Vượt thác” trích trong tác phẩm “Quê nội” của nhà văn Võ Quảng. Với đoạn trích này, tác giả đã đưa người đọc đến với khung cảnh thiên nhiên vừa hiền hòa vừa hung bạo dọc hai bên dòng sông Thu Bồn. Nhưng nổi bật hơn cả, tác giả để lại ấn tượng sâu sắc nhất là hình ảnh những người lao động nơi đây mà điểm nhấn nằm ở chân dung dượng Hương Thư khỏe mạnh, oai phong trong quá trình vượt thác.
Đoạn trích kể về công cuộc vượt thác đầy nguy hiểm, vất vả mà cũng thật oai phong, hùng dũng của dượng Hương Thư. Để chuẩn bị cho hành trình vượt thác, dượng Hương đã nấu cơm ăn trước cho chắc bụng, những chiếc sào tre bịt đầu sắt đã sẵn sàng. Ngay khi bước vào hành trình, dượng đã ngay lập tức phải đối đầu với con thác lớn, nước to cứ thế chồm lên. Nhà văn đã miêu tả hình ảnh dượng Hương Thư đánh trần phóng chiếc sào đã chuẩn bị xuống nước “nghe tiếng xoạc”, cả người dượng ra sức cản lại thế nước dữ, đến nỗi chiếc sào cũng bị uốn con. Con thuyền thoáng chút sợ hãi trước sức mạnh ghê gớm của thác nước cứ "chực trụt xuống quay đầu lại" . Biện pháp nhân hóa khiến cho cả câu văn trở nên sinh động hẳn lên, không chỉ mô tả sự lo lắng của con thuyền mà đó còn chính là nỗi lo lắng của dượng. Liệu sức người có thể địch nổi lại với sức nước? Chỉ mất vài giây ngắn ngủi, dượng Hương đã lấy lại tư thế làm chủ, đây có lẽ là đoạn văn hay nhất, đẹp nhất để miêu tả về dượng Hương Thư: “Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa, ghì lên ngọn sào như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ” . Chỉ trong một vài câu văn ngắn tác giả đã sử dụng hàng loạt các biện pháp so sánh: nhanh như cắt, như pho tượng đồng đúc, như hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ, mức độ so sánh ngày càng tăng tiến, khẳng định vẻ đẹp của dượng Hương Thư. Dượng Hương mang trong mình vẻ đẹp của sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh chẳng khác nào một người hiệp sĩ vĩ đại đang chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu. Không chỉ vậy, Võ Quảng còn rất tinh tế khi sử dụng ngôn từ với việc sử dụng các động từ mạnh: “thả sào, rút sào, lấn lên, các từ miêu tả nhân vật: cuồn cuộn, cắn chặt, bạnh ra, nảy lửa…” càng chạm khắc rõ nét hơn nữa vẻ đẹp oai phong, lẫm liệt của người kị mã trong quá trình vượt thác. Dượng Hương Thư khi vượt thác khác hẳn với khi ở nhà, lúc nào cũng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng dạ vâng. Bằng kinh nghiệm dày dặn, bằng sức mạnh phi thường dượng Hương Thư và mọi người đã chiến thắng dòng nước dữ, vượt thác thành công. Mặc dù thở không ra hơi nhưng ai cũng sung sướng vứt sào.
Võ Quảng đã vận dụng, kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật. Trước hết là những hình ảnh so sánh sinh động: “như pho tượng đồng đúc, như hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ”. Ngoài ra lớp ngôn ngữ giàu chất tạo hình: “cuồn cuộn, nảy lửa…” sử dụng hệ thống động từ đa dạng phong phú; cùng với đó là việc sử dụng linh hoạt các thành ngữ: “nhanh như cắt”… đã giúp tác giả khắc họa thành công vẻ đẹp rắn rỏi, nhanh nhẹn, gan dạ trong quá trình vượt thác của dượng Hương Thư.
Bằng con mắt quan sát tinh tường, sử dụng linh hoạt ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật Võ Quảng đã xây dựng thành công chân dung dượng Hương Thư - đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của người lao động Việt Nam. Họ có thể nhu mì, hiền lành khi ở nhà nhưng lại là những người anh hùng dũng cảm, nhanh nhẹn, quyết liệt trong cuộc việc, trước mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Qua nhân vật này, tác giả còn thể hiện niềm tự hào, ngợi ca sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên hùng vĩ.