Đền Cửa Ông nằm tại phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần, và cũng là nơi diễn ra Lễ hội đền Cửa Ông hằng năm. Cuối năm 2017, đền Cửa Ông được Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Mục lục
- 1Vị trí
- 2Lịch sử
- 3Kiến trúc
- 4Tượng đài Trần Quốc Tảng
- 5Trong tín ngưỡng thờ Mẫu
- 6Lễ hội
- 7Du lịch
- 8Đọc thêm
- 9Ghi chú
Vị trí[sửa | sửa mã nguồn]
Đền Cửa Ông nằm trên một ngọn đồi cao khoảng 100m, thuộc khu 9A, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền cách trung tâm thành phố Hạ Long 40 km về phía Đông Bắc. Tổng diện tích quy hoạch đền Cửa Ông là 12,125 ha.
Đền Cửa Ông có thế "Tọa sơn hướng hải”, hội tụ được các lợi thế về phong thủy: tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, trước mặt có Minh Đường (vịnh Bái Tử Long), sau lưng có Huyền Vũ (là thung lũng trù phú nơi tụ cư của dân cư đông đúc, xa hơn là dãy núi chạy dài đến Mông Dương làm thế dựa vững chắc)[2].
Đền còn được gọi là Đền Cửa Suốt do vị trí nằm cạnh cửa biển có tên là Cửa Suốt:
“
Cửa Suốt: ở cách châu Tiên Yên 48 dặm về phía tây nam, phía nam là núi đá, phía bắc kề bãi cát, từ đấy đi ngược lên là khe Châu Lâm và bãi cát Cẩm Phả, trên bãi cát có đồn, phía bắc đồn gọi là Vườn Nhãn, xưa nhà Lê dùng chỗ này để đày những tù phạm phải tội lưu cận châu, cách tỉnh 2 ngày đường thủy.”
—
Đại Nam Nhất Thống Chí, Quyển 18 - Tỉnh Quảng Yên[3].
Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]
Trước khi thờ Trần Quốc Tảng, khu vực đền Cửa Ông chỉ có Miếu Hoàng Tiết chế. Khi đó thờ Hoàng Cần, là người địa phương có nhiều công đánh phá giặc cướp, được các triều vua phong "Khâm sai Đông Đạo Tiết chế":
“
Miếu Hoàng Tiết Chế: ở trên bãi cát của Suốt thuộc xã Cẩm Phả, châu Tiên Yên. Tương truyền đời Trần có giặc răng trắng mỏ vàng, lấn cướp bóc dân bãi biển, có Hoàng Cần người xã Hải Lăng tự đem thủ hạ đuổi đánh, tay cầm cọc tre đánh tan được giặc, đuổi đến xã Vô Ngại, cắm cọc tre làm mốc giới, đến nay đốt tre đều mọc ngược. Sau khi chết được tặng Khâm sai Đông đạo tiết chế, người địa phương lập đền thờ. Thuyền bè qua lại cầu đảo thường được linh ứng.”
—
Đại Nam Nhất Thống Chí, Quyển 18 - Tỉnh Quảng Yên[4].
Từ đầu thế kỷ XX, người ta nâng cấp (phá đi xây lại) Miếu Hoàng Tiết chế thành Đền Cửa Ông, từ đó người ta thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng làm thần chủ nơi đây, phối cùng Hoàng Cần và những vị thần khác.[5][6] Có rất nhiều người lầm tưởng Trần Quốc Tảng đã được thờ ở đây từ lâu, nhưng đến tận năm 1887 trở về sau, sách Đồng Khánh địa dư chí vẫn không có ghi chép gì về đền thờ một danh tướng như ông tại khu vực Cẩm Phả, mà chỉ có miếu Hoàng Tiết chế thờ Hoàng Cần.[7] Nhầm lẫn này dường như bắt nguồn từ sách Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích (1744-1818), trong đó tác giả cho rằng Hưng Ninh vương là Trần Quốc Tảng. Trong khi đó An Nam chí lược của Lê Tắc soạn năm 1335 viết rất rõ rằng Hưng Ninh vương Trần Tung (Tuệ Trung Thượng Sĩ) là anh họ của Thế tử (chỉ Trần Thánh Tông),[8] và Trần Quốc Tảng chỉ là anh họ của Trần Nhân Tông, phải gọi Trần Thánh Tông bằng chú. Hưng Ninh vương "lui về sống ở phong ấp Tịnh Bang và đổi tên là hương Vạn Niên”.[9] Đất Tịnh Bang hay An Bang vào đời Trần; An Quảng đời Hậu Lê; trở thành hai tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh vào thời kỳ nhà Nguyễn và hiện nay thuộc tỉnh Quảng Ninh[10]. Lưu ý về mặt địa danh không hoàn toàn chính xác vì việc chia tách các đơn vị hành chính thời phong kiến trải qua rất nhiều lần, có nơi chú thích ấp Tịnh Bang nơi Trần Tung về ở ẩn thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng ngày nay. Tuy vậy có thể xác định Tịnh Bang phải ở gần Yên Tử (đất tu của thiền phái Trúc Lâm), và cũng ở nơi giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng ngày nay. Thị trấn Quảng Yên cũng có cửa Suất (gọi chệch đi thành cửa Suốt), rồi từ cửa Suốt Quảng Yên thành cửa Suốt Cửa Ông, vì Cửa Ông cũng thuộc tỉnh Quảng Yên. Trần Tung bị lẫn sang Trần Quốc Tảng, vì thế mà dân gian nói Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông.[6]
Đền Cửa Ông đã trải qua lịch sử hơn 700 năm, với nhiều cuộc đại trùng tu. Đền Cửa Ông trước đây được xây dựng thành ba khu: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất và lần thứ hai, Đại đội tự vệ Nhà sàng Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông) đã xây dựng hầm chỉ huy và trận địa pháo cao xạ 37 ly trên một quả đồi cao khoảng 35m so với mực nước biển, liền kề đền Hạ. Đền Trung và đền Hạ đã bị máy bay ném bom Mỹ phá hủy hoàn toàn, chỉ đền Thượng là còn tồn tại.[11]. Trong giai đoạn năm 1965 - 1966, đơn vị tự vệ Nhà sàng Cửa Ông đã chiến đấu với không quân Mỹ 11 trận, bắn rơi 17 máy bay Mỹ. Năm 1967, Đại đội tự vệ Nhà sàng Cửa Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.[12]