Có thể nói cuộc đời của Nguyễn Du là một cuộc đời từng trải. Ông đã từng bao phen vào Nam ra Bắc, với cuộc sống lang bạt khó khăn. Sống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 18 ấy là con trong một gia đình quan lại dưới triều Lê, Nguyễn Du luôn mang trong mình tư tưởng “hoài Lê”. Khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, ông cũng từng có thời gian chống Tây Sơn. Nhưng sau này dường như ông đã nhìn thấy sự mục ruỗng ấy của triều Lê và Tây Sơn chính là nguyện vọng của nhân dân. Sau khi Tây Sơn sụp đổ Nguyễn Du ra làm quan với triều Nguyễn với một thái độ bất đắc chí. Rất được vua Gia Long trọng dụng, có lúc Nguyễn Du đã làm đến chức hữu tham tri bộ lễ (hàng tam phẩm) từng được đi sứ sang nhà Thanh 2 lần nhưng dường như ông không mấy tha thiết với con đường danh vọng. có thể nói , dù đối diện với cả 3 triều đại nhưng Nguyễn Du lại không chọn cho mình một thời đại nào cả. đây chính là bi kịch trong cuộc đời của một thiên tài.
Nguyễn Du là người đã kế thừa và phát triển hệ tư tưởng Việt Nam thời phong kiến. ông đã dưa ra một hệ thống quan điểm tư tưởng về Phật giáo, Nho giáo, tư tưởng nhân đạo, theo Trần Trọng Kim thì qua tác phẩm Nguyễn Du mà nổi bật là Thuý Kiều và “Văn tế thập loại chúng sinh” nhân quả của nhà Phật. thuyết nhân quả ấy được thể hiện ở chữ “nghiệp”. “Nghiệp” ở đây có nghĩa là những việc làm trứơc kết thành cái quả sau, Nguyễn Du viết:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa
Thuý Kiều là người đã phải mang trong mình một chữ “nghiệp” rất nặng. Đó là nghiệp chướng và nghiệp duyên. Nó cứ đeo bám lấy chữ “mệnh” trong cuộc đời của Kiều và dẫn đến kiếp đoạn trường của mình.
Không chỉ vậy, Nguyễn Du còn đưa vào tác phẩm của mình tư tưởng Nho giáo đó là “tài mệnh tương đố” và “bỉ sắc tư phong”, những luân lí “trung, hiếu, tiết, nghĩa” của Khổng Tử. Ông cho rằng: Chữ tài đi với chữ tai (tai hoạ)
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Đạo nho được thể hiện qua những con người phong nhã, hào hoa như Kim Trọng, những con người tầm thường trong khuôn phép tầm thường như Thuý Vân, Vương Quan, những con người biết yêu, biết khóc nhưng không dám hành động như Thúc Sinh, những viên quan lừng chừng như viên tri phủ, những vị trọng thần “mặt sắt cũng ngây vì tình” như Hồ Tôn Hiến…
Nhưng điểm đáng nói ở đây là dường như Nguyễn Du đã nhìn thấy sự suy sụp cùng với cái nền tảng phong kiến của Đạo Nho. Cương thường đạo lí đã không còn sức hấp dẫn nữa, chữ “mệnh” không còn hào quang của một miền xa lạ nào để cho tâm hồn phiêu diêu, không đập mạnh vào trí tưởng tượng và cảm quan tôn giáo của con người. vì thế mà những quan điểm Nho giáo chỉ là những nhận xét mơ hồ. Nguyễn du đã viết và lợi dụng chỗ sơ hở ấy của triết lí đạo Nho để đay nghiến và oán trách chữ “mệnh”
Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi
Đồng thời ông đã vận dụng và dùng triết lí của đạo phật để lí giải. Đạo phật đã bổ sung cho đạo Nho ở chỗ nó dựa trên luật nhân quả để kết án cá nhân. Là tự mình gieo cái mầm khổ cho mình ngay từ kiếp trước nên tự mình phải chịu lấy quả khổ ở kiếp nầy
Kiếp xưa đã vụng đường tu
Kiếp này chẳng phải đền bù mới xuôi
Đây có lẽ là sự kết hợp độc đáo nhất trong quan niệm và tư tưởng của một nhà thơ thời trung đại.
2.2.2 Về tư tưởng nhân đạo
Có thể nói , Nguyễn Du là người đã phát triển đến đỉnh cao về tư tưởng nhân đạo trong thơ ca dân tộc. Ông vừa tiếp thu truyền thống nhân đạo dân tộc mà vừa phát triển nó. Tư tưởng nhân đạo đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước với những nhà nhân đạo lỗi lạc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du đã được phát triển và nâng lên thành đỉnh cao. Trong những thế kỷ trước các nhà tư tưởng thường quan tâm đến “đại cục”, vấn đề nhân đạo thường được gắn trong quan hệ vua – dân. Phản ánh những mảnh đời, số phận đau khổ của nhân dân là để đánh động với vua, có những chính sách để “trị quốc an dân”. Đến Nguyễn Du, ông đồng cảm, thương xót với những kiếp người tài hoa nhưng bạc mệnh như những con hát ở Long Thành cô cầm trong “Long Thành cầm giả ca”, Đạm Tiên, Thuý Kiều trong Truyện Kiều. Nguyễn Du luôn quan tâm tới cuộc đời, tới con người, đến con người khắp cõi nhân gian, cõi người đó là “Thập loại chúng sinh”, những tầng lớp dưới đáy xã hội. Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du đã hướng thực sự đến những thân phận nhỏ bé trong xã hội. Ông đồng cảm thật sự với những bi kịch mà họ trải qua. Từ một cá nhân điển hình, ông đã nâng lên thành những thân phận có tính chất phổ quát. Có thể khẳng định đó là một tình cảm phi giai cấp. Tiếng nói của Nguyễn Du còn là sự phê phán, lên án xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống con người.