Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Từ trong chiến tranh cho đến thời bình hôm nay, phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ vẫn sáng mãi. Đó là chất thép được tôi luyện từ sự giáo dục của Đảng và Bác Hồ, của Quân đội và nhân dân. “Trung với Đảng, hiếu với dân” vẫn mãi là lời thề muôn đời của người lính. Những hình ảnh mang giá trị cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ không kể hết: biên giới phía Bắc, phía Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cả trong thiên tai, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy, miền đất nào thiếu thốn và gian khổ nhất, nơi ấy có Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất vì nhân dân quên mình đã ăn sâu vào máu thịt đối với các anh. Hai tiếng nhân dân đã trở thành mệnh lệnh trong trái tim của bộ đội Cụ Hồ. Bởi vậy, đâu phải chỉ trong thời chiến, mà cả thời bình, nhiệm vụ cứu dân trong thiên tai, nhiệm vụ bảo vệ mỗi tấc đất biên cương đều có sự hy sinh quả cảm của người lính.
Và, rất tự nhiên, Bộ đội Cụ Hồ trở thành tên gọi thiêng liêng, vừa hết sức giản dị, vừa gần gũi thân thương, trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về một mẫu hình con người mới xã hội chủ nghĩa, một nhân cách văn hóa Việt Nam.
Nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh người Mỹ Lady Borton khi sang Việt Nam đã nói: “Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng không ở đâu người dân lại yêu mến gọi lãnh tụ của mình là Bác, không có quân đội nào yêu mến gọi Tổng Tư lệnh bằng Anh (Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cũng không nơi nào nhân dân yêu mến quân đội gọi là Bộ đội Cụ Hồ”. Có thể nói “Bộ đội Cụ Hồ” là một giá trị văn hóa độc đáo, tiêu biểu trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh, có sức lôi cuốn và lan tỏa đặc biệt. Mỗi khi mang lên mình bộ quân phục, dù ở trong đơn vị hay ở nơi công cộng, họ đều thể hiện phẩm chất của người quân nhân cách mạng.
Cũng như bao người thuộc thế hệ trẻ, tôi may mắn được sinh ra, trưởng thành và học tập khi đất nước đã bình yên, được tự do hít bầu không khí hòa bình, tự do ngước nhìn mây trắng trời xanh mà nghe những bao la của quá khứ, mà thấm thía giá trị vĩnh hằng của những dâng hiến cao cả. Tôi tự hào vì tôi là người dân Việt Nam, tôi tự hào vì tôi được sinh ra trên mảnh đất làng Đỏ - Yên Phúc anh hùng. Và may mắn hơn, tôi được lớn lên, học tập, rèn luyện và trưởng thành trong hòa bình thống nhất đất nước, nay trở thành người thầy giáo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đang ngày đêm thay Đảng luyện chữ - rèn người.Đã qua rồi thời khói bom đạn lửa, gạt núi băng đèo nên tôi chỉ hình dung hai chữ “chiến tranh” qua lời kể của bà nội tôi về ông nội và các anh các bác, qua sách báo, qua phim ảnh, qua những chuyến tham quan đến những miền đất lịch sử theo dọc chiều dài đất nước. Trong đó những dấu ấn để lại sâu đậm nhất trong lòng tôi là các chuyến tham quan đến các nghĩa tranng liệt sĩ như nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thành cổ Quảng trị, Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn hay nghĩa Trang Việt Lào huyện Anh Sơn... Có một kỉ niệm tôi nhớ mãi đó là vào một ngày trời nắng vàng hanh hao của tiết trời mùa thu tháng 7-1995, những người dân xã Phúc Sơn quê tôi không ai cầm được nước mắt trong ngày khánh thành nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ của hai cuộc kháng chiến của xã nhà. Tôi cũng như tất cả mọi người đều có đủ lý trí để hiểu rằng, đó chỉ là những hàng bia gắn tưởng niệm chứ không hề có được hài cốt của người thân, nhưng tất cả mọi người đã khóc, những giọt nước mắt hoà trong cơn mưa bất chợt của trời, tan trong từng nắm đất đưa tiễn các anh linh. Quá khứ giao hòa với hiện tại, âm dương hòa trộn vào nhau, có trong nhau như sự bất tử của các liệt sĩ và lòng thương nhớ khôn nguôi của người đang sống. Hình như ai cũng run lên vì một danh sách dài tên các liệt sỹ của xã, run lên vì những năm tháng ấy cái xã bé nhỏ, nghèo này đã lần lượt nhận bao nhiêu giấy báo tử của người thân nối tiếp nhau. Có nhiều mẹ đã dâng hiến cho đất nước hai người con thậm chí là ba bốn người con ra đi và không một lần trở lại thăm mái tranh nghèo – nơi các mẹ đang ngày đêm trông ngóng. Tôi đếm cả trong kháng chiến chống pháp, chống Mĩ và chiến tranh biên giới xã tôi đã có 189 liệt sĩ khắc ghi vào bảng vàng đài tưởng niệm. Các anh đã đi vào hồn thiêng sông núi để Tổ quốc Việt Nam được bay lên bát ngát những mùa xuân.
Hôm nay, trang sử mới của dân tộc đã được mở ra- trang của sự đổi mới, phát triển và hội nhập với thế giới. Trong quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa cao độ, hình ảnh anh “Bộ đội cụ Hồ” vẫn vẹn nguyên với vai trò tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới cùng toàn Đảng, toàn dân. Các chiến sĩ Bộ đội cụ Hồ hôm nay khoác trên mình màu xanh áo lính cũng đang hứng khởi bước vào các mặt trận với lòng nhiệt huyết và sức bật mới cùng thời đại. Người lính Cụ Hồ hôm nay vẫn tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đất nước hòa bình, song những người lính Cụ Hồ vẫn “ra trận” vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ “cõng chữ" lên vùng cao; “ba cùng” với đồng bào các dân tộc, giúp dân trồng lúa nước, đưa đồng bào vào làm việc ở các nông trường quân đội… là những hình ảnh bình dị, thân thương, nhưng vô cùng cao đẹp về tình quân dân cá nước.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |