghệ thuật đặc sắc, khi khiến cho câu chuyện trở nên sinh động, khách quan và thuyết phục độc giả hơn cả.
Hình tượng nhân vật Khải Định được dựng lên trong một tình huống truyện khá tình cờ và thú vị, khi một cặp đôi người Pháp nghĩ rằng nhân vật "tôi" không biết ngôn ngữ của họ, nên thản nhiên thoải mái bàn tán và nghĩ rằng người da vàng, nhỏ con này hẳn chính là ông vua đến từ nước An Nam kia. Họ nhìn "ngấu nghiến", "với cặp mắt ma mãnh và tò mò", nhưng lại ra bộ là không nhìn gì, rồi liên tục đưa ra những lời nhận xét "trung thực" về ấn tượng của họ với ông vua người da vàng. Thông qua câu chuyện tán gẫu bâng quơ của cặp đôi trẻ và sự nhầm lẫn khá buồn cười, tác giả đã khắc họa lên hình tượng của Khải Định, với dáng vẻ kỳ dị và nom buồn cười. Đầu thì đội cả "cái đèn chụp lên cái đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn", "mũi tẹt", "mắt xếch", "mặt bủng như vỏ chanh". Thậm chí họ còn nghĩ rằng, hôm nay ông vua da vàng kia không mang vác những thứ lòe loẹt ấy là bởi ông ta đã tống chúng vào tiệm cầm đồ để lấy tiền chi tiêu cái gì đó rồi chăng. Cô gái còn nhận định rằng "hắn còn làm mình bật cười hơn nữa lúc hắn đeo lên người hắn đầy đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm". Rõ ràng trong mắt đôi trai gái vị khách An Nam đã trở thành một thứ gì đó rất kỳ dị, rất buồn cười, thậm chí là rẻ rúng, không lấy gì làm cao sang, hay tính bệ vệ, uy nghi của một ông vua. Mà thực tế Khải Định trong mắt họ là một kẻ "nhút nhát", "lúng túng", khúm núm khi đứng trên mảnh đất của họ. Người Pháp có tôn trọng Khải Định với tư cách một nhà vua không? Rõ ràng trong ý nói của cặp đôi thì không, Khải Định thậm chí còn bị cặp đôi đem ra bỡn cợt, sự xuất hiện của "anh vua" ở nước Pháp trở thành trò vui tiêu khiển của đám nhà báo, trở thành đối tượng được "săn đón" để bôi bác trên giấy, ngay khi những vụ lý thú ở Pháp về hết tiệt đi. Thậm chí vị trí của Khải Định ở Pháp chỉ được như ông vua hề Sác-lô kẻ chuyên tiêu khiển cho người khác, nhưng có lẽ kém hơn bởi Sác-lô diễn còn phải tốn cả đống tiền để chi trả, còn Khải Định là làm hề miễn phí cho cả nước Pháp xem. Chỉ trong một mẩu trò chuyện ngắn ngủi, nhưng vua Khải Định đã hiện lên với dáng vẻ bù nhìn, kệch cỡm và hài hước, nghệ thuật châm biếm vừa sâu cay vừa khách quan đã đem đến cho độc giả những ấn tượng sâu sắc về Khải Định - một tên hề, một con rối ngơ ngác chịu sự sai khiến của đế quốc, nhục nhã và đê hèn.
Kết thúc cuộc đối thoại của cặp đôi trẻ, khi họ bước xuống ga cũng là lúc nhân vật "tôi" bắt đầu suy nghĩ về sự "vi hành" này của Khải Định. Nguyễn Ái Quốc đã lấy cái sự vi hành của vua Thuấn, vua Pi-e với mục đích đi sâu vào đời sống của nhân dân để trào phúng sự "vi hành" của Khải Định, ngài đến ngay tại Pháp để làm trò hề cho cả nước Pháp, làm nhục nhã bộ mặt của An Nam, với dáng điệu khúm núm, sợ sệt, lấp liếm như ăn trộm. Hoặc giả nếu ngài có ý vi hành thật, thì chắc là đến để xem xem dân Pháp có được "sung sướng, có được uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài hay không", hoặc muốn nếm thử cuộc đời của những cậu công tử bé, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc và vô tích sự. Những câu chữ châm biếm ấy của tác giả, rõ ràng đã tố cáo, lên án sự bất tài, yếu hèn và nhu nhược của Khải Định trước sự chèn ép, xâm lược của thực dân Pháp với nước ta, thời bấy giờ. Người Pháp nhìn bất cứ ai người da vàng cũng đều nghĩ đó là "hoàng đế" An Nam, họ không phân biệt được hoặc hẳn là họ không có ý muốn phân biệt hay ghi nhớ một kẻ mà họ cho là tên hề, không đáng để tâm. Nhưng Khải Định chẳng hề biết điều đó, sự ngu ngốc và yếu đuối của một vị vua quỳ sụp dưới chân đế quốc để hưởng đặc ân thì vẫn bình thản sống và hưởng thụ, chứ biết gì đến ánh nhìn của thiên hạ, càng chẳng để tâm đến dân An Nam đang khốn khổ vì rượu và thuốc phiện cùng với cả hàng trăm thứ thuế đang đày đọa. Khải Định đã ngu ngơ ở "mẫu quốc" tận hưởng sự phục tùng trọn vẹn, nhưng thực tế rằng, đế quốc Pháp chẳng quan tâm đó vua xứ An Nam hay là một người dân Nam bình thường, tất cả đều bị tống vào diện cần theo dõi và quản thúc chặt chẽ, để đảm bảo không có bất kỳ sự xáo trộn nào xảy ra từ những "ông vua" da vàng. Mà sự chăm sóc, "hộ giá" ấy được tiến hành bằng những tên mật thám ghê gớm, gian manh, dính chặt đối tượng như hình với bóng. Đó chính là chuyến "vi hành" thú vị của vua Khải Định, một kẻ bị cầm tù, bám đuôi, mà vẫn sung sướng, hài lòng tận hưởng.
Vi hành là một truyện ngắn châm biếm sâu cay và chua chát dưới ngòi bút tài tình, tinh tế của Nguyễn Ái Quốc. Việc dựng lên một tình huống truyện độc đáo, khách quan, với hai góc nhìn của người dân Pháp và của người dân An Nam, rõ ràng nhân vật Khải Định đã hiện lên một cách sắc nét và chân thực. Khải Định trở thành một nhân vật tiêu biểu nhất đại diện cho cả chính quyền phong kiến lạc hậu, thối nát, sẵn sàng bán nước để cầu vinh hoa cho bản thân. Một kẻ đã quên hết liêm sỉ, tự tôn dân tộc, mang đủ trong mình sự đê hèn, nhục nhã nhưng vẫn sống sót nhờ sự "bảo hộ" của mẫu quốc, trở thành nhân vật khó quên trong nền văn học trào phúng hiện đại.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |