Con người xưa nay luôn mang một nỗi niềm thiên cổ, mang mang thiên cổ sầu, ấy là cảm thấy sự nhỏ bé, hữu hạn của mình trước không gian, thời gian vô cùng. Thời gian tuyến tính, một đi không trở lại, bởi vậy ngoảnh mặt đã thấy già đi. Xa quê, bôn ba khắp bốn phương, trở lại quê nhà, nơi chôn rau cắt rốn, bỗng thấy mình như xa lạ - cảm giác ấy thật xa xót biết bao. Với cảm hứng ấy bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương đã làm bâng khuâng nhiều thế hệ bạn đọc.
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?
Ngay nhan đề bài thơ đã thể hiện niềm xúc động dâng trào khi tác giả trở về với mảnh đất đã sinh ra mình mà gần hết cuộc đời nay mới trở lại. Tình cảm nhớ quê luôn thường trực trong lòng tác giả, nhưng phải đến khi đứng trên mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn, tình cảm ấy không thể nén được và trào dâng:
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
(Khi đi trẻ, lúc về già)
Có ai sinh ra và lớ lên mà không mang trong mình nỗi niềm thương nhớ về mảnh đất quê hương. Tưởng như đó đã trở thành mùi riêng của đất, của quê hương này, ăn sâu vào tiềm thức và tâm thức của mỗi người. Chỉ tiếc lắm khi, xa quê, vì mưu sinh, vì sự nghiệp con người ta dần già rời xa bến đỗ ấy. Đến khi ngoảnh lại bỗng thấy mình như vị khách, đứng trên quê hương mà vẫn thấy nhớ quê hương. Và cảm xúc bâng khuâng, nghẹn ngào thiên liêng như một lười khấn khứa trở đi trở lại rất nhiều trong thơ. ở đây, với Hạ Tri Chương cũng không là ngoại lệ. Nỗi niềm nhớ quê đã trở thành thường trực đau đáu trong lòng. Quê hương trong bài thơ là cố hương. Tác giả xa cách không phải là 3 năm, 15 năm mà là hơn nửa thế kỉ, gần một đời người. Đành rằng cuộc sống chốn Tràng An náo nhiệt, ồn ào, sung túc. Công danh có thành đạt đến mức nào, cái chất quê, cái máu, cái hồn trong ông vẫn không hề thay đổi. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau “li gia”. Tuy vậy, ta thấy rằng với tác giả, vui sướng vô cùng là cuối đời còn được hồi hương.
Tuổi trẻ một đi không trở lại. tác giả ở đây, xa quê khi còn trẻ, khi trở về tóc đã bạc mái đầu. Dường như cả một khối ngậm ngùi chau xót biết bao khi ta sinh ra và phải rời bỏ nơi này đến một vùng đất mới. Nhưng dẫu cho dòng thời gian vô thủy, vô chúng có chảy trôi mãi mãi, khiến cho tóc bạc, da mồi, địa vị công danh thay đổi. Nhưng cái cốt cách, cái linh hồn của đất mẹ quê cha vẫn nguyên đó.
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
(Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)
Lời nói, giọng quê vẫn không thay đổi, ấy chẳng phải là sự gắn bó với quê hương đó sao. Thật vậy truyền thống văn hoá của gia đình, dân tộc quê hương không dễ gì thay đổi được. Nó được ăn sâu trong máu, trong tâm hồn tác giả. Lý Bạch trên bước đường chống kiếm lãng du xa quê từ nhỏ nhưng ánh trăng nơi quán trọ đã gợi trong ông những kỉ niệm thân thương nhất về quê hương, ánh trăng làm sống dậy một thời gắn bó từ thuở nằm nôi. Hạ Tri Chương cũng vậy, ông sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương hết mực của cha mẹ, của quê hương, chỉ có những kẻ bạc tình mới nỡ nhắm mắt quên đi nguồn cội.
Nhưng về tới quê hương một nghịch lý đã xảy ra:
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?
(Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?)
Một quãng thời gian đủ để cho quên nhớ đời người. Và ở đây vẫn còn thấy một con người son sắt, thủy chung, nặng lòng với mối tình quê. Sau tiếng cười nói ồn ào của lũ trẻ, lòng tác giả không khỏi man mác. Trong con mắt lũ trẻ thì mình là khách lạ, đó là một thực tế bởi khi ông từ giã quê hương thì làm gì đã có chúng. Sau nụ cười tinh nghịch của trẻ thơ là những giọt nước mắt chua cay và sung sướng. Ta là khách lạ! Xa quê gần một đời người nay mới trở lại, ta dù lạ với lũ trẻ thơ như quá đỗi thân thuộc với mảnh đất quê hương. Sung sướng hơn bao giờ hết nhà thơ đang đứng trên mảnh đất quê hương, ông đã thực hiện được tâm nguyện của mình “sống chết với quê hương”. Tình cảm ấy đẹp quá, thiêng liêng quá! Chỉ khi một người yêu quê tha thiết, mới xa xót trước cảnh tượng như vậy. Giọt nước mắt chảy vào trong, trào dâng và âm ỉ trong lòng người con xa quê.
Bằng một tình yêu quê hương tha thiết, tác giả đã làm sống dậy trong lòng ta biết abo cảm xúc thiêng liêng về quê hương, về sự nghịch lí trong cuộc đời. Để cho ta cứ ám ảnh mãi trong mình “một chiếc linh hồn nhỏ-mang mang thiên cổ sầu”.