Chủ nghĩa tư bản hiện đại có đặc điểm lớn so với tất cả các giai đoạn phát triển trước đây là trình độ phát triển rất cao của lực lượng sản xuất, trình độ khoa học công nghệ rất cao của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Các nước tư bản phát triển, như Mỹ, các nước Tây Âu, Nhật Bản là những nước đi đầu trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đi đầu trong các lĩnh vực điện tử, tin học, thông tin, viễn thông, phát triển Internet, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ sinh học... làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, chất lượng, hiệu quả của những ngành kinh tế truyền thống và tạo nên nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều sản phẩm mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng, mức cạnh tranh cao. Ngày nay, các nước tư bản phát triển cũng đang đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức, nền kinh tế thông minh với các ngành công nghiệp thông minh, nông nghiệp, dịch vụ thông minh, hệ thống giao thông, năng lượng, thông tin thông minh, hệ thống phân phối thông minh... Sự phát triển của lực lượng sản xuất trên nền tảng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra tiềm năng cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Các nước tư bản phát triển trở thành các trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ của thế giới, có quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới.
- Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất của chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng có những đặc điểm mới. Tích tụ, tập trung sản xuất làm hình thành các công ty có quy mô ngày càng lớn, trở thành những công ty tư bản độc quyền. Nhu cầu vốn của các công ty này vô cùng lớn, vượt quá khả năng của một vài cá nhân, đòi hỏi phải thu hút các nguồn lực xã hội. Công ty cổ phẩn trở thành hình thức tổ chức phổ biến của các công ty, tập đoàn kinh tế trong chủ nghĩa tư bản hiện đại. Sở hữu tư nhân, nền tảng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, trong các công ty này, không còn tồn tại dưới hình thức sở hữu của những người sản xuất độc lập, mà là sở hữu tư nhân đã được xã hội hóa. Trong các công ty cổ phần, không chỉ có vốn của các nhà tư bản mà còn có sự tham gia của công nhân, người lao động. Với việc tham gia thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường chứng khoán, số người (và tổ chức) đầu tư vào cổ phiếu ngày càng nhiều, quyền sở hữu cổ phần của công ty ngày càng phân tán. Tuy nhiên, các nhà tư bản vẫn là người nắm giữ cổ phần chi phối công ty, tập đoàn. Trong các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia, siêu quốc gia, các nhà tư bản chỉ cần nắm giữ cổ phần chi phối ở công ty mẹ thì thông qua “chế độ tham dự” có thể chi phối được lượng vốn rất lớn của xã hội.
Trong nền kinh tế tư bản hiện đại, không chỉ hình thức sở hữu mà cả đối tượng sở hữu cũng có những yếu tố mới. Cùng với đối tượng sở hữu là các yếu tố của tư liệu sản xuất truyền thống, như đất đai, tài nguyên, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu..., xuất hiện nhiều đối tượng sở hữu mới, như cổ phiếu, trái phiếu, thương hiệu của doanh nghiệp, nhất là sở hữu trí tuệ, sở hữu các phát minh, sáng chế, bí quyết công nghệ, các thiết kế, kiểu dáng sản phẩm... Việc sở hữu những đối tượng này có ý nghĩ ngày càng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và thực tế sở hữu các đối tượng này đều ở trong tay các nhà tư bản.
Các quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất, phân phối trong chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng có những thay đổi lớn. Các dây chuyền sản xuất tự động, các máy móc tự động, các robốt thay thế cho con người được sử dụng ngày càng nhiều. Các dây chuyền tự động hóa không chỉ sản xuất hàng loạt một loại sản phẩm mà còn có khả năng sản xuất được những sản phẩm đơn chiếc theo nhu cầu, thiết kế riêng của từng khách hàng. Hệ thống máy tính, trí tuệ nhân tạo đã thay thế nhiều hoạt động quản lý sản xuất, phân phối của con người. Thay thế cho việc tổ chức sản xuất tập trung, hoàn chỉnh một sản phẩm trước đây, ngày nay, việc sản xuất một sản phẩm, nhất là những sản phẩm lớn, phức tạp, được chia nhỏ, phân tán cho nhiều đơn vị sản xuất độc lập thực hiện, chuyên môn hóa sản xuất những chi tiết, linh kiện được tiêu chuẩn hóa, tạo nên chuỗi các công đoạn sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Các đơn vị sản xuất có thể ở các vùng khác nhau, các quốc gia khác nhau. Cách thức tổ chức sản xuất mới tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng có công nghệ hiện đại hợp tác, liên kết, trở thành vệ tinh, đối tác tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn. Các công ty, tập đoàn kinh tế lớn chuyển quản lý từ mô hình “kim tự tháp”, tập trung quyền quản lý vào các công ty mẹ sang quản lý theo mô hình “mạng lưới”, mỗi đơn vị sản xuất là một điểm nút trong mạng lưới, có tính tự chủ cao, có khả năng ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các biến động của thị trường. Các nhà tư bản chỉ cần nắm cổ phần chi phối ở công ty mẹ, nắm các công nghệ cốt lõi, thương hiệu, hệ thống phân phối sản phẩm cuối cùng là chi phối được toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm. Nền kinh tế thị trường hiện đại với vai trò chi phối của các tổ chức tư bản độc quyền là cơ sở kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
- Cùng với sự phát triển kinh tế, cơ cấu xã hội, giai cấp trong chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn. Ngay cơ cấu giai cấp công nhân cũng có những sự thay đổi lớn, quan trọng. Bên cạnh lực lượng đông đảo những công nhân truyền thống, những người lao động làm thuê trực tiếp làm việc trong các dây chuyền sản xuất, lưu thông của các công ty, tập đoàn tư bản, họ được xem là những “công nhân cổ xanh” (trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, họ cũng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đến một trình độ nhất định, phải được đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu công việc), còn có một bộ phận người lao động làm thuê có trình độ cao, có thu nhập cao, đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau trong guồng máy sản xuất của tư bản, họ được xem là những “công nhân cổ trắng”. Công nhân cổ trắng cùng với tầng lớp công chức, viên chức nhà nước, các luật sư, bác sĩ, giáo sư các trường đại học, các viện nghiên cứu,... trở thành tầng lớp trung lưu của xã hội. Ở các nước tư bản phát triển, tầng lớp trung lưu chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu xã hội, ở giữa hai cực là giai cấp tư sản giàu có và những người lao động có mức sống thấp, những người thất nghiệp có cuộc sống vô cùng khó khăn.
- Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, dù có sự khác nhau ở các nước và ở các thời kỳ khác nhau, nhà nước tư bản đều có vai trò và ảnh hưởng lớn đến các quan hệ kinh tế và sự phát triển kinh tế, tạo nên cơ chế phối hợp giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong việc điều tiết các hoạt động kinh tế của đất nước. Nhà nước không chỉ xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, tạo khung khổ pháp luật, duy trì sự ổn định xã hội cho các hoạt động kinh tế, mà còn bằng các chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng hoặc thắt chặt, các hoạt động đầu tư, mua sắm, kiểm soát của chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực, với hoạt động của các công ty, tập đoàn kinh tế để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu, đầu tư ra nước ngoài, phục vụ lợi ích của các tập đoàn tư bản. Nhà nước đóng vai trò như một nhà tư bản tập thể, lý tưởng. Đồng thời, ở các mức độ khác nhau, Nhà nước ở các nước tư bản phát triển đều thể hiện sự quan tâm, coi trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền lợi của người lao động, quy định mức tiền lương tối thiểu, điều kiện làm việc, điều hòa quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp; thông qua chính sách thuế để phân phối lại thu nhập, thông qua các chính sách phúc lợi xã hội, an sinh xã hội để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt sự phân hóa và xung đột xã hội; định hướng doanh nghiệp vào thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường.
Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, các tổ chức xã hội do người dân, các tầng lớp, đối tượng xã hội tự nguyện thành lập ngày càng nhiều, có vai trò ngày càng lớn. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội hoạt động để bảo vệ lợi ích của các thành viên, hội viên của mình, phản ánh với nhà nước nguyện vọng, ý kiến của thành viên, hội viên; thay mặt các thành viên, hội viên thương lượng với giới chủ về tiền lương, điều kiện lao động và các bảo đảm xã hội cho người lao động... Đây là những yếu tố mới, những xu hướng tiến bộ đang hình thành, phát triển trong lòng chủ nghĩa tư bản. Tùy theo mức độ, nội dung can thiệp của nhà nước vào hoạt động của nền kinh tế thị trường mà có nhiều mô hình phát triển khác nhau trong các nước tư bản phát triển, như mô hình kinh tế thị trường tự do (Mỹ, Anh), mô hình kinh tế thị trường xã hội (Đức), mô hình kinh tế thị trường phúc lợi xã hội (các nước Bắc Âu), mô hình kinh tế thị trường nhà nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc). Sự điều tiết của nhà nước, sự tham gia của các tổ chức xã hội tuy không làm thay đổi được bản chất của tư bản, không xóa bỏ được những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, nhưng làm giảm nhẹ được tính chất đối kháng giai cấp, hạn chế được nguy cơ khủng hoảng và bùng nổ xã hội.
- Một đặc điểm mới, quan trọng khác của chủ nghĩa tư bản hiện đại là chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, Xu hướng phát triển của tư bản là không giới hạn, phá vỡ mọi giới hạn. Ban đầu, khi mới phát triển, tư bản đã phá vỡ tình trạng cát cứ phong kiến, làm hình thành nền kinh tế thống nhất, thị trường thống nhất trong một quốc gia. Khi tư bản phát triển, trở thành các công ty, tập đoàn lớn, thị trường trong nước trở nên nhỏ bé, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động, phát triển của tư bản. Bành trướng ra nước ngoài, mở rộng thị trường, khai thác các nguồn lực nước ngoài trở thành một yêu cầu khách quan, tất yếu của tư bản. Các công ty, tập đoàn tư bản lớn là lực lượng xung kích, đi đầu thúc đẩy các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, xuất khẩu tư bản, tạo nên sự vận động, luân chuyển của các luồng vốn, tiền tệ, các luồng hàng hóa, dịch vụ, các hoạt động thương mại, đầu tư trên quy mô toàn cầu, làm hình thành thị trường thế giới, phân công lao động và hợp tác quốc tế trên toàn cầu. Đây là một xu hướng khách quan, tiến bộ, đáp ứng yêu cầu từ cả hai phía. Phía các nước tư bản phát triển, các công ty, tập đoàn tư bản lớn mở rộng được thị trường tiêu thụ, khai thác được thêm các nguồn lực để phát triển. Phía các nước kém phát triển có nguồn vốn, máy móc, thiết bị, công nghệ, phương thức sản xuất mới, hiện đại, có thị trường tiêu thụ để khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của mình phát triển đất nước, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, do toàn cầu hóa được dẫn dắt, thúc đẩy bởi các tập đoàn, công ty tư bản và của nhà nước ở những nước tư bản phát triển, là sự mở rộng hoạt động của tư bản trên phạm vi toàn cầu, vì lợi ích của tư bản, nên mặc dù bề ngoài là những quan hệ bình đẳng, tự nguyện của từ hai phía, nhưng thực chất là những quan hệ không bình đẳng (không thể bình đẳng) bởi tương quan lực lượng giữa hai bên. Các công ty, tập đoàn tư bản, được sự hỗ trợ của nhà nước tư bản, nắm mọi lợi thế, yếu tố quyết định để chi phối các nước kém phát triển, các nước kém phát triển ở vào thế yếu, ít có khả năng lựa chọn. Thu hút các nước kém phát triển tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm của mình là để các tập đoàn tư bản khai thác nguồn lao động phổ thông giá rẻ, các tài nguyên thiên nhiên, chuyển giao những công nghệ thấp, những thiết bị còn có thể và cần được tận dụng, những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường... Các nước kém phát triển trở thành khu vực “ngoại vi” của các trung tâm phát triển của chủ nghĩa tư bản. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, nhưng có một khoảng cách xa giữa vùng “ngoại vi” với các “trung tâm” và khoảng cách này có xu hướng ngày càng mở rộng.