Tam cương ngũ thường là khái niệm đạo đức - xã hội của Nho giáo khi nói về người trong xã hội xưa. Tam cương thể hiện trật tự trong xã hội, thường đi liền với Ngũ thường - 5 đức cơ bản của con người. Cách gọi tắt của Tam cương Ngũ thường là "cương thường" - nền tảng chính trị, đạo đức của chế độ phong kiến. - Tam cương: Quân thần cương, phụ tử cương, phu phụ cương. Đây là ba quan hệ chủ chốt trong xã hội theo quan điểm phong kiến là: Quân-Thần, Phu-Tử, Phu-Phụ. Có nghĩa là các quan hệ: Vua-Tôi, Cha-Con, Vợ-Chồng. Theo đó người trên (vua, cha, chồng) phải thương yêu, chăm sóc và bao dung người dưới (bề tôi, con, vợ), bề dưới phải kính nhường, thương yêu, phục tùng và biết ơn người trên. Cách ứng xử đúng chức năng như vậy làm cho gia đình thuận hòa, êm ấm. Theo Nho giáo, áp dụng cách thức như vậy trong quan hệ xã hội và quan hệ Nhà nước, giữa người cầm quyền với dân cũng tạo ra một cảnh êm ấm thuận hòa. Đó là cách lấy gia đình thuận hòa làm mẫu để xây dựng xã hội thái bình, hòa mục, trật tự và ổn định. Tuy nhiên, trong ba quan hệ này, quan hệ "vua-tôi" là quan trọng và được đề cao nhất, trung quân (lòng trung với vua) cũng là ái quốc (yêu nước). - Ngũ thường là năm điều phải hằng có trong khi ở đời, gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và xuất phát từ Nho giáo của Trung Quốc. + Nhân: Nhân trong ngũ thường là lòng yêu thương đối với vạn vật. + Nghĩa: Nghĩa có nghĩa là phải cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải. + Lễ: Lễ mang tính tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người. + Trí: Trí là sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai. + Tín: Tín là phải giữ đúng lời hứa.