Tại sao công nghiệp hóa tạo vững chắc cho quá trình đô thị hóa?
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Quá trình đô thị hóa là xu thế tất yếu của bất kỳ quốc gia nào do tiến trình của sản xuất xã hội. Lịch sử phát triển của hầu hết các quốc gia văn minh đi trước cho thấy, sự tiến bộ của trình độ sản xuất tỉ lệ thuận với quá trình đô thị hóa nông thôn: vùng nông thôn trở thành các đô thị; người nông dân (sản xuất các sản phẩm nông nghiệp) trở thành người công nhân (sản xuất các sản phẩm công nghiệp).
Tuy nhiên, nông nghiệp, thủ công nghiệp hay công nghiệp hóa là nói về trình độ của sản xuất xã hội mà chưa đề cập đến quan hệ giữa sản xuất và sinh hoạt. Người nông dân sử dụng lương thực là sản phẩm chính trong sinh hoạt và có thể họ chưa, thậm chí là không sử dụng sản phẩm của sản xuất công nghiệp. Nhưng chắc chắn người công nhân không thể “ăn” vải vóc, máy móc để tồn tại. Trái lại, họ sản xuất mọi thứ, nhưng vẫn cần tiêu dùng các sản phẩm lương thực để tồn tại. Trong khi đó, các cây lương thực cần những khu đất đai mầu mỡ hoặc đủ các điều kiện tối thiểu để phát triển.
Như vậy, mọi người bất kỳ làm việc gì và sống ở đâu cũng cần lương thực là sản phẩm của nông nghiệp; hơn 6 tỉ người tồn tại trên trái đất đều cần lương thực, trong khi đất đai vốn chỉ để sản xuất nông nghiệp ở trình độ sản xuất thấp, nhưng khi sản xuất ở trình độ công nghiệp hóa, kéo theo các nhu cầu sống ở trình độ và mức sống cao hơn thì đất đai vừa cần cho sản xuất lương thực, vừa cần để mở mang giao thông, hình thành đô thị, xây cất sân bay bến cảng… Nghĩa là tất cả mọi ngành nghề đều dựa vào đất đai trồng lương thực để tồn tại và phát triển, phục vụ cho nhu cầu khác nhau.
Một xu thế phổ biến, có phần tự nhiên là, trong khi các nền kinh tế cạnh tranh phát triển, tăng trưởng GDP, gia tăng vị thế kinh tế trên trường quốc tế… thì tất cả đều chạy theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các quy trình sản xuất hay gia tăng các sản phẩm dịch vụ và như thế, cả hai quá trình đó đều “tấn công” làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, điều này xảy ra ở tất cả các quốc gia. Quá trình đó làm cho một số quốc gia từ chỗ dồi dào lương thực dẫn đến có nguy cơ hoặc thực sự thiếu lương thực.
Một tương quan tỉ lệ phải chăng là “vô lý” đã và đang hiện diện của quá trình đô thị hóa có tính chất toàn cầu: trình độ sản xuất chung làm cho năng suất lao động cây trồng của thế giới càng cao thì người dân càng thiếu thức ăn, trong khi thành tựu của khoa học, công nghệ đã và đang đạt được thành tựu rất lớn và không ngừng làm tăng năng suất cho sản lượng cây trồng? Tương quan trên là vô lý nếu xét đơn thuần chỉ trong quan hệ giữa thành tựu của khoa học, công nghệ tác động đến sản lượng lương thực. Nhưng tương quan đó chỉ có thể diễn ra trên những cánh đồng, nơi trồng các loại cây lương thực, mà những cánh đồng đó đang ngày càng bị thu hẹp với một tốc độ rất nhanh đối với những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi (các nước phát triển có tốc độ chậm hơn vì quá trình này đã diễn ra từ hàng trăm năm trước). Vấn đề ở chỗ, ngày nay năng suất và sản lượng cây trồng do khoa học và kỹ thuật mang lại không kịp với sự thu hẹp ngày càng nhanh, sự mất đi ngày càng nhiều vùng đất màu mỡ trồng cây lương thực khiến cho tổng giá trị lương thực thu được ngày càng có nguy cơ không đủ cung cấp cho hơn sáu tỷ nhân khẩu. (Dân số thế giới ngày một tăng nhanh cũng là một nguyên nhân của nạn đói do thiếu lương thực).
Với những lý do trên cùng với khái niệm về phát triển bền vững ở các quốc gia và toàn thế giới là khái niệm an toàn lương thực, an ninh lương thực trong phạm vi từng quốc gia và quốc tế, đặc biệt được nhấn mạnh trên các diễn đàn quốc gia và quốc tế. Nếu phát triển bền vững là khái niệm đề cập đến chiến lược toàn diện, toàn cầu, đến sự cẩn trọng khoa học không loại trừ lĩnh vực nào của đời sống kinh tế xã hội, thì khái niệm an ninh lương thực, an toàn lương thực được nhận thức nhằm vào sự cảnh báo các chính phủ và các tổ chức quốc tế về nguy cơ thiếu lương thực và nạn đói có thể “rình rập” ở từng quốc gia và khắp mọi nơi vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân hàng đầu là diện tích đất trồng ngày càng bị thu hẹp vì quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa của sản xuất xã hội.
Mỗi quốc gia có những tác động kinh tế, xã hội chính trị khác nhau dẫn tới tình trạng an ninh lương thực bị đe dọa. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, trình độ thấp của sản xuất xã hội. Nhưng với những chủ trương đúng đắn khuyến khích người nông dân và trách nhiệm của nhà nước được cam kết nên từ một nước thiếu lượng thực cho đến tận những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nay đã trở thành nước xuất khẩu lương thực và nhiều năm đứng ở vị trí nhất, nhì trên thế giới về xuất khẩu lương thực. Đây là thành tựu đáng ghi nhận về sự kết hợp đúng đắn giữa cơ chế, chính sách, sự vận dụng khoa học và công nghệ cùng với sự cố gắng, cần cù của người nông dân và họ đã được đền đáp.
Nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước những thử thách, áp lực không nhỏ ngay từ bên trong tác động trực tiếp đến an ninh lương thực, trước hết là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là kinh tế quốc tế diễn ra cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho diện tích đất trồng ngày càng bị thu hẹp. Điều đó được thể hiện qua mấy quá trình như sau:
Công nghiệp hóa nền kinh tế của đất nước là một quá trình có tính qui luật diễn ra ở mọi quốc gia. Dù nhanh hay chậm (như nước ta), quá trình đó cũng diễn ra việc tổ chức, hình thành các khu sản xuất, nhà máy công trường, kho bãi… Tất cả quá trình đó đều diễn ra ở những nơi đất đai màu mỡ thuộc diện tích cây lương thực (không thể tổ chức sản xuất ở nơi xa nguồn lao động, khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa và sản phẩm do tính toán hiệu quả của sản xuất). Cùng với quá trình công nghiệp hóa sản xuất kéo theo ngày càng nhiều người lao động nông nghiệp từ vùng nông thôn ra khu vực lao động công nghiệp. Từ đó nhu cầu chỗ ở và dịch vụ xuất hiện, các đô thị hình thành và quá trình đó cũng “ăn” vào diện tích đất trồng cây lương thực.
Hội nhập kinh tế quốc tế thực chất cũng là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ nhanh. Với hơn 20 mươi năm đổi mới và hội nhập, hàng ngàn dự án khu công nghiệp đang mọc lên ở hầu hết các địa phương trong cả nước, mà trước hết là ở những thành phố và các địa phương cận đô thị. Một điều dễ nhận thấy rằng rất nhiều dự án, khu công nghiêp đều được chọn đúng vào những khu vực “bờ xôi ruộng mật” của những vùng nông nghiệp trù phú. Ai cũng biết vùng công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc sử dụng vùng đó cho sản xuất lương thực. Tuy vậy với điều kiện của Việt Nam, một quốc gia tỉ lệ kinh tế nông nghiệp còn cao, dân số khu vực nông thôn đang chiếm tỉ lệ áp đảo so với đô thị. Cùng với quá trình đó tính hiệu quả của những khu công nghiệp không phải chỗ nào cũng mang lại hiệu quả cao khiến cho vùng công nghiệp chưa đủ sức “nuôi sống” vùng nông thôn. Thực trạng đó dẫn tới bài toán không dễ gì xử lý ở khu vực nông thôn hiện nay: nhiều khu công nghiệp, dự án sử dụng đất nông nghiệp nhưng khai thác chưa hiệu quả trong khi người nông dân mất nơi sản xuất và cũng chưa thể “trở thành” công nhân do không đủ trình độ và tay nghề (mà họ vẫn phải ăn, mặc, thậm chí nhu cầu còn cao hơn trước). Cùng với quá trình hình thành các cơ sở sản xuất công nghiệp, công nghệ cao là nhu cầu về đô thị hóa đáp ứng nhu cầu về ăn ở cho người lao động.
Sản xuất hàng hóa công nghiệp phải chú ý tới vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu không sẽ để lại hậu quả môi trường không nhỏ ở khu vực nông thôn và những vùng đất đai còn lại. Điều này là hậu quả của việc chưa có đầy đủ luật pháp về môi trường mang tính hệ thống và khả thi cho sản xuất công nghiệp; khi có rồi thì chế tài cho những đơn vị vi phạm cũng chưa triệt để. Không phải ngẫu nhiên hay tất nhiên có sản xuất thì có những “làng ung thư”, những hồ cá chết, những con sông, suối sinh vật không thể sinh sống… Những hậu quả môi trường đó làm cho sản lượng lương thực suy giảm do đất đai bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Hội nhập kinh tế quốc tế kéo theo sự hội nhập các quan hệ “phụ” xuất hiện ngày càng nhiều mà những quan hệ “phụ” này cũng lại lấy đất trồng cây lương thực làm chỗ dựa: đó là các nhà hàng khách sạn sang trọng cần phải có; các sân gôn mọc lên “như nấm” trong những năm gần đây bất kể là tỉnh đồng bằng hay miền núi. Vấn nạn này có thể do sự đầu tư dàn đều từ các dự án kinh tế đến các dự án thể thao và dịch vụ cho tất cả các địa phương. Điều đó sớm muộn cũng dẫn tới khủng hoảng thừa do “cung lớn hơn cầu” .
Vậy một số câu hỏi sau đây thiết nghĩ cần phải đặt ra:
- Sự “xâm thực” đất trồng cây lương thực từ những nguyên nhân phân tích ở trên khi nào thì chấm dứt?
- Việt Nam trong tương lai có thể là một quốc gia công nghiệp và nhập khẩu lương thực; từ đó chúng ta có đóng góp gì cho chiến lược an ninh lương thực phạm vi toàn cầu?
Từ thực trạng trên xin có mấy ý thấy cần đưa ra để cùng nhau tìm giải pháp cho an ninh quốc gia về lương thực.
Trước hết, an ninh lương thực là một khái niệm mới nhưng rất thiết thực với tiến trình xây dựng chiến lược kinh tế xã hội (và ngay sau đó là tác động chính trị) của các quốc gia nói chung và nước ta nói riêng. An ninh lương thực là chỉ sự ổn định vững chắc về cung cấp đủ lương thực cho người dân trong những hoàn cảnh khác nhau tác động tới đời sống xã hội bằng một chiến lược lâu dài có tính quốc gia và có đóng góp vào đời sống quốc tế. An ninh lương thực là “đầu ra” của đời sống xã hội cũng như kết quả kiểm chứng đối với chính sách quốc gia về nông nghiệp. Xét về thể chế, an ninh lương thực bắt đầu bằng chủ trương, định hướng chính trị. Các chủ trương cần được thể chế hóa trước hết bằng những chủ trương và quyết sách của Chính phủ. An ninh lương thực là một trong những tiêu chí quan trọng của một dự án, một giấy phép, một hiệp định nếu muốn được ký kết. Nếu một quốc gia không có một bộ phận người dân đói do thiếu lương thực thì an ninh lương thực mang tính nhân bản chính trị rất cao và là tiêu chí đánh giá uy tín của chính quyền đối với nhân dân (thiết nghĩ tiêu chí đó nước ta cũng không phải là ngoại lệ khi người dân yên tâm rằng Chính phủ không để cho họ thiếu lương thực).
Liên quan đến nguy cơ thiếu lương thực từ quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế, yêu cầu trước hết và tức thời cần giải quyết mấy vấn đề sau:
- Một là, cần có một chiến lược cấp quốc gia do Chính phủ chỉ đạo liên quan đến qui hoạch tổng thể như một điều kiện cần thiết, có cơ sở khoa học bảo đảm một không gian an toàn cho việc sản xuất lương thực ngang tầm chiến lược quốc gia về an ninh lương thực. Lịch sử phát triển của tất cả các dân tộc đến nay cho thấy, bất kỳ một nước phát triển công nghiệp nào cũng kèm theo chiến lược lương thực quốc gia, kể cả những nhà nước hoàn toàn không có diện tích trồng cây lương thực. Đơn giản vì người ta không thể "tiêu dùng" bất cứ thứ gì thay thế lương thực để sống được. Vì thế, vì bất kỳ một lý do nào mà có sự khủng hoảng thiếu lương thực ở đâu đó sẽ ảnh hưởng ngay đến uy tín, thậm chí là sinh mạng chính trị của một chính phủ hay một đảng cầm quyền. Người ta ký rất nhiều hiệp định thương mại và hợp tác và trong đó có những hiệp định song phương hay đa phương liên quan đến an ninh lương thực của các bên đối tác.
- Hai là, những ưu tiên cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá cùng với quá trình đô thị hoá cần có ưu tiên cho các dự án, đề án sử dụng quĩ đất quốc gia không ảnh hưởng tới nguy cơ thu hẹp diện tích cây lương thực, đứng đầu là diện tích trồng lúa nước. Những ưu tiên đó bằng những cam kết ưu đãi cụ thể, có lộ trình, bước đi, giải pháp khả thi và có kiểm tra giám sát.
- Ba là, xây dựng hệ thống chế tài qui định trách nhiệm và hình thức xử phạt đối với những người có trách nhiệm vi phạm quyết định của nhà nước về ổn định quĩ đất cho sản xuất lương thực ở tầm quốc gia.
- Bốn là, thực hiện sớm tổng kiểm tra, kiểm kê quĩ đất hiện tại ở các địa phương, có đánh giá hàng năm về sự biến đổi tự nhiên, thay đổi do ảnh hưởng của kế hoạch kinh tế xã hội cấp quốc gia và cấp địa phương. Bảo đảm an ninh lương thực, ổn định quĩ đất không có nghĩa là "án binh bất động" với mọi kế hoạch kinh tế xã hội, mà là một chiến lược và tầm nhìn quốc gia mang tính tổng thể, tính kế hoạch và hiệu quả của nền kinh tế quốc dân cho hiện tại và tương lai(1).
- Năm là, chiến lược an ninh lương thực là một chiến lược tổng thể liên quan đến đất đai lương thực, vị thế của người nông dân, biến đổi quan hệ kinh tế xã hội và dân sự trong nông thôn. Vì vậy những chương trình dự án tác động trực tiếp tới đất đai, kinh tế nông nghiệp, đời sống dân cư nông thôn cần phải có giải pháp tổng thể và đồng bộ để bảo đảm các dự án phải mang lại lợi ích cho mọi phía: nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Và giải pháp tổng thể như thế nào cần được coi là trách nhiệm bắt buộc của các nhà đầu tư trước chính phủ và nhà nước. Có như vậy mới tránh được các thái cực khác nhau: chỉ biết lợi ích từ một phía hoặc gây phiền hà không đáng có cho các nhà đầu tư; bỏ mặc nông dân bươn trải với món tiền đền bù mà không biết sử dụng ra sao cho đời sống hàng ngày và tương lai lâu dài, hoặc khiếu kiện tự phát từ lợi ích không thỏa đáng từ các bên...
An ninh lương thực, an toàn quĩ đất cho chiến lược an ninh lương thực quốc gia đang thực sự là "quốc sự” trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |