Thiên nhiên tráng lệ, trăng và rượu, tình bằng hữu, tình cố hương, lòng khát khao tự do được diễn tả qua những vần thơ lãng mạn, tràn đầy hùng tâm, tráng chí của một thi nhân - kiếm khách.
"Xa ngắm thác núi Lư", "Đường đi khó ", "Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh" là những bài thơ tuyệt tác cua Lí Bạch cho thấy một hồn thơ tuyệt đẹp.
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ "Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh" là nỗi buồn nhớ cố hương sâu lắng của Lí Bạch. Đây là bản dịch thơ:
" Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương"
Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, vẻn vẹn có 20 chữ nhưng đã tạo nên một bức tranh thủy mặc về cảnh mộng đêm trăng gợi lên vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân với bút pháp lãng mạn thần tình.
Đêm về khuya càng trở nên thanh tĩnh. Không gian bốn bề vắng lặng. Không một tiếng gió thổi, một tiếng côn trùng kêu. Cũng chẳng có một tiếng chuông chùa ngân buông. Nhà thơ chợt tỉnh giấc thấy mình nằm dưới trăng:
"Đầu giường ánh trăng rọi"
Cả một không gian ngập tràn ánh trăng. Ánh sáng rọi vào đầu giường. Hình như trăng đã đánh thức thi nhân dậy. Thật cảm động, trăng đến khơi gợi một nguồn thơ và trăng là chất liệu tạo nên vần thơ dào dạt.
Ánh trăng sáng quá, trải khắp không gian, bao phủ khắp mặt đất. Câu thơ thứ hai biểu hiện một trạng thái ngỡ ngàng của thi nhân vừa tỉnh giấc vừa nhìn trăng. Trăng đẹp và thơ mộng. Đêm đã sang canh, êm đềm thanh tĩnh. Chỉ có trăng và nhà thơ. Thế rồi, Thi tiên Lí Bạch "ngẩng đầu" ngắm trăng. Trăng với thi nhân như đôi bạn tri âm gặp nhau, nhìn nhau cảm động không nói lên lời. Cả 3 câu thơ đầu đều tả ánh trăng trong đêm thanh tĩnh với tâm trạng ngỡ ngàng và bồi hồi của thi nhân. Câu 1 và 3 tả trăng bằng trực giác, câu 2 tà trăng bằng cảm giác. Một không gian nghệ thuật vừa thực vừa mộng, huyền ảo lung linh:
" Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng "
Lúc bấy giờ, Lí Bạch đang sống nơi đất khách quê người. Giữa đêm khuya thanh tĩnh chỉ có trăng và thi nhân. Ba câu thơ đầu gợi tả một tâm trạng: nỗi buồn cô đơn của khách li hương.
Hai câu thơ 3 và 4 được câu trúc theo phép đối:
" Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương"
Hai tư thế: "ngẩng đầu" và "cúi đầu"; hai tâm trạng: "nhìn" và "nhớ"; hai đối tượng làm xúc động và trĩu lòng kẻ xa quê: "trăng sáng" và "cố hương". Hai hình ảnh "trăng sáng" và "cố hương" đi sóng nhau biểu hiện một tâm hồn giàu tình yêu thiên nhiên, một tấm lòng yêu quê hương thiết tha sâu nặng. "Cố hương " là quê cũ thân yêu; "nhớ cố hương" là nhớ tới gia đình, nhớ tới người thân thương ruột thịt, nhớ tới thời thơ ấu với bao mộng tưởng và kỉ niệm đẹp, nhớ lại những thăng trầm một đời người... Ta từng biết, Lí Bạch quê ở Ba Thục, thuở nhỏ thường leo lên núi Nga - Mi để ngắm trăng và múa kiếm.
Lớn lên, ông mang theo bầu rượu, túi thơ và thanh kiếm hiệp khách đi chu du mọi phía chân trời góc bể, chan hòa với gió trăng và tình bằng hữu... Vì thế, ánh trăng “đêm nay” là ánh trăng gợi nhớ, gợi sầu, vấn vương một hoài niệm, làm sống dậy bao bâng khuâng của một hồn thơ và một tình quê man mác “Ánh trăng” và "cố hương " gắn bó với nhau trong mạch cảm hứng trữ tình, hòa quyện thành một liên tưởng thấm thía, cảm động, nâng cánh cho hồn thơ bay lên. Trăng lênh láng tràn ngập. Cảm xúc thơ dâng lên dào dạt.
Có thể nói “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” là một bài thơ trăng tuyệt bút. Lí Bạch rất tinh tế đã lấy ngoại cảnh "ánh trăng" miền đất lạ để biểu hiện tâm tình: nỗi buồn nhớ cố hương.
Ngôn ngữ thơ hàm súc, hình tượng hoa lệ, cảm xúc mênh mang, gợi lên bao nỗi buồn đẹp - tất cả góp phần tạo nên vẻ đẹp văn chương của bài thơ trăng này. Lí Bạch đã để lại hàng trăm bài thơ trăng. Ai đã từng trải qua nhiều năm tháng li hương, ai đã từng mang một tâm hồn yêu trăng, chắc sẽ bồi hồi xúc động khi đọc bài thơ này của Thi tiên Lí Bạch.