Một nhà văn đã từng nói: ‘Mỗi nhà văn sẽ đưa ta đến sứ xở của cái đẹp’. Đúng vậy nhà văn là sứ giả của cái đẹp. Đọc những tác phẩm, tâm hồn ta dường như trong sáng, phong phú hơn bởi những điều mới mẻ mà tác gia thể hiện trong mỗi tác phẩm. Mỗi nhà văn sẽ đưa ta theo nẻo đường riêng, với những hương sắc riêng, một lời nhắn nhủ riêng. Đúng như Nguyễn Đình Thi đã nhận định ‘Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những chất liệu mượn ở thực tại. Nhưng người nghệ sĩ không ghi lại cái đã có rồi mà muốn nói lên một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.’ Đọc Làng của Kim Lân, ta cũng thấy cái điều mới mẻ mà ông viết sao mà hay thế, những lời nhắn nhủ sao mà thấm thía đến vậy.
Nguyễn Đình Thi nói : ‘Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những chất liệu mượn ở thực tại’ quả không sai. Tác phẩm là đứa con đẻ của người nghệ sĩ, người nghệ sĩ đã góp nhặt những ‘chất liệu mượn ở thực tại’ để tạo nên những tác phẩm. Có tác phẩm nào mà không sử dụng chất lệu từ đời sống.
Phải chăng cùng mượn chất liệu đời sống nên các nhà văn sẽ có những trang viết giống nhau, lối hành văn hệt nhau ? Không phải vậy, người nghệ sĩ không thể chỉ là ‘người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho’ mà họ còn phải biết ‘đào sâu tìm tòi, khơi nguồn chưa ai khơi , sáng tạo những gì chưa ai sáng tạo’. Người nghệ sĩ như một người làm phim với một cái gốc ‘trần trụi’ họ sẽ sáng tạo thành những bộ phim cho riêng mình. Mỗi tác phẩm như thế sẽ đem lại điều mới mẻ cho người đọc.
‘Điều mới mẻ’ là cách cảm nhận và thể hiện đọc đáo của người nghệ sĩ về hiện thực đời sống. Qua cách cảm nhận và thể hiện, người nghệ sĩ đem đến cho chúng ta những nhận thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Điều mới mẻ trong tác phẩm lớn có khả năng chiếu tỏa lên cuộc đời ta, rọi vào ngõ ngách, bóng tói tâm hồn ta, làm ta thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách sống. Không phải tác phẩm chỉ đem đến cho người đọc những điều mới mẻ mà tác phẩm nào, tác giả cũng muốn gửi đến những ‘điều nhắn nhủ’ . ‘Lời nhắn nhủ’ là tư tưởng tình cảm, thông điệp thẩm mĩ mà người nghệ sĩ muốn gửi đến bạn đọc thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình, thông điệp ấy gắn liền với chức năng giáo dục và cải tạo xã hội của văn học nghệ thuật.
Truyện Làng của Kim Lân đã có nhiều nét mới về nội dung.
Điều mới mẻ của tác phẩm không phải ở đề tài người nông dân kháng chiến mà là những chuyển biến về nhận thức, tình cảm của người nông dân đối với làng quê, đất nước và kháng chiến.
Là một người nông dân suốt đời gắn bó với làng với quê hương, đất nước, gắn bó ruột thịt với từng mái nhà, thửa ruộng, làng xóm láng giềng gần xa vậy nên tình yêu làng trở thành bản chất có tính truyền thống của ông Hai.Thành công của Kim Lân là đã diễn tả được tình cảm, tâm lý chung ấy ở một con người – nhân vật ông Hai. Tình cảm của ông vừa có tính truyền thống vừa có những nét chuyển biến mới.
Ông không ngớt lời khoe về những điều hay, cái đẹp ở làng ông, nào là ‘Nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh’, ‘Đường làng toàn lát bằng đá xanh, trời mưa trời gió, đi khắp làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân’. Trước khi được cách mạng giải phóng, ông Hai còn tự hào về cái sinh phần quan tổng đóc làng ông. Đi đâu ông cũng khoe, gặp ai ông cũng khoe: ‘Cái dinh cơ cụ thượng làng tôi có lắm lắm là của. Vườn hoa cây cảnh nom cứ như động ấy’. Ông Hai yêu làng Chợ Dầu bằng tất cả sự ngây thơ, hồn nhiên của một người ít học. Đối với người nông dân thời kháng chiến, cái làng đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần.
Sau khi cách mạng thành công, ông Hai vẫn yêu làng Chợ Dầu bằn tất cả tình cảm trong sáng, chân thành nhưng bên cạnh cái bản chất có tính truyền thống, ông Hai đã có những chuyển biến mới.
Cách mạng giải phóng, ông tự hào lắm về phong trào kháng chiến, cách mạng của quê ông, về việc xây dựng làng kháng chiến của quê hương ông. Ông không còn tự hào về cái sinh phần của quan tổng đốc nữa, ông hiểu rằng nó là của kẻ thù nó đã khiến ông và bao người khác phải khổ. Ông cũng muốn lắm chứ, muốn được ở lại làng để cùng anh em kháng chiến nhưng vì điều kiện ông phải đi tản cư. Xa làng, ông nhớ quá cái không khí đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá,…rồi ông lại lo ‘cái chòi gác, những đường hầm bí mật đã xong chưa’. Cái tâm lí hâm thích theo dõi kháng chiến, thích bình luận náo nức tin chiến thắng : ‘ Cứ như thế, chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí, cũng cũng vậy, hôm nay dăm khẩu ngày mai dăm khẩu, làm gì mà thắng Tây không bước sớm’. Tình yêu làng trong ông vẫn lớn nhưng nó đã hòa quyện với tình yêu Tổ quốc. Yêu làng cũng là yêu nước. Tình cảm ấy đã sớm nảy nở và ngày càng sâu sắc. Kim Lân đã rất thành cong trong việc thể hiện sự chuyển biến âm thầm mà mạnh mẽ này.
Tình yêu làng gắn bó sâu sắc với tình yêu nước được thể hiện rõ ràng trong tâm lí của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.
Nghe tin ấy, ông Hai chết sững, cảm giác uất ức, đau đớn, tủi hổ khi nghe được cái tin dữ ấy : ‘Cổ họng ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được nữa’. Từ đỉnh cao của niềm vui sự tự hào, ông Hai rơi xuống vực thẳm của sự đau đớn tủi hổ. Đối với ông đó là một cái tin không thể tin được, không thể chấp nhận được. Làm sao làng chợ Dầu lại phản bội cách mạng ? Nhưng với tâm lí ‘không có lửa làm sao có khói’ vợi giọng kể rành rọt quá lại khẳng định ‘vừa ở dưới ấy lên’ khiến ông không tể không tin. Sự tự hào về làng chợ Dầu sụp đổ tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Cái mà ông yêu quý nhất cũng đã phản bội lại ông.
Từ lúc nghe cái tin ấy, trong ông chỉ còn cái tin ấy , nó xâm chiếm trở thành một nỗi ám ảnh day dứt khôn nguôi. Nghe đâu chửi bọn Việt gian là ông lại ‘lủi ra một góc nhà, thôi lại chuyện ấy rồi !’ Ông Hai chẳng dám ra ngoài , bầu không khí nặng nề bao trùm cả nhà. Tình yêu làng, yêu nươc còn được thể hiện qua cuộc xung đột nôi tâm gay gắt : ông cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ về tương lai. Về làng thì không được vì về làng là đồng nghĩa với việc theo Việt gian, phản bội lại kháng chiến. Ở lại cũng không được vì mụ chủ nhà đã xua đuổi. Đi thì ông biết đi đâu bởi ai người ta chứa chấp người làng chợ Dầu. Nếu như trước đây tình yêu làng hòa nhập với tihf yêu quê hương đất nước, thì bây giờ ông buộc phải có sự lựa chọn, ông đã chọn tình yêu nước, tinh thần kháng chiến đã mạnh hơn tình yêu làng nên ông đã dứt khoát : ‘Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù’. Như vậy tình yêu làng dẫu thiết tha mãnh liệt đến đâu cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu đất nước.
Tình yêu làng còn được thể hiện một cách cảm động qua lời nói của ông Hai khi trút nỗi lòng mình vào đứa con út ngây thơ. Thực chất đó là lời thanh minh với cụ Hồ, với anh em đồng chí và tự nhủ lòng mình trong những lúc khó khăn, thử thách này. Đứa con bé tí của ông mà cũng biết giơ tay : ‘Ủng hộ cụ HCM muôn năm’ nữa là ông- bố của nó. Ông mong: ‘anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu, trên cổ xét cho bố con ông’ . Tình yêu làng yêu nước đã được thể hiện cảm động với làng chợ Dầu truyền thống. Tình cảm ấy thật cao cả và thiêng liêng được thể hiện thật chân thành và mộc mạc : ‘dù có chết cũng không dám đơn sai’.
Khi nghe tin làng chợ Dầu được cải chính, bao nhiêu nỗi đau đớn tủi hổ, gánh nặng tâm lí được trút bỏ, ông càng vui sướng, càng tự hào về làng Chợ Dầu.
Ông “cứ múa tay lên mà khoe” bọn Tây nó đốt nhẵn nhà ông, đó là một bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng làng ông vẫn theo kháng chiến, làng ông là một làng anh hùng, đứng lên chống Pháp. Ông cũng đau lắm chứ, cũng xót xa lắm chứ bởi căn nhà là mái ấm – nơi mà gắn bó với biết bao niềm vui nỗi buồn. Nhưng ông đã quên đi sự mất mát riêng để vui chung, tự hào về vẻ đẹp, sức mạnh của đất nước. Thế mới biết ông Hai yêu làng đến nhường nào!
Điều mới mẻ mà Kim Lân muốn nói với bạn đọc đó là nhận thức và tình cảm của người nông dân, người nông dân không u mê, ngu muội, cam chịu đời sống nô lệ như trước nữa, ánh sáng của đảng, Cách mạng đã soi sáng, đã dìu dắt họ thoát khỏi đêm đen trường khổ ải, bước đi trên con đường độc lập, tự do, làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời. Người nông dân hiểu để có được cuộc sống ấy thì trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi người phải làm gì khi Tổ quốc bị xâm lăng. Vì thế tuy tuổi cao nhưng ông Hai vẫn nhiệt thành tham gia đóng góp phần đời nhỏ bé của mình cho kháng chiến và nguyện theo cụ Hồ đến cùng. Lòng yêu nước ấy không hề đơn sai dù có phải chết, đó chính là chuyển biến mới mẻ trong nhận thức, tâm tư, tình cảm của người nông dân mà Kim Lân là người thấu đáo tường tận.
Điều mới mẻ không chỉ được thể hiện qua nội dung mà còn được thể hiện qua hình thức nghệ thuật.
Cái tài của Kim Lân là nghệ thuật miêu tả tâm lí, tính cách và ngôn ngữ của nhân vật chính. Tác giả đặt nhân vật vào tình huống thử thách bên trong để nhân vật bộc lộ chiều sâu tâm trạng. Miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua ý nghĩ, hành động, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại. Ngôn ngữ của ông Hai vừa có nét nét chung của người nông dân lại vừa mang đậm cá tính nhân vật nên rất sinh động. Tất cả những thành công đó đã làm nổi bật chủ đề tư tưởng tác phẩm, đem lại sự hấp dẫn cho người đọc.
Viết truyện ngắn “ Làng” nhà văn không chỉ dừng lại ở việc phản ánh đời sống nội tâm, tình cảm của người nông dân đối với làng quê, kháng chiến và cách mạng mà qua đó còn gửi lời nhắn nhủ:
Đối với người cầm bút về quan điểm và cách nhìn người nông dân : Người nông dân là lực lượng cơ bản của cách mạng, những con người hiền lành, chất phác, giàu lòng yêu nước , viết về họ cần phải có lòng yêu mến và trân trọng. Để bạn đọc hiểu về tấm lòng và tinh thần của người nông dân đối với quê hương, đất nước và cách mạng. Nhân vật ông Hai chính là bóng dáng, là tấm lòng tình cảm, tinh thần của Kim Lân và biết bao người Việt Nam đối với quê hương đất nước. Đã là con cháu Lạc Hồng thì dòng máu yêu nước chảy mãi trong từng con người, từ đời này sang đời khác, mãi không bao giờ vơi cạn. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ tình yêu làng quê , đất nước của ông Hai, Kim Lân còn muốn gửi tới bạn đọc bức thông điệp : Ai cũng sinh ra từ một làng quê nào đó. Đấy là nơi chôn rau, cắt rốn của mình, nơi che chở nuôi dưỡng tâm hồn, tinh thần mình lớn lên, trưởng thành. Dù có đi xa hay ở gần hãy yêu và nhớ ngôi làng của mình, luôn có ý thức bảo vệ và xây dựng nó ngày càng giàu đẹp, yêu làng quê cũng là yêu đất nước.
Nhà văn Xuân Quỳnh đã viết : “ Thơ như người phụ nữ cái để ta làm quen là vẻ đẹp trang sức, cái để ta sống lâu dài với nó là đức hạnh”. Điều đó không chỉ đúng với thơ ca mà còn đúng với văn học nói chung. Cái để tác phẩm văn học neo đậu chặt trong bến tâm hồn người đọc chính là những điều mới mẻ, những lời nhắn nhủ mà tác giả gửi gắm trong đứa con tinh thần của mình.