Thạch Lam là một cây bút nổi tiếng trong dòng văn học hiện thực Việt Nam. Những tác phẩm của ông luôn chứa đựng những tình cảm dịu dàng, lắng đọng, những lãng mạn, tinh tế của cuộc sống thường ngày. Ông kể những câu chuyện không phải chuyện, chủ yếu khai thác nội tâm nhạy cảm của nhân vật, để phản ánh nỗi lòng, tâm tư của mình vào trong câu chuyện, vừa dung dị, nhẹ nhàng, lại vô cùng thâm trầm, sâu sắc. Hai đứa trẻ là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của Thạch Lam. Ông đã dựng lên một bức tranh của một phố huyện nghèo điển hình của Việt Nam và đặt vào trong đó những suy tư, suy ngẫm của mình cũng niềm cảm thương sâu sắc cho số kiếp của mỗi con người. Đó chính là điều tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm Hai đứa trẻ.
Giá trị nhân đạo là niềm cảm thông sâu sắc của tác giả dành cho những nhân vật trong tác phẩm của mình, là sự trân trọng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn con người đồng thời trân trọng, tin tưởng vào những ước mơ của những con người đó. Tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam không chỉ bày tỏ quan điểm của cá nhân ông mà còn là niềm thương cảm sâu sắc của ông dành cho những kiếp người, những nhân vật trong tác phẩm. Chính vì vậy mà Hai đứa trẻ mang một giá trị nhân đạo hết sức sâu sắc. Nó được thể hiện trong niềm cảm thông, xót thương của Thạch Lam dành cho những kiếp người tàn trong phố huyện nghèo đói ấy, là sự phát hiện những phẩm chất cao đẹp của những con người lao động nghèo nơi đây, là sự trân trọng những khát vọng của những kiếp người lao động nghèo, đồng thời sâu kín trong đó là sự lên án một xã hội thực dân Pháp thuộc đang đày ải người dân Việt Nam.
Đọc Hai đứa trẻ, người ta thấy bao trùm lên cả câu chuyện là một cuộc sống với những kiếp người nghèo tới xơ xác, những kiếp đời tàn giữa một phố huyện đầy u tối, thê lương. Cái khung cảnh của phố huyện ấy cũng hiện ra ở một thời điểm mà ngày sắp tàn, sắp kết thúc, tuy đẹp đẽ nhưng lại chỉ là chút ánh nắng cuối ngày, chỉ kịp lóe rạng rồi biến vào trong đêm đen, giống như những con người ở đây với khát vọng của họ. Không gian hiện lên với sự huy hoàng, đẹp rực rỡ của hoàng hôn buông trải "Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn", khung cảnh đẹp rực rỡ, lộng lẫy là thế nhưng nó chỉ là một cảnh ngày tàn, như "một hòn than sắp tàn" trong bếp lửa cháy, gợi ra trước mắt người đọc chúng ra là một nỗi buồn man mác.
Trên cái nền cảnh nhá nhem tối ấy, con người hiện lên cũng thật đơn sơ. Hình ảnh của một chị Tí cùng đứa con bày một gian hàng nước còm cõi, một bác Siêu với gánh phở trên vai, hai chị em Liên với cái gian hàng tạp hóa "nhỏ xíu", cụ Thi điên say rượu với tiếng cười khanh khách trong đêm, gia đình bác xẩm mù đang ngồi dưới nền đất, … Tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh trầm buồn cùng với không gian lặng lẽ, u tối của nơi phố huyện nghèo này. Ngòi bút chấm phá của Thạch Lam chỉ điểm vài nét trên bức tranh với gam màu đỏ đen hỗn độn ấy nhưng lại khiến cho chúng ta như thấy được cả một làng quê Việt Nam tiêu biểu cho xã hội ta dưới thời thực dân Pháp đô hộ. Và từ đấy, người ta thấy được nỗi thương cảm của Thạch Lam dành cho con người.
Đầu tiên khi đọc Hai đứa trẻ, người ta thấy được một nỗi xót thương sâu sắc vô cùng của Thạch Lam dành cho những kiếp người tàn nơi phố huyện nghèo này. Ông xót xa trước những cảnh đói nghèo xơ xác của nơi đây. Hình ảnh những đứa trẻ ấy hiện lên trên nền cái chợ tàn "chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía". Trên cái khung cảnh tàn tạ ấy, "những đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại". Cuộc sống của những đứa trẻ đang tuổi đến trường, tuổi ăn tuổi chơi lại phải quanh quẩn trên cái đống rác rưởi của người ta để lại. Những kiếp sống của chúng rồi cũng sẽ lụi tàn như bố mẹ chúng, bởi cái đói cái nghèo đã cướp đi hết của chúng niềm vui, sự ngây thơ của con trẻ. Chúng quanh quẩn bên cái chợ tàn, "tìm tòi, nhặt nhạnh", gieo niềm hi vọng trên đống rác của người ta để lại. Thạch Lam đã tinh tế gieo vào lòng chúng ta một nỗi thương cảm sâu sắc dành cho những đứa trẻ nhỏ, cũng từ đó mà ta nhận ra được cái tình cảm thương mến mà ông dành cho chúng. Ông thương cảm đời của chúng mà xót xa trước cái nghèo mà chúng đang phải chịu đựng. Và chính ông đã hóa thân vào Liên đã mà chứng kiến mà "động lòng thương" cho những đứa trẻ ấy. Ông muốn mang tới cho chúng một chút gì đó, bù đắp cho chúng thế nhưng lại bất lực vô cùng khi "chính chị cũng chẳng có tiền để mà cho chúng".
Không chỉ cảm thương cho số phận của những đứa trẻ nhà nghèo ven cái chợ tàn, ông còn xót thương cho những mảnh đời còm cõi khác như mẹ con chị Tí chẳng hạn. Chị Tí là một kiếp người điển hình trong phố huyện ấy, một kiếp đời vất vả suốt năm tháng mà không thoát nổi cái đói nghèo, tăm tối. Chị Tí là hình ảnh của một thân cò, quanh năm lặn lội, tảo tần, sáng chị đi mò cua bắt tép, tối về lại bày biện cái quán hàng nước bé tí xíu để kiếm thêm. Cái quán nước của chị cũng còm cõi, nhỏ nhoi như chính chị, bởi tất cả đồ đạc của cái quán ấy, chị đều có thể mang, vác, đội, xách được. Cái quán ấy chỉ có vài bát nước chè xanh, vài điếu thuốc lào, khách có đến cũng chỉ là bác phu, chú lính lệ,…hay những con người cũng mang cái số kiếp như chị. Vất vả là thế nhưng cũng "chả kiếm được là bao", như cái câu nói chị trả lời cho Liên "ối chao, sớm muộn cũng có ăn thua gì!". Đó là tiếng thở dài ngao ngán cho một đời người bế tắc, mòn mỏi, quẩn quanh, đơn điệu. Và Thạch Lam đã cúi xuống kiếp người như chị Tí để mà thương cảm, mà xót thương cho số kiếp của chị. Bởi ông hiểu rằng, cuộc sống của chị cũng chỉ nhỏ bé, le lói như cái quầng sáng đèn ở cái chõng nước của chị mà thôi.
Rồi đến cảnh đời của bác Siêu, Thạch Lam cũng đã vô cùng xót xa khi nhìn thấy cuộc sống của bác. Cái gánh phở nhỏ bé trên đôi vai rong ruổi là một "thứ quà xa xỉ, nhiều tiền" mà không phải ai cũng có đủ tiền để mua. Chính vì thế, gánh hàng của bác luôn bị ế hàng. Thế nhưng, chiều nào cũng thế, gánh phở của bác cứ chiều tối lại xuất hiện, nhóm lửa, đến đêm lại gánh trở lại làng. Nhịp sống của bác cứ quẩn quanh cái bếp lửa ấy, đơn điệu, tẻ nhạt như chính cuộc đời của bác và Thạch Lam đã cảm thấy xót thương vô cùng cho những con người như bác. Ông hiểu rằng, mỗi lần nhóm lửa lên, bác Siêu nhóm tất cả niềm hi vọng của mình, thứ hi vọng về một ngày mai khác hơn, về một tương lai tốt đẹp hơn, để đến khi bếp lửa lụi tàn, bác lại trở về với cuộc sống tăm tối, mòn mỏi của chính mình.
Gia đình bác xẩm mù cũng vậy. Một người mù làm nghề hát rong, cả gia tài chỉ có "manh chiếu, cái thau sắt trắng", cùng với chiếc đàn mà phải gánh vác cả một gia đình. Cuộc sống của gia đình bác là những ngày tha phương cầu thực, lấy gầm cầu, vỉa hè làm nhà, còn đứa con chỉ có thể nghịch ngợm "nhặt rác trên nền đất bẩn". Kiếp sống của gia đình bác cũng tối tăm như thế, cũng nghèo đói như thế.
Rồi bà cụ Thi điên – một cụ già nghiện rượu và "bị điên". Cụ là biểu tượng cho một kiếp người đã đi gần hết cuộc đời mình trong cái kiếp đời tàn tạ, tăm tối đến thê lương ấy. Thạch Lam đã lưu lại hình ảnh trong lòng chúng ta về cụ Thi điên là "tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng". Tiếng cười ấy phải chăng là tiếng cười chua chát của một con người đã đi gần hết cái số kiếp tăm tối của chính mình? Và Thạch Lam đã thật đồng cảm với nỗi đau khổ ấy của một kiếp người, ông xót thương cho cụ, cho bác Siêu, bác xẩm mù, cho tất cả những con người nơi phố huyện tù túng này mà đặc biệt là chị em Liên.
Chị em Liên An vốn có cuộc sống dư dả trên Hà Nội nếu như thầy Liên không mất việc mà đẩy cả gia đình vào bế tắc. Cả gia đình phải tạm xa Hà Nội, trở về quê, chị em Liên An thì trông hàng tạp hóa giúp mẹ, mẹ của Liên thì phải đi làm hàng xáo. Cái gian hàng "tạp hóa bé xíu" của hai chị em đã khắc thành ấn tượng trong lòng người đọc về cái nghèo của nơi phố huyện này. Cái gian hàng ấy chỉ có vài bánh xà phòng, cút rượu, mấy quả sơn đen, .., mà bán suốt của "ngày phiên" lẫn ngày thường "mà bán cũng chẳng ăn thua gì". Cuộc sống của hai chị em Liên là chuỗi ngày sáng dọn ra tối dọn vào, đơn điệu, tẻ nhạt như chính cuộc đời của hai chị em. Những niềm vui con trẻ cũng chẳng còn thấy trên gương mặt non nớt của hai chị em Liên An nữa. Thạch Lam thương lắm, xót xa lắm trước cái cuộc sống nghèo đói, tăm tối này đã cướp đi cả những khoảng khắc còn trẻ của những đứa trẻ. Ông xót xa, ông đồng cảm với họ, với những kiếp đời tàn nơi phố huyện này.
Bằng những rung động mơ hồ, đầy tinh tế của mình, Thạch Lam đã vẽ lên bức tranh một phố huyện nghèo với những kiếp đời tàn, và đặt trong đó là niềm xót thương vô cùng của mình đối với những con người lao động nơi đây.
Không chỉ thương xót cho những thân phận, những kiếp đời tàn nơi phố huyện tăm tối này, Thạch Lam còn tinh tế khi nhận ra rằng, mặc dù sống trong đói nghèo, tàn tạ là thế, con người nơi đây vẫn có những phẩm chất tốt đẹp vô ngần của người lao động. Và Thạch Lam – một con người ở tầng lớp trên, tầng lớp tiểu tư sản, đã vô cùng sâu sắc phát hiện ra và trân trọng những phẩm chất đáng quý ấy ở những con người nghèo khổ kia.
Ông phát hiện thấy ở con người nơi phố huyện nghèo này, họ đói nghèo đấy, cuộc sống đơn điệu, tù túng, vô nghĩa đấy nhưng họ không hề buông thả mà luôn chịu thương, chịu khó, tần tảo sớm hôm để mong có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, mặc dù công việc họ làm cũng chẳng giúp họ khá hơn là bao. Như một chị Tí, "ngày đi mò cua bắt tép, tối đến chị dọn cái hàng nước này", mà cái hàng nước bé xíu của chị cũng chả bán gì nhiều ngoài mấy chén nước chè và đôi điếu thuốc lào. Thu nhập của cái quán nước "chả kiếm được bao nhiêu", thế nhưng "chiều nào chị cũng dọn hàng, từ chập tối cho đến đêm", chẳng hôm nào bỏ ngỏ. Sự tần tảo của chị đã khiến cho Thạch Lam phải cảm động, ông thương chị, ông thấy được cái vẻ đẹp trong sự vất vả, tần tảo sớm hôm của chị. Cái sự tần tảo ấy của chị là phẩm chất tốt đẹp, đáng khâm phục của tất cả những người phụ nữ Việt Nam, cũng giống như vợ của Tú Xương tần tảo nuôi chồng, khiến ông phải cảm động mà thương xót:
"Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồn
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông"
Thạch Lam cũng phát hiện ra ở bác Siêu, bác xẩm mù hay chị em Liên cái phẩm chất cao quý ấy của người lao động. Đó là dù có thế nào, cuộc sống có bấp bênh, mệt mỏi ra sao, họ vẫn luôn luôn chăm chỉ, tần tảo, chịu thương chịu khó. Bác Siêu với "tiếng đòn gánh kĩu kịt nghe rõ rệt", chiều nào cũng gánh gánh phở ngồi chờ khách. Ngày nào bác cũng nhóm lửa, "thổi vào cái ống nứa con", để mùi phở thơm thoảng hết con phố huyện nghèo. Mặc dù hàng phở của bác là "một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền" mà hiếm ai có thể mua được, thế nên luôn ế khách, nhưng bác vẫn hàng ngày chăm chỉ, gánh đôi gánh phở bán ở phố lúc chiều, đến đêm lại quẩy vào làng. Thế mới biết, người lao động chưa bao giờ thôi tần tảo, chưa bao giờ thôi hi vọng vào sự chăm chỉ sẽ giúp họ trải qua những đói nghèo, tăm tối của cuộc sống. Đó chính là những phẩm chất đẹp đẽ mà Thạch Lam đã vô cùng tinh tế khi phát hiện ra.
Rồi hai chị em Liên, hai chị em vốn mới chỉ là những đứa trẻ, thế nhưng đã thay mẹ gánh vác một phần gia đình. Với độ tuổi của An hay của Liên, chúng vốn phải được vui chơi, phải được tận hưởng quãng đời thơ ấu hạnh phúc, không phải lo lắng cơm áo gạo tiền, thế nhưng, sự nghèo đói đã khiến hai chị em phải trở thành những người lớn. Hai chị em trông coi "cái gian hàng tạp hóa bé xíu" để mẹ em có thể đi đong gạo, làm hàng xáo. Cái quán ấy "ngày phiên mà bán cũng chẳng ăn thua gì" nhưng chị em Liên vẫn luôn luôn đều đặn mở cửa đón khách tới tận đêm khuya, sau khi đoàn tàu cuối cùng rời đi mới đóng cửa. Tác giả đã rất tinh tế khi phát hiện ra cái tần tảo và chịu thương chịu khó của những con người lao động nơi đây dù rằng cuộc sống của họ nghèo đói, họ vẫn luôn cố gắng vươn lên, cố gắng mỗi ngày.
Không chỉ thế, Thạch Lam còn phát hiện ra rằng, tuy họ nghèo đói, khổ sở, vất vả là thế nhưng họ vẫn luôn có lòng trắc ẩn, lòng thương người, thương những con người cùng số phận với mình. Đó là khi Liên nhìn thấy những đứa trẻ nghèo nhặt rác ở khu chợ tàn, chị đã động lòng thương chúng, thương cho số phận của chúng, thương cho tuổi thơ bị chôn vùi trong sự đói nghèo mà đáng ra phải được sống vui tươi hơn của chúng. Mặc dù rằng tình thương ấy của chị cũng chỉ là một niềm thương cảm, bởi chính chị cũng đang rơi vào hoàn cảnh nghèo đói như chúng, chị cũng bất lực trước số phận "Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó". Thạch Lam vẫn thế, ông vẫn rất tinh tế khi phát hiện được những gì nhỏ nhặt nhất trong từng câu chuyện đời thường, để phát hiện ra một niềm thương cảm nhỏ nhoi của Liên dành cho lũ trẻ. Như ở Liên, cuộc sống của chị cũng chẳng hơn gì những đứa trẻ kia, đáng ra, chị phải thương chính bản thân mình trước, nhưng chị vẫn thương, vẫn động lòng trắc ẩn trước những số phận giống mình. Đó là tấm lòng nhân đạo đáng quý của Liên hay cũng của chính Thạch Lam khi ông đã không chỉ phát hiện ra sự tần tảo sớm hôm của người lao động mà còn phát hiện ra tấm lòng cao quý, trắc ẩn của họ dành cho những số phận kém may mắn như mình.
Và hơn thế, giá trị nhân đạo của truyện ngắn Hai đứa trẻ còn được thể hiện ở chỗ Thạch Lam trân trọng vô cùng những ước mơ bé nhỏ, giản dị của những con người nơi đây về một tương lai tươi sáng hơn.
Tác giả trân trọng những hoài niệm của chị em Liên khi hai chị em hồi tưởng về cuộc sống ở phố thị trước kia "khi ở Hà Nội chị được thưởng thức những thức quà ngon, lạ - bấy giờ mẹ Liên còn nhiều tiền – được đi chơi bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ". Hoài niệm ấy của Liên là sự khao khát được trở lại những ngày tháng còn sung túc, bởi "kỉ niệm còn nhớ lại không rõ rệt gì, chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh". Những hoài niệm ấy là một vùng kí ức, giờ đây trở thành khát vọng mà hai chị em Liên mong mỏi được trở về, nó thật tươi sáng và đẹp đẽ biết mấy. Thạch Lam trân trọng vô cùng cái mơ ước nhỏ bé ấy của hai chị em Liên, bởi ông hiểu, cái mơ ước ấy giờ đây quá xa vời, nhưng những niềm hi vọng thì không bao giờ lụi tàn cả.
Cái thế giới mà họ mơ tưởng đến nơi sáng rực ánh đèn và tiếng còi vang vọng, Thạch Lam trân trọng niềm khao khát về một thế giới khác, không còn u tối của những con người nơi đây. Và niềm khao khát ấy trở thành hiện thực khi chuyến tàu đêm cuối cùng băng qua con phố huyện nghèo đói, tối tăm này. Thạch Lam đã miêu tả đoàn tàu qua với tất cả sự trân trọng, tự hào, với những hình ảnh rực rỡ nhất "tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng". Đoàn tàu chỉ vụt qua trong giây lát, thế nhưng nó lại để lại một thế giới mới, đầy ánh sáng và âm thanh rực rỡ, chói lọi, một thế giới khác lạ, tốt đẹp hơn. Thế giới ấy "khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu", âm thanh chan hòa, vang vọng khác với "tiếng trống thu không" đơn điệu, đều đều, đó là thế giới "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo", nơi mà Thạch Lam muốn con người nơi đây hướng tới.
Câu chuyện khép lại, thế nhưng, đó đây, người ta vẫn cảm thấy nao lòng trước cuộc sống quá đỗi tăm tối, tù túng và vô ý nghĩa của con người lao động nơi phố huyện này. Vậy nên, chắc hẳn, miêu tả phố huyện nghèo điển hình thời Pháp thuộc cùng với những kiếp người tàn, Thạch Lam đã kín đáo lên án cái xã hội thực dân ấy đã không đảm bảo được quyền sống cho con người, bào mòn những kiếp người trong đói nghèo và u tối.
Hai đứa trẻ đã làm nổi bật lên giá trị nhân đạo sâu sắc mà Thạch Lam muốn gửi gắm. Đó không chỉ là tình cảm thương xót dành cho những số phận nghèo đói, cho những kiếp đời tàn mà còn là sự trân trọng những phẩm chất cao đẹp, những ước mơ nhỏ nhoi của họ về một tương lai khác tươi đẹp hơn ở phía trước.
Giá trị nhân đạo là một trong những phần quan trọng nhất làm nên một tác phẩm hay. Có lẽ bởi thế, Hai đứa trẻ đã trở thành một tác phẩm thành công bậc nhất trong nền văn học hiện thực Việt Nam. Nó không chỉ minh chứng cho tài năng miêu tả nội tâm bậc thầy của Thạch Lam, phô bày xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc mà còn bộc lộ những tình cảm trân trọng, yêu mến ông dành cho con người lao động.