LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Những nhận định hay về Nguyễn Tuân và tùy bút Người đò sông Đà

Những nhận định hay về Nguyễn Tuân và tùy bút Người đò sông Đà

3 trả lời
Hỏi chi tiết
25.530
20
4
Thời Phan Diễm Vi
07/02/2021 19:41:34
+5đ tặng

  Cảnh vật và cuộc sống của bất cứ vùng đất nào khi được chọn lựa để trở thành đối tượng tùy bút của Nguyễn Tuân thì nó y hệt một hạt ngọc. Hạt ngọc này được một người nặng hồn với sông núi, nước non, cộng với sự tài hoa, được mệnh danh là nhà kĩ thuật ngôn từ, những nhận xét tình tế mài dũa, tỉa tót. Chúng trở thành những địa danh, những nơi chốn đáng tự hào của Tổ quốc, đất nước Việt Nam. Tùy bút "Sông Đà" với "Người lái đò sông Đà" chính là một trong những hạt ngọc đó, một hạt ngọc Tây Bắc giàu có về tài nguyên với sự bài trí tuyệt vời: núi sông diễm lệ, hoa trời, đá, thác. Đặc biệt với dòng Đà giang: Tuôn dài như một áng tóc trữ tình... ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo với chất vàng mười của nó là vẻ đẹp của con người Tây Bắc, đã thực sự gây những ấn tượng vừa thật thiết tha với thật nhiều cảm xúc thấm mĩ.

     Rõ ràng, với Sông Đà, Nguyễn Tuân đã chứng tỏ sự hội nhập của một nhà văn đã từng "Vang bóng một thời" với cách mạng, với thời đại. Ở đó, vẫn là một Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác có thiên hướng thể hiện những ấn tượng đậm nét mãnh liệt, tô đậm cái phi thường nơi những cái bình thường, những con người bình dị. Ở đó, vẫn là dáng vẻ của một nét bút cẩn thận đến chính xác từng từ, từng chữ, từng câu. Ở đó, vẫn là một Nguyễn Tuân với sức liên tưởng đa dạng đến phong phú, sắc sảo.

    Mở đầu tùy bút là hình ảnh Đà giang với những biến đổi, những tiết tấu có khi trái ngược. Địa hình, sự bày biện của tạo hóa làm nên một sông Đà kì vĩ, đẹp với sự hung bạo mãnh liệt. Và một sông Đà lặng lờ, hoang vắng, đẹp như một áng tóc trữ tỉnh, hồn nhiên, mơ mộng, cổ kính như một bài Đường thi. một nỗi niềm cổ tích. Với Nguyền Tuân, khúc hát sông Đà là khúc hát dịu của bản tinh ca Tây Bắc đắm say lòng người, vừa là khúc quân hành, điệu trầm hùng, sôi nổi của một nhịp hành quân, ở cả hai góc độ, vẻ đẹp sông Đà đều được đôi mắt tinh tế, bàn tay điệu nghệ của Nguyễn Tuân tái hiện một cách sáng tạo, đầy ngẫu hứng.

 

    Khi nhìn sông Đà ở chặng dữ dội, hung bạo nhất của nó, ông khái quát một liên tưởng đầy hình ảnh, bất ngờ gợi ấn tượng. Đó là một sông Đà có tâm địa của một bà mẹ kế. Để làm rõ tính chất này, ông đã tập trung bút lực với rất nhiều những cách thức, những biện pháp liên tưởng nghệ thuật từ nhân hóa đến ẩn dụ, từ cường điệu đến so ánh, ví von, lối mô tả gây ấn tượng để đặc tả thác, đá sông Đà. Thác, đá sông Đà nhờ vậy hóa thân thành những chứng nhân sinh động nhất về một sông Đà hung bạo. Đầu tiên là âm thanh của thác nước với thật nhiều những cung bậc. Khi thì có giọng oán trách, khi van xin, khi khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi, khi bị chặn bởi những thác đá, thác nước rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuôn rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng. Rõ ràng việc cá nhân như vậy không thể là việc nhận của một người chỉ một sớm một chiều ở với sông Đà. Cảm nhận đầy màu sắc, âm điệu đó chỉ xuất phát, từ trái tim yêu sông Đà tha thiết, đầy quý trọng của Nguyễn Tuân. Sinh thời, ông vốn thích ngao du tới sơn cùng thủy tận. Sông Đà với đá thác của nó đã thực sự hấp dẫn ông. Ta hãy nghe ông tả núi sông Đà. Đó quả là một bức tranh hoành tráng, đầy cung bậc: Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông... Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó. Đá như bày thạch trận trên sông. Có thể nói đây là đoạn thể hiện rõ nhất phong cách miêu tả cùa Nguyễn Tuân. Ông vận dụng tổng hợp các tri thức từ quân sự đến võ thuật, từ cách nhìn của điện ảnh đến mĩ thuật, vẽ ra trước mắt ta một trận thủy chiến giữa đá và thuyền đầy ấn tượng dữ dội và bội phần sinh động, lột tả được đỉnh điểm chất hung bạo sông Đà. Chẳng hạn thạch trận dày bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn đá bệ vệ phong lẫm liệt... Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đem rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Đoạn văn thể hiện một trí tưởng tượng với sức liên tưởng thật phong phú. Ở đây, tâm hồn ông như bay lượn bằng đôi cánh mênh mông của tưởng tượng. Thế nhưng, dù vậy, nó không tùy tiện. Nó được bắt nguồn từ sự quan sát sự vật một cách chính xác, tỉ mỉ, tường tận đến từng chi tiết. Sóng nước được liên tưởng thật phóng khoáng, thật sáng tạo bằng hình ảnh: như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối vào bụng, vào hông thuyền. Nước xô thuyền thì giống như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thạch la nạo bạt… Lối liên tưởng, so sánh, tưởng tượng đó mang dấu ấn Nguyễn Tuân đến không thể lẫn lộn. Đó là cái rất Nguyễn Tuân thể hiện đến mức đậm trong hình ảnh một dòng sông Đà hung bạo.
    Ở góc độ thứ hai, tác giả hình dung nó tuôn dài như một áng tóc trữ tình. Giọng văn ở đoạn này êm đềm, mượt mà như một bài Đường thi cổ điển. Tác giả gọi đó là sự gợi cảm cổ nhân. Lần lượt, từ nhiều góc độ, ẩn hiện một dòng Đà giang đẹp đến mức hoang tưởng. Một sông Đà của mùa xuân cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Lúc đó, sông có màu xanh ngọc bích (chứ không phải màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô). Sang thu, sông Đà lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn, bực bội (...) bầm đi vì rượu bữa.

    Đặc biệt, trong cảm nhận thẩm mĩ của ông, sông Đà bộc lộ nét trữ tình sâu lắng nhất là vẻ yên lặng đến hoang sơ của dòng sông, vẻ đẹp hoang dại, cổ tích đó được nhân lên bằng chất thơ, trí tưởng tượng của Nguyễn Tuân. Bằng niềm thương vô hạn cùa một trái tim nghệ sĩ và trí tuệ của một nhà khảo cổ học, Nguyễn Tuân nửa như muốn lưu giữ lại tất cả những gì gọi là nguyên thủy của dòng sông lại nửa muốn có một đổi thay văn minh nào đó cho vùng đồi núi hoang sơ này.

    Ta hãy nghe đoạn văn có thể nói là hay nhất, mẫu mực của một người suốt đời tìm kiếm cái đẹp. Đoạn văn như ngọt mềm, tan trong đầu lưỡi cùa những người cảm nhận. Nếu để ý kĩ sẽ thấy dù là văn xuôi, Nguyễn Tuân cũng rất chú ý đến cấu trúc bằng - trắc để tăng nhạc điệu, tạo cảm giác mềm mại để bộc lộ chất thơ, chất trữ tình của sông Đà: Thuyền trôi trôi trên sông Đà, sáu thanh bằng cộng tới từ "trôi" khiến cho sông như tăng thêm vẻ hoang dại, êm đềm đến sương khói. Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng lờ. Hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô. Mới nhú nên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những non búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một  tiếng còi xúplê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên mũi đò. Hươu vểnh tai nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi mình bàng cái tiếng nói riêng của lành: Hỡi ông khách sông Đà, co phải ông vừa nghe thấy một tiếng còi sương. Ví bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, hồn nhiên như một niềm cổ tích ngày xưa… là những cách ví đầy sáng tạo của một bậc kĩ thuật ngôn từ đầy dụng công trong bút pháp. Cảm nhận như vậy, trước kia cũng là cảm nhận của người thơ một lần đến với sông Đà. Vâng! Đó là Tản Đà. Và trong cái dòng biệt li tuôn dòng lệ kia ở "Thề non nước" có nét nào của sông Đà một lần hội ngộ không?

Dải sông Đà bọt nước lênh đênh

 Bao nhiêu cảnh, bấy nhiêu tình

   Trong bối cảnh ấy, với tấm lòng biệt nhỡn liên tài, Nguyễn Tuân đã dựng lên trên sông Đà một tượng đài kì vĩ đến thách thức hóa công. Với bút pháp của mình,trên dòng sông có khi dữ dội đến tàn bạo, khốc liệt, hiện lên sừng sững dáng vẻ của người lái đò Lai Châu. Bằng chính bàn tay khối óc và trái tim, những vết sẹo được Nguyễn Tuân liên tưởng là những tấm huy chương chiến công, người lái đò đã trở thành những người nghệ sĩ tài hoa. Người nghệ sĩ ấy đã chấm những nét lỗi lạc nhất của mình trên bức tranh hoành tráng sông Đà và dưới con mắt của người luôn muốn phát hiện vẻ đẹp, chất tài nghệ thuật nơi những cuộc đời đôi khi bình dị đến bình thường. Nguyễn Tuân đã mô tả cuộc vượt thác của người lái đò như một là một viên dũng tướng trận tiền, lao vào sinh tử bát quái của trận đồ đá thác, dữ dội, khốc liệt. Ở đây, ta gặp lại Nguyễn Tuân ở "Vang bóng một thời", "Chùa Đàn",... Rõ ràng, chủ nghĩa duy mĩ của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám là một kiểu duy mĩ không biên giới, không giai cấp. Nguyễn Tuân nhận ra ở người đao phủ nghệ thuật chém treo ngành trác việt. Lại nhận ra bút lực, thiên lương nơi tù tội. Chiêu tuyết lãng mạn cho một người phải hành khất vì thú uống trà. Cái ngón bút chì ma quái của một gã cướp ngang tàng... và với cảm hứng ngợi ca người lái đò Lai Châu, đây cũng là dịp để tài hoa của Nguyễn Tuân trổ những đường khắc chạm. Dù vậy, điểm đáng quý ở đây, Nguyễn Tuân không rơi vào kiểu duy mỹ có khi hơi cực đoan, chói tai trước Cách mạng. Hành trình ấy đã có một lối rẽ để hòa nhập với thời đại. Qua cuộc đời của người lái đò vô danh nhưng nghệ sĩ, tài hoa trên thác đá sông Đà, Nguyễn Tuân muốn khẳng định rằng: chủ nghĩa anh hùng không chỉ có ở chiến trường. Nó ẩn hiện trong mỗi người, ở cuộc sống đời thường mà vì mưu sinh họ phải đối mặt đàm tâm với thiên nhiên. Chủ nghĩa duy mĩ đó của Nguyễn Tuân sau Cách mạng chính là một cách nói khác, cách nói của Nguyễn Tuân về một thứ chủ nghĩa anh hùng cách mạng đang nở rộ từng ngày, từng giờ trên từng thớ đất Việt Nam. Đó là chất vàng mười nuôi dưỡng và sản sinh ra không biết bao người đổ mồ hôi, nước mắt vì Tố quốc này.

   Tônxtôi có nói rằng: Khi một nhà văn mới xuất hiện, câu đầu tiên mà tôi hỏi anh ta là, anh đã mang được gì mới cho văn học. Nguyễn Tuân không phải là một nhà văn mới, nhưng những đóng góp của ông cho nền văn học cách mạng còn non trẻ là những đóng góp của kẻ mở đường. Ông đã đặt niềm sáng cho một dòng tùy bút mà sau nay sẽ tuôn chảy bất tận - dòng tùy bút mà cảm hứng trữ tình chủ yếu là ngợi ca đất nước, con người Việt Nam. Và chính ông với với Sông Đà, đã chứng minh rằng, có một vẻ đẹp chính ở những nơi những con người giản dị, bình tâm. Có một thứ chủ nghĩa anh hùng nơi những cuộc sống đời thường. Họ góp phần tạo nên vẻ hoành tráng, sự đa dạng của nghĩa anh hùng Việt Nam thời đại mới, nói như Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca "Mặt đường khát vọng":

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
13
6
Anh Đào
07/02/2021 19:43:07
+4đ tặng

Ðây là một nhà văn “suốt đời đi tìm cái Ðẹp, cái Thật” (Nguyễn Ðình Thi), tự nhận mình là người “sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”.

“Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa”
(Nguyễn Ðăng Mạnh)
Tác phẩm gần đạt đến độ “toàn thiện toàn mỹ” ấy (Vũ Ngọc Phan) góp phần đưa nghệ thuật văn xuôi Việt Nam phát triển thêm một bước mới trên con đường hiện đại hóa. “Vang bóng một thời” vẽ lại những cái “đẹp xưa” của thời phong kiến suy tàn, thời có những ông Nghè, ông Cống, ông Tú thích chơi lan chơi cúc, thích đánh bạc bằng thơ hoặc nhấm nháp chén trà trong sương sớm với tất cả nghi lễ thành kính đến thiêng liêng. […] “Vang bóng một thời”, vì thế, có thể được xem như một bảo tàng lưu giữ các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Giáo sư Nguyễn Ðăng Mạnh có nhận định : “Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài hoa bất đắc chí của những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Ðà,… và trực tiếp hơn là cụ Tú Lan, thân sinh nhà văn ; vừa mang dáng vẻ hiện đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lý nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lý siêu nhân, quan niệm về con người cao đẳng, thuyết hiện ..”

Ông xứng đáng được mệnh danh là “chuyên viên cao cấp tiếng Việt”, là “người thợ kim hoàn của chữ” (Ý của Tố Hữu), Tinh thần tự nguyện dấn thân, bám trụ ở thành trì cái Ðẹp là biểu hiện sinh động của một nhân cách văn hóa lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân “đặc Việt Nam” (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan) từ quan niệm cho tới thực tế sáng tác.

“… Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ… Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ…”. (Phan Huy Đông, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng).

“… Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác, mà là một sinh thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau như tác giả nói – “hung bạo và trữ tình…” .

10
8
Long
07/02/2021 20:46:13
+3đ tặng

Sông Đà (1960) là một mốc son trong lộ trình nửa thế kỉ sáng tác, đánh dấu bước chuyển quan trọng của nhà văn Nguyễn Tuân đi từ thế giới của cái “tôi” đến thế giới của cái “ta”. Hay nói như nhà thơ Pháp p. Êluya “Từ chân trời một người đến chân trời tất cả”. Người lái đò Sông Đà (Trích, SGK Ngữ văn 12) là một trong những thiên tùy bút xuất sắc, thêm một lần nữa khẳng định phong cách tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Đã có nhiều bài viết về Người lái đò Sông Đà từ các phương diện nội dung đến hình thức. Có thể nói, Nguyễn Tuân đã được độc giả tinh hoa và giới phê bình tiếp cận một cách khá toàn diện và sâu sắc. Tuy nhiên văn chương (nghệ thuật ngôn từ) là nói mãi không cùng. Một tác phẩm văn chương thành công chính là nó để lại những ấn tượng khó phai mờ, những liên tưởng sâu xa, hơn thế là những ám ảnh nghệ thuật, những phát hiện liên thời gian và không gian.

Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân có ba yếu tố ưu trội: con người – thiên nhiên – ngôn từ. Hai yếu tố đầu nhiều nhà phê bình đã phân tích rất kĩ càng. Nhưng thiết nghĩ, ngôn từ như một yếu tố ưu trội trong sáng tác của Nguyễn Tuân nói chung, Người lái đò Sông Đà nói riêng, có thể vẫn còn khoảng rộng để chúng ta tiếp tục thăm dò, phát hiện. Nói Nguyễn Tuân là một bậc thầy ngôn từ văn chương không có gì quá. Thậm chí có người còn thích sử dụng từ “xảo thủ”, hơn thế là một “phù thuỷ” khi nói về biệt tài “điều khiển chữ nghĩa” của nhà văn.
 

Đọc Người lái đò Sông Đà một cách kĩ càng rồi ngẫm ngợi – từ góc nhìn văn hóa – sẽ thấy cái nhã thú văn chương mà nhà văn neo vào lòng ta. Neo vào lòng ta cái đẹp cuộc sống, cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp con người. Đã đành. Nhưng những cái đẹp đó đi qua, lọc qua, thẩm thấu, ánh lên qua ngôn từ. Không phải là tất cả, mà độc giả tinh hoa và giới phê bình có con mắt xanh đều nhận ra “tính nhịp điệu” trong văn xuôi Nguyễn Tuân. Định nghĩa “Nhịp điệu” (tiếng Pháp – rythme) khá đầy đủ trong sách Từ điển thuật ngữ văn học (Nhiều tác giả, NXB Giáo dục, 2004). Chúng tôi chú ý đến phần tường giải gắn với văn xuôi: “Trong văn xuôi, nhịp điệu của tổ chức lời văn được hình thành trên cơ sở sự phân tách văn bản thành chương, hồi, đoạn. Câu văn dài, ngắn, khúc khuỷu được lặp lại cũng tạo nên nhịp điệu cảm nhận đời sống” (tr.238).

Mối quan tâm của chúng tôi chính là kiến trúc của câu văn để tạo nên nhịp điệu văn xuôi trong Người lái đò Sông Đà. Trong nhiều bài viết về Nguyễn Tuân, chúng tôi nhận thấy đa số các ý kiến tập trung bàn về tính chất tạo hình của câu văn. Đúng nhưng chưa đủ. Một lần đọc Nguyễn Minh Châu viết về Nguyễn Tuân, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một nhận định: “Đọc lại Sông Đà của Nguyễn Tuân, câu văn Nguyễn Tuân viết như đem vật từng tảng đất trên trang giấy. Từng termes dans la phrase có cái chất uy nghi chung của hình thức như cái đỉnh ba chân cao đặt trước sân rồng. Nói chung câu văn Nguyễn Tuân câu nào cũng nặng, nhịp điệu nặng vì thế nếu ý mà nhẹ, nhẹ tếch đi là chết. Câu văn của ông ta cũng như khổ người của ông ta nặng nề, chậm một cách đủng đỉnh, bệ vệ và uy nghi, vì thế khi cái nội dung bên trong khuyết đi ít nhiều, chỉ cần ít nhiều, là thứ văn Nguyễn Tuân bị hẫng” (Nguyễn Tuân – Tác phẩm và dư luận, NXB Văn học, 2002, tr.223). Nhiều bạn đọc lấy làm thích thú vì những chữ “nhịp điệu nặng” mà Nguyễn Minh Châu phát hiện, dùng để nói về nhịp điệu văn xuôi Nguyễn Tuân. Có thể điều này ứng cả vào Người lái đò Sông Đà? Chúng ta thử đọc lại một số câu văn, như cách nói của Nguyễn Minh Châu, để cảm nhận cho tường tận và thấu đáo cái “nhịp” điệu nặng” trong văn xuôi Nguyễn Tuân: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung tít lên như tuyếc – bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông”. Nói văn Nguyễn Tuân có cái “nhịp điệu nặng” có thể vì câu văn của ông thường tầng tầng lớp lớp, bề bộn chữ, nặng trĩu ý, đa tầng nghĩa. Có người nói quá đi là nhà văn thích bày biện câu chữ. Có lẽ nói như Nguyễn Minh Châu thì đúng hơn, mỗi khi viết nhà văn như một thợ đấu “vật từng tảng đất trên trang giấy”.

Nhưng nếu nói văn Nguyễn Tuân chỉ thuần những “nhịp điệu nặng” thì cũng chưa thấu đáo, toàn diện. Một nhà văn tài năng như Nguyễn Tuân quyết không bao giờ để văn mình trở nên đơn thuần, đơn giản, đơn điệu. Nên nhớ là con Sông Đà trong mắt Nguyễn Tuân mang đặc tính kép “hung bạo và trữ tình”. Vì thế khi viết về sự “hung bạo” của nó, tất nhiên câu văn mang “nhịp điệu nặng”. Nhưng còn một Sông Đà trữ tình, chả nhẽ nhà văn cứ thế áp mãi vào cái “nhịp điệu nặng”? Chúng tôi thấy nhà phê bình văn học Phan Huy Dũng nhận xét công bằng hơn: “Để có thể khách thể hóa được đối tượng và đóng đinh nó vào trí nhớ độc giả, Nguyễn Tuân đã tung ra nhiều “độc chiêu” ngôn ngữ tưởng chỉ mình ông mới có. Khi miêu tả những con thác vô cùng “độc dữ, nham hiếm” câu văn của ông mang nhịp điệu dồn dập, kích thích. Nhưng khi ngợi ca “con Sông Đà gợi cảm” câu văn lại thư duỗi hết sức êm ả nghe như tiếng hát ngân nga” (Nguyễn Tuân – Tác phẩm và dư luận, NXB Văn học, 2002, tr.241). Như vậy theo nhà phê bình văn học thì, nhịp điệu văn xuôi Nguyễn Tuân trong Người lái đò Sông Đà bao hàm cả “nhịp điệu nặng” (nhịp điệu dồn dập, kích thích) và “nhịp điệu thư duỗi” (nhịp điệu êm ả, ngân nga). Nó gợi liên tưởng nhịp điệu của sóng trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Xuân Quỳnh – “dữ dội và dịu êm”, “ồn ào và lặng lẽ”. Khó có thể cân đo đong đếm xem phần nào nặng, phần nào nhẹ theo tỉ lệ phần trăm. Nhưng có lẽ ấn tượng của Người lái đò Sông Đà để lại trong kí ức người đọc, theo chúng tôi, lại là những câu văn có “nhịp điệu thư duỗi” – êm ả, ngân nga, nối dài liên tưởng, kiểu như: “Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đố mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ’.

Trong Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân đã “trồng” những câu văn dài, ngắn khác nhau. Bút pháp này cũng tạo nên cái nhịp “khúc khuỷu” của văn xuôi Nguyễn Tuân. Vậy là có cả cái nhịp điệu thứ ba trong văn xuôi Nguyễn Tuân – “nhịp khúc khuỷu”? Những câu văn ngắn (5, 6, 7, 9, 11 chữ): “Con Sông Đà gợi cảm”, “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà”, “Mà tịnh không một bóng người”, “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”, “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ”, “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử’, “Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”,… Những câu văn ngắn chen giữa những câu văn dài (trên 40 chữ, dài nhất 47 chữ) tạo ra cái nhịp như ngựa phi (có thể gọi là “mã nhịp” chăng?), lúc nước kiệu, lúc nước đại. Khúc khuỷu và dồn dập. Văn Nguyễn Tuân vì thế năng động, khẩn trương nhưng không ồn ào, vội vã. Một lối văn khi đọc lên hối thúc tư duy.

Nhịp điệu văn/thơ chính là ánh phản “điệu tâm hồn” của nghệ sĩ ngôn từ. Nếu có thể nói thì, Nguyễn Tuân không thuộc số người sống nhanh, nhưng cũng không thuộc số người sống chậm. Điệu hồn nào thì sản sinh ra cấu trúc văn/thơ ấy. Nói Nguyễn Tuân không thuộc số người sống nhanh là bởi ông đam mê hơn cả những vẻ đẹp đã “vang bóng một thời”. Có vẻ như ông chỉ thích thú nhấm nháp, nghiền ngẫm quá khứ. Ngay cả trong bối cảnh khẩn trương sôi sục của thời đại cách mạng, một ngày bằng hai mươi năm, mà ông vẫn ngắm nghía và nhẩn nha thưởng thức nào “Phở”, nào “Giò”, nào “Tờ hoa”,… Nhưng cũng không thể nói là ông sống chậm được. Bởi lẽ ông là người nhạy cảm với thời thế. Trước và ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã viết Chùa Đàn, rồi sau đó theo sát cuộc trường chinh của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến với những Đường vui, Tùy bút kháng chiến, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Một người chỉ thu lu trong nhà mình, nhấm nháp quá vãng làm sao có thể hít thở không khí đời sống mới, làm sao có thể có một vốn từ vựng mới, cảm xúc mới, nhãn quan mới mẻ để viết được Người lái đò Sông Đà? Và trong máu là một người thích “xê dịch” thì làm sao mà nhà văn lại có thể án binh bất động được. Nguyễn Tuân là con người đa nhân cách. Ông là một khối tưởng như mâu thuẫn nhưng thống nhất giữa “hướng ngoại” và “hướng nội”, giữa “kiêu hãnh” và “khiêm tốn”, giữa “bảo thủ” và “đổi mới”, giữa “an nhiên” và “dấn thân”.

Một điệu tâm hồn, như Nguyễn Tuân, luôn luôn yêu quý, nâng niu và trân trọng cái Đẹp. Đôi khi vì thế người ta gọi ông là người duy mỹ (nghệ thuật vị nghệ thuật). Nhưng có lẽ con đường đến với cái Đẹp của Nguyễn Tuân phản ánh đúng quy luật của những tài năng nghệ thuật chân chính – sáng tạo ra cái Đẹp không phải như một phương tiện mà là như một mục đích. Độc giả tinh anh nhận ra Nguyễn Tuân chính là người nghệ sĩ đích thực suốt cuộc đời cầm bút mê mải đi tìm cái Đẹp và cái Thật bằng nghệ thuật ngôn từ.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư