Những ngày qua, đồng bào các tỉnh miền Trung phải gồng mình vượt qua bao nỗi khó khăn bởi cơn bão số 12 với sức tàn phá khủng khiếp đã càn quét làm nhiều người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập và hư hỏng; hàng vạn héc-ta hoa màu chìm sâu trong nước; hàng vạn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Sau lũ, hệ thống trường học, bệnh xá bị ngập, đồ dùng giảng dạy, dụng cụ y tế bị nước cuốn trôi...
Với tinh thần “tương thân tương ái”, tất cả đồng bào, đồng chí đều hướng về miền Trung bằng những hành động ý nghĩa, thiết thực nhất. Đó là hình ảnh trong mưa bão, các cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an, lực lượng dân quân, tự vệ đội mưa, đội gió giúp dân chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền trú, tránh bão. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kịp thời về thăm hỏi, động viên bà con vùng tâm bão; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang dốc sức giúp dân khắc phục hậu quả...
Trước đó, để hạn chế, khắc phục thiệt hại của bão, chính phủ đã sớm dự báo và luôn theo sát tình hình biến động nhằm thông tin kịp thời đến với người dân để có biện pháp phòng ngừa. Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật những tin tức về bão, môi trường. Chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão của Thủ tướng chính phủ liên tiếp được phát đi, nhà nước và nhân dân đoàn kết, trên dưới một lòng.
Cơn bão đi qua, thiệt hại về người, tài sản do bão để lại không gì có thể đo đếm được. Khắp nơi trên cả nước cùng nhau phát động, ra sức ủng hộ người dân vùng bão lũ. Chính quyền từ trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội, đồng bào ta ở trong và ngoài nước chung tay chia sẻ những mất mát đau thương bằng những hành động thiết thực, người có sức thì giúp sức, có của thì góp của, ai có thể giúp được gì thì sẵn sàng giúp đỡ, không ngại khó, ngại khổ, cùng nhau hướng về vùng bão lũ, mong sao cho đồng bào của mình giảm bớt khó khăn, mau chóng trở lại cuộc sống, làm việc, tham gia sản xuất.
Tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta được hiểu qua các câu ca dao, tục ngữ như: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…”,… Đó chính là thể hiện sự yêu thương, trân trọng, tương trợ đối với những người xung quanh. Và điều đó được nhân dân ta thể hiện trong việc chung tay quyên góp, ủng hộ, cứu trợ đồng bào các tỉnh bị bão lũ nhằm chia sẽ những khó khăn, mất mát và mong sao cho cuộc sống bà con được ổn định.
Thật cảm động khi có những người giúp đỡ nhưng không cho để lại tên, địa chỉ và mong sao những quyển sách, quyển tập, cây bút, những gói mì tôm, quần, áo,… đến với trẻ em vùng bão lũ để có thể tiếp tục sống, học tập… và còn nhiều nữa những trường hợp cảm động khác, cho thấy tình cảm chân thật xuất phát từ trái tim qua hành động tự nguyện của bản thân, thể hiện được cốt cách tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta. Chắc chắn rằng sẽ tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa trên tinh thần tự nguyện đến người dân vùng bão lũ.
Bão qua, lũ về đã để lại những mất mát đau thương, những công trình giao thông, trường học, trạm xá, nhà cửa xác sơ cho đến những mảnh ruộng, hoa màu… bị tàn phá, nhưng trong đó xuất hiện hơi ấm giá trị tinh thần tương thân tương ái, tình cảm ấy đã làm ấm lòng bà con vùng bão lũ, để rồi phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam ta - tinh thần tương thân tương ái trong lúc khó khăn, hoạn nạn, tiếp tục lan tỏa mãi mãi trường tồn theo thời gian.