Mỗi người ai cũng muốn làm đẹp cho mình. Những tòa nhà, thành phố hay đất nước cũng vậy. Nhưng vô hình chung, chúng ta đang làm xấu đi hình ảnh của chính những con đường, khu phố và đất nước mình đang ở bằng những rác thải hằng ngày. Rác thải đã trở thành một trong những vẫn đề đáng quan tâm của xã hội hiện nay.
Rác thải có thể hiểu đơn giản là những thứ không còn dùng đến nữa được người ta bỏ đi. Ai cũng có thể định nghĩa được về rác nhưng về những cách phân loại rác thì không phải ai cũng biết. Tùy theo những tiêu chí khác nhau sẽ có các loại rác khác nhau: như chia theo nguồn gốc phát sinh có: rác thải rắn sinh hoạt, dịch vụ, rác xây dựng, rác thải dịch vụ và rác thải y tế; chia theo thành phần có rác thải vô cơ và hữu cơ, tái chế. Đây là những cách phân loại phổ biến trong cuộc sống.
Thực trạng xử lí rác thải đang là vấn đề đáng quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo những số liệu được công bố năm 1900, đã có khoảng 220 triệu người sống ở các thành phố, phát sinh ra ít nhất 300.000 tấn chất thải rắn, bao gồm rác thực phẩm, bao bì và các vật dụng gia đình khác. Một trăm năm sau, hơn 2,9 tỷ người sống ở các thành phố và tạo ra hơn 3 triệu tấn rác thải mỗi ngày. Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (ISWA) báo cáo nêu bật “tình trạng khẩn cấp toàn cầu” đối với số lượng rác thải ra ảnh hưởng đến cuộc sống.
Trong tình trạng chung của thế giới, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tình trạng rác thải đáng lo ngại nhất. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trên 109 quốc gia chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 17 trên bảng “thành tích” về rác thải nhựa. Không cần những con số ấy ta vẫn có thể nhận thấy qua hình ảnh rác ở Việt Nam. Khi bạn ra đường, rất khó để có thể không nhìn thấy bãi rác nào ở trên đường: những bao rác thải ngay cạnh những khu dân cư đông người, những bệnh viện, công trình; những bãi rác ngay bên chợ và cả những nơi ngập rác chưa được xử lí tại một khu xử lí rác cách đó chẳng bao xa. Ở những khu vui chơi, những lon nước ngọt, những vỏ bánh kẹo vứt la liệt ở mọi nơi, ngay cả gần thùng rác. Rồi ở gần Tháp Rùa, chẳng thấy cụ rùa đâu mà chỉ toàn rác ngập nước. Đó là ở đất liền, ra đến ngoài biển, người ta đã quen với cảnh biển đầy nhựa thay vì cá. Những rác thải sinh hoạt từ người du lịch, dân cư gần đó, những tàu đi đánh bắt cùng với rác thải của những khu công nghiệp xả thằng ra biển mà chưa qua xử lí giờ không đủ để người dân bất ngờ mà chỉ lắc đầu ngán ngẩm. Rác tràn lan ở khắp mọi nơi: từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền ra biển. Nó được xử lí hoặc không, nếu được xử lí cũng chỉ là đốt hoặc chôn xuống đất- những cách làm chỉ gia tăng thêm sự ô nhiễm. Có thể thấy người dân hiện nay vẫn chưa nhận thức được việc vứt rác và xử lí rác sao cho hợp lí.
Hậu quả của việc vứt rác không đúng chỗ, xử lí rác không theo quy định, không phải tìm đâu xa, mọi người dân đều nhận thức được. Cảnh quan nhà cửa, đường phố hẳn không thể đẹp khi có những bãi rác bẩn thỉu, hôi thối. Nhất là với một đất nước du lịch như Việt Nam, việc giữ gìn mĩ quan lại càng cần thiết. Ta đã thấy rõ những con số về người du lịch giảm đi vì môi trường ô nhiễm ở những vùng biển Vũng Tàu, Sầm Sơn, … Việc rác thải lâu ngày không được xử lí sẽ phát sinh ra nhiều virus và vi khuẩn gây bệnh, dễ gây những bệnh hô hấp cho con người. Thực tế chỉ ra, những nơi không có hệ thống vệ sinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh về da, hô hấp cao hơn những nơi còn lại. Và rác thải- một thách thức lớn không kém gì biến đổi khí hậu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm khi rác không được xử lí đúng: những chất không phân hủy được chôn xuống đất gây ô nhiễm đất, nguồn nước, khi đốt lại gây ra khí độc làm ô nhiễm không khí và hại cho sức khỏe. Biển đã bị biến đổi, sinh vật biển không thể sống bởi hàng tấn rác thải trên mặt nước. Việc thủy, hải sản chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người chăn nuôi, đánh bắt. Việc thu gom và xử lí rác đã chiếm một khoản không nhỏ trong ngân sách địa phương và quốc gia nhưng vẫn không có hiệu quả gì.
Không khó để chúng ta đưa ra những nguyên nhân của vấn đề này. Đầu tiên, phải nói về ý thức của người dân. Sự thiếu ý thức của người dân về việc vứt rác đúng nơi quy định, phân loại rác cũng như chưa ý thức được tác hại của sự việc. Mặt khác, họ rất ít khi được phổ biến hay giáo dục về những cách phân loại rác ở các cơ quan hay nơi mình ở. Thụy Điển trở thành một quốc gia sạch nhất thế giới, thậm chí phải nhập khẩu … rác là nhờ ngay trong gia đình, họ cũng có ý thức phân loại rác thành các phần: có thể và không thể tái chế để giúp ích cho quá trình xử lí và tái chế rác. Ở nước ta, vẫn chưa có những nhà máy xử lí và tái chế rác, hình thức xử lí vẫn còn đơn sơ vừa gây hại môi trường, vừa rất lãng phí. Những hoạt động tuyên truyền vẫn chưa phổ biến, chưa tác động trực tiếp tới người dân.
Đã đến lúc chúng ta phải giải cứu cho môi trường, cho chính cuộc sống chúng ta! Một vài giây để vứt rác đúng chỗ, một phút để rác đúng phân loại của nó và một lời nhắc nhở dành cho mọi người để vứt rác đúng chỗ. Những thói quen tốt được hình thành từ những điều nhỏ nhặt ấy. Thay vì phải bỏ ra hàng tỉ đồng để xu dọn rác và xử lí ô nhiễm, chính phủ có thể tăng mạnh biện pháp tuyên truyền ý thức và xử phạt với những người, tổ chức thiếu ý thức. Một chiếc thùng rác xinh xắn với dòng chữ “Hãy cho tôi rác” đặt thường xuyên trên hè phố, trong các tòa nhà sẽ gây được sự chú ý. Những việc ấy, không có gì là khó cả.
Các cụ thường dạy: “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Sống trong một môi trường sạch đẹp, thoáng mát vẫn tốt hơn, phải không nào?