Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), trước khi đem quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ xưng đế đặt niên hiệu là Quang Trung. Phạm vi quản lý của triều đại Quang Trung trong những năm 1789-1792 bao gồm toàn bộ Bắc Hà vào đến đèo Hải Vân. Trên phạm vi đó, triều đại này đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp cải cách tiến bộ.
- Về kinh tế.
Quang Trung ban "chiếu khuyến nông", lệnh cho dân phiêu tán trở về quê khôi phục ruộng đồng bỏ hoang. Những xã nào chứa chấp kẻ trốn tránh đều bị trừng phạt. Sau một thời hạn mà ruộng công còn bỏ hoang thì phải nộp thuế gấp đôi, ruộng tư thì bị sung công... Do đó, chỉ trong vòng 3 năm sau, nông nghiệp được phục hồi. Năm 1791 "mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình.
Đối với công thương nghiệp, Quang Trung khuyến khích đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương trên cơ sở phục hồi và phát triển nông nghiệp. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đó, ngay từ những ngày đầu của chính quyền mới, Quang Trung chủ trương phát triển mọi ngành sản xuất nhằm xây dựng một nền kinh tế phồn vinh, độc lập, tự chủ trong đó có công thương nghiệp.
Chủ trương khuyến khích phát triển công thương nghiệp của Quang Trung được thể hiện ở sắc lệnh "khoan thư" sức dân. Năm 1789, Quang Trung bãi bỏ thuế điền cho nhân dân từ sông Gianh ra Bắc, động viên các tầng lớp nhân dân lao động phấn khởi sản xuất.
Để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá thuận lợi, Quang Trung cho đúc tiền đồng mới (Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo). Đối với nước ngoài, Quang Trung chủ trương mỏ rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh nuộc nhà Thanh phải mở cửa biên giới để buôn bán với nước ta như ải Bình Nhi, Thuỷ Khẩu (Cao Bằng), Hoa Sơn (Lạng Sơn), Du Thôn... Đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, Quang Trung tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với Việt Nam, nhờ vậy, tình hình thương nghiệp (nội thương và ngoại thương) nước ta thời Quang Trung được phục hưng và phát triển. Mô tả Thăng Long bấy giờ, nhà nho Nguyễn Huy Lượng sống dưới thời Tây Sơn viết: "Lò Thạch khối khói tuôn nghi ngút, thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm, lửa đom đóm nhen năm xã gây lò", và "rập rình cuối bãi đuôi nheo, thuyền thương khách hãy nhen buồm bươm bướm" (Phú Tụng Tây Hồ).
Nền ngoại thương nước ta thời Quang Trung khác hẳn với ngoại thương thời Vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn trước đó. Nó xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế và đời sống của nhân dân, từ yêu cầu đẩy mạnh nền kinh tế hàng hoá. Tư tưởng "thông thương" tiến bộ của Quang Trung đã thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại, "mở cửa ải, thông thuơng buôn bán, khiến cho các hàng hoá không ngừng đọng để làm lợi cho dân chúng".
- Về chính trị, quốc phòng.
Sau khi đánh bại 30 vạn quân Thanh xâm lược (1789), Vương triều Quang Trung ra sức xây dựng một chính quyền phong kiến mới tiến bộ với ý thức quản lý đất nước trên một phạm vi rộng lớn dưới một chính quyền trung ương tập trung mạnh. Xuất phát từ nhận thức "Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một tấc đất, tự nghĩ mình tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa", nên trong công cuộc xây dựng chính quyền mới, Quang Trung rất chú trọng "Cầu hiền tài". Đối với những nho sĩ, trí thức, kể cả quan lại trong chính quyền cũ có tài năng, trí tuệ, có nhiệt tình xây dựng đất nước, Quang Trung đều cố gắng thuyết phục và sử dụng họ vào bộ máy nhà nước mới, đặt họ ở những chức vụ cao tương xứng với tài năng của họ. Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, v.v., là những học giả tiêu biểu trong số nho sĩ này.
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền mới và đào tạo quan lại mới, bên cạnh phương thức "tiến cử", "cầu hiền tài" Quang Trung đã ban hành chính sách "khuyến học", mở rộng chế độ học tập, thi cử. Trường học được mở rộng đến các làng xã, cho phép các địa phương sử dụng một số đền chùa không cần thiết làm trường học. Về nội dung, bỏ lối học từ chương khuôn sáo, cải tiến dần theo hướng thiết thực, bắt các nho sinh, sinh đồ ở các triều đại trước phải thi lại. Người nào xếp loại ưu thì mới được công nhận cho đỗ, hạng liệt phải về học lại, còn hạng sinh đồ 8 quan do bỏ tiền ra mua trước đó (thời Lê - Trịnh) đều bị đuổi về chịu lao dịch như dân chúng.