Nước là chất lỏng giúp dập lửa tốt hơn rất nhiều loại chất lỏng khác nhờ vào tính chất hóa học của nó, đặc biệt là nhiệt dung và nhiệt ẩn hóa hơi. Nhiệt dung là chỉ số nhiệt lượng cần để tăng 1 độ K. Nước là một trong những chất tự nhiên có nhiệt dung cao nhất.
Bạn cần đến 4,182 J/kg để có thể tăng nhiệt độ của nước lên 1 độ K. Vì vậy một lượng lớn nhiệt sẽ bị nước hấp thụ khi được phun vào đám cháy để làm tăng nhiệt độ của nó.
Tuy nhiên, hấp thụ nhiệt để tăng nhiệt độ chỉ là một phần trong cơ chế làm mát.
Nhiệt lượng bị hấp thụ khi nước chuyển từ dạng lỏng sang hơi còn lớn hơn rất nhiều so với con số 4,182 J/kg và khiến quá trình làm mát hiệu quả hơn. Khi nước đạt nhiệt độ sôi ở 100 độ C, nhiệt lượng được hấp thụ không còn được dùng để tăng nhiệt độ nữa mà chúng dùng để phá vỡ mối liên kết giữa các phân tử nước.
Nhiệt lượng cần để phá liên kết giữa các phân tử từ đó chuyển từ thể lỏng sang thể khí được gọi là nhiệt ẩn hóa hơi. Nhiệt ẩn hóa hơi của nước rất cao, khoảng 2.260 kJ/kg.
Khi sử dụng nước lạnh, nước cần một thời gian để tăng nhiệt độ đến khi sôi. Khi nước gần đạt nhiệt độ sôi, khoảng thời gian đến khi sôi sẽ ngắn lại. Vì vậy, nhiệt ẩn hóa hơi cao của nước sẽ "tham chiến" sớm hơn khi dùng nước nóng so với nước lạnh, do đó, nhiệt lượng mà nước nóng hấp thụ cũng nhanh hơn. Thêm nữa, việc nước bốc hơi nhanh hơn sẽ giúp tạo ra hàng rào cắt nguồn oxi và nguyên liệu cho đám cháy sớm hơn.
Sự kết hợp giữa khả năng hấp thụ nhiệt lớn hơn khi chuyển thành dạng hơi và tạo thành hàng rào nhanh hơn khiến nước nóng có thể dập tắt đám cháy nhanh hơn so với dùng nước lạnh.