Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

13/01/2021 19:59:53

Trình bày những hiểu biết của em về đền Hát Môn (thờ 2 Bà Trưng)

trình bày những hiểu biết của em về đền Hát Môn ( thờ 2 Bà Trưng)

3 trả lời
Hỏi chi tiết
1.003
1
4
Nguyễn Anh Minh
13/01/2021 20:00:33
+5đ tặng

Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 25km về phía Tây Bắc, đền Hai Bà Trưng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) là di tích lịch sử lớn nhất và lâu đời nhất thờ hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc ta. Theo người dân địa phương, ngay sau khi Hai Bà tuẫn tiết trên sông Hát (năm 40 TCN), nhân dân Mê Linh đã lập đền thờ trên chính nền nhà cũ của Hai Bà. Hơn hai nghìn năm tồn tại, đền đã trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử.

Ban đầu, đền được dựng lên bởi tranh tre, nứa lá. Đến thời nhà Đinh (970- 979) được xây dựng lại bằng gạch và lợp ngói. Vào đời vua Lý Thái Tông, đền được trùng tu và xây dựng với diện mạo như ngày nay.

Lần trùng tu và xây dựng này gắn liền với truyền thuyết Hai Bà hiển thánh còn ít người biết đến. Chuyện kể rằng vào đời vua Lý Thái Tông, khắp vùng Đại La hạn hán, đời sống nhân dân cực khổ. Để cứu nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, vua đã lập một đàn tế, cầu cho mưa thuận gió hòa. Lời thỉnh cầu ứng nghiệm, mưa rơi khắp vùng.

Đêm hôm đó, Vua đang ngủ thì mơ thấy xuất hiện hai người con gái, đầu đội mũ hoa, cưỡi ngựa hồng, tự xưng là chị em Trưng Vương, vâng mệnh trời xuống giúp dân.

Để cảm tạ hai nữ thánh, vua Lý Thái Tổ đã cho lập đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) thờ nhị vị nữ tướng đồng thời cho tu bổ và xây dựng đền Hai Bà ở Mê Linh.

Đền thờ hai vị nữ anh hùng còn gắn liền với một câu chuyện thú vị. Vào triều nhà Lê, có một vị quan đại thần, quê ở xã Yên Lãng (Mê Linh) đi qua cổng đền không chịu xuống ngựa, vì thế, Hai Bà liền đánh ngựa phủ phục. Tức giận, vị quan này đã bắt xoay lại hướng đền về phía Tây Bắc để mỗi khi ông vê quê thì không phải xuống ngựa. Năm 1889, vua Thành Thái cho trùng tu đền với quy mô lớn và xoay lại đền theo hướng Tây Nam như ngày nay.

Để đến với Khu di tích Đền Hai Bà, từ trung tâm Hà Nội, du khách có thể tự đi theo hướng cầu Thăng Long - Quốc lộ 23 hoặc bắt xe buýt số 35 tuyến Trần Khánh Dư - Mê Linh, sau đó đi khoảng 1,5km là tới.

Hơn một thế kỷ trôi qua, đền Hai Bà ít nhiều bị mai một. Năm 2004, công trình kiến thúc này được tôn tạo, mở rộng. Hiện nay, quần thể khu di tích đền Hai bà có diện tích lên đến 11 ha, nằm ven đê sông Hồng, bên cạnh những cánh đồng hoa hồng bát ngát. Khu di tích gồm 11 công trình kiến trúc như Tam quan ngoại, Tam quan nội, Tam tòa chính điện, nhà thờ thân phụ mẫu Hai Bà Trưng, thờ thân phụ mẫu ông Thi Sách, nhà thờ các nữ tướng, nam tướng, nhà Tả mạc, nhà Hữu mạc, hồ Bán Nguyệt, hồ Mắt Voi. Ngoài ra còn có gác chuông, gác trống và sân vườn là nơi du khách nghỉ ngơi, thư giãn.

Vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm, người dân Mê Linh tổ chức lễ hội để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến hai người con gái quê hương, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công dẹp giặc cứu nước. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân lớn của dân tộc, mang nhiều nét cổ truyền với những trò chơi dân gian như đánh đu, đập niêu đất, đấu vật…

Mỗi năm, khu di tích đền Hai Bà thu hút hàng vạn du khách thập phương, chủ yếu là người hành hương và học sinh, sinh viên từ mọi miền tổ quốc. Đến với đền Hai Bà, bên cạnh việc thắp hương cầu nguyện, du khách còn được tìm hiểu lịch sử, văn hóa, được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, khoáng đạt, để thấy lòng mình nhẹ nhàng, thư thái.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
3
Nguyễn Thành Trương
13/01/2021 20:00:37
+4đ tặng

Đền Hát Môn, còn gọi là đền Quốc tế, đền Hai Bà Trưng, thuộc địa bàn xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Theo một số tài liệu ghi lại, vùng Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu. Đây cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại.

 

Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt. Đền quay hướng Tây Nam gồm các công trình kiến trúc chính: quán Tiên, miếu Tạm ngự, nghi môn, nhà phương đình, đàn Thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, gò Giấu ấn, nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, nhà khách, khu phụ…

Quán Tiên: là một kiến trúc nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền kiểu vòm cuốn, có mái đao cong, nền cao hơn mặt đường 45cm, tạo ba bậc lên nền quán. Theo cuốn thần tích của làng chép lại, thì nơi đây vốn là quán hàng bán bánh trôi nước. Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng hội tại đàn Thề, bà hàng bánh trôi đã dâng cả gánh bánh để Hai Bà ăn trước khi ra trận dẹp giặc. Ngôi quán nhỏ này được dân làng dựng lên để tưởng nhớ công ơn đối với bà hàng bánh trôi.

Miếu Tạm ngự: nằm phía trước bên phải đền chính, có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế ba gian, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Các bộ vì kết cấu kiểu vì “giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên”. Toà hậu cung ba gian, xây nối liền với tiền tế, hệ vì đỡ mái có kết cấu tương tự nhà tiền tế. Phía trước mở hệ thống cửa kiểu bức bàn. Công trình kiến trúc này là nơi tạm ngự của Thánh Bà. Khi mùa nước lũ hàng năm, khu đền chính bị ngập, dân làng rước tượng, ngai thờ và toàn bộ đồ thờ tự của đền về đền Tạm ngự, hết mùa nước lũ lại rước Thánh hoàn cung.

Nghi môn ngoại: có niên đại khởi dựng vào thời Nguyễn, được làm theo kiểu tứ trụ xây gạch, đỉnh trụ đắp nổi hình tứ phượng, lân. Phần lồng đèn đắp nổi hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Thân trụ có câu đối chữ Hán. Từ nghi môn theo triền đê xuống là khu đền chính, bên phải có hồ nước, giữa hồ có nhà thủy đình (phương đình) mới xây dựng gần đây. Bên trái đường trên mặt đê là nhà tưởng niệm  nữ tướng - nữ anh hùng Nguyễn Thị Định.

Đàn Thề: được xây dựng mới ở phía trước cổng tam quan, cột đá thề được tạo kiểu trụ hình tháp, bốn mặt có khắc chữ Hán, đặt trên nền cao hơn mặt sân 65cm, trổ năm bậc lên, mặt hướng vào đền khắc nội dung lời thề của Hai Bà Trưng. Bao quanh đàn thề là tường bao lửng, phía ngoài đặt các tượng voi và ngựa bằng đá.

Nghi môn: gồm ba gian kiểu chồng diêm, hai tầng mái. Ba cửa vào đền làm kiểu ván bưng. Các bộ vì đỡ mái được kết cấu theo dạng “giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên”, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch Bát.

Nhà bia: hai nhà bia được xây ở vị trí phía ngoài dãy nhà tả/ hữu mạc, trên nền cao hơn mặt sân 30cm, kiểu phương đình, mái lợp ngói ta, bốn đầu đao tạo cong vút.

Tả/ hữu mạc: mỗi dãy năm gian chạy dọc theo sân đền, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, các bộ vì đỡ mái kết cấu dạng “giá chiêng, hạ kẻ”, được đặt lên tường bổ trụ trốn một hàng cột.

Nhà đại bái: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường, cốn mê, bẩy hiên”, hoành mái phân “thượng tam - hạ tứ”, mái lợp ngói ri, nền lát gạch Bát. Trang trí trên kiến trúc tập trung dày đặc ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió dưới dạng chạm nổi, chạm lộng …, với các đề tài rồng, tứ linh. Đây là sản phẩm nghệ thuật từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Gian giữa treo hoành phi, các cột cái đều treo câu đối ca ngợi công đức Hai Bà.

Tiền tế: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, nền nhà cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh bó gạch vỉa, các bộ vì kết cấu“thượng rường giá chiêng, hạ bẩy hiên”.

Hậu cung: gồm ba gian, xây trên nền cao hơn mặt sân, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Phần mái của tòa này được nối với tòa trung đường qua phần mái của nhà cầu. Bộ khung gỗ đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo dạng “chồng rường”. Trang trí trên kiến trúc này chủ yếu là phượng. Gian giữa cung cấm được tạo một khám gỗ bưng kín bằng các ván gỗ, là nơi thờ Hai Bà.

Nhà khách: gồm năm gian, kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì đỡ mái tạo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên” cột trốn.

Gò Giấu Ấn: ở phía sau hậu cung đền. Tương truyền, đây là dấu tích nơi Hai Bà Trưng cất giấu ấn tín trước lúc rút quân hoá thân về cõi vĩnh hằng ở cửa sông Hát. Hiện nay, gò Giấu Ấn được bó vỉa, xây tường gạch bao quanh.

Đền Hát Môn còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về văn hoá, lịch sử, gồm: 293 di vật, cổ vật với nhiều chủng loại và phong phú chất liệu, như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy, kim loại... có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn đến nay.

Hội đền Hát Môn được tổ chức hằng năm vào ngày 6 tháng 3 (Âm lịch), với các nghi lễ và trò diễn dân gian thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Đặc biệt, tục làm bánh trôi và lễ rước bánh trôi dâng Hai Bà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của vùng đất này.

Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Đền Hát Môn được chọn làm nơi sinh hoạt, luyện tập của dân quân du kích địa phương. Những sự kiện lịch sử và hệ thống di tích quanh vùng sông Hát góp phần làm giàu thêm nội dung và tôn cao giá trị của đền thờ Hai Bà Trưng.

Với những giá trị đặc biệt, di tích Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).

3
1
Esther
13/01/2021 20:02:13
+3đ tặng
Đền Hát Môn - Di tích quốc gia đặc biệt của Thủ Đô

QĐND Online - Được biết đến là một trong ba ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lớn nhất và lâu đời nhất ở nước ta, Đền Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội là nơi mang nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng của Hai Bà Trưng - 2 vị nữ tướng hào kiệt, những người đã làm rạng danh truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam.

Di tích Đền Hát Môn là một quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng ở phía Bắc làng cổ, trên một khu đất có thế "long chầu hổ phục", phía trước là gò con rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả. Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt. Ông Kim Thanh Khang, Thường trực Ban Bảo vệ Di tích Đến Hát Môn kể: Sử sách ở làng còn ghi, sau khi 2 bà mất, dân làng lập ngôi đền bằng tranh tre nứa lá để thờ. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền có diện mạo như ngày nay. Ngôi đền gắn với 3 điển tích: Hai Bà Trưng đã chọn đất này là nơi dựng cờ khởi nghĩa; sau khi chiến thắng, Hai Bà về đây khao quân và tắm gội sạch sẽ để xưng Vương; nơi đây cũng là nơi Hai Bà đã gieo mình xuống dòng sông Hát để bảo toàn tiết hạnh của người con gái.
Cho đến nay, ngôi Đền vẫn được bảo tồn với các hạng mục: Quán Tiên, cổng Tứ trụ, Nghi môn, Đại bái, nhà Thiêu hương, Hậu Cung, nhà Tạm ngự, nhà Ngự dội (Mộc dụng), sân rồng, nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định và không gian lễ hội rộng lớn. Trong đó, hạng mục kiến trúc được quan tâm nhất là Đại bái - đền thờ chính được dựng theo kiểu tiền nhất, hậu đinh. Nhà Thiêu hương và Hậu cung phía trong đều được làm chồng diêm hai tầng mái, tường hồi bít đốc. Nổi lên trong kiến trúc Đền Hát Môn là những mảng chạm khắc tinh xảo. 

Cùng kiến trúc độc đáo, trong đền còn lưu giữ rất nhiều di vật quý và có giá trị lịch sử như: Đôi kiệu song loan, nhiều đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối, đại tự cổ do các quan chức, nhân sĩ trong vùng tỏ lòng bái ngưỡng Hai Bà (hiện đã được dịch ra chữ quốc ngữ để du khách có thể hiểu). Trong Hậu cung có tượng Hai Bà theo nguyên bản ngày xưa các cụ để lại và bài vị của Hai Bà từ ngày bắt đầu thành lập đền. Điều đặc biệt ở ngôi đền này là đồ thờ cúng đều màu đen, tuyệt đối không được màu đỏ. Ngày xưa các cụ cấm màu hoa đào vì tương truyền màu hoa đào là màu máu. Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ 6 bia đá, 22 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.

Theo ông Kim Thanh Khang: Di tích Đền Hát Môn khác với 2 di tích ở Mê Linh và Đồng Nhân. Mê Linh chỉ là nơi đóng đô, còn Đồng Nhân là nơi sau khi Hai Bà thác đi, nhân dân ở Đồng Nhân vớt Hai Bà lên thờ phụng, nên ở đó có bức tượng Hai Bà có chữ “Đồng Nhân phụng sự”. Còn một di tích nữa ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũng thờ Hai Bà Trưng. Khi Hai Bà rút quân về đó được nhân dân đón tiếp, mở tiệc chiêu đãi Hai Bà và quân sĩ, Hai Bà mới đặt cho tên là Phụng Công (phụng chỉ công lịch). Trên đất nước ta có rất nhiều nơi thờ Hai Bà Trưng nhưng di tích ở đây là di tích xảy ra 3 sự kiện lớn: Hai Bà mất, tế cờ khởi nghĩa và tắm rửa sạch sẽ để xưng Vương. Bởi thế, trong số những đền thờ được lập nên để tưởng nhớ công lao của 2 nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị, đền Hát Môn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn và những câu chuyện lịch sử giá trị nhất về khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Để tỏ lòng tri ân và tôn kính đối với Hai Bà Trưng, theo truyền thống địa phương, hằng năm nhân dân Hát Môn tổ chức ba lễ hội vào các ngày mùng 6 tháng 3 (ngày hóa của Hai Bà), ngày mùng 4 tháng 9  (ngày tế cờ khao quân khởi nghĩa), ngày 24 tháng Chạp (ngày Hai Bà mộc dục - tắm gội, xưng Vương, sau đó về đóng đô ở Mê Linh), trong đó Lễ hội ngày mùng 6 tháng 3 là lễ hội lớn nhất với những nét riêng, độc đáo. Lễ hội mùng 6 tháng 3, vật phẩm là bánh trôi nước bởi trước khi hai bà gieo mình xuống sông tuẫn tiết, hai bà đã ăn ở quán bà hàng nước mỗi bà một đĩa bánh trôi.

Theo phong tục, hằng năm dân làng đều chọn một gia đình con cháu đề huề, đủ vợ đủ chồng làm nhà chứa lễ để các cụ trong Ban tu lễ đến làm bánh trôi dâng cúng Hai Bà. Sau khi tế xong, từ 10 giờ trở đi dân làng mới được ăn bánh. Ông Kim Thanh Khang chia sẻ: Ở địa phương có quan niệm, con gái nơi khác về làm dâu nơi đây hoặc con gái ở đây lấy chồng nơi khác tuyệt đối không được ăn bánh trôi trước 10 giờ ngày 6-3 và chỉ ăn cho đến khi cúng cơm mới (ngày 5 tháng 5) để tỏ vẻ tôn kính với Hai Bà, đó là lệ làng từ xưa đến giờ.

Hằng năm, Đền Hát Mồn đều đón du khách thập phương, khách quốc tế, các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước đã về đây dâng hương, báo công, tưởng nhớ Hai Bà.

Với những giá trị lịch sử như vậy, năm 1964, Đền Hát Môn được Bộ văn hóa xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cuối năm 2013 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Lịch sử Lớp 8 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo