Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Kể tên các câu chuyện thần thoại của từng dân tộc

Kể tên các câu chuyện thần thoại của từng dân tộc

1 trả lời
Hỏi chi tiết
543
0
0
Hưng Hoàng
24/02/2021 21:03:47
+5đ tặng
,ở dân tộc Việt, những lời ca cổ cũng là những thiên thần thoại còn sót lại: “Ông Đếm cát, ông Tát bể, ông Kể sao, ông Đào sông, ông Xây rú...”
Ở dân tộc Mường, khi tiến hành các nghi lễ tang ma cũng chính là lúc họ diễn kể thần thoại(7). Toàn bộ hệ thống mo Đẻ đất đẻ nước, áng mo thần thoại, đã được hát kể trong mười mấy ngày đêm liền (có nơi là 12 ngày đêm). Trong không khí tiễn đưa người chết, người ta được ông mo hát kể cho nghe về việc sinh ra Trời, sinh ra Đất, về việc đẻ Nước, đẻ Mường, về việc sinh ra Người và vạn vật cùng muông thú. Qua lời mo trong Đẻ đất đẻ nước, người Mường đã kể rằng:
Ông Thu Tha, bà Thu Thiên
Ra truyền: làm ra Đất ra Trời.
Mo Đẻ đất đẻ nước đã phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan nguyên thuỷ và phản ánh về quá trình hình thành dân tộc của người Mường. Nội dung chính của áng mo này là những mẩu chuyện thần thoại được liên kết với nhau bởi các lời ca mang nội dung tự sự. Đẻ đất đẻ nước là tác phẩm mang đậm tính chất sử thi - thần thoại của dân tộc Mường(8).
Một số các dân tộc khác cũng có truyền thống hát kể thần thoại như dân tộc Mường, đó là dân tộc Thái, Tày và các dân tộc Tây Nguyên, thần thoại không những chỉ được tồn tại, lưu truyền ở dạng những truyện kể đơn lẻ, sơ khai mà còn được gia nhập vào hệ thống hát kể mo, then, sử thi-khan của các dân tộc đó.
Sử thi - thần thoại Ẳm ẹt luông ở dân tộc Thái gồm ba phần chính: Ẳm ẹt luông (Khai sinh ra cái Lớn), Ẳm ẹt nọi (Khai sinh ra cái Nhỏ) và Khay phắc phạ (Mở họng Trời). Tác phẩm với những câu mở đầu như sau:
Mo xin kể năm kể tháng mới có
Mo xin kể năm kể tháng trời mới làm ra
Ngày xưa thời trước, ngày xưa thời lâu
Họ hỏi: Cái gì có sau Trời? Cái gì có sau Đất?
Các tác phẩm này thường được các thày mo đọc trong các buổi cúng lễ, thực chất là những áng văn vần dài kể lại nguồn gốc sinh ra trời đất và muôn loài, kể lại quá trình đấu tranh gian khổ của loài người nhằm để sinh tồn và phát triển. Các tác phẩm này cũng giống như tác phẩm Đẻ đất đẻ nước của người Mường.
Đối với các dân tộc Tây Nguyên, nhiều thần thoại và nhân vật thần thoại đã gia nhập và tái hiện vào các sử thi - khan. Sinh hoạt hát kể sử thi - khan là một nhu cầu sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân Tây Nguyên hàng ngàn đời nay. Trong vốn từ vựng của các dân tộc này, sử thi - khan được người Bana gọi là Hmon, người Êđê gọi là Khan, người Giarai gọi là Hri, người Mnông gọi là Ot Ndrông. Sử thi được các nghệ nhân dân gian diễn xướng theo phương thức kết hợp các yếu tố hát, kể, đối thoại và làm điệu bộ diễn xướng. Theo ngôn ngữ của người Mnông: Ot có nghĩa là hát, kể. Còn Ndrông là những câu chuyện xa xưa. Người Mnông hát kể Ot Ndrông sau những ngày phát rẫy, tra hạt, làm cỏ và thu hoạch mùa màng. Người Êđê sinh hoạt hát kể sử thi- khan trong các buổi uống rượu cần, trong các lễ hội và những đêm sau mùa gặt hái. Người Bana có thể hát, kể Hmon bên bếp lửa, trong gia đình dòng họ, khi lên rẫy, đi rừng... Trong những tác phẩm sử thi - khan, những thiên thần thoại cùng các nhân vật của nó đã là những phần chính yếu tạo nên cốt lõi của các tác phẩm(9).
Những hình thức sinh hoạt này đã giúp cho thần thoại được bảo lưu một cách bền vững và có hệ thống. Gắn bó với các hoạt động nghi lễ, phong tục, tuân thủ theo những bước, những quy định chặt chẽ của các nghi thức tang ma, cúng tế, hay hội lễ, thần thoại của các dân tộc nói trên được diễn đi diễn lại, được thực hành thường xuyên từ năm này sang năm khác, đời này sang đời khác, từ thế hệ này tới thế hệ khác. Cũng nhờ vậy mà các tác phẩm thần thoại luôn được lưu truyền, bổ sung, thêm bớt và ngày càng hoàn chỉnh, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người kể, người nghe. Ở đây phải kể tới vai trò của các thế hệ thầy mo, thầy cúng, các ông then, bà then, các nghệ nhân kể sử thi ở các dân tộc ít người Việt Nam. Họ đã đóng vai trò là những người lưu giữ tích cực kho tàng thần thoại các dân tộc.
Trong điều kiện kể trên, hệ thống thần thoại các dân tộc đã là những chứng tích, những tài liệu sống, giúp chúng ta hình dung lại được diện mạo sinh hoạt, cách thức tư duy và sáng tạo văn hoá, sáng tạo nghệ thuật của các dân tộc ít người từ thời xa xưa cho tới ngày nay.
III. Phân loại và nội dung phản ánh của thần thoại
Trên cơ sở thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam đã được sưu tầm và công bố, có thể phân loại thần thoại Việt Nam thành hai nhóm, tương đương với hai chủ đề chính như sau:
- Thần thoại suy nguyên kể về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc muôn loài.
- Thần thoại kể về việc chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hoá.
1. Thần thoại suy nguyên kể về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc muôn loài
1.1. Thần thoại suy nguyên kể về nguồn gốc vũ trụ
Trong bộ phận thần thoại nói về sự hình thành vũ trụ, thiên nhiên này, nhân vật thường là các vị thần được tưởng tượng ra với những nét chấm phá ban đầu qua những hình tượng vừa cụ thể, vừa sống động, hồn nhiên, vừa vươn tới dạng thái khái quát của tư duy triết học thuở ban đầu của loài người. Khi sáng tạo ra các vị thần, tư duy thần thoại đã lấy con người làm mẫu, nên các thần đều mang bóng dáng của con người.
Thần thoại Việt (Kinh) có truyện Thần Trụ Trời phản ánh khá rõ quan niệm của người Việt cổ về nguồn gốc và quá trình hình thành thế giới. Truyện kể rằng: Ban đầu vũ trụ là một cõi hỗn độn, mờ mịt, tối tăm, lạnh lẽo. Từ cõi hỗn độn ấy, thần Trụ Trời đã xuất hiện, ông lấy đầu đội trời lên cao và dùng chân đạp đất xuống thấp. Đất, trời đã phân cách nhưng chưa xa nhau, ông lại đào đất đá, xây trụ chống trời lên cao mãi. Khi trời đã thật cao, đất đã thật rộng, ông mới phá cột trụ đi “Trời tròn như bát úp, đất phẳng như cái mâm vuông”. Thần ném vung đất đá đi khắp chốn. Mỗi hòn đá văng ra bấy giờ thành một hòn núi hay một hòn đảo. Đất tung toé mọi nơi thành cồn, thành đồi, thành cao nguyên. Vì thế mà bây giờ mặt đất có chỗ cao, chỗ thấp. Những nơi thần đào đất xây trụ thì mặt đất lõm xuống thành đầm hồ, sông biển. Những nơi đất đá văng ra khi cột trụ bị phá thì mặt đất nhấp nhô thành núi, thành gò, chỗ ráp quanh giữa trời và đất được gọi là chân trời.
Coi vũ trụ do một vị thần tạo ra, và vị thần ấy cũng phải vất vả đào đắp giống như con người lao động vậy, chính ở thần thoại Thần Trụ Trời này, con người đã nêu lên được vấn đề lao động sáng tạo và cải tạo vũ trụ. Họ đã tạo ra một thế giới mới bằng sức tưởng tượng phong phú và mạnh mẽ của mình.
Tiếp theo thần thoại Thần Trụ Trời, người Việt còn kể đến nhiều vị thần khai sáng, xây dựng vũ trụ như trong bài ca:
Ông Đếm cát
Ông Tát bể
Ông Kể sao
Ông Đào sông
Ông Xây rú...(10)
Trong thế giới thần thoại, người nguyên thuỷ đã coi vũ trụ có ba cõi chính: Trời, Đất và Nước do ba vị thần cai quản: Ông Trời vừa cai quản cõi Trời, vừa cai quản cả thế giới vũ trụ. Thần Đất cai quản cõi Đất, thần Nước trông coi cõi Nước... ở mỗi cõi còn có nhiều vị thần khác, mỗi vị thần phụ trách một công việc nhất định.
Hầu hết trong thần thoại các dân tộc, các vị thần ở cõi Trời phần nhiều tương ứng với các hiện tượng tự nhiên có nhiều tác động đến đời sống mà con người thời cổ đã quan sát được như thần Trời, thần Gió, thần Mưa, thần Sấm sét, thần Mặt trăng. Các truyện đều rất đơn giản, mộc mạc...
Theo thần thoại Việt, trên cõi Trời, ông Trời là Chúa tể (sau được gọi là Thượng đế, Ngọc hoàng) được nói nhiều đến trong những thần thoại: Cóc kiện trời, Sáng tạo ra loài người, Cuộc tu bổ lại các giống vật, ... Trời là người quản lý, điều hành, vua của muôn loài, Trời hành động theo quy luật của tự nhiên và xã hội. Trời có quyền uy nhưng cũng bình đẳng, vô tư với các thần khác, với loài người và loài vật.
Trong số các vị thần ở trên trời có ba vị được nói nhiều hơn cả là ông Trời và nữ thần Mặt Trời, Mặt Trăng. Thần thoại Việt kể: vũ trụ ban đầu lạnh lẽo tối tăm. Trời đã cho xuất hiện chín mặt trời, mười mặt trăng, thi nhau chiếu sáng và thiêu đốt mặt đất. Có nhân vật thằng Quải đã dùng nỏ bắn các mặt trời, mặt trăng khiến trời đất lại tối. Người phải cho gà trống đi gọi lại một mặt trời và một mặt trăng. Mặt trăng nóng nảy hay sà xuống gần mặt đất làm cho con người nóng không chịu được. Thằng Quải phải lấy tro bếp ném lên mặt của mặt trăng, từ đó mặt trăng không sà xuống thấp nữa và trở nên mát dịu.
Có truyện còn kể về hiện tượng trăng tròn trăng khuyết là do sự ngoảnh mặt của trăng. “Nghe nói cô Mặt Trăng xưa kia tính tình nóng nảy. Hạ giới rất khổ sở vì tính tình gay gắt của cô. Việc ấy về sau đến tai Ngọc Hoàng. Bà mẹ phải trát cho nữ thần một lần tro vào mặt. Từ đó, cô trở nên dịu dàng, hiền lành; ở hạ giới ai cũng ưa thích. Người ta bảo, mỗi lần cô ngoảnh mặt nhìn xuống nhân gian thì lúc đó là trăng rằm; cô ngoảnh lưng lại tức là ba mươi, mồng một; cô ngoảnh lưng lại lần nữa tức là thời kỳ trăng thượng huyền hay hạ huyền. Những lúc trăng có quầng là lúc bụi tro trát mặt ngày trước hiện ra”(11).
Ngoài ra, còn có truyện kể về Ngày tháng Năm dài, ngày tháng Mười ngắn. Đó là ngày tháng Mười thì ngắn, ngày tháng Năm thì dài. Là vì mặt trời thì làm ra ngày, thường ngồi trên kiệu có các cô gái khiêng, họ thường mải chơi vừa đi vừa dừng nên làm cho ngày dài ra vào khoảng thời gian tháng năm, mùa hè. Còn vào tháng mười, mùa đông, kiệu được các bà già khiêng, chăm chỉ, đi nhanh nên làm cho ngày ngắn lại.
So với thần thoại Việt, thần thoại của các dân tộc anh em cũng rất phong phú với những biểu hiện tương ứng về các chủ đề, mô típ và hình tượng về vũ trụ, thiên nhiên.
Kể về chủ đề nguồn gốc vũ trụ và thế giới tự nhiên, người Thái có sử thi-thần thoại Ẳm ẹt luông, người Lô Lô có Bài ca trời đất, người H’mông có thần thoại Khúa Kê... Trong đó có thể kể đến nhiều vị thần khai sáng xây dựng vũ trụ: ở người Lô Lô là ông bà Két Dơ, GaGia, ở người Thái là Xô Công Phạ, Xô Công Đin, có nơi thì lại cho là do Thẻn Luông sinh ra trời đất và mọi vật. Trong thần thoại sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường là ông Thu Tha và bà Thu Thiên... Tên gọi các vị thần sáng tạo ra vũ trụ và thiên nhiên ở các dân tộc kể trên tuy có khác nhau, nhưng các vị thần ấy có điểm chung: họ là những cặp vợ chồng khai sáng vũ trụ. Trời đất đã được sinh ra từ sự hôn phối của hai ông bà có tầm vóc kỳ vĩ này. Rõ ràng các tác giả của các thiên thần thoại cổ của các dân tộc ấy đã lấy sự sáng tạo ra con người làm khuôn mẫu, thiên nhiên đã được nhân hoá.
Trong thần thoại H’mông, Chử Làu là vua Trời, khi vũ trụ còn hỗn mang mờ mịt, Chử Làu đã gọi ông Chày bà Chày để tạo ra trời đất. Hai ông bà Chày vâng lời Chử Làu, ông Chày tạo ra bầu trời và bà Chày tạo ra trần gian. Thấy bầu trời vòm thì hẹp mà mặt đất bằng phẳng và rộng nên ông bà Chày bèn nắn mặt đất hẹp lại cho khớp với bầu trời. Do vậy mặt đất bị nhăn nhúm, lồi lõm. Chỗ trồi lên thì thành đồi, chỗ lún xuống thành thung lũng, biển hồ.
Thần thoại của người Chăm thì kể rằng trời đất là do thần Trời (thần Cha) và thần Đất (thần Mẹ) sáng tạo ra. Thần Cha còn gọi là Pô Chà Ta là đấng sáng tạo ra vũ trụ bao la cùng muôn vật. Dưới thần Trời là cả một hệ thống thần linh các Pô Yang khác. Thí dụ như thần Mặt Trời, khi thần này cúi lạy ông Trời Pô Chà Ta thì sinh ra Nhật thực. Còn khi thần này đi qua cung trăng có bà Chà ở đó, bà Chà đứng lên cúi chào thì sinh ra Nguyệt thực.
Còn ở một số dân tộc khác, thần thoại của họ lại kể về một vị thần duy nhất sáng tạo ra thiên nhiên. Theo quan niệm của các dân tộc này thì từ thiên nhiên và vạn vật trong trời đất đến con người, cây cỏ đều từ một nguồn gốc mà ra: ở thần thoại người Dao là Chang Lô Cô, là Bàn Cổ (hoặc Nhiên vương). Thần Bàn Cổ của người Dao có tầm cỡ bao quát cả vũ trụ con người: Đầu thần là trời, chân thần là đất, mắt bên trái của thần là mặt trời, mắt bên phải của thần là mặt trăng... Ở thần thoại của người Êđê có thần Ai Điê sáng tạo ra vũ trụ cũng có vóc dáng kỳ vĩ: đầu tròn của thần là bầu trời; trán thần nhăn là mây bay lượn, lưng thần trở thành không khí, hai cánh tay thần là hai cây trụ phân chia trời đất thành hai cõi tách riêng ra... Theo thần thoại của người Êđê, thần Ai Điê là người cai quản tất cả các vị thần khác như thần Mặt Trời (Yang Hruê), thần Mặt Trăng (Yang Mlau), thần Núi (Yang Cư), thần Nước (Yang Eê)... Trong các vị thần ở trên trời, thì việc làm ra mưa là do hai vị thần Mưa. Người Êđê quan niệm có mưa ở trên trời và có mưa ở dưới đất. Tuy mỗi nơi đều do một vị thần trông nom riêng như vậy, nhưng mỗi khi bị hạn hán phải cầu cúng xin trời mưa, người ta đến cầu khấn cả hai: Aê Mghăn - thần Mưa ở trên trời và Aê Mghi - thần Mưa ở dưới đất.
Theo thần thoại của người Mnông thì tất cả những gì trong vũ trụ, theo cách nhìn và cách thể hiện của họ, dường như chúng đều có hồn và sống động. Người Mnông tin tưởng rằng ở trên trời, cũng như ở dưới đất đều có rất nhiều vị thần trú ngụ. Vị thần tối cao, toàn diện, toàn năng nhất ở tầng trời là thần Mặt Trời với các tên gọi Yang Nar, Yang TNghe, Yang Măt. Ở tầng trời, quyền lực sau thần Trời là thần Sét (Yang N’glai). Vị thần này là một người đàn ông to lớn, có giọng nói dữ tợn, có thanh gươm chặt ra lửa. Đây là vị thần nửa thiện, nửa ác. Trừng trị những kẻ gây tội ác cho con người là nhiệm vụ chính của thần Sét, do vậy ở vị thần này, phần thiện trội hơn phần ác và thần rất được con người ngưỡng mộ.
Thần thoại của người Bana thì kể rằng “Khi chưa có trời đất vũ trụ, đã có hai vị thần. Thần nam là Bok Kơi Dơi, thần nữ là Ia Kon Keh. IaKonKeh dùng cám vắt ra trời đất, Bok Kơi Dơi thì làm ra mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao. Họ sống chung với nhau và sinh được ba người con. Con cả là Ia Pôn ở lại làm thần Trời, hai anh em nam nữ Ia Bok xuống trần gian, trở thành tổ tiên của loài người. Họ được ông bà Bok Kơi Dơi - IaKonKeh cho các giống cây cỏ, chim muông, thú vật xuống làm vui cho mặt đất”(12).
Người Bana còn hình dung ra thần Sét (thần Bot Gơ Lai) là một vị thần linh thiêng ghê gớm nhất, tay có lông lá, mùa xuân thì ngủ, còn mùa hè thì cầm búa đi tuần tra dưới trần gian...
Trong hệ thống thần thoại các dân tộc Việt Nam còn có các thần thoại kể về những vị thần ở cõi đất, gồm có: Thần Đất (có nơi gọi là ông Địa, Thổ công), thần Bếp, thần Lửa (bà Hoả)...
Thần Đất thường hiện ra với hình dạng một cụ già. Thần có phép dời cát thay núi chỉ trong nháy mắt. Oai quyền của thần rất lớn. Kẻ nào phạm vào việc thay đổi đất đai mà không xin phép thần, nhất định kẻ ấy sẽ bị thần trừng phạt.
Thần Núi cũng thường hiện hình là các ông già đầu râu tóc bạc. Có nhiều vị thần Núi, mỗi thần cai quản một dãy núi lớn, bao gồm cả những núi con.
Thần Lửa là một bà già mặt mũi rất hung dữ. Người ta thường gọi là bà Hoả. Thần chuyên giữ một thứ lửa rất màu nhiệm có thể đặt nồi không mà nấu ra đủ những thức ăn ngon lành... Thần Lửa cũng có nhiều lúc hung dữ cho bộ hạ đi tàn phá nhân dân, cây cối. Người ta thường phân biệt lửa của thần trong khi đốt nhà là một thứ lửa màu xanh xanh liếm từ trên nóc nhà liếm xuống. Trong số bộ hạ thần Lửa có thằng Bợ quen thói hung ác, nó ở với thần Lửa lâu năm, một hôm ăn cắp lửa của thần rồi trốn đi. Nó là kẻ thù của loài người. Hình như về sau, nó bị thần bắt được và đày xuống địa ngục.
Ngoài thần Lửa còn có thần Bếp hoặc còn gọi là thần Táo hay Núc, vị thần chuyên trông nom củi lửa bếp núc cho hạ giới. Trái với thần Lửa, thần Bếp hiền lành dễ tính, thần Bếp gồm có một bộ ba: một người đàn bà với hai ông chồng. Các thần được Trời (hay còn gọi là Ngọc Hoàng) giao cho việc trông nom việc thổi nấu ăn uống của nhân gian, xem xem trong từng gia đình mỗi một năm có những hành động tốt xấu thế nào để đến ngày 23 tháng Chạp sẽ lên báo cáo cho Trời biết.
Thần Bếp có hai bộ hạ, bộ hạ thứ nhất là cá chép giúp thần trong việc đi về từ hạ giới lên Thiên Đình, bộ hạ thứ hai là Nhện giúp thần báo tin cho người.
Về hệ thống thần ở cõi Nước gồm có: Thần Nước (còn gọi là Long Vương), vua Thuỷ Tề, thần Sông (Hà Bá) Ba Ba, Thuồng Luồng, Cá Voi...
Ở từng vùng, ở các địa phương, thần thoại cũng kể về các vị thần cai quản riêng, được thờ ở các đền miếu thờ thần như Thủy thần, Sơn thần...
Như vậy, nhóm thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và tự nhiên phản ánh cách giải thích, nhìn nhận hết sức hồn nhiên của con người thời cổ về vũ trụ, núi sông, biển cả, đất trời và muôn vàn các hiện tượng tự nhiên khác, đã chứa đựng cả khoa học và triết học duy vật sơ khai. Có thể tìm thấy trong đó cái logic biện chứng của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và môi trường sinh tụ thuở ban đầu, khi con người mới định cư trên những vùng đất hoang sơ còn nhiều lạ lẫm.
Câu chuyện về các thần vũ trụ, thần thiên nhiên (thần Trụ Trời, thần Sấm, thần Sét, thần Mưa, thần Gió, thần Biển, thần Nước... ) là sự phát triển một cách sinh động quá trình nhận thức về sự tồn tại khách quan của thế giới thông qua sự quan sát của con người tuy còn ở trình độ tự phát và ấu trĩ. Các thần chính là sản phẩm của niềm tin và sự sùng bái tự nhiên đan cài với nhận thức có tính vật chất về thế giới được dựa trên hai “trực kiến thiên tài” (chữ dùng của Ăng ghen) của con người thời cổ đại: Một là, thế giới không phải là hư vô mà nó đã tồn tại như một cõi hỗn mang trước khi Thần xuất hiện, các Thần chỉ làm nhiệm vụ thay đổi hình dạng của thế giới mà thôi. Hai là, các Thần cũng phải lao động cật lực mới biến cải được thế giới tự nhiên cũng như mới kiến tạo được vũ trụ.
1.2.Thần thoại kể về nguồn gốc muôn loài
Tiếp theo các thoại kể về các vị thần làm công việc sáng tạo ra trời đất, hệ thống thần thoại của các dân tộc Việt Nam còn có hàng loạt các thần thoại khác kể về nguồn gốc muôn loài... Cũng như các vị thần cai quản thế giới ở trên trời, các vị thần cai quản trên mặt đất và dưới mặt đất, đã cùng với các loài vật và con người tạo nên cuộc sống trần gian.
Thần thoại của các dân tộc đã kể về hàng loạt các giống vật, cây cối, núi sông, gò đống đều không phải tự nhiên mà có mà do các vị thần hợp sức sáng tạo ra hoặc do một sự kỳ vĩ của vũ trụ mà xuất hiện...
Trong thần thoại Việt, đó là các thần thoại như: Ngọc Hoàng tu bổ các giống vật kể về việc Ngọc Hoàng, vị thần tối cao của vũ trụ làm công việc tiếp theo với công việc sáng tạo vũ trụ là hoàn chỉnh, tu bổ nên các giống vật cho thế giới dưới mặt đất, tạo ra sự sống. Truyện Lúa thần kể về những cây lúa có hạt cực lớn, tự bò về nhà... Truyện Cây thuốc thần, Chú Cuội cung trăng... là những thần thoại nói tới ước mơ sống sung túc, lao động không vất vả, về cuộc sống chống lại được bệnh tật và con người được trở nên bất tử nhờ các giống lúa, giống cây thần diệu...
Trong thần thoại của người Thái ở Tây Bắc, vị thần Chẩu răng dệt pú là người đắp nên núi cao, vị thần Chẩu răng dệt phẳng là người đào nên khe sâu, vị thần Chẩu chục chẩu chao là người san gò đống, đắp hồ ao, tạo nên ruộng nương. Trong thần thoại của người H’mông, Chử Làu (vua Trời) là người làm ra mọi thứ cỏ cây, muôn vật, mỗi thứ một giống rồi đến con người. Còn ở người Xrê, người Mạ ở Lâm Đồng (một trong số các dân tộc anh em ở Trường Sơn – Tây Nguyên) thì thần thoại của họ đã kể rằng Thần K’Bung (hoặc Yang K’Bung) là vị thần đã mang các thứ đất màu, các giống cây cỏ cho người trần gian. Yang K’Bung đã cùng với con vượn già Đơ ghê trồng chuối rải khắp mặt đất. K’Bung cũng đã dạy người Mạ cách đốn gỗ và chọn gỗ cẩm lai làm nỏ. Nữ thần Lúa của người Mạ có tên là Yang Koi, thần được người Mạ thờ cúng suốt năm.
Thần thoại của người Giarai kể về vị thần làm ra lửa có tên gọi là Mơsao, vị thần này đã đem lửa trên trời xuống cho người trần gian. Mơsao đã đánh nhau với Yang Dai là thần Mặt Trời luôn canh giữ lửa. Theo người Giarai thì do đánh nhau với Mơsao bị thua nên thần Yang Dai bực bội, chui vào chăn giấu mặt mấy tháng không ra. Vì thế mà có mùa đông, đó chính là lúc Yang Dai xấu hổ không muốn nhìn thấy ai cả. Và tiếp theo đó là rất nhiều các vị thần khác như thần Tang, thần Lút, thần Kon Xur, Blang Kyan... đã sáng tạo nên cây cỏ như tranh, tre, chuối, dứa... và các muông thú như con kiến, con voi, con hổ...
Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Bana cho rằng cây cối, mọi vật trên mặt đất đều có thần linh ngự trị. Trong thần thoại của Bana, thần Cây được gọi là Yang Hơlơn, thần Núi là Yang Gông Cơrôi, hay Yang Bót Rang, hay còn gọi là Yang Bót Keling. Diện mạo của mỗi thần mang bóng dáng thoát thai của mình, như thần Sông thì giống hình con Rồng, thần Suối thì giống hình con Rắn, thần Cây là một người đàn ông có cặp mắt to tròn như cối giã gạo v.v...
Theo thần thoại của người Mnông thì, tương tự như ở tầng Trời, ở tầng Đất cũng có các vị thần. Trong số các vị thần ở tầng Đất là vị thần Lúa, là một vị thần có vai trò quan trọng (có tên gọi là Truh Ba). Thần Lúa có nhiệm vụ bảo vệ mặt đất, chăm cho cây lúa lớn nhanh, không cho sâu bọ làm hại mùa màng. Ngoài ra cư ngụ trên mặt đất còn có thần Núi (Brah Yok), thần Rừng (Brah Bri) cai quản núi rừng, thần Suối (Brah Dak) cai quản các ngọn núi, dòng sông, thần Brah Kuât và Brah Njuk là những thần hộ mệnh giữ gìn sức khỏe cho con người, thần Ng’Vich Ng’Val bảo vệ nòi voi...
Hầu hết các dân tộc đều có câu chuyện về thần Lúa của mình. Người Bana kể, sau trận hồng thuỷ, có hai anh em sống sót, họ nhờ có con kiến đen mang lại cho một hạt lúa thần, đem gieo thì ngày hôm sau, lúa mọc lên đầy đồng mênh mông, mỗi hạt lúa có thể nấu đầy một nồi và ăn no một bữa. Người Mường kể về nàng Dặt Cái Dành là một người phụ nữ Mường đảm đang khéo léo đã lên tận Mường Trời xin nữ thần Lúa - nàng Tiên Thiên Mái Lúa cho các giống lúa quý đem về để người Mường trồng cấy đến tận ngày nay.
Người Thái cũng kể, sau trận lụt, hai anh em nhà kia đã tìm được hạt thóc to bằng quả bầu. Hai anh em phải chặt cho chóc vỡ vụn ra mới nấu ăn được. Chính vì thế, ngày nay hạt thóc bé lại, người ta muốn trồng lúa ăn thì phải gieo thật nhiều hạt, khi ăn phải đâm giã rất vất vả.
1.3. Thần thoại về nguồn gốc loài người
Từ trong bộ phận thần thoại nói về sự hình thành vũ trụ, về thiên nhiên, núi sông, cây cỏ với những vị thần sáng tạo có tầm vóc lớn lao kỳ vĩ, ta dần dần thấy xuất hiện cả bóng dáng con người với sự tưởng tượng, với những nét chấm phá ngày càng rõ nét, ngày càng đậm đà. Để sau đó thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ cho thấy rằng con người sẽ là chủ của thiên nhiên, của cả thế giới vũ trụ lớn lao cho tới các cây cỏ, loài vật, núi sông, đồng ruộng, đất nước...
Phản ánh nhận thức con người tách biệt ra khỏi thiên nhiên đó là bộ phận thần thoại hình dung ra con người có nguồn gốc từ đâu, do ai mà sinh ra. Con người khiếp sợ trước thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, nhưng con người cũng đã nhận thức được mình là một bộ phận của thiên nhiên và hơn nữa còn muốn khẳng định mình là bộ phận tinh tuý nhất của thiên nhiên.
Trong thần thoại của các dân tộc, con người đầu tiên xuất hiện, đều do một đấng siêu nhiên sinh ra. Ở người Kinh (Việt) có câu chuyện kể Ông Trời sau khi tạo ra muôn vật, đã dùng đất sét, thứ đất bùn nhão tinh tuý để nặn ra con người, nặn xong đem phơi nắng cho khô, tượng đó hoá thành người có đủ mắt mũi, chân tay. Tương tự, ở người H’mông, có truyện Sáng tạo ra loài người, nói về nhân vật Chử Làu (tức Ông Trời) lấy đất nặn thân hình con người đầu tiên, hà hơi vào miệng, cho hồn vào bụng, cho tiếng nói ở cổ họng. Con người đàn ông đầu tiên có mắt mũi, có tiếng nói và đi lại trên mặt đất. Chử Làu lại nặn tiếp người đàn bà để cho họ lấy nhau, để sinh con đẻ cái đông đúc như ngày nay.
Thần thoại kể về nguồn gốc tộc người, nguồn gốc dân tộc mang tính phổ biến toàn nhân loại, nhưng cũng mang nét đặc sắc riêng, phản ánh tâm thức và trình độ phát triển xã hội của từng dân tộc.
Các dân tộc Việt Nam có rất nhiều thần thoại giải thích nguồn gốc của loài người, giải thích nguồn gốc các dân tộc. Ở người Kinh (Việt) tiêu biểu nhất là câu chuyện về Lạc Long Quân (giống Rồng) và Âu Cơ (giống Tiên) với bọc một trăm trứng nở ra một trăm người con trai. Thần thoại này đã trở thành truyền thuyết bố Rồng mẹ Tiên phản ánh nội dung về nguồn gốc sinh ra giống nòi và mang ý nghĩa phản ánh về việc phân chia địa vực.
Thần thoại của người Mường thì có truyện Trứng Điếng kể chuyện đôi chim Tùng, chim Tót (có nơi còn gọi là chim Ây cái Ứa hoặc chim Tráng, chim Trò v.v...) đẻ ra trứng và từ trứng nở ra người. Hệ thần thoại này được kể trong sử thi Đẻ đất đẻ nước với cảnh sinh ra các vị tổ tiên người Mường và các dân tộc láng giềng của họ như sau:
Thấy nở trứng Điếng
Nghe ồn ào tiếng Lào
Nghe lao nhao tiếng Kinh
Nghe ình ình tiếng Mọn (Mường)(13).
Cảnh tượng này cũng giống như chuyện chim Ông Tôn của người Thái được kể trong sử thi - thần thoại Ẳm ẹt luông v.v...
Điều này chứng tỏ có sự tương đồng lớn giữa thần thoại các dân tộc, đó là những truyện kể về các nhân vật khổng lồ, các cặp vợ chồng khổng lồ đầu tiên đã sinh ra nòi giống con người và kiến tạo địa bàn sinh tụ. Đó là những Ông Đùng – Bà Đà (Việt), ông Thu Tha – bà Thu Thiên (Mường), Ải Lậc Cậc (Thái), Pựt Luông, Tài Ngào, Báo Luông – SLao Cải (Tày) và cặp đôi Lạc Long Quân – Âu Cơ (Việt).
Đặc biệt, thần thoại các dân tộc còn lưu giữ nhiều ký ức về trận lụt lớn, về nạn đại hồng thuỷ, nó giống như một đại hoạ khủng khiếp khiến cho loài người bị tuyệt diệt và cùng với đó là ký ức về sự tái sinh của con người nhờ những quả bầu kỳ lạ.
Nói về trận hồng thuỷ, người Giáy có truyện Nước ngập trời: “Bỗng một năm, mặt đất mưa mấy tháng liền không dứt cơn, hạt mưa to như quả mận. Núi non sạt lở, đất nhão thành bùn, cây to cây nhỏ trôi ầm ầm về phía cửa trời và đá tảng cũng lăn theo đến đó... Nước lụt dâng lên vùng thấp, dâng lên núi cao, ngập hết mọi nơi, nước dâng lên tận trời làm cho người và vạn vật đều chết hết”.
Người Thái có thần thoại Hồng thuỷ: “Ngày xưa có Trời, Đất, Cỏ, Cây. Trời giống hình cái nấm khổng lồ làm bằng bảy miếng đất, ba khối đá, chín con sông... Trời bỗng trở nên tối tăm, sấm sét nổi dậy. Trong vòng một ngày có trên một trăm ngàn trận mưa rơi đầy mặt đất. Tất cả khe suối, ao hồ đều tràn ngập. Đồng ruộng cũng đầy cả nước. Nước dâng cao lên đến tận Trời, tất cả mọi sinh vật sống trên mặt đất đều chết sạch”.
Người H’mông kể về Hồng thuỷ với “những trận mưa liên tiếp luôn bốn mươi ngày đêm, nước dâng lên ngập mặt đất, dâng lên đến tận trời cao”. Người Lô Lô thì kể “loài rồng dâng nước lên khắp nơi trên trái đất, nước dâng lên ngày càng cao. Cuối cùng những ngọn núi cao nhất cũng phải chịu ngập trong nước, mọi người đều bị chết đuối hết”.
Người Bana kể: “Nước dâng lên ngập sông, ngập biển và đến tận trời. Tất cả mọi sinh vật đều chết hết, trừ có hai người, hai anh em trai và gái vào nấp trong một chiếc trống lớn. Họ đem theo mỗi giống vật một đôi... Nước lụt bảy ngày bảy đêm. Nước rút... Hai anh em lấy nhau, sinh đẻ nhiều con cái”.
Người Raglai cũng ghi lại truyện Hồng thuỷ : “Nước lụt từ biển dâng lên đến ngọn núi, nước lên cao đến tận trời. Có hai người ở miền Thượng, một trai một gái chui vào một cái trống... Sau trận lụt lớn ấy, tất cả đều chết sạch, chỉ trừ hai người còn sống sót ở trong cái trống. Họ lấy nhau rồi dần dà sinh sôi nảy nở ra loài người”.
Sau trận hồng thuỷ, con người đã được tái sinh. Hệ thống thần thoại các dân tộc đã lưu truyền rộng rãi những câu chuyện kể về Quả bầu nở ra hàng vạn người con với nhiều giống người. Loại truyện Quả bầu này có trong kho tàng dân gian Đông Nam Á và nó đã được dân tộc hoá tuỳ theo sự sáng tạo của từng dân tộc. Truyện Quả bầu của người Thái ở Tây Bắc thì kể rằng dây bầu mọc bên bờ sông Nậm Rốn đã đẻ ra người Thái, người Xá, v.v... Truyện của người Thái, người Dao đều kể: “Sau trận lụt, chỉ có hai anh em nhà kia sống sót nhờ nấp trong quả bầu nên họ đành phải lấy nhau. Ba năm sau, họ sinh ra một quả bầu. Thấy trong quả bầu có tiếng ồn ào, họ đem dùi ra đục. Một cặp nam nữ mình đen ra trước. Đó là người Xá. Người Thái, người Lự, người Lào, sau rốt là người Kinh chui ra. Con cái nhiều quá, nuôi không xuể, hai bố mẹ mới phân chia các con đi các ngả kiếm ăn. Cặp con cả ở lại với bố mẹ là tổ tiên của người Xá hiện nay. Cặp con út đi xa xuống đồng bằng là tổ tiên người Kinh ngày nay vậy” (Thái). Hoặc là “Từ vỏ, cùi, hạt bầu đều hoá thành người. Vỏ bầu ít hoá thành người Dao, người Mèo ở trên núi cao. Cùi bầu nhiều hơn thì hoá thành người Tày người Nùng ở lưng chừng núi. Còn vô vàn hạt bầu hoá thành người Kinh (Việt) ở vùng thấp, vùng đồng bằng đông đúc” (Dao). Truyện Quả bầu của người Khơ Mú nhận rằng nguồn gốc của tộc người này là từ một quả bầu mẹ sinh ra. Người ta tin rằng quả bầu ấy có hồn thiêng. Mỗi khi trong nhà có người ốm, thì lấy áo của người bệnh trùm lên quả bầu khô khấn vái, xin giữ hồn vía cho người ốm đừng để ma dữ bắt đi. Truyện Quả bầu ở Tây Nguyên thì kể rằng nó đã đẻ ra người Vân Kiều, người Bru, người Khau, ngoài ra còn có cả người Xrô (Xô), người Cùi ở bên Tây Trường Sơn của nước Lào nữa.
Thần thoại của một số dân tộc Tây Nguyên đã khẳng định sự sinh ra của loài người, của các dân tộc Việt Nam đều từ một gốc. Thần thoại Bana kể lại rằng các dân tộc anh em (bao gồm người Bana, người Êđê, người Giarai, người Mnông, người Xtiêng, và người Kinh) đều từ ông tổ BokXơgơr sinh ra...
Về nguyên nhân các dân tộc phân tán đi nhiều nơi sinh sống làm nên những địa vực cư trú mới, thần thoại Việt Mường giải thích là do bố mẹ chia con đem một số lên rừng, một số khác xuống biển v.v... như thần thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ, sử thiĐẻ đất đẻ nước.
Thần thoại Hồng thuỷ của người Lô Lô nói con cái của hai người sống sót sau trận lụt được sinh ra từ cục thịt. Họ xẻ ra thành nhiều mảnh đem vứt dưới gốc đào, gốc lê, mận, táo... Miếng vứt ở gốc đào biến thành làng họ Đào, miếng vứt ở gốc lê mang họ Lý (Lê). Loài người sinh sôi đông đúc, nói tiếng nói khác nhau. Và các dân tộc đều là anh em, đều chung một tổ tiên, chung một bọc mà ra.
Còn ở thần thoại các dân tộc khác như thần thoại Bana thì lại kể nguyên nhân là do tai hoạ tại trời gây ra. Như truyện Bok Xơgơr kể rằng: Con cháu ông Xơgơr dựng nhà rông lên quá cao đã làm Trời tức giận, Trời còn làm cho anh em không nghe, không hiểu được tiếng nhau. Họ bèn ôm nhau khóc lóc rồi chia tay nhau. Từ đấy anh em mỗi người một ngả, ra ở những chỗ khác nhau và dần dần trở thành các dân tộc anh em ngày nay... “Kẻ nói tiếng Bana thì đến xứ Bana, những người nói tiếng khác nữa thành ra tổ tiên của các dân miền núi như Giarai, Xêđăng, Êđê, Xtiêng, Raglai... Chỉ có người con cả nói tiếng Kinh thì ở lại với cha mẹ, họ khôn ngoan và giàu có hơn các em”(14).
Như vậy, thần thoại về nguồn gốc loài người, nguồn gốc các dân tộc ở Việt Nam gặp nhau và giống nhau ở điểm cơ bản (có cùng một gốc) và chỉ khác nhau ở cách kể chi tiết, các tình tiết (cách quan niệm, suy đoán về nguyên nhân phân tán). Chủ đề lớn đó được thể hiện qua hệ thống hình tượng có những mối quan hệ gần gũi, đồng thời lại có những nét khác biệt: hoặc là quả bầu, hoặc là bọc trăm trứng, hoặc là bọc trăm con, hoặc là ông tổ chung... Từ cái nền chung đó, thần thoại các dân tộc ViệtNam đã khắc hoạ được cốt lõi đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam thời xa xưa.
2. Thần thoại kể về sự chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hoá
Nằm trong hệ thống kho tàng thần thoại các dân tộc Việt Nam còn có nhóm thần thoại mang nội dung phản ánh những kỳ tích của con người trong quá trình chinh phục thiên nhiên, sáng tạo văn hoá... tạo nên những nhân vật anh hùng thần thoại, anh hùng văn hoá.
Việc chinh phục thiên nhiên, khai phá núi sông, tiêu diệt những lực lượng thần linh ma quái thuở ban đầu được con người thời cổ kể lại, khắc hoạ những hình tượng đó bằng kích thước to lớn, khác thường. Thần thoại Bố Rồng mẹ Tiên, Lạc Long Quân – Âu Cơ... trong hệ thống truyện Họ Hồng Bàng của người Việt kể về vua Rồng với những câu chuyện mang đậm tinh thần đấu tranh chống thiên nhiên của người Việt cổ. Ở đây, người anh hùng Lạc Long Quân có sức khoẻ hơn người đã ra tận biển Đông để chiến đấu, tiêu diệt con cá lớn đã thành tinh (Ngư tinh) chuyên ăn thịt dân thường và làm đắm thuyền bè qua lại. Lạc Long Quân còn vào sâu trong đất liền giết con cáo chín đuôi đã thành tinh quấy phá một vùng (Hồ tinh) và Long Quân còn dùng mưu mẹo để giết được con tinh ở trên cây (Mộc tinh). Bằng các chiến công, Long Quân trừ được một tai hoạ cho loài người. Cũng từ đó, hễ ở đâu người Việt gặp nguy hiểm lại cất tiếng gọi: “Bố ơi ở đâu về cứu chúng con” là Long Quân tức khắc đến ngay.
Hình ảnh người anh hùng chinh phục thiên nhiên trong thần thoại Mường là vị vua Dịt Dàng với chiến tích chặt cây Chu Đồng, săn con muông Tìn Vìn Tượng Vượng được kể trong sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước. Ở thần thoại của người Thái là chàng khổng lồ Ải Lậc Cậc với công việc khai phá các cánh đồng lớn ở Tây Bắc. Ở thần thoại người Tày là hai vợ chồng ông bà khổng lồ Báo Luông – Slao Cải đã mở rộng các cánh đồng lớn ở Hoà An, Nguyên Bình... của vùng Cao Bằng, Bắc Cạn. Còn thần thoại của người Êđê là truyện kể về chàng khổng lồ Prông Pha, đạp đất núi lấy nước uống, tiêu diệt yêu tinh trừ lũ lụt và hạn hán. Thần thoại của người Bana thì kể lại ba anh em Việt – Bana – Lào hợp sức diệt xà tinh, trừ các tai hoạ dông bão, lũ lụt và nạn hoả hoạn...
Kể về chủ đề chinh phục tự nhiên, thần thoại của các dân tộc bằng nhiều cách khác nhau đều nhằm ghi lại và ngợi ca những chiến tích lao động của tổ tiên trong buổi đầu tạo dựng và ổn định địa bàn cư trú.
Ngoài những anh hùng văn hoá chinh phục thiên nhiên là các nam thần, trong thần thoại các dân tộc cũng có rất nhiều các anh hùng văn hoá là các nữ thần: Trong thần thoại của người Việt có bà Nữ Oa, bà Tồ Cô, nữ thần Lửa, nữ thần Lúa, nữ thần nghề mộc... Thần thoại người Mường có bà Nhân, người có công xếp đặt lại đất đai, trồng ra mọi thứ cây cỏ được kể trong bài ca Đang Vần Va. Thần thoại của người Chăm có nữ thần Pôư Nagar hoặc là Thiên Ya Na (theo cách gọi của người Việt) là nữ thần văn hoá, dạy dân cày cấy được kể trong thần thoại Pôư Nagar. Trong kho tàng thần thoại còn có hình tượng của nhiều thần tổ ngành nghề, các bà chúa... họ ở khắp nơi dạy dân trồng lúa, làm nghề mộc, thuần dưỡng vật nuôi, cây trồng, tìm giống mới, tìm cách làm nhà, tìm nghề mới, v.v...
Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt xưa, hạn hán và bão lụt là những thứ tai hoạ thiên nhiên thường xuyên đe doạ đời sống con người từ thời cổ. Sự kiện này được thể hiện ở nhiều thần thoại các dân tộc với thiên thần thoại Nạn hồng thuỷ ghi lại bóng dáng của một trận lụt lớn. Thần thoại Sơn tinh Thuỷ tinh của người Việt kể về cuộc giao tranh giữa thần Núi (Sơn tinh) và thần Nước (Thủy tinh) là sự phóng đại với trí tưởng tượng hào hùng việc chống lũ lụt hay việc trị thuỷ nói chung để bảo vệ mùa màng và đời sống...
Để bảo vệ địa bàn sinh tụ, đan xen với những cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên là những cuộc đấu tranh xã hội của con người. Thần thoại cũng đã phản ánh cuộc đấu tranh này với sự phóng đại cường điệu đầy tính thần kỳ với hình ảnh của các anh hùng bộ tộc, bộ lạc chống giặc ngoại xâm. Ở thần thoại Việt, thần thoại về thời kỳ Hùng Vương, An Dương Vương (Văn Lang, Âu Lạc) là truyện kể chung, tên gọi chung cho nhiều thế hệ thủ lĩnh, anh hùng văn hoá đã tổ chức ra nhà nước và các cuộc chiến thắng của bộ tộc. Đó cũng là hình tượng người anh hùng làng Dóng giết giặc Ân được kể trong truyện Thánh Dóng, hình tượng Thạch Sanh trong truyện Thạch Sanh (với khá nhiều yếu tố thần thoại lẫn cổ tích) có chiến công diệt yêu quái gần với những chiến công của Lạc Long Quân. Ở thần thoại các dân tộc Tây Nguyên, đó là rất nhiều hình tượng các chàng trai dũng sĩ đã được kể lại trong các sử thi - khan như chàng Đam Noi, anh hùng Đam Dông của dân tộc Bana, chàng Đam Săn, Xing Nhã của dân tộc Êđê, chàng Đăm Duông của dân tộc Xêđăng, chàng Diông của dân tộc Giarai, v.v...
IV. Giá trị và ý nghĩa thẩm mỹ của thần thoại
Thần thoại Việt Nam ra đời từ rất sớm. Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nó là thời kỳ thành lập địa vực cư trú, địa vực quốc gia. Nội dung phong phú nhất của nó là phản ánh một cách hoang đường kỳ vĩ về những hiện tượng vũ trụ, thiên nhiên, về sự hình thành, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Do tính chất truyền miệng và không được ghi chép nên nhiều thần thoại đã không lưu giữ lại được đầy đủ. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu trước nay đã cho thần thoại của dân tộc Việt chỉ là những mảnh vụn bị vỡ ra, những mẩu vụn của thần thoại Việt cổ. Nhưng có lẽ, cho đến lúc này đây, chúng ta nên xem xét kho tàng thần thoại Việt cổ ấy trên cái nền bóng dáng chung của thần thoại các dân tộc ít người để thấy được những đặc trưng, những nội dung lớn của thần thoại Việt Nam.
Trong quá trình lâu dài của lịch sử, thần thoại Việt Nam đã phát triển, từ những mẩu thần thoại phản ánh sự nhận thức từng mặt của con người về vũ trụ thiên nhiên, loài vật,... các dân tộc trong cộng đồng Việt đã có những hệ thống thần thoại lớn như hệ thống truyện Họ Hồng Bàng của người Việt, sử thi mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường, sử thi - khan của các dân tộc Tây Nguyên như Đăm San, Xing Nhã của dân tộc Êđê, v.v... Và khi đất nước ta bị các lực lượng ngoại bang xâm chiếm, bị sự thống trị lâu dài của phong kiến phương Bắc, thần thoại Việt đã bị phân hoá thành các hướng: hoặc bị Hán hoá các thần thoại Việt Mường, hoặc bị phong kiến hoá, bị cắt rời thành những phiên bản rời rạc... Sự tác động xã hội này đã sớm đẩy nhiều thần thoại Việt Nam sang giai đoạn bị truyền thuyết hoá, cổ tích hoá, đặc biệt đã tạo ra nhiều truyền thuyết có tính lịch sử. Có thể tìm thấy rất nhiều trong thần thoại Việt Nam những thần thoại bị lịch sử hoá, truyền thuyết hoá, đặc biệt là trong những truyện về thời kỳ Văn Lang, Âu Lạc của dân tộc Việt như Âu Cơ – Lạc Long Quân, Sơn tinh - Thủy tinh, An Dương Vương, Thánh Dóng... Và bị cổ tích hoá như Thạch Sanh v.v...Ngoài ra ta cũng thấy có thể có những thần thoại về anh hùng văn hoá chinh phục thiên nhiên trở thành cổ tích như Thạch Sanh kể về nhân vật có những chiến tích diệt trừ yêu quái, Mai An Tiêm kể về người có công khai phá vùng ven biển và tìm ra một loại cây ăn quả mới, Chử Đồng Tử kể về người có công tìm ra nơi cư trú mới ở vùng đầm lầy...
Trong thần thoại của các dân tộc Việt Nam, nhiều môtip thần thoại về loài vật như Con Cóc, Con Rùa, Con Rắn được nhào nặn lại, phát triển để trở thành những môtíp của thể loại khác. Thí dụ, ở các dân tộc, con cóc đi từ thần thoại (Cóc kiện trời, Lệnh Trừ) để sang truyện cổ tích (Chàng rể Cóc, Người lấy Cóc). Con Rùa đi từ thần thoại Thần Biển đến truyền thuyết Thần Kim Quy v.v...
Cả hệ thống thần thoại các dân tộc Việt Nam đã đi từ nguyên sơ đến chỗ phát triển cao hơn với dung lượng rộng lớn hơn trong các áng mo, các sử thi - khan với các hình thức diễn xướng dân gian, và qua quá trình giao lưu, tiếp biến, thần thoại đã cùng với các thể loại khác của văn học dân gian làm nên kho tàng văn hoá quý giá của cả dân tộc Việt Nam ta.
Thần thoại Việt Nam đã là nguồn tư liệu quý giá cho tất cả các ngành khoa học xã hội ngày nay. Thần thoại tuy không phải là tài liệu sử học thực sự nhưng vì nó đã phản ánh ít nhiều tình trạng sinh hoạt xã hội loài người trong lịch sử, vì vậy các sử gia phong kiến Việt Nam xưa trong khi viết sử đã tham khảo nhiều ở thần thoại. Việc đặt thần thoại lên đầu quyển sử, làm thành một phần Ngoại kỷ như Ngô Sĩ Liên tuy là “Không chính xác nhưng cũng nói lên một điều là thần thoại đã có cống hiến trong chừng mực nào đó cho lịch sử, là cái bóng của những sự việc lịch sử đời xưa” (Nguyễn Đổng Chi)(15).
Thần thoại còn đặt nền móng cho tôn giáo. Đối với người nguyên thuỷ thì chưa có tôn giáo, mà vạn vật đều hữu linh, thần thoại đã tạo nên tín ngưỡng bái vật giáo nguyên thuỷ, là dây nối giữa vật tổ và thị tộc, thần thoại dần dần đã tô điểm, bổ sung và làm nền móng cho thế giới thần của tôn giáo.
Thần thoại còn là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tác văn học nghệ thuật, mỹ học, hội hoạ, v.v...
Tất cả những điều đó đã khẳng định giá trị mọi mặt của thần thoại Việt Nam nói riêng cũng như thần thoại toàn thế giới nói chung.
IV. Nghệ thuật của thần thoại
1. Kết cấu và cốt truyện
Đối với người đời sau, thần thoại không những có giá trị như là những tài liệu quý cho các khoa dân tộc học, sử học, lịch sử tôn giáo..., mà còn có giá trị thẩm mỹ to lớn, còn hấp dẫn chúng ta bằng những hình tượng nghệ thuật độc đáo vì đã được sản sinh trong “những điều kiện xã hội vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa”.
Đa phần những tác phẩm thần thoại có cốt truyện ở dạng đơn giản, chưa có nhiều chi tiết, thể hiện cách lý giải còn thô sơ rời rạc trong nhận thức về thế giới của con người thời cổ. Ở những cốt truyện này thường có kết cấu: Một thần - một nhân vật - một hành động. Nhân vật thường xuất hiện đột ngột trong cõi hỗn mang, hình dạng khổng lồ, thực hiện công việc của người sáng tạo ra thế giới. Kết cấu này chủ yếu là những thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, thiên nhiên.
Thần thoại còn có dạng truyện mang hình thức một cốt truyện với nhiều chủ đề, kết cấu của truyện là các cốt truyện đơn, song đã có thêm một số tình tiết, biến cố, sự kiện (Truyện về chủ đề Hồng thuỷ xen cài với chủ đề Quả bầu, chủ đề Sáng tạo loài người...).
Hiện tượng phức hợp về chủ đề trong một cốt truyện thần thoại phản ánh sự chứa đựng nhiều lớp văn hoá đã được chồng lấp lên nhau trong quá trình lưu truyền. Điều này tạo ra tính đa nghĩa trong một số thần thoại xuất hiện ở thời điểm muộn như thần thoại Sơn tinh Thủy tinh, Thánh Dóng của người Việt, Lệnh Trừ của người Tày, Pôư Nagar của người Chăm v.v...
Một trong những dạng kết cấu khác của thần thoại, đó là dạng một cốt truyện mang hình thức liên kết của nhiều cốt truyện đơn, làm nên một hệ thần thoại. Hệ thần thoại (mifologie), theo E.M. Mêlêtinxki, chính là tổng thể những câu chuyện về các thần và các nhân vật, đồng thời là hệ thống những quan niệm hoang đường về thế giới. Kết cấu này, nhìn chung là kết cấu của những áng sử thi - thần thoại lớn. Ở những hệ thần thoại này, trong quá trình lưu truyền, các cốt truyện đơn có mối liên hệ móc xích với nhau đồng thời ở mức độ nào đó chúng có tính độc lập tương đối (Hệ thống truyện Họ Hồng Bàng (người Việt), moĐẻ đất đẻ nước (người Mường), Ẳm ẹt luông (người Thái), Báo Luông – Slao Cải (người Tày), sử thi - khan Tây Nguyên v.v...) 
còn nữa
 

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 23 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k