ĐỀ ÔN TẬP HỌC KÌ II_23/2/2021
ĐỀ 1:
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Trong con người ta luôn tồn tại nhiều con người, với những bản thể và tính cách khác nhau, một con người tự tin, dám đương đầu với mọi thử thách khó khăn, một con người sẵn sàng xông pha, nhưng lại có một con người yếu đuối, con người luôn muốn ở trong một góc tối, và mỗi khi đương đầu với thực tại thì nó luôn mang nỗi sợ thất bại, và có những mùa thi ta luôn để con người đó làm chủ chính mình, đôi khi thật tệ nhưng ta chẳng biết phải làm sao! [...]
Cái nỗi sợ thất bại có khi còn lớn hơn mọi thứ, nó làm ta không còn tự tin về bản thân mình, nó làm cho chân ta mỏi trước hành trình vẫn còn dài, và chính nỗi sợ thất bại đó làm ta không đạt được ước mơ của mình. Nỗi sợ thất bại, nỗi sợ của một phần đứa con ẩn giấu trong con người ta, nếu không được chế ngự nó sẽ dần một lớn hơn, quan trọng nhất là sau mỗi thất bại chúng ta có những bài học cho bản thân và không đi lên vết xe đổ, chỉ là như vậy thôi cho những thất bại!”
(Trích Nỗi sợ thất bại - PGS. TS Huỳnh Văn Sơn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, nỗi sợ thất bại đã dẫn đến những hệ lụy như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng: “quan trọng nhất là sau mỗi thất bại chúng ta có những bài học cho bản thân và không đi lên vết xe đổ”? (1,0 điểm)
Câu 4. Anh/chị đồng tình hay không đồng tình với ý kiến “Nỗi sợ thất bại, nỗi sợ của một phần đứa con ẩn giấu trong con người ta, nếu không được chế ngự nó sẽ dần một lớn hơn”? Vì sao? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần ĐỌC HIỂU, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày quan điểm của mình về ý kiến: “Thất bại không phải là sự ngã xuống mà là sự từ chối đứng dậy”.
Câu 2. (5,0 điểm). Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích sau:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
------------------Hết---------------
ĐỀ 2:
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
“ (1) Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề "riêng tư" và "cá nhân". Nhưng không phải vậy. Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Còn nếu bạn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.
Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương. Mỗi người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trong một mối liên kết chặt chẽ. Một nguyên tử bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy. Thế thì bạn có tin rằng sống hạnh phúc chính là đóng góp cho xã hội một cách căn cơ nhất?Bạn có cho rằng sự phát triển và bền vững của quốc gia phải được xây dựng từ mỗi cuộc đời riêng lẻ của từng người dân”
(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ n, NXB Hội nhà văn, 2016, trang 40-41)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo văn bản, sự tác động của cá nhân với mọi người đã được nhắc đến như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (1)? (1,0 điểm)
Câu 4. Từ văn bản trên, anh/chị rút ra được thông điệp gì cho chính bản thân mình? (Trình bày từ 5 đến 7 câu). (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm).
Từ nội dung đoạn trích ở phần ĐỌC HIỂU, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 10 đến 20 dòng) trình bày quan điểm của mình về ý kiến sau: “Khi ta hạnh phúc người bên ta cũng sẽ hạnh phúc”.
Câu 2. (5,0 điểm).
Phân tích mười ba câu thơ đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
(Ngữ văn 11 - tập hai, NXB Giáo dục, 2012. Tr22)
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |