Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Tám năm 1945 – một sự kiện vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi trọn vẹn, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Thành công của Cách mạng tháng Tám đã để lại nhiều bài học quý báu cho dân tộc Việt Nam. Một trong những bài học đó là bài học về sức mạnh đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại, thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà báo Nguyễn Việt Thanh, nguyên Tổng biên tập Báo Tuyên Quang, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang
Theo nhà báo Nguyễn Việt Thanh, nguyên Tổng biên tập Báo Tuyên Quang, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang – người đã nhiều năm nghiên cứu về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Bác Hồ trong những ngày Người ở Tuyên Quang, vai trò lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ trong cách mạng tháng Tám được thể hiện ở nhiều sự kiện lịch sử. Tháng 5/1945, Bác Hồ rời Cao Bằng về Tuyên Quang, để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Việc rời căn cứ cách mạng từ Cao Bằng về Tuyên Quang thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bởi, trước tình hình mới, căn cứ địa Cao Bằng được xây dựng từ năm 1941 đã hoàn thành sứ mệnh, cần phải chuyển trung tâm chỉ đạo đến nơi thuận lợi hơn. Tuyên Quang là tỉnh nằm trong căn cứ giải phóng (gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) phong trào cách mạng phát triển mạnh, quần chúng giác ngộ cao, địa thế thuận lợi cho cả tiến công và phòng ngự, giao thông thuận lợi, nhất là gần Trung ương mà nhiều đồng chí ủy viên đang ở dưới xuôi… Hội tụ đầy đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà cách mạng đang cần nên Tuyên Quang đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn để đảm nhận sứ mệnh “Thủ đô khu giải phóng”. Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương được chọn là trung tâm Khu giải phóng năm xưa, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội - Tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
Trong tháng 5 và tháng 6/1945, các cuộc khởi nghĩa từng phần liên tục nổ ra. Ở khu giải phóng và một số địa phương, chính quyền nhân dân đã hình thành, tồn tại song song với chính quyền tay sai của phát xít Nhật. Trong khi thế và lực của cách mạng nước ta ngày càng lớn mạnh, tư tưởng và tổ chức cho cuộc tổng khởi nghĩa thì trên bình diện quốc tế, Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, Ý, Nhật. Như vậy, những điều kiện khách quan và chủ quan cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã chín muồi. Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”. Đây không chỉ là biểu lộ quyết tâm sắt đá của dân tộc, mà còn là nhận định phản ảnh sự chuẩn bị lực lượng và thời cơ cách mạng đã chín muồi. Bởi vậy, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và tổ chức Quốc dân Đại hội.
Từ ngày 13-15/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng được tổ chức tại khu rừng Nà Nưa, xã Tân Trào. Hội nghị quyết định chủ trương lịch sử: Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Tiếp sau đó, ngày 16, 17/8/1945, Quốc dân Đại hội - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh; bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quy định Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới. Đại hội biểu thị sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước, biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Lán Nà Nưa, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng 8/1945
Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh và các đảng bộ địa phương, nhân dân ta đã chủ động, sáng tạo,vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Thắng lợi ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định đối với cả nước, làm cho chính quyền tay sai Nhật các nơi bị tê liệt, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các tỉnh và thành phố khác nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Cách mạng tháng Tám thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời – Nhà nước của toàn thể dân tộc Việt Nam; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Từ đây, đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nhà báo Nguyễn Việt Thanh cũng chia sẻ thêm, Cách mạng tháng Tám thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó, nguyên nhân quan trọng có ý nghĩa quyết định là sự chủ động, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp đúng đắn giữa đấu tranh dân tộc với đấu tranh giai cấp, lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, mục tiêu dân tộc với dân chủ, chống đế quốc với phong kiến. Đó là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin về đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và phương pháp, hình thức đấu tranh cách mạng. Thông qua các Hội nghị Trung ương năm: 1939, 1940, 1941, Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12/3/1945), đặc biệt là quyết định của Hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc họp ở Tân Trào tháng 8/1945, đã phát triển hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là logic tất yếu dẫn dắt, quyết định thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Cùng với đó, là sự sáng tạo trong tập hợp, đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường của nhân dân. Hình thức và phương pháp đấu tranh giành chính quyền cũng là nét sáng tạo trong Cách mạng tháng Tám. Trong giai đoạn 1939 – 1945, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xác định con đường khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền, đi từ khởi nghĩa từng phần, giành thắng lợi từng bước, tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn… Cuối cùng, Cách mạng tháng Tám thành công, là do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng trên thế chủ động chiến lược. Phương châm chiến lược kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nắm đúng thời cơ để nổi dậy đã góp phần quyết định vào việc giành được chính quyền. Nếu cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm hơn sẽ bị phát xít Nhật dập tắt; nếu nổ ra muộn hơn – khi quân đồng minh, trong đó có: Anh, Pháp, quân Tưởng vào thì cũng gặp khó khăn. Việc Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam nhân danh là người đứng về phía đồng minh chống phát xít giành được quyền độc lập, đã nói lên tài vận dụng chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nắm đúng thời cơ, nổi dậy kịp thời, giành được chính quyền.