Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh (Hình thức sân khấu hóa)

Mn làm giúp mik vs ạ

2 trả lời
Hỏi chi tiết
497
2
1
Snwn
08/12/2020 12:32:05
+5đ tặng
Nếu con sông Thames ở Anh chảy ngang qua thủ đô Luân Đôn thì ở Việt Nam con sông Hương lại hiền hòa bắc ngang qua thành phố Huế - thủ phủ một thời của đất phương Nam. Sông như chiếc trâm vàng cài lên đầu xứ Huế mộng mơ. Sông đã tắm mát, là bầu sữa nuôi dưỡng bao thế hệ người Huế nói riêng và người Việt nói chung. Vì vậy, quả không ngoa khi người ta nói: Nhắc đến Huế là nhắc đến sông Hương.
 
Như đã nói, sông Hương là con sông chảy qua tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể là chảy qua thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang. Với lưu lượng 179 m3 /s, sông đã tắm mát cho hàng nghìn héc-ta đất màu nơi đây, chưa kể là còn bồi tụ phù sa quý báu, cung cấp nước sinh hoạt cho rất nhiều hộ dân…
 
Thế nhưng, vào mùa lũ, trong cơn thịnh nộ điên cuồng của mình, sông cũng lấy đi biết bao nhiêu thứ của người dân. Sông như một người thiếu nữ thùy mị, yêu kiều bỗng chốc biến thành bà già nóng nảy, cau có. Và có lẽ bà già này gây ra thiệt hại nhiều nhất vào trận lũ năm 1999. Một số nhân chứng kể lại rằng: buổi sáng đang còn ngồi uống cafe, giặt quần áo,… thì vạn sự yên bình, bỗng mưa đến, gió về, đến chiều thì làng mạc, phố xá,… ngập trong biển nước. Nhiều ngày sau trận lũ, các khu vực Sịa, Thuận An,… vẫn bị mất thông tin liên lạc và chịu nhiều thiệt hại nặng nề về cả của lẫn người. Để phòng chống thiên tai lũ lụt này và cung cấp nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt, UBND Thừa Thiên Huế đã cấp phép xây dựng dự án hồ Tả Trạch với chi phí gần 2000 tỷ đồng. Nhờ vậy, hiện nay, tổn thất do lũ lụt mà sông Hương về giảm thiểu đáng kể.
 
Cau có, gắt gỏng là vậy nhưng sau khi hết mùa lũ, sông Hương lại cải lão hoàn đồng, trở thành cô gái xinh đẹp, thướt tha. Nhiều khách du lịch đến Huế do muốn được chiêm ngưỡng sông Hương từ trên cao vì sông Hương được xem là rất đẹp khi ngắm dòng nước êm ả chảy qua các cánh rừng bạt ngàn cây lá hay uốn lượn quanh những hệ thực vật nhiệt đới độc đáo ở Huế. Một số khác đến Huế lại là vì chiều chiều đứng trên cầu Trường Tiền, Phú Xuân hay Dã Viên… ngắm dòng chảy huy hoàng dưới chân. Hay một nhóm khác đến với Huế vì điệu hát âm vang trên mặt nước sông Hương vào những đêm du thuyền rồng đáng nhớ! Sông Hương đã vô tình mang du khách thập phương về bầu bạn với Huế, với người Huế.
 
Bên cạnh đó, cũng có thể nói rằng sông Hương là bầu sữa ngọt ngào, là chiếc nôi êm ả nuôi dưỡng thi ca đất nước. Nguyễn Du sầu muộn nhìn sông nhớ một mảnh trăng với bao mối sầu kim cổ. Cao Bá Quát lại tưởng sông là thanh kiếm dựng giữa trời xanh. Và rồi nếu không có sông Hương thì Tố Hữu và Nguyễn Trọng Tạo đã không thốt lên rằng:
 
“Lòng ta như nước Hương Giang ấy
Xanh biếc lòng sông những bóng thông”
 
Trích Quê mẹ - Tố Hữu
 
“Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say.”
 
Nguyễn Trọng Tạo
 
Vậy đấy, sông Hương mang nhiều chất thơ và tính nhạc. Nhưng ít ai biết sông đến từ đâu và đi về đâu. Sông cứ mang trong mình cái tinh túy của trời đất rồi lặng lờ trôi theo gió, theo mây, theo nỗi niềm thương nhớ.
 
Thực chất, sông Hương khởi nguyên từ những cánh rừng già thuộc dãy Trường Sơn, gồm hai phụ lưu hợp lại mà thành: Nhánh chính (Tả Trạch) xuất phát từ dãy Trường Sơn Đông, chảy qua thị trấn Nam Đông theo hướng tây bắc, dài 67 km; một nhánh phụ (Hữu Trạch) bắt nguồn từ núi rừng cao A Lưới, chảy theo hướng bắc đến hợp lưu với Tả Trạch ở Ngã ba Bằng Lãng. Tại đây, hai dòng nước hôn phối với nhau và thế là sông Hương ra đời từ đấy. Nhận thì cũng có trả, sông Hương cũng có chi lưu là biển Thuận An và Biển Đông. Kể từ Ngã ba Bằng Lãng đến cửa biển Thuận An, sông dài 33km; chảy chậm, hiền hòa, yên ả vì mực nước sông không cao hơn mực nước biển là bao. Nước sông xanh một sắc xanh hiền hòa, trong vắt; thế nhưng khi chảy quanh chân núi Ngọc Trản - điện Hòn Chén thì có chút đậm đà hơn vì xuất hiện một vực xoáy rất sâu. Khi dạo thuyền đến quanh điện Hòn Chén, dù là nơi thắng cảnh tuyệt đẹp thì cũng không nên vì thế mà quên chú ý đến vực xoáy trên vì nó rất nguy hiểm, có thể dễ dàng nuốt chửng mọi thứ đi vào phạm vi của nó.
 
Còn nếu muốn có kỉ niệm đáng nhớ với sông mà không thích mạo hiểm chút nào thì ta có thể đến Cồn Hến nghi ngút khói cơm. Cồn nổi lên giữa lòng sông trước khi sông đổ ra biển, vì vậy, cồn được bồi tụ biết bao là phù sa ngọc ngà quý báu, thuận lợi cho việc trồng cây lương thực, sông ở đây chủ yếu trồng ngô. Du khách đến đây có thể ăn những trái bắp vàng ngọt bùi hay đặc biệt hơn là thưởng thức món cơm hến thơm lừng hương vị dân dã.
 
Sông Hương cũng có nhiều tên gọi khác nhau từ xưa đến nay, không chỉ đơn thuần là một chữ. Theo Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí thì sông Hương có tên là sông Linh. Còn theo nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục thì sông còn gọi là sông Hương Trà. Và theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An thì tên gọi sông Hương xuất phát từ cách nói gọn tên của địa danh Hương Trà từ thế kỉ XVIII - XIX.
 
Sông Hương, theo dòng chảy thời gian của nó, cũng đã chứng kiến biết bao lịch sử thăng trầm của người Việt và gắn liền với bao điển tích. Đó là huyền thoại về chúa Nguyễn Hoàng tìm đất định đô, nén hương vừa tàn thì cũng là lúc mà chân chúa dừng trên vùng đất bên bờ sông Hương. Đó là khi sông chứng kiến cảnh nội bộ nhà Tây Sơn lục đục, chia rẽ hay Nguyễn Huệ đi đánh Thanh dẹp bắc và vua Quang Trung chiến thắng trở về trong bộ áo bào thuốc súng lấm đen. Đó còn là khi Nguyễn Ánh thâu tóm quyền lực, máu chảy đỏ sông, thây chất vô cùng. Và con sông quê cũng là nơi đã tiễn đưa bao vị vua yêu nước đi đày biệt xứ. Và có lẽ trong con sông kia, có nhiều điều mà ta chưa biết.
 
Sông Hương hiền hòa, êm ả trôi như trôi vào lòng người con xứ Huế. Sông đã tắm mát cho nhiều thế hệ người Việt, mát cho thân mình, mát cho cả tấm lòng son sắt thủy chung của mình! Trong thời gian tới, sông lại tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của mình. Là người con xứ Huế nói riêng, là người con đất Việt nói chung; chúng ta phải cố gắng tìm hiểu hay đến thăm sông một lần; thực hiện những biện pháp cần thiết để giữ gìn sông Hương mãi là một dải lụa đào trong suốt vắt qua thành phố Huế mộng mơ.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
1
Tú Uyên
08/12/2020 12:36:28
+4đ tặng

Nói về văn hóa tâm linh của người Việt không thể không nhắc đến những đền chùa cổ kính, linh thiêng mang nét đẹp đặc trưng, trầm lắng, nơi bày tỏ niềm thành kính, biết ơn với người xưa, với tín ngưỡng tôn giáo. Một trong những ngôi chùa cổ, nổi tiếng của nước ta phải kể đến chùa Hương - danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng của Việt Nam.

Chùa Hương hay còn gọi là Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17 vào thời kỳ Đàng Trong - Đàng Ngoài, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống Pháp năm 1947, sau đó được phục dựng lại năm 1988 do Thượng Tọa Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Thích Thanh Chân.

Nơi đây gắn liền với với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba, theo phật thoại xưa kể lại rằng người con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương nước Hương Lâm tên là Diệu Thiện chính là chúa Ba hiện thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, trải qua nhiều thử thách, gian nan với chín năm tu hành bà đã đắc đạo thành Phật để cứu độ chúng sinh.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của người xưa cùng với những nét đẹp tạo hóa mà thiên nhiên ban tặng, mà vẻ đẹp của chùa Hương mang một dấu ấn rất riêng, đưa ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến.

Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù. Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái.

Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên.

Ở lối xuống hang động có cổng lớn, trán cổng ghi bốn chữ “Hương Tích động môn”. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán“Nam thiên đệ nhất động” là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

Lễ hội chùa Hương được tổ chức vào ngày mồng sáu tháng giêng, thường kéo dài đến hạ tuần tháng ba âm lịch. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách tứ phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.

Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.Đây là ngày lễ khai sơn của địa phương nhưng ngày nay nghi lễ khai sơn được hiểu theo nghĩa mở- mở cửa chùa. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản.

Một ngày trước khi khai hội, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều được thắp hương nghi ngút.Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ.

Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Về phần lễ có nghiêng về “thiền”. Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo.

Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần. Ta có thể thấy phần lễ là tổng hợp toàn thể hệ thống tín ngưỡng, gần như là tổng thể những tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam.

Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng. Lễ hội chùa Hương còn là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn.

Không chỉ có vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc, phong cảnh chùa cùng với nét đặc sắc của ngày lễ mà chùa Hương còn chứa đựng những giá trị sâu sắc về văn hóa tâm linh, lịch sử dân tộc và còn là giá trị sống của chuỗi phát triển con người từ xa xưa đến ngày nay, cần được bảo tồn, duy trì và gìn giữ di sản mà ông cha ta để lại.

Như vậy, với những giá trị đó, chùa Hương chính là niềm tự hào của người Hà Nội nói chung và người Việt Nam nói riêng, đến với chùa Hương là đến với không gian thanh tịnh, sống chậm lại để cảm nhận sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, buông bỏ mọi áp lực, căng thẳng trong cuộc sống ngoài kia.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Ngữ văn Lớp 8 mới nhất
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 8 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư